
Một cảnh trong phim - Lobsang Phuntsok và Tashi
Diễn tiến của câu chuyện này là chủ đề của bộ phim tài liệu ngắn “Tashi và nhà sư”, được phát sóng khoảng 1 tháng trên đài HBO, bắt đầu từ ngày 17 tháng 8. Trong phim, Phuntsok và một nhân viên bé nhỏ đang làm hết sức mình để chăm sóc cho 85 trẻ em, trong đó vài em chỉ mới 4 tuổi, các em là trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi vì gia đình quá nghèo khó. Ông gọi chúng là “những vị khách không mời của vũ trụ”.
Đó là một tên gọi mà Phuntsok chia sẻ. Bộ phim quay cảnh ông đến thăm khu nhà của trẻ và kể chuyện cho các em trước khi đi ngủ - câu chuyện về chính bản thân ông.
Trong khi các em cố gắng giành nhau để được ngồi gần ông hơn, ông bắt đầu câu chuyện: “Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé rất nghịch ngợm. Mẹ cậu còn chưa đủ tuổi kết hôn, bà đã vứt cậu lại trong một đống rác. Ông bà đã cứu cậu và gửi cậu đến một tu viện, đó là biện pháp cuối cùng mà họ có thể làm để cậu không phải trải qua một tuổi thơ khó khăn và dữ dội.
Tại nơi đó, việc thực tập cuộc sống như nhà sư đã thay đổi cuộc đời cậu bé. Khi lớn lên, cậu bé ngày xưa đã truyền giảng Phật pháp tại Mỹ trong vài năm, sau đó tạm rời công việc này và quay về làm cha của một đàn trẻ thơ”.
Bộ phim đã được sản xuất bởi nhà làm phim Andrew Hinton - người Anh, và Johnny Burke - người Đức. Hinton hiện sống ở Brooklyn, New York; trong khi làm một phim ngắn khác tại ngôi làng gần Jhamtse Ghatsal, ông đã gặp Phuntsok và đến thăm ngôi trường. Ông biết rằng mình sẽ quay lại đây.
“Đó là bởi bầu không khí diệu kỳ của nơi này”, Hinton phát biểu. “Từ lúc đặt chân đến đây, bạn nhận ra trong không trung có một năng lượng đặc biệt. Để nắm bắt và truyền tải nó tới lượng lớn khán giả là một điều thật hấp dẫn”.
Sau 18 tháng và nhờ vào một vài khoản tài trợ, Hinton quay lại cùng Burke và họ làm phim trong khoảng 3 tuần, bám sát những đứa trẻ từ việc học đến việc tụng kinh, cũng như theo chân Phuntsok đi quanh trường và đến thăm những ngôi làng lân cận.
Tại đây, có một câu chuyện đau buồn đã diễn ra. Những người dân làng ấy cực kỳ nghèo khổ - sinh kế duy nhất của họ là khai thác các khối đá ven đường. Phuntsok không thể nhận mọi đứa trẻ mà người nhà mang tới. Vì không còn chỗ tại ngôi trường của mình mà ông đã phải từ chối nhận nuôi một bé trai 11 tuổi.
Phuntsok đến thăm và xin lỗi bà của cậu bé vì không thể giúp cậu. Ông chia sẻ rằng việc quyết định trường hợp của cậu bé có thực sự bất hạnh để được nhận hay không là một trong những điều khó khăn nhất trong đời mình, và đôi khi ông cũng không quyết định đúng đắn.
Hinton thì lại lôi cuốn bởi một câu chuyện khác mà ông phát hiện trong ngôi trường - đó là đứa trẻ thứ 85 ở đây, một cô bé 5 tuổi hoang dã tên Tashi. Người ta tìm thấy bé bị bỏ rơi và đang ăn đất trong một ngôi làng gần đó, mẹ của bé đã chết và cha bé - một con sâu rượu - từ chối nhận nuôi bé. Phuntsok đã mang cô bé tới ngôi trường, bộ phim tập trung vào tình thân giữa Phuntsok và bé Tashi.
Trung tâm của câu chuyện là ý tưởng về tình thương và lòng nhân ái - giáo lý chủ đạo của Phật giáo. Người Phật tử được dạy rằng mọi sinh linh đều bình đẳng, đều quý giá và đáng trân trọng.
Hinton bày tỏ: “Những biến chuyển mà chúng tôi nhìn thấy ở đó thật đặc biệt, Tashi đã tiếp tục hòa nhập và kết bạn. Cô bé đã bớt đi sự hoang dã và dần ổn định bản thân hơn”.
Bảo Thiên - Anh Thư
(tổng hợp từ SA Express News và RNS)