Hiệp hội Phật giáo Bengal & nỗ lực xiển dương Phật pháp

GN - Vừa qua, Hiệp hội Phật giáo Bengal (BBA) hay Bauddha Dharmankur Sabha, trụ sở tại thành phố Calcutta (Tây Bengal, Ấn Độ) đã tổ chức kỷ niệm 155 năm ngày sinh của Tỳ-kheo Kripasaran Mahasthavir (1865-1927), người sáng lập Hiệp hội - bậc tiền bối có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc phục hồi, phát triển Phật giáo vùng Tiểu lục địa Ấn Độ.

bengal.JPG

Cổng Trụ sở Hiệp hội Phật giáo Bengal (Calcutta, Ấn Độ)

Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, lãnh đạo Hiệp hội Phật giáo Bengal đương nhiệm cũng đã tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến về cuộc đời và đạo nghiệp của Tỳ-kheo Kripasaran Mahasthavir, với sự chủ trì của Tổng Thư ký Hiệp hội, Tỳ-kheo Bodhipala.

Chương trình có sự tham dự của nhiều vị lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng như Tỳ-kheo Buddhapriya (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phúc lợi xã hội Siddhartha, Kolkata), GS.Aiswarya Biswas (khoa Phật học, Đại học Calcutta), GS.Sumit Kumar Barua (khoa Văn học Đối chiếu, Đại học Jadavpur), nhà báo kiêm tác giả người Bangladesh Siyad Abul Maksud và GS.Shimul Baru (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Latifa Siddiqui - Chittagong, Bangladesh).

“Kỷ niệm ngày sinh của Tỳ-kheo Kripasaran Mahasthavir, người sáng lập Hiệp hội Phật giáo Bengal, nhắc nhở chúng ta học tập theo hạnh nguyện và thực hành theo con đường phụng sự của ngài. Tưởng niệm về ngài chính là động lực để hàng hậu học tiếp tục sứ mệnh xiển dương những giá trị văn hóa Phật giáo tốt đẹp, từng ở vị thế đỉnh cao trong xã hội Ấn Độ.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để cộng đồng tu sĩ Phật giáo tại Ấn Độ chiêm nghiệm về hành trạng, sự cống hiến vì đạo pháp của ngài Kripasaran, không chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đồng tín đồ của ngài mà trong ý nghĩa truyền lưu lời dạy của Đức Phật: ‘Vì lợi ích của số đông, vì an lạc của số đông’ qua những đóng góp cụ thể và thiết thực. Ngài đã mang lại sự thống nhất, hòa hợp giữa các cộng đồng Phật giáo khác nhau tại Ấn Độ lúc bấy giờ…”, Tỳ-kheo Bodhipala phát biểu trong chương trình tọa đàm trực tuyến.

Tỳ-kheo Kripasaran Mahasthavir sinh năm 1865 ở làng Unainpura, quận Chittagong (Bangladesh) và viên tịch vào năm 1927 tại Kolkata (Ấn Độ). Ngài đến Kolkata với chí nguyện phục vụ cộng đồng Phật tử. Năm 1892, ngài thành lập Hiệp hội Phật giáo Bengal tại đây. Đương thời, cùng với Hội Mahabodhi Ấn Độ do ngài Anagarika Dharmapala (1864-1933) sáng lập năm 1891, hoạt động của hai tổ chức này đều hướng đến nỗ lực phục sinh nền Phật giáo Ấn Độ và bảo tồn các di sản Phật giáo cổ tại đất nước này.

thien su bengal.png

Tỳ-kheo Kripasaran có nhiều đóng góp cho sự phục hưng của nền Phật giáo Ấn Độ

Đến năm 1900, ngài Kripasaran thành lập tu viện Dharmankur Vihar (Tây Bengal). Miệt mài Phật sự với ước nguyện làm sống lại nền Phật giáo ở Ấn Độ, sinh thời ngài đã kiến thiết nhiều tu viện ở khu vực Tây Bengal và trên khắp lãnh thổ Ấn Độ như: tu viện Simla (ở Himachal Pradesh), Lucknow (ở Uttar Pradesh) vào năm 1907; Dibrugharh (Assam) và Shillong (Meghalaya) vào năm 1908; tu viện Ranchi (Jharkhand) vào năm 1915; Darjeeling (Tây Bengal) vào năm 1919 và Jamshedpur (Jharkhand) năm 1922… Ngày nay, tất cả các tu viện này đều nằm trên lãnh thổ Ấn Độ.

Ngoài việc kiến tạo nhiều ngôi tu viện phục vụ tu học, sinh hoạt Phật giáo cho chư Tăng và Phật tử, Tỳ-kheo Kripasaran còn đóng góp to lớn cho sự phát triển của ngôn ngữ Pali và giáo dục Phật học thông qua các chương trình học bổng. Các hoạt động này của nhà sư đều nhận được sự yểm trợ từ ông Ashutosh Mookerjee (1864-1924), Hiệu trưởng Đại học Calcutta. Qua đó, nhiều học bổng được vận động và trao tặng cho học sinh, sinh viên ở quận Chittagong (Bangladesh); cũng tại đây, ngôn ngữ Pali được giới thiệu và đưa vào chương trình giảng dạy đại chúng.

Đặc biệt, Tỳ-kheo Kripasaran cũng khuyến nghị Chính phủ Ấn Độ mở các chương trình học bổng đối với ngành Phật học và Pali học tại Đại học Luân Đôn (Anh quốc). Theo đó, ngài đã đề cử chuyên gia Ấn Độ học Benimadhab Barua (1888-1948), học giả Phật giáo nổi tiếng thế giới, du học tại Đại học Luân Đôn bằng con đường học bổng vào năm 1914. Đến năm 1917, học giả này trở thành người châu Á đầu tiên nhận được bằng tiến sĩ từ trường đại học danh tiếng này và sau đó trở về giảng dạy tại khoa Pali, Đại học Calcutta.

Về hoạt động giáo dục đại chúng, Tỳ-kheo Kripasaran thành lập một thư viện vào năm 1909 và trường học miễn phí mang tên ngài (Kripasaran Free Institution) trong năm 1912. Đây là ngôi trường dành cho trẻ em thuộc tất cả các cộng đồng người dân ở Tây Bengal và Ấn Độ, có cả lớp học ban đêm dành cho người lao động nghèo mù chữ. 


Đặc biệt, năm 1908, ngài xuất bản quyển Jagajjyoti gồm những bài viết về Đức Phật, Phật giáo và triết học Phật giáo. Tác phẩm nổi tiếng này được số hóa vào năm 2008 và vẫn còn phát hành cho đến nay, nhận được nhiều sự tán dương của độc giả khắp nơi trên thế giới.

“Tôi bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc đối với Tỳ-kheo Kripasaran Mahasthavir, trong sự kiện tưởng niệm 155 năm ngày sinh của ngài. Không chỉ là nhà lãnh đạo tôn giáo, ngài còn là nhà cải cách xã hội với nhiều đóng góp quan trọng cho cộng đồng Phật giáo Bengal nói riêng và Ấn Độ nói chung; đặc biệt là lĩnh vực giáo dục Phật học và giáo dục văn hóa cộng đồng.

Ngài đã để lại cho hậu thế những thành quả bất tử, trong đó có dấu ấn về sự ra đời, hoạt động và thành tựu của Hiệp hội Phật giáo Bengal năm 1892”, Abul Maksud - người điều phối tọa đàm trực tuyến về Tỳ-kheo Kripasaran nhấn mạnh.

Đăng Minh

(theo The Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày