Góp nhặt yêu thương, gieo “ánh sáng” cho đời

GN - Người viết biết đến giọng đọc của chị Nguyễn Hướng Dương (pháp danh Hạnh An) - Giám đốc Thư viện Sách nói cách đây 8 năm thông qua những cuốn băng ôn tập thi tuyển sinh và thư viện sách nói www.sachnoionline.com; về sau có thêm trang web www.sachnoiphatphap.com tình cờ biết được.

1 huong duong.JPG
Phật tử Hạnh An - Nguyễn Hướng Dương đã góp nhặt yêu thương,
gieo "ánh sáng" suốt mấy chục năm - Ảnh: Trần Tiến Dũng


Với tôi, lúc ấy chị là thần tượng vì nghị lực sống của chị thật phi thường. Tai nạn đã lấy đi đôi chân của chị nhưng không vì thế mà chị gục ngã; ngược lại chị phát huy tối đa tài năng của mình, sử dụng giọng đọc, truyền tải, giúp người khiếm thị có thêm kiến thức, tự tin trong học tập, cũng như hòa nhập cộng đồng.

Ngày ấy, tôi chọn cho mình ngành báo đơn giản cũng vì muốn thực hiện những công việc đầy ý nghĩa như chị.

Thấm thoát mà thời gian trôi qua nhanh, Thư viện Sách nói dành cho người mù do chị thành lập và điều hành cũng đã tròn 15 năm. Theo sự phân công của tòa soạn, tôi lại được đến dự buổi kỷ niệm cảm động, được lắng nghe các em khiếm thị, những người thầy thành công trong học tập nhờ “giọng nói” của chị chia sẻ; rồi nghe tâm sự của những người nhờ giọng đọc của chị mà đến gần với Phật pháp, tôi càng khâm phục chị hơn bởi tài khéo léo của chị - khuyết tật nhưng chị có muôn cách gieo “ánh sáng”, góp nhặt yêu thương cho đời.

Từ Thư viện Sách nói cho người khiếm thị…

 “Hình ảnh cuộc sống, những cánh diều, những ngôi nhà, khu vui chơi được các bạn bình thường dễ dàng thấy bằng mắt, còn những người khiếm thị như em chỉ có thể hình dung, cảm nhận qua giọng đọc của cô Hướng Dương. Nếu không có giọng đọc của cô, chúng em sẽ không biết cuộc sống muôn màu muôn vẻ như thế nào, quan trọng hơn là chúng em sẽ không thể có kiến thức, không có sách nói giáo khoa để học như bây giờ. Nhờ sách nói giáo khoa của cô mà những người khiếm thị chúng em có thể theo kịp các bạn sáng mắt, chúng em không hề thua kém các bạn sáng mắt khi học hòa nhập tại các trường dành cho học sinh sáng mắt”, một em học sinh đang theo học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu bày tỏ.

“Tuy bạn không chọn được cho mình một cơ thể vẹn nguyên nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động chọn cho mình cách sống. Cuộc sống dẫu có khắc nghiệt đến mấy, có làm cho con người đau khổ đến mấy cũng không thể ngăn cản con người ta tìm thấy hạnh phúc. Vẫn còn có rất nhiều cách để ta gieo yêu thương cho đời, cho mọi người xung quanh; vấn đề là ta có chịu mở lòng, chấp nhận sự thật và dám đối diện để vượt lên chính mình hay không- Nguyễn Hướng Dương

Ra đời vào năm 1998, sách nói những ngày đầu sản phẩm chỉ là những cuốn băng cassette, đĩa CD và MP3 được đọc thu âm từ các cuốn sách in, ngày hôm nay đã phát triển thêm sách nói online.

Sau 15 năm hoạt động, thư viện đã đọc thu âm được trên 1.300 tựa sách in với hơn 270.000 băng cassette và đĩa CD, MP3 phục vụ miễn phí cho người mù trong cả nước. Thư viện Sách nói cũng trở thành cầu nối, giúp cho 152 người khiếm thị thi đậu vào trường đại học, cao đẳng. Hiện nay đã có 92 bạn khiếm thị tốt nghiệp đại học, 1 bạn đang học cao học và 2 bạn tốt nghiệp thạc sĩ.

Khi nghe Thạc sĩ Nguyễn Văn Long, người khiếm thị thành công trong học tập, cuộc sống nhờ sách nói, chia sẻ: “Với việc xuất bản hàng nghìn đầu sách nói từ sách văn học, khoa học đến sách giáo khoa các cấp, giáo trình đại học, hỗ trợ hàng nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên khiếm thị, có thể nói Thư viện Sách nói là người bạn đồng hành của người khiếm thị trên con đường học vấn”.

Chúng tôi biết rằng, để làm được những điều này, chị Hướng Dương và các cộng sự của mình phải vượt qua nhiều thử thách khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính, nhân sự.

Tuy nhiên, “đối diện với nhiều vấn đề cần phải lo, nhất là khi Thư viện Sách nói chưa có trụ sở cố định lâu dài, phải dọn đi hết chỗ này đến chỗ khác; hàng tuần phải đi vận động tài trợ khắp nơi nhưng dường như, chị vẫn không quên hay bỏ sót lịch thu âm đã ghi trong thời khóa biểu”, một cộng sự của chị nói về chị.

… đến sách nói Phật pháp cho cộng đồng

Ngoài Thư viện Sách nói, truyền tải kiến thức phổ thông, xã hội đến với các em khiếm thị, chị còn mở thêm sách nói Phật pháp (website: www.sachnoiphatphap.com) với tâm nguyện của một người Phật tử: “Những ai chưa có cơ hội đọc sách về Phật giáo thì có thể nghe Hướng Dương đọc. Những bạn khiếm thị sẽ có cơ hội tiếp xúc với Phật pháp thông qua những quyển kinh, sách mà Hướng Dương chọn đọc. Lắng nghe bài học về nhân quả hay những phương pháp tìm thấy hạnh phúc như lời Đức Phật dạy là một trong những liệu pháp hữu hiệu để tạo niềm tin cho bản thân, để ta thấy cuộc đời vẫn đẹp biết bao nếu ta chịu mở lòng, chịu xây dựng. Lúc Hướng Dương bị tai nạn, cái rủi đã lấy đi đôi chân của Hướng Dương, chính Phật pháp đã cứu đời Hướng Dương nên Hướng Dương tâm nguyện sẽ phụng sự Phật pháp và con người đến cuối cuộc đời”.

1Huong duong 1.jpg
Chị Nguyễn Hướng Dương tham gia chia sẻ
trong chương trình Phật pháp nhiệm màu ở chùa Hoằng Pháp - Ảnh: H.P

Tiếp xúc với chị, lắng nghe những chia sẻ từ trái tim của chị, tôi hiểu vì sao chị theo đuổi quyết tâm gieo ánh sáng cho người khiếm thị thông qua giọng nói của mình.“Tại sao mình có giọng nói, mình sáng mắt lại không đọc những tác phẩm văn học, những quyển sách hay, sách giáo khoa, những điều Phật dạy nhiệm mầu cho các em khiếm thị biết. Trong khi đó, mỗi khi nghe ai đó nói về kiến thức xã hội, những mẩu chuyện, giai thoại Phật pháp chứa đựng phép mầu, các em rất thích nghe. Những kiến thức đã có sẵn trên sách, trên kinh điển, mình chỉ cần bỏ thời gian đọc, thu âm cho các em nghe là giúp cho các em rất nhiều ”, câu hỏi và cũng chính là câu trả lời từ chị đã cho tôi hiểu hơn về quan niệm sống của người phụ nữ mang tên Hướng Dương này.

Đã từ lâu, những cộng sự của chị, không ai còn lạ gì với việc chị thường xuyên chạy đua cùng thời gian để hàng ngày cho ra đời những giai thoại, đề tài mới. Những ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, chị dốc sức cho Thư viện Sách nói, còn các ngày nghỉ lễ, thứ Bảy, Chủ nhật thì thu âm sách nói Phật pháp tại nhà.

Tại nhà, chị sử dụng một máy vi tính kết nối với một sound card  thu âm. Chị làm việc một mình, vừa đọc vừa tự điều khiển máy. Sau khi ra CD Master, chị đem đi copy thành nhiều bản để cúng dường các chùa. “Nghe hết pháp âm này, người ta lại trông chờ, đón nhận pháp âm tiếp theo. Một đầu sách mình phải chia thành nhiều pháp âm để người nghe tiện theo dõi và cho ra sản phẩm liên tục để người nghe không bị gián đoạn”, đó cũng chính là lý do vì sao chị hiếm có thời gian rảnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên website: www.sachnoiphatphap.com, chị đã cho ra đời hơn 200 đầu sách Phật pháp, với 2.300 pháp âm, 165 album thuộc tất cả các thể loại. Hàng ngày có khoảng 2 đến 3 trăm người vào nghe, tải về máy. Chính những đóng góp miệt mài, tận tâm tận lực và hết sức mình trong suốt thời gian qua cho cộng đồng, chị là người duy nhất được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam vinh danh danh hiệu “Người đọc sách nói Phật giáo nhiều nhất” vào năm 2013.

 “Tuy bạn không chọn được cho mình một cơ thể vẹn nguyên nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động chọn cho mình cách sống. Cuộc sống dẫu có khắc nghiệt đến mấy, có làm cho con người đau khổ đến mấy cũng không thể ngăn cản con người ta tìm thấy hạnh phúc. Vẫn còn có rất nhiều cách để ta gieo yêu thương cho đời, cho mọi người xung quanh; vấn đề là ta có chịu mở lòng, chấp nhận sự thật và dám đối diện để vượt lên chính mình hay không”. Nghị lực, tư tưởng, lý tưởng sống và những gì mà chị Hướng Dương thực hiện được suốt 15 năm qua, phải chăng là bằng chứng cụ thể nhất chứng minh cho triết lý trên.

Trò chuyện với người viết, chị Hướng Dương bày tỏ nguyện vọng: “Có một trụ sở ổn định lâu dài, không phải nay đây mai đó. Quỹ Từ thiện sách nói quyết tâm xây dựng mới ngôi nhà mà lãnh đạo thành phố cấp để có trụ sở đủ điều kiện của việc thực hiện “sách nói”, nhằm đem lại ánh sáng tri thức, văn hóa, ánh sáng niềm tin và hạnh phúc cho người mù cả nước”.

Trong điều kiện hiện tại, tôi gọi đó là ước mơ, vì không phải là chuyện dễ dàng, nhưng chị lại bảo đó là mục tiêu.

“Nếu là ước mơ, có khi người ta không thực hiện được, còn là mục tiêu thì đó là mốc để người ta phấn đấu. Tôi sẽ phấn đấu cả đời để đem lại những gì tốt đẹp nhất cho người khiếm thị; cố gắng tạo mọi điều kiện từ sách nói phổ thông, sách nói kỹ năng sống, học bổng…, để các em có điều kiện tiếp cận với kiến thức, với trường lớp nhiều hơn nữa; để các em cảm thấy mình không bị thiệt thòi, dù cơ thể có bị khuyết tật”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày