Hàn Quốc hoàn thành bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo lớn nhất thế giới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Viện Văn hóa Phật giáo Kasan ở Seoul đã công bố hoàn thành bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo lớn nhất thế giới, vào ngày 2-7 vừa qua.

Các tập cuối cùng từ 17 đến 20 vừa được xuất bản trong năm nay, hoàn thành viên mãn của dự án vĩ đại trong vòng 42 năm của Hòa thượng Jikwan. Bộ sách này đã giúp cho các giáo lý đa dạng và lịch sử lâu dài của Phật giáo giờ đây có thể được tiếp cận một cách dễ dàng bằng tiếng Hàn tiêu chuẩn.

Vào tháng 5-1982, Hòa thượng Jikwan đã phát nguyện trong một buổi lễ tại chùa Gyeongguk-sa, một ngôi chùa Phật giáo nằm gần núi Bukhan ở Seoul. Lúc này, Hòa thượng đã 50 tuổi và đang giữ chức vụ Trưởng khoa nghiên cứu Phật học tại một trường đại học Phật giáo lớn nhất Hàn Quốc. Sau đó, Hòa thượng đã bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng là biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư, bộ tài liệu ghi lại lịch sử phong phú của Phật giáo theo cách mà công chúng dễ hiểu và tiếp cận được.

“Sau ngần ấy năm, tôi đã có thể bắt đầu biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo. Cầu cho tám vị hộ pháp luôn chở che và ủng hộ tôi, cầu cho trí tuệ của Đức Phật sẽ tự biểu hiện trong công trình này”, Hòa thượng bày tỏ trong lời cầu nguyện của mình.

Lời phát nguyện này đã đánh dấu sự khởi đầu của một công trình to lớn đối với Phật giáo Hàn Quốc và thế giới. Vào năm 1991, Hòa thượng Jikwan đã thành lập Viện Văn hóa Phật giáo Kasan. Sau đó, vào năm 2005, ngài đã trở thành người đứng đầu Tông phái Tào Khê của Phật giáo Hàn Quốc. Đây cũng là tông phái Phật giáo lớn nhất của quốc gia này.

Ban đầu, đây chỉ là nguyện vọng của Hòa thượng và ngài đã đơn độc nghiên cứu trong những ngày đầu tiên. Nhưng sau đó, công trình này đã phát triển thành một dự án quy mô liên quan đến 15.000 nhân sự kéo dài trong ba thập kỷ. Hai tập đầu tiên mất một thập kỷ để hoàn thành, và các tập tiếp theo được xuất bản mỗi năm. Vào năm 2012, Hòa thượng Jikwan đã viên tịch lúc công trình vẫn còn dang dở, sau khi tập thứ 13 của bộ Bách khoa toàn thư được xuất bản. Sáu tháng trước đó, ngài đã dặn dò mọi người: “Hãy đoàn kết và giúp đỡ nhau để hoàn thành công trình này”.

Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan được xem là bộ tài liệu lớn nhất và có phần giải thích mở rộng nhất thế giới, với gần 120.000 mục và 266.000 trang. Bộ Bách khoa này chứa đựng những khái niệm chính rút ra từ các bản kinh văn của Phật giáo, các văn bản triết học, tài liệu lịch sử và nhiều hơn thế nữa; tất cả đều được xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Hàn hiện đại. Bộ tài liệu này đặc biệt nhấn mạnh và chú trọng đến sự tiếp biến văn hóa của Phật giáo khi du nhập vào Hàn Quốc.

Kể từ khi du nhập vào Hàn Quốc vào thế kỷ IV, Phật giáo đã không ngừng bén rễ và phát triển thông qua sự tiếp biến văn hóa dân gian và tín ngưỡng bản địa của Hàn Quốc trong suốt 1.700 năm. Phật giáo cũng đã dần có những hình thức độc đáo, riêng biệt và mang màu sắc đặc trưng của Hàn Quốc, trong đó có sự kết hợp hoàn hảo giữa trí tuệ cổ xưa với hệ thống tín ngưỡng bản địa. Vì vậy, bộ Bách khoa toàn thư Kasan đặc biệt chú ý đến những đặc điểm tiếp biến văn hóa như vậy, với 30% các mục dành cho những chủ đề cụ thể của Phật giáo Hàn Quốc. Ngoài ra, Bách khoa toàn thư Kasan cũng bao gồm một danh sách có đầy đủ các tài liệu tham khảo gốc trong các bản kinh văn tiếng Hán cổ, Tây Tạng, Phạn; điều này cho thấy sự cam kết nghiêm túc trong công việc nghiên cứu, đối chiếu và so sánh các khái niệm và thuật ngữ với nhau.

“Biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư về lịch sử Phật giáo Hàn Quốc là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, bởi vì Phật giáo đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng công trình này có thể đánh thức được lòng tự trọng và niềm tin tưởng đối với lịch sử tâm linh bên trong người dân Hàn Quốc”, Hòa thượng Jikwan đã viết trong lời nói đầu của tập thứ 13 của bộ Bách khoa.

Bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan sẽ được đưa vào các thư viện công cộng và bảo tàng ở Hàn Quốc, cũng như tại một số trường đại học và cao đẳng ở nước ngoài. Hơn nữa, viện sẽ cập nhật các tập mới nhất để đảm bảo tính khả dụng của tài liệu cho các nhà nghiên cứu.

Phật giáo du nhập vào Hàn Quốc trong thời kỳ Tam Quốc (57 TCN–668 CN). Theo các ghi chép lịch sử, Phật giáo lần đầu tiên xuất hiện vào thời Cao Câu Ly năm 372 CN, đến thời Bách Tế vào năm 384 CN và triều đại Silla vào năm 527 CN. Ban đầu, giới tinh hoa cầm quyền của các triều đại này đã chấp nhận Phật giáo và tạo điều kiện để Phật giáo du nhập và phát triển, bởi vì họ nhìn thấy tiềm năng của Phật giáo trong việc thống nhất vương quốc và nâng cao địa vị văn hóa và tinh thần của họ.

Sự du nhập của Phật giáo vào Hàn Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của văn hóa và nghệ thuật của quốc gia này. Các ngôi chùa, tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ Phật giáo và mộc bản đã trở thành một phần không thể thiếu trong di sản Hàn Quốc. Ví dụ hai ngôi chùa cổ Bulguk-sa và Seokguram Grotto, lễ hội đèn lồng Yeondeunghoe hay Samguk-yusa (Tam quốc Di sự) đều là di sản thế giới của UNESCO.

Trong thời kỳ Tân La thống nhất (668-935), Phật giáo phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo của Hàn Quốc. Trong thời kỳ này, nhiều ngôi chùa lớn được xây dựng và vô số các bản kinh văn Phật giáo được in ấn và truyền bá rộng rãi trong quần chúng. Sau đó, triều đại Goryeo (918–1392) tiếp tục ủng hộ Phật giáo và chính thời kỳ này đã tạo ra Tam tạng kinh điển của Hàn Quốc, một bộ sưu tập tất cả các kinh văn Phật giáo và được chạm khắc trên các khối gỗ. Tác phẩm này được xem là một trong những bộ sưu tập văn bản Phật giáo quan trọng và đầy đủ nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của Phật giáo đã bắt đầu suy yếu trong triều đại Joseon (1392–1897), điều này đã thúc đẩy Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính của nhà nước cầm quyền. Mặc dù vậy, Phật giáo vẫn còn tồn tại và tiếp tục phát triển, hòa quyện với nhiều yếu tố văn hóa và truyền thống Hàn Quốc.

Nỗ lực của Hòa thượng Jikwan trong việc biên soạn một bộ Bách khoa toàn thư về Phật giáo đã phản ánh ý nghĩa lâu dài của Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc. Bởi vì bằng cách ghi lại lịch sử, phương pháp tu tập và sự tiếp biến văn hóa của Phật giáo, bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo Kasan đóng vai trò như một minh chứng cho sự ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đối với cảnh quan văn hóa và tâm linh của Hàn Quốc.

Việc hoàn thành bộ Bách khoa đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phổ biến di sản Phật giáo Hàn Quốc. Công trình lớn lao này cung cấp cho các học giả, nhà nghiên cứu và công chúng một nguồn tài nguyên vô giá để tìm hiểu lịch sử phong phú của Phật giáo ở Hàn Quốc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày