Cờ Phật phấp phới trong "xóm đạo"
Người đi đường ngỡ ngàng khi xóm đạo (P.1, Tân Bình) rợp cờ ngũ sắc và lồng đèn hoa sen, lồng đèn trái bí.... Đây là khu vực có nhiều gia đình theo đạo Thiên Chúa nhưng vào các Đại lễ Phật giáo, khu vực từ bờ kè (đường Trường Sa), đến Bùi Thị Xuân, kéo dài đến Phạm Văn Hai đều rợp sắc cờ. Buổi sáng đi qua khu vực xóm đạo, từng dây cờ ngũ sắc, cờ Phật đản sanh treo zích zắc xen với lồng đèn rợp ở trên đầu. Chỉ sau một đêm, sáng ra đường phố bỗng dưng được trang hoàng rực rỡ cả một khu vực kéo dài khoảng 5km. Bởi, khu vực xóm đạo này là nơi tọa lạc của ba ngôi chùa lớn: Viên Giác, Hải Quang và Hiển Quang. Mùa Phật đản PL.2555, chùa Viên Giác đã treo trên 10.000 lá cờ ngũ sắc, 1.000 chiếc lồng đèn các loại treo ngoài phố và khoảng 1.000 chiếc lồng đèn treo xung quanh nội tự. Trong không khí hân hoan và rực rỡ lung linh bởi sắc cờ, lồng đèn hoa sen đã góp phần làm nên sự linh diệu cho mùa Phật đản đến sớm.
Phật tử chùa Viên Giác (Q.Tân Bình) rước Phật trên đường phố
Sắc đỏ, vàng, tím, cánh sen… từ những chiếc lồng đèn hoa sen ở chùa Viên Giác thu hút bước chân người Phật tử. Họ đã tập trung về chùa bắt đầu khuấy đảo không khí, chuẩn bị tập dợt văn nghệ cho đêm văn nghệ "Vui thay Đức Phật ra đời" cúng dường Phật đản. Chiều ngày 8-4, Phật tử vận áo tràng, áo dài khăn đóng truyền thống trang nghiêm, tay cầm cờ ngũ sắc, cờ hình Đức Phật đản sanh bắt đầu rước Phật đản sanh quanh khu vực chùa lên chánh điện, tại đây khóa lễ mừng Đản sanh bắt đầu cho mùa Phật đản thiêng liêng. Sau đó, nhiều hoạt động văn hóa tâm linh: thuyết pháp, lễ truyền Tam quy Ngũ giới cũng được thực hiện. Thầy Thích Đồng Văn, trụ trì chùa Viên Giác cho biết: "Để Phật tử hiểu thêm về ý nghĩa Phật đản, mỗi ngày chùa đều thuyết pháp ý nghĩa Đản sanh. Năm nay, chùa thực hiện nghi thức tắm Phật tại chánh điện suốt cả ngày rằm cho Phật tử, ai cũng có thể tự tay thực hiện được nghi thức này để thể hiện tấm lòng mình dâng lên Đức Phật".
Góp tiền bán xôi để treo cờ Phật đản
Ngay ngày 1-4 ÂL ở hẻm 417, P.3, Q,5 đã bắt đầu rợp sắc cờ Phật đản trên những con hẻm, ngõ nhỏ của khu phố, người dân ở đây thấy lòng khấp khởi nhờ vào không khí nhộn nhịp khác thường. Sức sống mới ở khu phố nhỏ nhờ đó mà có thêm "sức mạnh" và niềm hân hoan trong những ngày kỷ niệm Đức Phật ra đời. Mỗi mùa Phật đản, Hảo bắt đầu suy nghĩ và tìm ra ý tưởng mới cho khu phố thân thương của mình. Hảo cho dựng cổng chào "hoành tráng" với hình ảnh Phật đản sanh, hoa sen và hai câu trích từ bài sám Khánh đản: "Thánh Ma-Da mộng ứng điềm lành/ Vua Tịnh Phạn phước sanh con thảo" được thiết kế rất đẹp. Và, một lễ đài nhỏ xinh, ngay đầu ngõ, ánh điện lung linh đã làm "linh hồn" con hẻm cơm tấm này khởi sắc. Bắt đầu từ cổng chào (hẻm 417, P.1, An Dương Vương), Hảo cho treo cờ dây ra tới ngã tư Lê Hồng Phong. Rồi từ đầu hẻm 417, Hảo treo những dây cờ ngũ sắc theo hình zích zắc xen lẫn với lồng đèn vào tận sâu bên trong, thông ra hẻm 158 Huỳnh Mẫn Đạt. Và, thỉnh hàng trăm lá cờ có hình Phật đản sanh để dán trước cửa mỗi gia đình. Điều vui nhất với Hảo là khi treo cờ đến đâu thì mọi người đều giúp sức cũng như luôn ủng hộ tinh thần. Không làm một mình, Hảo tìm các thanh niên trong xóm phụ giúp tham gia và bảo vệ, giữ gìn.
"Mùa Vesak 2008 là lần đầu tiên khu phố tôi rợp bóng cờ Phật trong ngày Phật đản sanh, mọi người biết và cho đây là "xóm đạo Phật". Tôi cũng thấy vui, vui nhất là có gia đình còn nhờ làm luôn vườn Lâm Tỳ Ni trước nhà. Tôi luôn được các gia đình trong xóm ủng hộ như cô Hải, chị An và có một cô đã lớn tuổi góp tiền lời ít ỏi từ việc đi bán xôi đóng góp mua cờ, tất cả tôi đều rất trân trọng. Cứ thế, từ ngày đầu tháng Phật đản (1-4 ÂL) cả xóm bắt đầu treo cờ và giữ cho đến cuối tháng thì kết thúc, đây là công trình chung của tất cả mọi người nên tâm thế đón mừng Phật đản hết sức phấn khởi. Việc làm này tuy rất nhỏ nhưng tôi nghĩ mình đã được chia sẻ", - Hảo tâm sự.
Tuệ Hảo (giữa) cùng thanh niên trong hẻm 417 trước cổng chào Phật đản
Khó ai biết, chàng trai có tấm lòng với Phật này là một người còn rất trẻ. Các đêm trong tuần, Nguyễn Thanh Phong (pháp danh Tuệ Hảo), 34 tuổi đi làm ở quán bar để sinh sống nhưng ngày Chủ nhật Tuệ Hảo dành trọn thời gian đến Linh Quang tịnh xá (Q.4) để phụ giúp các bác sĩ khoa Tây y tại phòng khám từ thiện. Từ cơ duyên này, Tuệ Hảo học, hiểu Phật pháp và đem áp dụng vào cuộc sống. Thấy xóm mình còn "đìu hiu" trong những mùa Phật đản, Hảo thấy bứt rứt. Hảo bàn với chị Hải, chủ quán cơm tấm và chị Út An chủ bán nước ở đầu hẻm, được các chị ủng hộ tinh thần và cả tiền mặt để mua vật liệu cho mùa Phật đản. Khu phố rực rỡ sắc cờ, đèn lồng trong mùa Phật đản nhanh chóng lan ra. Nhiều người ủng hộ tinh thần, vậy là đã 5 mùa Phật đản cả xóm cùng nhau đón mừng sự kiện trọng đại với một tinh thần hết sức hoan hỷ và an lạc.
Không khí Phật đản đã lan tỏa
Không khí hân hoan chào đón Phật đản đã rộn khắp trên các nẻo đường, nhiều khu phố tại TP.HCM rợp cờ ngũ sắc, đã làm khác lạ và hơn thế là niềm nao nức, hân hoan của nhiều gương mặt. Bắt đầu từ ngày 1-4 ÂL, người dân bắt đầu treo cờ trên những con phố quanh những ngôi chùa lớn: Phước Hải, Ấn Quang (Q.10), Phổ Quang (Q.Tân Bình), khu vực chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn), Vạn Thọ (Q.1)…năm nay không chỉ quanh khu vực quanh chùa mà nhà Phật tử, khu phố cũng hưởng ứng đầy nhiệt tình và có sự lan tỏa. Nhiều nhà dân cũng thiết trí vườn Lâm Tỳ Ni trước nhà… chào đón Phật đản. Phật giáo tại các quận huyện cũng chuẩn bị trang hoàng xe hoa cho ngày Phật đản chung của THPG tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Thông tin từ THPG TP.HCM, các xe hoa quận huyện tập trung tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình) vào lúc 18 giờ ngày 14-4 ÂL. Và, đúng 19 giờ ngày 14-4 xe hoa sẽ diễu hành qua Lễ đài thành phố (chùa Vĩnh Nghiêm) và theo lộ trình: Võ Thị Sáu - Công Trường Dân Chủ - Ba Tháng Hai - Sư Vạn Hạnh (chùa Ấn Quang) - Ngô Gia Tự - Hùng Vương - Châu Văn Liêm - Trần Hưng Đạo - Công Trường Quách Thị Trang - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức. Đây là lộ trình được chư Tăng Ni, Phật tử mong đợi và chờ đón.
Cờ, lồng đèn được trang hoàng trong "xóm đạo" P.1, Q.Tân Bình
Phật đản tại các lễ đài tại quận huyện đã được thiết trí rực rỡ, trang nghiêm với vườn Lâm Tỳ Ni, "bảy bước sen vàng nâng gót tịnh"…; bắt đầu từ 8-4 các BĐD PG quận huyện lần lượt tổ chức nghi thức mừng Phật đản cho Tăng Ni, Phật tử tại lễ đài tập trung. Ở chùa, Phật tử cũng tập trung về tổ chức các nghi thức đón mừng Phật đản, trong đó các chương trình tắm Phật thiêng liêng được Phật tử cùng chư Tăng Ni ở chùa thực hiện trang nghiêm. Tuần lễ Phật đản, ngoài các nghi thức, hoạt động văn hóa tâm linh, các chùa còn tổ chức các hình thức quyên góp từ thiện giúp đỡ người nghèo. Chùa Pháp Bảo (Q.Gò Vấp), Phật đản năm trước đã phát ra khoảng 90 con heo đất, năm nay Phật tử tập trung về chùa, sau nghi thức tắm Phật là đập heo đất mừng Phật đản. Đây là hình thức tiết kiệm để xây dựng nhà tình thương, giúp học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn quận được chùa duy trì từ nhiều năm nay và được Phật tử hưởng ứng tích cực.
Năm nay, dù Ban Văn hóa THPG TP không tổ chức đêm văn nghệ chào mừng Phật đản như mọi năm nhưng các chùa vẫn tổ chức các đêm văn nghệ để Phật tử có cơ hội giao lưu và cúng dường Đức Phật đản sanh. Hòa trong không khí tưng bừng ngày hội Đản sanh, chùa Ấn Quang (Q.10) mời các nghệ sĩ, ca sĩ cùng Phật tử góp vui văn nghệ xuyên suốt trong một tuần cúng dường Phật đản. Ngoài ra, các chùa như: Vĩnh Nghiêm (Q.3), Giác Ngạn, Quan Âm (Q.Phú Nhuận), Phước Hải (Q.10), Phật Bửu (Q.4), Pháp Bảo (Q.Gò Vấp), Thiên Trúc (Q.7), Pháp Võ (Nhà Bè)… đều diễn ra những chương trình văn nghệ cúng dường Phật đản. Tùy vào khả năng chùa đều có mời các nghệ sĩ, ca sĩ: Quang Linh, Quách Tấn Du, Hiền Thục, Phương Thanh, Phương Anh Idol., Hoàng Sơn, Phạm Thanh Thảo, Uyên Trang, Bằng Cường, Quan Hà, Sỹ Luân, Phạm Quỳnh Anh, Tiêu Châu Như Quỳnh, Hoàng Đăng Khoa, Mắt Ngọc, Tấn Beo, Tiết Cương…cùng Phật tử ở chùa giao lưu, hát cúng dường dâng lên Đức Phật với tấm lòng thiết tha kính ngưỡng.