Đó là chưa kể những ảnh hưởng sau thiên tai: cảnh nghèo đói, bệnh dịch, thất học… lấn vào ngay sau cơn lũ rút đi.
Trước nỗi đau đó, Ban Tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có quyết định hợp lòng dân, an ủi đồng bào gặp hoạn nạn, đó là hủy bắn pháo hoa tại 29 điểm trên địa bàn Hà Nội, lấy kinh phí hỗ trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Trung, theo thông tin từ Hà Nội, mỗi tỉnh bị lũ dữ hoành hành được hỗ trợ 1 tỉ đồng.
Báo chí đã vào cuộc và nhanh chóng cập nhật hình ảnh thực tế ở những vùng lũ quặn lòng đến với mọi người, tạo nên mối liên thông vô hình kết nối đồng bào bốn phương với bà con tại các nơi bị lũ lụt cô lập, sống thiếu thốn, nhiều ngày đêm trú ẩn trong hang động, ngồi trên nóc nhà giữa biển nước chảy xiết…
"Nhà nghèo mới hay con thảo…", trong hoạn nạn hiểm nguy ấy đã sáng tỏa những nhân cách quên mình để cứu bà con thoát cơn nước lũ, của những người bất chấp mọi hiểm nguy đến với bà con bị nạn để chia sẻ từng gói mì, tiếp tế từng viên thuốc, cái áo, chiếc chăn… giữ ấm với hy vọng thiên tai sớm qua.
Hiện nay hàng trăm ngàn người ở các tỉnh ảnh hưởng bởi cơn lũ dữ vừa qua đang đối mặt với cuộc sống khó khăn, đang tất bật và gồng mình dựng lại nhà cửa, trường học, dọn dẹp đường sá.
Họ cần lắm những chia sẻ của tất cả mọi người. Cần cái ăn, cần viên thuốc để phòng bệnh, cần viên gạch để xây lại bức tường bị đổ, cần chăn mền, áo quần đã bị lũ cuốn đi…; đặc biệt là các em học sinh, cần lắm những tập, vở, dụng cụ học tập để được đến trường tiếp tục bài học dở dang…
Mỗi người, tùy theo khả năng, hãy có những hành động chia sẻ thiết thực để phần nào giúp bà con khốn khó tạo dựng lại cuộc sống bình dị nơi các thôn làng miền Trung ruột thịt.
Với người Phật tử, hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để mọi người thực hành hạnh chia sẻ trong tinh thần trao tặng niềm vui, khiến cho người khổ vơi bớt nỗi khổ. Mỗi người hãy góp một tay để giúp bà con nơi các tỉnh bị lũ lụt hoành hành vừa qua lấy lại sức lực, trở lại cuộc sống bình thường, để trẻ được đến trường, người lớn ra vườn ra ruộng…