“Góp phần tạo nguồn năng lượng sạch cho xã hội”

GN - TT.Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng TƯGH, phó trụ trì chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam) chia sẻ với báo Giác Ngộ: “Có nhiều người đã hỏi tôi: Tại sao khóa tu mùa hè ở các chùa lại trở thành 'địa chỉ đỏ' của các em học sinh, sinh viên trong mỗi kỳ nghỉ hè? Câu trả lời đơn giản là, vì khóa tu mùa hè không chỉ là nơi 'kết nối yêu thương', 'khai nguồn tuệ giác', mà còn là nơi 'cung cấp nguồn năng lượng sạch và tích cực' cho xã hội”.

1. TT. Thích Minh Quang truyền đăng cho khóa sinh của Khóa tu VỀ NGUỒN - chùa Tam Chúc - lần thứ 1 năm 2019 - Ảnh Vũ Thái.jpg
TT.Thích Minh Quang truyền đăng cho các khóa sinh
của khóa tu "Về nguồn" lần thứ 1 tại chùa Tam Chúc - Ảnh: Vũ Thái

Thầy tiếp tục chia sẻ quyết tâm mở các khóa tu mùa hè từ vai trò người tổ chức:

- Về với khóa tu mùa hè, các em được sự che chở và gia hộ của Đức Phật; sự đùm bọc, yêu thương và chia ngọt sẻ bùi của quý thầy, của các huynh trưởng và các bác làm công quả. Bên cạnh đó, các em còn được vui chơi, giao lưu, kết bạn với những người bạn mới đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Có thể nói, tình yêu thương rộng lớn, tình yêu thương thực sự, tình yêu thương vô tư mới có thể kết nối được tâm thức của mọi người.

Đúng là: “Mỗi người mỗi nước mỗi non, đến cửa nhà Phật là con một nhà”. Các em về với khóa tu, Ban Tổ chức không hỏi các em là con nhà ai, gia cảnh như thế nào - mà Ban Tổ chức chỉ hỏi các em: Họ tên - địa chỉ - số điện thoại để liên lạc. Vì đến với cửa Phật, các em đều bình đẳng như nhau, như người một nhà. 

Để tổ chức một khóa tu như khóa tu 7 ngày, với gần 1.500 khóa sinh và như khóa tu “Về nguồn” trong 2 năm qua tại chùa Bái Đính và khóa đầu tiên trong năm 2019 tại chùa Tam Chúc - vốn không hề đơn giản. Bên cạnh các em khóa sinh, còn là gần 500 quý vị Phật tử ở khắp mọi nơi đều tạm gác công việc riêng, về đây làm tình nguyện viên cùng các cô bác công quả, giúp đỡ cho các em trong suốt thời gian diễn ra khóa tu. Chỉ có tình yêu thương rộng lớn, vô tư mới làm được những việc vĩ đại như vậy.

Tôi rất cảm động khi trong những người về đây làm công quả cho khóa tu - có những người là tổng giám đốc, có người làm chủ của những doanh nghiệp lớn. Họ về đây, tự nguyện và hoan hỷ, xin đeo một chiếc thẻ phục vụ, mặc một chiếc áo phục vụ. Tất cả đều vì con em của chúng ta - tương lai của đất nước.

* Ở khóa tu, các bạn sẽ học được những gì, thưa Thượng tọa?

- Về với khóa tu mùa hè, các em được quý thầy hướng dẫn thực tập cách tĩnh tâm để khai mở nguồn tuệ giác, đồng thời còn giảng giải cặn kẽ cho các em về đạo đức, như: Không sát nhân hại vật, không gian tham trộm cắp, không quan hệ bất chính, không nói dối lừa gạt, không say sưa nghiện ngập. Bên cạnh đó, các em sẽ được học các uy nghi phép tắc, như: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói..., cùng những lối sống như: tích cực, lạc quan, hướng thiện, hiểu biết, yêu thương và có trách nhiệm.

 Khóa tu mùa hè chính là nơi thực tập các thói quen sống đạo đức, tích cực và những việc làm hữu ích.

Cuộc sống cần phải trải nghiệm. Chỉ có sự trải nghiệm mới giúp mỗi chúng ta trưởng thành hơn từng ngày, nhất là với các bạn trẻ. Sự trải nghiệm phù hợp và tích cực sẽ mang đến nguồn năng lượng, tư duy tích cực, trưởng dưỡng những hạt mầm thiện lành trong mảnh vườn tâm hồn của các em.

Khóa tu tại chùa Bái Đính và Tam Chúc thường diễn ra trong thời gian 7 ngày. Cần có 7 ngày ăn chay, 7 ngày tự giặt quần áo, 7 ngày dậy sớm và tự giác quản trị thời gian của mình để hòa nhập với tập thể, với lịch sinh hoạt chung - các em mới dần có ý thức sống  tự lập. Và khi đó, các em sẽ thấy rõ hơn nữa niềm hạnh phúc lớn lao khi có gia đình, có bố mẹ chăm sóc, yêu thương. Thấy những người thiếu thốn, nghèo khổ xung quanh cần được chia sẻ như thế nào... Và khóa tu sẽ mang đến cho các em sự chủ động hòa nhập, không phân biệt, cùng rất nhiều cách ửng xử, hành vi đẹp.

* Là người gắn với các hoạt động của người trẻ nhiều năm, đặc biệt trong việc tổ chức khóa tu mùa hè, Thượng tọa có chia sẻ, góp ý gì không?

- Từ trước đến nay, phần đông mọi người thường cho rằng: Tu là việc của các thầy chùa, không phải là của những người thế tục. Nhưng thực ra - tu có nghĩa là sửa.

Mỗi chúng ta hàng ngày, sáng thức dậy hoặc trước khi đi ngủ đều nghĩ xem: Hôm nay mình làm gì, hôm nay mình nghĩ gì? Cho nên việc tu là việc của tất cả mọi người. Ngôi chùa không chỉ là nơi cho chúng ta đến tham quan, vãn cảnh, chiêm bái, cầu nguyện mà còn là nơi tu dưỡng đạo đức, tu sửa thân tâm, làm những điều lành, tránh những điều dữ. Và bởi thế, mái chùa cũng là nơi để mỗi chúng ta học tập: sửa hành vi, sửa lời nói, sửa ý nghĩ của mình.

Một cái xe đạp, xe máy, ô tô hỏng, chúng ta vội vàng đi sửa lại. Nhưng thân, tâm chúng ta hỏng, miệng chúng ta thường hay nói những điều xấu, làm việc xấu, nghĩ điều xấu thì chúng ta lại không chịu sửa. Chính vì thế về với khóa tu là để tu sửa chính mình. Và việc tổ chức khóa tu mùa hè cũng là đóng góp thiết thực trong việc trồng người của xã hội, đất nước.

Lương Đình Khoa thực hiện


* Mời bạn đọc xem thêm chuyên đề Khóa tu mùa hè: Trải nghiệm an lành chốn Thiền môn trên Giác Ngộ số 1004, ra ngày 21-6-2019.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày