Lễ hội được bắt đầu với lễ thắp sáng chiếc đèn lồng cực lớn đặt tại quảng trường Seoul. Đây là chiếc đèn lồng hình Đức Phật cùng với những họa tiết về sự tích Đản sanh. Và một chuỗi các hoạt động khác được diễn ra sau đó: lễ tắm Phật, lễ hội đường phố Phật giáo, biểu diễn nghệ thuật đường phố, rước đèn,…
Đến với lễ hội đường phố Phật giáo trong chiều và tối ngày 16-4, mọi người được xem các tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Hàn Quốc, như: Biểu diễn âm nhạc và các điệu múa dân gian, các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống của Phật giáo như múa bướm, múa bara, cùng các hoạt động văn hóa của Phật tử nước ngoài đến từ Indonesia, Nepal, Trung Quốc, Nhật Bản, và từ những quốc gia Đông Nam Á khác.
Một hoạt động thu hút sự chú ý và tham gia nhiệt tình của mọi người, nhất là du khách nước ngoài, đó là chương trình Trải nghiệm tích cực. Với chương trình này, mọi người đều có thể tham gia vào việc làm lồng đèn hình hoa sen hoặc là tô màu hình các Đức Phật, các vị Bồ tát, hoặc tự mình đánh bóng những lời Phật dạy được khắc trên các miếng gỗ nhỏ, hay đánh bóng các tượng Phật nhỏ bằng chất liệu gỗ, hoặc làm chuỗi hạt rồi đem chúng về nhà, xem như là những vật lưu niệm.
Các khu vực tĩnh tâm, trà đạo cũng thu hút nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ và du khách nước ngoài. Ở đấy, dưới sự hướng dẫn của các vị tu sĩ, người dự lễ hội được tọa thiền hoặc tham gia trà đạo để tìm lại sự an tịnh cho tâm hồn.
Một điểm khá đặc biệt trong lễ hội này là ban tổ chức đã dành riêng một khu vực cho tầng lớp thanh thiếu niên, gọi là Khu phố của thanh thiếu niên. Ở đấy có những tiết mục khiêu vũ với các thể loại nhạc có tiết tấu nhanh, đệm bằng các nhạc cụ hiện đại, và có cả cuộc thi Giọng ca vàng. Đấy là cơ hội tuyệt vời để cho các bạn thanh thiếu niên thể hiện tài năng của họ.
Trong lễ hội, người dự hội còn có dịp thưởng thức nghệ thuật ẩm thực Phật giáo, đặc biệt là các món chay đạm bạc nhưng được chế biến tinh xảo thành những món ăn vô cùng hấp dẫn. Có nhiều thức ăn chay mà du khách không thể nào tìm thấy trong các nhà hàng.
Rước đèn là một trong những sự kiện quan trọng của Lễ hội lồng đèn hoa sen. Đoàn rước đèn đi từ Dongdaemun đến chùa Jogyesa. Hàng chục ngàn người tham gia vào đoàn rước đèn. Mỗi người đều thắp sáng chiếc lồng đèn trên tay. Có vô số lồng đèn với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau: lồng đèn hình con rồng, lồng đèn hình ngôi chùa, lồng đèn hình Phật và Bồ tát, lồng đèn hình voi trắng, lồng đèn hoa sen, lồng đèn chim phượng hoàng, lồng đèn bươm bướm,… tất cả đều được thắp sáng và mỗi cái đều thể hiện rõ nét đẹp lung linh, huyền ảo của nó. Cảnh tượng hàng trăm ngàn ánh đèn lồng được thắp sáng và di chuyển trên đường phố đã đem đến cho mọi người nguồn cảm xúc thật khó tả, khiến cả một khu phố rộng lớn của thủ đô Seoul ngập tràn trong biển ánh sáng rực rỡ, lung linh và huyền ảo của ánh đèn lồng.
Lễ hội đường phố Phật giáo được khép lại trong không khí hân hoan, và niềm hạnh phúc tràn ngập trong lòng người dự lễ. Mọi người cùng nhau múa hát những ca khúc Phật giáo dưới cơn mưa hoa những cánh sen hồng.
Đến với Lễ hội lồng đèn hoa sen, mọi người còn có dịp để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những chiếc lồng đèn truyền thống của người Hàn Quốc. Khu triển lãm lồng đèn mở cửa từ ngày 14-4 đến ngày 23-4. Tại đấy, người ta trưng bày vẻ đẹp văn hóa, nghệ thuật của đèn lồng truyền thống Hàn Quốc, như là những cây đèn, những loại giấy và các vật dụng khác để làm lồng đèn của người xưa, cùng với nhiều chiếc lồng đèn sặc sỡ, tinh xảo, toát lên vẻ đẹp lộng lẫy. Tất cả tạo nên một không gian hài hòa toàn mỹ của lồng đèn truyền thống tại xứ sở Kim chi.
Lễ hội lồng đèn hoa sen là một sự kiện quan trọng hàng năm của Phật giáo Hàn Quốc, thể hiện những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Phật giáo, đem lại cho người dự lễ niềm hân hoan, hạnh phúc, cùng với những trải nghiệm sâu sắc về hoạt động mang đậm bản sắc Phật giáo.