Hành tinh này là của chúng ta…

Giác Ngộ - Đó là câu kết trong bài hát thiếu nhi “Trái đất này là của chúng mình” của nhạc sĩ Trương Quang Lục. Tôi đã từng thuộc, từng hát ngân nga suốt cả quãng đời học sinh và đến bây giờ đã thấm vào máu thịt, biến thành hành động.

Từ ý nghĩ, phải trân quý thiên nhiên, đến hành động trồng cây xanh! Việc mến yêu cuộc sống bằng hành động gieo trồng những giá trị thiện lành với đất mẹ, nước và thời tiết, tôi hiểu đó cũng là kiến tạo cho mình cuộc sống bằng an!

wwwa.JPG
Phật giáo diễu hành vì môi trường tại
Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc ở Bình Dương đầu tháng 3-2011
– Ảnh: B.Toàn

Đến khi học giáo lý Phật, tôi hiểu về nhân quả và tin sâu sắc việc thực tập bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống sẽ là nhân lành cho đời sống khoẻ mạnh, ít biến cố. Thử nhìn vào những biến đổi khí hậu gần đây xem, các tảng băng ở Nam Cực, Bắc Cực tan ra, mực nước biển dâng cao, nạn xâm lấn đất liền của biển đang biến những vùng đất nông nghiệp bị nhiễm mặn, phèn. Và đương nhiên, năng suất lương thực, thực phẩm sẽ ảnh hưởng, trong khi dân số ngày một tăng. An ninh lương thực là một trong những yếu tố để đảm bảo sự sống cho cá nhân con người và an toàn cho cả một quốc gia và trên toàn thế giới.

Thế mà, có những cá nhân, tổ chức vì cái lợi trước mắt đã quên đi yếu tố này. Họ sát hại cây, thú rừng vô tội vạ; khai thác khoáng sản và sản xuất rồi cho chất thải công nghiệp xả thẳng ra môi trường làm cho những con suối, dòng sông bị huỷ diệt. Bài học từ kênh Ba Bò (Q.Thủ Đức, TP.HCM), sông Thị Vải (Đồng Nai)… vẫn mới toanh và còn nguyên giá trị! Đó là chưa kể đến việc thải khí từ các nhà máy công nghiệp làm cho tầng ozon bảo vệ trái đất đang mỏng dần dẫn đến biến đổi khí hậu, bệnh tật nguy hiểm phát sinh… Những hệ quả đau lòng ấy ít nhiều đã dội vào suy nghĩ của các cá nhân, cộng đồng, đặc biệt là Phật giáo. Với chủ thuyết nâng cao giá trị của bi (tình thương) và trí (hiểu biết) thì người con Phật phải có cái nhìn sâu sắc về vấn đề nóng bỏng này. Để nuôi lớn lòng từ bi với con người thì việc ý thức bảo vệ môi trường (gián tiếp bảo vệ con người) đã và đang được nhắc đến một cách tích cực. Chương trình vận động sống xanh, sống có trách nhiệm trước môi trường sống được những nhà lãnh đạo Phật giáo hưởng ứng và kêu gọi, chẳng hạn như Ngài Karmapa, một trong ba vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng. Một tinh thần dấn thân, phụng sự đã được kết nối thông qua những dịp lễ, hoặc những ngày phát động vì môi trường như Giờ Trái đất hoặc ngày không thuốc lá…

Nói như một vị thầy trẻ, rằng: “Chúng ta không thể thành Phật nếu ngay nơi địa cầu – đất mẹ mà chúng ta sống không xứng đáng, không kiến tạo một cuộc sống bình an…”! Theo tôi, đó cũng là thông điệp xây dựng hành tinh này - đất mẹ (của chúng ta) trên cơ sở thân thiện với môi trường, với thiên nhiên.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày