Hiểu sinh mạng ngắn ngủi là hiểu đạo

Hiểu sinh mạng ngắn ngủi là hiểu đạo
0:00 / 0:00
0:00
GN - Trong hành trình chuyển bánh xe Pháp, Đức Thế Tôn đã nhiều lần trắc nghiệm khả năng nhận thức, sự hiểu đạo của các đệ tử, để từ đó có những lời dạy thiết thực, khích lệ họ tinh tấn trên con đường tu tập.

Kinh Tứ thập nhị chương, chương 38, Đức Phật đã hỏi các vị Sa-môn: “Sinh mạng của con người tồn tại trong bao lâu?”, vị Sa-môn sau cùng trả lời sinh mạng con người tồn tại trong một hơi thở, được Đức Phật khen là hiểu đạo.

Thật vậy, người đời lầm tưởng cho rằng sinh mạng con người có thể kéo dài đến 60, 70 năm hoặc hơn nữa. Ngay cả nhiều vị Sa-môn thời Đức Phật dù hiểu đời vô thường nhưng cũng cho rằng mạng sống con người kéo dài trong vài ngày hay trong một bữa ăn đã là ngắn, như vậy vẫn chưa thực sự hiểu đạo. Sinh mạng con người chỉ tồn tại trong một hơi thở. Thở ra mà không thở vào là qua đời khác. Tai nạn, bệnh tật và bao nhiêu những bất trắc rình rập đe dọa mạng sống con người, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào dù chúng ta muốn hay là không.

Theo Đức Phật, người hiểu đạo phải là người hiểu được “nguyên lý vô thường” - sự thay đổi, biến chuyển liên tục chi phối tất cả sự vật từ thân, tâm, cho đến hoàn cảnh. Vô thường là chìa khóa mầu nhiệm mở cánh cửa giác ngộ. Người học Phật phải hiểu sinh mạng ngắn ngủi chỉ tồn tại trong từng sát-na. Vô thường của mạng sống biến đổi nhanh chóng mà mắt thường không thể nhận ra. Hiểu được như thế mới là nắm vững nguyên lý vô thường và hiểu đạo một cách chân thực.

Đạo ở đây có nghĩa là tỉnh thức, là nhìn nhận đúng quy luật, bản chất vô thường của vạn pháp. Mạng sống con người cũng chịu sự chi phối khách quan này. Sự vô thường diễn ra trong từng giây phút. Không phải khi nhắm mắt xuôi tay mới gọi là chết mà chúng ta đã chết qua từng sát-na. Tổ Quy Sơn khi cảnh tỉnh hàng hậu học cũng chỉ rõ: “Niệm niệm tấn tốc, nhất sát-na gian, chuyển tức tức thị lai sanh” (Ý nghĩ này nối tiếp ý nghĩ khác cực kỳ mau chóng, chỉ trong khoảnh khắc, chuyển hơi thở là qua đời khác). Sinh mạng thay đổi nhanh chóng, tồn tại ngắn ngủi như vậy, chỉ những người hiểu đạo mới quán chiếu rõ ràng được điều đó.

Giáo lý đạo Phật là sự thật cuộc đời, đòi hỏi chúng ta phải thực tập, quán chiếu để chứng ngộ chứ không phải chỉ “đi xung quanh và đàm luận về nó” (Nguyễn Lang). Khi hiểu sinh mạng con người ngắn ngủi, quán chiếu được vô thường thân mạng, người đó loại bỏ sai lầm về thân (thân kiến), thấy rõ bản chất thực của thân là vô thường, vô ngã, từ đó tinh tấn tu tập, đập tan xích xiềng của sự cố chấp, dập lửa phiền não, lội ngược dòng vô minh. Như vậy người ấy sẽ có bước tiến lớn trên hành trình tìm về bản lai diện mục.

Kinh Phật thuyết như vậy cũng khẳng định, ai nhận thức chánh kiến nguyên lý sát-na vô thường sẽ tự gắn mình trong sự tu tập, thu thúc tự ngã: “Sinh y là vô thường, khổ, biến hoại, trong từng sát-na… (do đó) thấy sợ trong sinh y”. Người hiểu sinh mạng vô thường sẽ tinh tấn dứt trừ tham ái, giữ tâm bình thản trước hoàn cảnh đổi thay bất ngờ, không đi tìm những dục lạc tạm bợ mà tu tập để có được hạnh phúc chân thật, an lạc, giải thoát.

Đức Phật khen người hiểu đạo là hiểu được sinh mạng con người tồn tại trong hơi thở. Có thể nói đây là cách giáo dục rất tinh tế và khéo léo của Thế Tôn, tán thán một người nhằm khích lệ mọi người. Chắc gì chúng ta còn có một tuổi già để tu hành hay tử thần đã tàn nhẫn đến gõ cửa ngay khi chúng ta còn ở tuổi hoa niên? Sinh mạng con người là ngắn ngủi, sớm còn tối mất, trong một sát-na là qua đời khác. Biết được như vậy thì chúng ta đã có tri kiến tuệ giác trên con đường tu tập. Hiểu sinh mạng ngắn ngủi, mỗi người càng tinh tấn tu tập hơn, tích cực độ sanh, hoằng truyền Chánh pháp, sống trọn vẹn trong mỗi phút giây hiện tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày