GNO - Phật giáo đã có mặt trên lãnh thổ Thái Lan trong hơn một ngàn năm, sự hiện diện của tôn giáo này đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống người Thái.
Thật vậy, khía cạnh cốt lõi của truyền thống nghệ thuật và kiến trúc của Thái Lan đã phát triển nhằm phục vụ các nguyên tắc hành xử hàng ngày theo Phật giáo.
Mục tiêu của Phật giáo là giải phóng tinh thần khỏi đau khổ. Để đạt được mục tiêu này, Phật tử phải tuân thủ những điều sau đây: (1) thực hành giới, định, tuệ, (2) thể hiển lòng từ bi đối với người khác, và (3) sự tri túc.
Việc áp dụng giới luật trong cuộc sống hàng ngày dẫn người Phật tử tới việc tìm hiểu Tứ Diệu đế: khổ đau, nguyên nhân của đau khổ, giác ngộ và con đường giác ngộ.
Một môi trường thuận lợi có thể hỗ trợ người Phật tử trong việc phát triển tâm linh của mình. Kiến trúc có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc hành trình của một cá nhân đối với Tứ Diệu đế.
Một trong những biểu tượng chính trong kiến trúc Phật giáo là trụ cột thiêng liêng đại diện cho trí tuệ (ảnh). Yếu tố này phổ biến ở các quy mô khác nhau, từ thôn quê đến thành thị. Trụ cột nằm ở trung tâm của một chu vi ổn định và bình an, lý tưởng cho việc thiền định.
Ngoài ra, không gian này nên được định hướng đúng để nâng cao sự hòa hợp vũ trụ.
Bốn hướng chính có ý nghĩa độc đáo. Phía đông đại diện cho mặt trời và chỉ cho sự sáng tạo và sinh sản. Giá trị của nó được kích hoạt bởi hướng của cấu trúc hướng tới một con sông hoặc là một lối vào, để thúc đẩy sự tuần hoàn của vũ trụ.
Phía nam liên quan đến lòng từ bi và cơ sở hoạt động nghề nghiệp hoặc kinh tế, đó là, những cánh đồng lúa trong thành phố hoặc làng mạc, một nơi làm việc trong nhà. Ngoài ra, các hoạt động công việc không gây tổn hại cho người khác là điều kiện cho sự gắn kết hài hòa với môi trường.
Phía tây là nơi mặt trời lặn và biểu thị cho cái chết và sự trở lại với trái đất; cấu trúc phải đối mặt với một khu rừng hoặc một khu vườn theo hướng tây.
Phía bắc nói đến sự phát triển và cần được định hướng theo hướng trường học hoặc các tổ chức khác thuộc về việc học. Trong một gia đình, nó là nơi đặt phòng ngủ chính hoặc nơi tôn thờ tổ tiên tôn kính.
Sự kết hợp của các hướng không gian này - trụ cột thiêng liêng đại diện cho trí tuệ, chu vi an bình và tĩnh lặng đại diện cho thiền định và bốn hướng chính thể hiện Tứ Diệu đế - tạo thành một mạn-đà-la thiêng liêng, một vòng tròn vũ trụ hay Bhumi Cakrawan.
Trung tâm của hình tượng linh thiêng này là hiện thân của sự thống nhất xung quanh mà các quả cầu vũ trụ tự tổ chức theo những vòng tròn đồng tâm. Mỗi quả cầu có một mức độ hạnh phúc tương xứng do vị trí nằm gần trung tâm. Quả cầu càng nằm xa trung tâm, cuộc sống sẽ càng bất hạnh.
Tóm lại, sự thiêng liêng trong vũ trụ học Phật giáo là vốn có trong truyền thống kiến trúc của Thái. Một điều nên ghi nhớ rằng các khái niệm Phật giáo có thể được thể hiện trong các cấu trúc.
Nếu các nguyên tắc xây dựng được nắm rõ, chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần của người khác. Hình thức có thể thích ứng với nhu cầu và khó khăn của cuộc sống hàng ngày, nhưng nguyên tắc nên được duy trì.
Việc nghiêm giữ giới luật Phật giáo trong tâm trí sẽ cho phép kiến trúc Thái Lan phát triển mà không làm mất nền tảng Phật giáo của nó.