Hãy gieo nhân lành, vượt thoát khổ đau…

Hãy gieo nhân lành, vượt thoát khổ đau…

GN - Bút danh và cũng là pháp danh của nhà sư trẻ Giác Minh Luật có lẽ đã trở nên quen thuộc đối với bạn đọc Giác Ngộ. Ngoài việc tu-học-viết lách thì nhà sư trẻ này vừa tập hợp một số lượng bạn trẻ khá đông (khoảng 400 bạn) trên Facebook và lập ra CLB Nhân Sinh tại TP.HCM.

Trò chuyện với PV Giác Ngộ, Sư Giác Minh Luật (ảnh) - Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Nhân Sinh cho biết:

Nhân duyên thành lập CLB Nhân Sinh là từ những huynh đệ đồng môn, cùng chung tâm nguyện muốn làm một việc gì đó giúp cho các bạn trẻ trong xã hội có được một môi trường tốt, vừa được chung tay làm thiện nguyện, giúp đời, vừa được thực tập thiền quán, cũng như tìm hiểu về giá trị đạo đức của Phật giáo, thông qua những hoạt động từ thiện xã hội.

Nhân là hạt giống lành, Sinh là sinh trưởng, ý nói nếu chúng ta biết gieo nhân thiện lành thì nó sẽ sinh trưởng thật nhiều quả lành. Nhân ở đây cũng được hiểu là con người trong cuộc sống, Sinh là chúng sanh vạn loài, lấy tình thương của con người để giúp đỡ, tương trợ cho nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Từ ngày ra đời đến nay, Nhân Sinh đã làm được những gì rồi?

- Sư Giác Minh Luật: Ngay cái ngày thành lập (1-1-2012) chỉ vỏn vẹn 20 thành viên, cho đến nay CLB đã quy tụ gần 400 thành viên tham gia từ khắp mọi miền đất nước, trong đó giới trẻ là nòng cốt. CLB đã tổ chức hơn 15 chương trình từ thiện, thiền tập, pháp thoại như: Phóng sanh tại bến Bạch Đằng, cầu Ánh Sao (Q.1, Q.7, TP.HCM); chương trình “Nhớ mãi ơn Phật, chương trình “Sưởi ấm trái tim” tại chùa Lá - Nhà Bè, chương trình “Cứu lấy những trái tim” tại khoa Nhi - Bệnh viện Ung Bướu hay chương trình “Mở rộng trái tim” tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tặng quà cho các bé mồ côi với gần 200 thành viên tham gia.

Sư nhận thấy các bạn trẻ trước và sau khi tham gia các hoạt động như thế, nhất là kết hợp từ thiện lẫn tu tập có gì khác không?

- Mỗi bạn khi tham gia CLB đều có cảm nhận riêng, nhưng trong suốt quá trình hoạt động tôi cũng đã nhận được rất nhiều chia sẻ, cảm nhận của các bạn từ khi tham gia. Như bạn Võ Hoàng Huy hiện là sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ: “Lúc trước những khi cảm thấy buồn là thường rủ bạn bè đi uống cà phê để tán gẫu hay đi la cà ngoài đường ăn chơi… Nhưng khi được một bạn học chung lớp rủ mình tham gia chương trình “Cứu lấy những trái tim” của CLB Nhân Sinh tổ chức, được đồng hành cùng CLB đi tặng quà cho các em bệnh nhi ung thư và được nghe quý sư thầy hướng dẫn cách ngồi thiền, cũng như chia sẻ về Phật giáo, nhờ đó mà khi thấy buồn thay vì làm những việc vô bổ như thế, mình thực tập thiền quán, đi chùa và mở DVD nghe quý sư thầy giảng dạy đạo lý…”.

Ảnh 2, một hoạt động của CLB Nhân Sinh.jpg

Một hoạt động của CLB Nhân Sinh

Một vị sư trẻ (20 tuổi), việc học, việc tu ở chùa chiếm nhiều thời gian, thế nên việc tập hợp bạn trẻ làm chuyện… “vác tù và” như sư làm nhiều người lo lắng. Sư nghĩ như thế nào?

- Mỗi người học Phật đều có một tâm nguyện riêng và có những ước mơ cao đẹp. Đối với tôi, một điều diễm phúc nhất mà tôi có được là bên cạnh cuộc đời tu tập, làm việc như hiện nay của mình luôn có một người thầy, người sư huynh… nâng đỡ, dìu dắt, chỉ dạy cho tôi những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, để tôi hoàn thiện bản thân mình, vững chãi vượt qua những khi có lỗi lầm.

Ngoài việc học tại trường, các thời khóa tu tập tại trú xứ, tôi cũng cố gắng sắp xếp dành thời gian để cùng đồng hành với các bạn trẻ trong những việc làm mang tính nhân văn như chia sẻ ở trên. Nhờ đó, tôi cũng học được nhiều điều về các bạn và có được những kinh nghiệm bổ ích cho chính mình trong cuộc sống và tu tập.

Nhiều người đau đớn về đạo đức của giới trẻ hiện nay, sư là người tiếp xúc với các bạn trẻ, sư có thấy đau đớn như thế?

- Nếu các bạn trẻ có duyên với đạo Phật, hòa mình vào môi trường thực tập thiền, hay nghe pháp, hầu như các bạn đều rất chú tâm và hết lòng. Tôi nhận thấy các bạn có những thay đổi rõ rệt về nhận thức, lối sống của mình và chiều hướng hướng thượng hơn nhiều. Vì thế, nếu mình có định hướng tốt, tạo ra môi trường tốt cho các bạn cùng nhau học hỏi, vui chơi theo tinh thần đạo đức Phật giáo thì tin chắc một điều là những việc đau lòng xảy ra ở giới trẻ sẽ giảm thiểu.

Cảm ơn sư đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!

“Tôi cũng như các bạn, những người trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, lỗi lầm... nhưng quan trọng là mình có dám can đảm để vượt qua nó, mỉm cười để chấp nhận nó hay không. Cuộc sống là cả một chặng đường dài để hoàn thiện bản thân mình về nhân cách, đạo đức. Vì thế tôi đang từng bước đi trên con đường đó, còn các bạn thì sao? Hãy chọn cho mình một con đường đi mà các bạn đã biết đó là con đường cao thượng” - Giác Minh Luật

Phong Châu thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày