Gửi lại phía bình minh…

0:00 / 0:00
0:00
GNO - 7g30 sáng nay (6-2-2021) , đang ngồi cà phê với người bạn thì nhận được điện thoại của Hoàng Diễm, Thư ký tòa soạn báo Quảng Nam: Chú Tường Linh vừa qua đời, giữa đêm hôm trước.

Dẫu biết sẽ nhận được tin này vào một lúc nào đó (năm nay, anh đã 91 tuổi), vẫn thấy bất ngờ, như tâm trạng của bất cứ người nào khi nghe tin báo về sự ra đi của người thân. Và những kỷ niệm hiện về.

*

Lần đầu tiên biết tên anh là vào năm 1962, khi đọc hai bài thơ: “Nhắn hoàng thành có người Tôn nữ” (1959) và “Ngọn đèn” (1958). Vậy mà gần 30 năm sau mới được gặp anh, ở quận Bình Thạnh. Năm 1998, anh không có chỗ ở, phải dời ra Văn Thánh, giữa độ tuổi 70, giữa chốn “Tiếng ếch nhái vẳng từng hồi khoan nhặt / Tiếng của thời xa vắng ngỡ trong mơ”: Sau đó, căn nhà mới anh dọn về ở, một ngày cận Tết năm 2001 có diện tích 2,5m X 8,3m, nơi mà “phòng khách liên thông với bếp nhà / Bình hoa đối cảnh với bình ga”…

Tôi không muốn kể thêm, về nhiều kỷ niệm với anh và chị Tường Linh, vì có lẽ… không nên như thế. Thơ anh đi vào lòng người sâu rộng như thế nào, thì cũng đã có nhiều người nói và viết rồi: hơn 70 năm sống chỉ biết có thơ và bằng hữu, thì có biết bao nhiêu là chuyện cảm động và đáng nhớ.

Đông đảo người đọc ở Quảng Nam và Khu Năm dường như cùng thống nhất khi cho rằng, đặc điểm nổi trội trong thơ Tường Linh là tình yêu quê hương, quê hương Việt Nam và quê nhà xứ Quảng. Đó là hình ảnh về những con người -những cuộc đời cùng những phong tục và sinh hoạt truyền thống ở chốn làng quê Việt mà trước tiên, có lẽ từ những phương ngữ, những địa danh:

Sông Thu chẳng thiếu đò đưa

Bùi khoai Tiên Đỏa, mát dừa Kiến Tân

Quế Sơn núi liếp mấy tầng

Thương bòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My…

Hoặc là:

Quê hương tôi bên ni đèo Hải

Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại

Già nua nếp phố Hội An…

Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển

Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô.

Và nhiều hơn nữa… Cả những bài thơ được viết trong suốt những năm dài xa xứ, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.

Về phía “giới chuyên nghiệp”, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt nhìn thấy “...nỗi buồn trong thơ anh không là nỗi buồn bi đát của thanh niên hôm nay mà là nỗi buồn thăm thẳm của quê hương, nỗi buồn đó là nguồn sống của dân tộc chúng ta cần phải có. ” (Thi ca Việt Nam hiện đại). Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ thì cho rằng: “... Thơ Tường Linh ra đi từ gốc rạ, để cuối cùng quay về lại với gốc rạ, trở thành máu thịt của quê hương”. Tuyển chọn thơ cho công trình biên soạn của mình, năm 1986, nhà văn Võ Phiến than thở: “Chọn thơ Tường Linh quả khó, chọn bài này e mất lòng bài kia”. Và trong bộ sách đồ sộ Văn học miền Nam nơi miền đất mới (2006), nhà biên khảo Nguyễn Q. Thắng cũng có cùng nhận xét: “... Thơ Tường Linh, phần lớn, bài nào cũng như bài nào, tuyển nhiều càng tốt, không bài nào đáng bỏ...”. GS.TS Huỳnh Như Phương thì gọi ông là “con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng”; và đã rất chính xác khi cho rằng, “phong vị cổ điển trong thơ Tường Linh còn thể hiện ở chỗ dường như nhà thơ làm nhòa đi hình ảnh chính mình mặc dù những điều ông nói đều bắt nguồn từ gan ruột. Phải chăng ông nghĩ rằng những “gió dập sóng nhồi” của cuộc đời ông có thấm gì so với những chìm nổi của đất nước quê hương…”

Thật khó có thể “bao quát” về cả một đời thơ đối với những nhà thơ đã định danh với giọng điệu riêng và với cả ngàn bài thơ. Riêng trong cảm nhận của bản thân, thì những địa danh trong thơ Tường Linh, đầu tiên trong chức năng miêu tả-ghi nhận, là cái cớ, cái gợi. Từ ký ức, không gian trong thơ T.L được làm nên bởi mối sầu “cố quận”:

Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm

Nhiều hoa gạo đỏ nở bên song

Tháng giêng có tiếng chim tu hú

Khung biếc trời mai én lượn vòng.

Rồi, như quy luật vận động nội tại trong sáng tạo thơ, tình cảm riêng tây biến thành không gian văn hóa của chốn làng quê Việt qua hình ảnh những cổng làng buồn (Cổng làng), bờ lau nắng sáng (Lý qua cầu); và những lũy tre, sợi khói chiều, ngọn đèn xóm vạn, những ao nước, chuyến đò ngang, vườn cải hoa vàng… Nhưng quê hương của T.L không chỉ là vùng đất nằm từ đèo Hải Vân đến Dốc Sỏi. Những năm tháng lưu lạc được ghi lại trong phần II của tập Thơ tuyển dưới tiêu đề chung: “Chim bay bể Bắc” qua các bài thơ như Qua cầu Thạch Hãn, Nhắn hoàng thành có người Tôn nữ, Mai giã từ Đà Lạt, Phượng Huế… Rồi suốt mấy mươi năm sống dưới bầu trời phương Nam, quê hương trong anh đã trở thành nỗi thao thức không nguôi, với những Chiều gió Tân Qui, Qua phà sông Hậu, Đêm Văn Thánh bắc

Xa hơn nữa, qua một tầng nghĩa khác của tâm thức thi sĩ, những vùng đất-những tên người ấy còn là chiếc cầu nối để dẫn đến những ý niệm sâu xa hơn về Thời Gian và chốn Quê Chung nào đó.

Bởi vì, vận động của dòng tâm thức nơi sâu thẳm của thi sĩ đã hướng đến những suy niệm tâm linh:

Giữa bao mắt đời nghiệt ngã nhìn ta

Ta mừng gặp còn nhiều đôi mắt Phật

Như đôi mắt của những người chân đất

Gặt lúa đồng mỗi hạt sánh kim cương (Tạ ơn những đôi mắt).

Bởi vì, trong bài hành độc vận Khúc ca qui ẩn (như bài thơ từ giã một đời thơ, viết vào Tết Tân Tỵ 2001), anh đã “nhìn thấy”:

Gẫm bao chí lớn trong thiên hạ

Chẳng được còn xanh với cỏ cây

Thì ta một chấm nhân sinh nhỏ

Mong mỏi gì hơn ở kiếp này.

Bởi vì, cõi Quê Chung ấy, là nơi mà anh đã tiên cảm, trong bài thơ ở cuối tập Thơ Tường Linh gồm 396 bài, mà tôi là người được anh giao phó việc ấn loát, từ mười năm trước:

Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn

Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình

Đi tay trắng thì trở về tay trắng

Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

*

Anh Tường Linh ơi,

Ở xa, em không đến viếng anh được. Mà, xa và gần nào có nghĩa lý gì đâu? Xa và gần, chỉ là một khái niệm đã lạc hậu rồi, nhìn theo góc độ của vật lý học hiện đại: Không gian và thời gian là không có thật.

Và trong em, hiện lên “phía bình minh” ấy, nơi những giá trị giả sẽ phai tàn, để Thơ sẽ hiện ra như Sự Cứu Rỗi.

Nguyễn Đông Nhật

10 giờ, ngày 25 tháng Chạp Canh Tý

Nhà thơ Tường Linh

Nhà thơ Tường Linh

Nhà thơ Tường Linh có tên khai sinh Nguyễn Linh, sinh ngày 12.12.1931 (tuổi thật năm Canh Ngọ - 1930) tại làng Trung Phước, huyện Quế Sơn (nay là Quế Trung, Nông Sơn).

Bắt đầu đời thơ lúc 17 tuổi và được nhiều người biết đến qua bài thơ “Chị Điện Hòa” (viết năm 1950) mà tác giả đã đi bộ-đi nhờ các phương tiện, từ Quảng Nam vào tận Bình Sơn (Bình Định) để nhận giải thưởng. Người phát giải, là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã hỏi: Tác giả Tường Linh bận việc hay đau ốm, mà cử cháu đi nhận thay? Một bài thơ nổi tiếng khác của T.L vào thập niên 50-60 là “Năm cụm núi Ngũ Hành”.

Anh xa quê từ năm 1954, ra sống ở Huế, Quảng Trị. Đến năm 1956 thì vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Tường Linh thuộc thế hệ các văn nhân Quảng Nam có mặt trong làng văn vào những năm cuối của giai đoạn 1945-1954 như Giáo sư Huỳnh Lý, Giáo sư Hoàng Châu Ký, và các nhà thơ Bùi Giáng, Tạ Ký…

Thơ đã xuất bản: - Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản tại Tam Kỳ, 1950) - Mùa đi (in thạch bản tại Bồng Sơn, 1953) - Mùa hoa cải (in tại Huế, 1955) - Mây cố quận (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1962) - Nghìn khuya (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1965) - Thu ơi từ đó (NXB Tao Đàn, Sài Gòn, 1972) - Giọt cổ cầm (NXB Đà Nẵng, 1998) - Về hỏi lại (NXB Đà Nẵng, 2001) - Thơ Tường Linh tuyển tập (NXB Văn học, 2011).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày