GN - Những ngày này, các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang háo hức về chùa Chí Linh (huyện Yên Thành), chùa Hà, chùa Vĩnh Phúc (Nam Đàn) và chùa Cổ Am (Diễn Châu) để tham gia vào các lớp học võ. Đây là lớp học được các chùa tổ chức thường niên vào dịp hè.
Võ đường chốn thiền môn
Võ đường chùa Chí Linh được thành lập năm 2014, trực thuộc Liên đoàn Võ thuật Vovinam tỉnh Nghệ An, do ĐĐ.Thích Tuệ Minh, phó trụ trì chùa làm chủ nhiệm. Kể từ đó, võ đường là nơi quy tụ rất đông các võ sinh thường về chùa để tập luyện, nhiều nhất là vào các dịp hè, số lượng người tham gia luyện tập lại càng đông.
Các bạn trẻ rất thích thú, hăng say với những bài tập mới - Ảnh: H.Tình
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu học tập và luyện tập võ của các học sinh - võ đường chùa Chí Linh đã mở thêm nhiều chi nhánh tại một số xã trong huyện như Nam Thành, Nhân Thành, thị trấn Yên Thành… dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các huấn luyện viên được trưởng thành từ võ đường này.
Thầy Tuệ Minh cho biết, võ đường chùa Chí Linh có 4 lớp - tùy theo độ tuổi với hơn 200 võ sinh thường xuyên luyện tập từ 16g30 - 19g các ngày thứ 3, 5, 7 trong tuần. Học viên tham dự được nhà chùa miễn phí học phí luyện tập.
Đến thăm võ đường vào một buổi chiều, chúng tôi chứng kiến không khí sân chùa rất sôi động với những đường quyền mạnh mẽ, đẹp mắt cùng tiếng hô khẩu hiệu dứt khoát, dũng mãnh của huấn luyện viên lẫn người tập. Trong đó rất đông các võ sinh là nữ. Bắt đầu buổi tập, môn sinh cùng ôn lại bài học hôm trước, sau đó tập những thế võ mới. Nhiều võ sinh mới nhập môn, được thầy hướng dẫn tập những đòn căn bản nhất của môn phái như nhập môn, đứng tấn, tập quyền…
Các học viên lớp võ kể, đến võ đường ai cũng sẽ được tập luyện các nội dung đối kháng, đối luyện, nội công, ngoại công, quyền thuật, tự vệ nữ, binh khí (đao, kiếm, côn, thương...) và 18 bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam... Các võ sinh ở đây chia thành các đội phong trào, tuyển trẻ và năng khiếu. Sau khóa học, võ đường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thi lên đai cho các võ sinh, tổ chức cho các em tham dự các hội diễn cùng các CLB võ thuật ở huyện và tỉnh.
Một thành tích đáng chú ý, cần ghi nhận: võ đường được xem là một trong những cái nôi cung cấp vận động viên tiềm năng cho đội tuyển của huyện và tỉnh - tham dự các giải thể thao thành tích cao. Theo đó, năm 2015, võ đường đã cung cấp 25 võ sĩ tham gia một số giải ở tỉnh và quốc gia đạt được 8 huy chương vàng, 8 huy chương bạc; 2 năm liên tiếp (2014-2015), võ đường chùa Chí Linh đoạt giải nhất toàn đoàn về môn võ cổ truyền tại hội thao ở tỉnh.
Võ đường chùa Chí Linh ngày càng thu hút các võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên là nhờ sự tận tâm của người dạy. Bên cạnh đó, nhà chùa còn kết hợp cho học đạo, nghe giảng về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tìm hiểu kiến thức về Phật pháp, tạo cho các em tính kỷ luật, biết quý trọng và yêu thương gia đình. Nhiều phụ huynh đưa con đến đăng ký học võ tại chùa nhận xét: “Nhờ nhà chùa có lớp học võ này, chúng tôi rất yên tâm khi gửi con cháu mình theo học - vừa được rèn luyện sức khỏe, vừa được học những điều hay ý đẹp, học đạo đức Phật giáo để các cháu bớt chơi bời lêu lổng bên ngoài”.
Em Nguyễn Thanh Tùng Lâm, một võ sinh ở Xuân Thành chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 em theo học võ tại võ đường chùa Chí Linh. Về chùa học võ, em thấy tâm hồn rất thanh tịnh. Vừa học võ, vừa được học đạo, nâng cao sức khỏe, em cảm thấy tự tin về bản thân mình hơn. Đặc biệt, quý thầy còn tạo điều kiện về chỗ ăn, ở và không phải đóng góp tiền học phí, nên em rất yên tâm”.
ĐĐ.Thích Tuệ Minh nói, võ thuật là một trong những bộ môn mang lại nhiều lợi ích, người tham gia sẽ được rèn luyện một cơ thể dẻo dai, một tinh thần thượng võ. Đặc biệt, võ thuật còn rất hữu ích với các bạn trẻ khi giúp các bạn biết sắp xếp thời gian một cách hợp lý để việc học tập trở nên khoa học và có chất lượng. Bên cạnh đó, việc học võ cũng sẽ làm cho đầu óc người tập được minh mẫn sáng suốt, có sự tập trung tốt - từ đó làm cho việc tiếp thu kiến thức trở nên dễ dàng hơn.
“Ngoài ra, võ thuật còn dạy cho người học một điều vô cùng quan trọng đó là tinh thần võ đạo. Áp dụng tinh thần này vào việc học chắc chắn sẽ giúp cho các bạn sinh viên vượt qua thất bại, nhìn nhận lại bản thân, rút kinh nghiệm và tìm ra cho mình một phương pháp học tập đúng đắn nhất”, Đại đức phó trụ trì chùa Chí Linh bày tỏ.
Sức lan tỏa của võ
Không riêng gì võ đường chùa Chí Linh mà tại chùa Hà, Vĩnh Phúc (Nam Đàn) và chùa Cổ Am (Diễn Châu) - hàng trăm bạn trẻ cũng khăn gói về chùa để học võ và học đạo. Theo đó, trong hè 2016 này, võ sinh Lê Thịnh (sinh năm 1982), hiện đang theo học lớp võ sĩ tại môn phái Võ Lâm Tân Khánh - Hồng Hạc, thuộc Hội Võ thuật cổ truyền TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với nhà chùa thành lập lớp học võ tại chùa Vĩnh Phúc (xã Nam, huyện Nam Đàn). Sau gần 2 tháng thành lập, đến nay lớp đã có trên 50 em võ sinh theo học. Học viên chủ yếu là con em trên địa bàn một số xã lân cận. Tham gia lớp học, các võ sinh hoàn toàn được miễn phí.
Chia sẻ về quá trình gầy dựng và ý nghĩa thành lập CLB Võ chùa Hà (Nam Đàn) - được thành lập năm 2013, ĐĐ.Thích Đồng Tuệ, trụ trì chùa Hà cho biết: “Đạo Phật là đạo của trí tuệ, là một nền giáo dục chứ không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng văn hóa tâm linh. Lâu nay chúng ta thường chỉ chú trọng hoằng pháp đến những người trung niên và người già mà quên đi lớp trẻ - là thế hệ có thể tiếp nhận Chính pháp một cách nhanh nhất và cũng là thế hệ tương lai của đất nước. Chính vì lẽ đó, nhà chùa mở lớp học võ, kết hợp với gieo duyên Phật pháp cho giới trẻ là muốn tạo ra một sân chơi lành mạnh để cho các cháu có cơ duyên tiếp xúc và học hỏi giáo lý Phật đà cũng như rèn luyện kỹ năng sống từ thể chất đến tinh thần - nhằm xây dựng cuộc sống tốt đời đẹp đạo trong cộng đồng Phật tử nói riêng và nhân dân nói chung”.
Tại võ đường chùa Chí Linh, các bạn nữ cũng tham gia tập luyện rất đông - Ảnh: H.Tình
Em Võ Kiều Trinh, học sinh Trường THPT Nam Đàn 1 chia sẻ: “Em rất thích học võ ở CLB Võ chùa Hà, em theo học ở đây đã được hơn 2 năm, học vào các ngày thứ 7 và Chủ nhật trong tuần. Tham gia học không phải đóng góp các khoản kinh phí, em thấy rất bổ ích, ngoài được học võ để rèn luyện sức khỏe, các em còn được học đạo đức, học cách làm người, đối nhân xử thế. Ngày Chủ nhật nhà chùa còn hướng dẫn cho các em tụng kinh, học giáo lý, em rất thích tụng kinh Vu lan”.
Đến thời điểm này, tại võ đường Hùng Điệp thuộc chùa Cổ Am (Diễn Châu) đã có 400 võ sinh thường xuyên theo học vào các buổi chiều thứ Bảy và Chủ nhật, học xuyên suốt trong năm chứ không riêng những ngày hè. Tại đây, trước khi vào buổi học, nhà chùa dành một thời gian nhất định để các võ sinh ngồi thiền trong chánh niệm, nghe pháp thoại ngắn. Võ đường Hùng Điệp ngày càng thu hút được rất đông các em thanh thiếu niên đăng ký học, giúp các em yêu thích môn võ truyền thống của dân tộc và rèn luyện sức khỏe, bảo vệ bản thân...