Giác Ngộ - Cụ Nguyễn Du có nói: “Nhẹ như bấc, nặng như chì. Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên”. Trong cuộc sống có những câu chuyện đã kể xong mà ý nghĩa của nó thì không bao giờ dừng lại. Dừng lại là sẽ “hết duyên”. Những ngày đầu xuân, xin được gửi đến độc giả hai câu chuyện văn hóa. Đọc xong, độc giả có thể thấy ra sự “nặng”, “nhẹ” khác nhau. Âu cũng… tùy duyên vậy!
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cúng hoa trước tượng Phật ở chùa Vàng - Ảnh: Reuter
Câu chuyện thứ nhất
Gần đây, trong chuyến thăm lịch sử tới Myanmar, bà Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đến viếng chùa Shwedagon (chùa Vàng), theo mỹ tục của đất nước này, bà đã tháo giày cao gót đi chân trần như bao người khi đến đây chiêm bái, và sau đó còn tự tay dâng hoa và múc nước tắm Phật. Việc bà Hillary Clinton chọn ngôi chùa được xem là linh thiêng nhất của Myanmar để viếng thăm đã thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước. Có người gọi sự kiện này là “ngôn ngữ chân trần”.
Ngoại giao không đơn thuần chỉ là chính trị mà còn là văn hóa. Ngoại giao văn hóa trong hoàn cảnh nào đó còn có tác dụng lớn trong việc tìm đến tiếng nói chung giữa hai quốc gia. Chuyện “nhập gia tùy tục” không chỉ là một thủ tục ngoại giao mà còn cho thấy “đẳng cấp” văn hóa trong chính sách đối ngoại của một quốc gia. Ngoại giao văn hóa còn nhằm lột tả những gì là tinh túy, thiêng liêng, đáng trân trọng nhất trong tâm hồn, cốt cách của một dân tộc. Nhiều khi cái chỗ ít ngôn từ nhất lại là chỗ để gác sang bên những bất đồng quan điểm, để nói những chuyện con người với nhau một cách chân thành hơn.
Cho đến nay, quan niệm “văn hóa trung tâm” đã tỏ ra lỗi thời. Bởi người ta dễ dàng nhận thấy thế giới không có một lý thuyết duy nhất đúng. Rồi đây, trong ngoại giao văn hóa, người ta sẽ ít phải nói về những cuộc “đụng độ Đông - Tây”, vì chắc chắn kỳ thị văn hóa, sắc tộc, tôn giáo là kỳ thị kém văn minh nhất. Văn hóa đế quốc, văn hoá thực dân, văn minh khai hóa với đại bác, tàu chiến đi cùng đã tiêu hủy không biết bao nhiêu di sản văn hóa của nhân loại. Một người sống trong truyền thống Ki-tô như bà Hillary Clinton chắc sẽ hiểu hơn ai hết về điều này. Thế giới là một sự tương quan và nó cần một hành xử đúng mực, có trách nhiệm đối với các giá trị văn hóa.
Ngoại trưởng Hillary Clinton chân trần viếng thăm chùa vào đúng thời điểm Myanmar vừa quyết định ngừng xây dựng đập thủy điện Myitsone, một dự án trị giá 3,6 tỉ USD ở bang Kachin. Myanmar có một quyết định dũng cảm khi đã biết lắng nghe tiếng nói phản biện của nhân dân về những tác hại nghiêm trọng đối với môi trường và văn hóa mà dự án này có thể gây ra.
Dân tộc nào mà chẳng có những chỗ thiêng liêng yêu cầu mọi người phải tôn trọng. Khoan nói về thành công trong ngoại giao, trong lĩnh vực văn hóa ứng xử đời thường, đôi chân trần của bà Hillary Clinton đã chiếm được tình cảm của người dân bản địa. Giá trị văn hóa cũng đồng thời bao hàm giá trị của nhân quyền. Không có văn hóa thì xin đừng bàn về nhân quyền. Dư luận khen ngợi bà Ngoại trưởng, khi bà bỏ dép ra đi chân trần viếng chùa, bà đã không hề thấp chút nào. Bởi khi ai đó biết tôn vinh văn hóa thì văn hóa sẽ tôn vinh họ.
Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ chân trần viếng chùa - Ảnh: Reuter
Câu chuyện thứ hai
Vào đầu tháng 12, trên mạng internet xuất hiện một bài viết có cái tít khá “câu khách”: “Ấn Độ giỏi võ Phật”. Bài viết nói về việc Ấn Độ tổ chức “Đại hội Phật giáo Toàn cầu lần thứ nhất” (First Global Buddhist Congregation), với khoảng 800 đại biểu của gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tác giả đã gợi cho người đọc một cách nhìn khác về sự kiện này.
Đức Pháp chủ GHPGVN - Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ cũng đã dẫn đầu phái đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam sang Bồ Đề Đạo Tràng lễ Phật, vì tang lễ của một vị giáo phẩm cao cấp trong nước, Đức Pháp chủ đã không dự lễ khai mạc như dự tính mà cử một đoàn giáo phẩm ở lại tham dự Đại hội này.
Vì lý do ngoại giao, Tổng thống và Thủ tướng Ấn Độ vào giờ chót đã không đến dự như thông tin ban đầu truyền đi từ Ban Tổ chức của sự kiện văn hóa - tôn giáo quốc tế được Chính phủ Ấn Độ bảo trợ này.
Việc tổ chức thành công sự kiện trên, có ý kiến cho rằng Ấn Độ đã nắm được ngọn cờ văn hóa Phật giáo toàn cầu. Nhưng Ấn Độ có thực sự nắm trong tay ngọn cờ văn hóa Phật giáo hay không, thì phải nhìn vào chính sách của họ trong những năm tiếp theo đối với Phật giáo, vì hiện nay Phật giáo chỉ là một tôn giáo thiểu số ở chính quê hương đã sản sinh ra Phật giáo, quê hương của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Từ khi Liên Hiệp Quốc tôn vinh Đức Phật và giáo lý hòa bình của Ngài bằng việc hàng năm tổ chức ngày lễ Tam hợp (Vesak), cũng như nhiều quốc gia mà Phật giáo ảnh hưởng sâu sắc vào nền văn hóa, Ấn Độ dường như có sự gần gũi với thế giới hơn qua văn hóa, bởi lẽ đó là nguồn cội tôn giáo, tâm linh được thế giới kính trọng.
Tôn giáo là phần hồn, phần tinh túy của văn hóa. Có tinh túy văn hóa là có chốn dung thân. Thế nên, có người không sống trên quê hương mình, nhưng những ảnh hưởng tâm linh, tinh thần của họ vẫn như suối nguồn bất tận, mạnh mẽ và lay động tâm trí số đông. Không như các ngọn núi được xếp theo chiều cao của đỉnh, chiều cao của một nền văn hóa được tính bằng sức sống bền bỉ và không bao giờ có tham vọng triệt tiêu, hủy diệt mà luôn có thái độ tôn trọng, biết tôn vinh các giá trị văn hóa khác.