Tự tại trước sinh tử

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có hợp thì có tan, có sinh ắt có tử. Biết rằng là thế, nhưng mỗi chúng ta đang hiện diện đây, bằng tâm nào để nhìn cuộc đời, dùng mắt nào để nhận thức về thân này? Làm thế nào để có thể an nhiên trước cảnh hợp tan, sinh tử?

Trong kinh Phật Bát-nê-hoàn, có đoạn: “A-nan liền trải giường, đặt gối. Đức Phật nằm nghỉ, nghiêng hông về phía bên phải, hai chân chồng lên nhau. Ngài nằm suy tư về đạo vô vi. Đức Phật đang nằm, bảo A-nan:

- Ngươi có biết bảy sự về ý không? Những gì là bảy? Một, có chí; hai, hiểu rõ kinh; ba, siêng tụng kinh; bốn, không ham nằm, ưa thích kinh; năm, chánh tâm; sáu, tịnh tâm; bảy, thấy trong thân toàn là đồ dơ bẩn.

- Tỳ-kheo có được bảy pháp này thì tự biết là mình đã giải thoát khỏi cuộc đời.

A-nan có ý nghĩ là Phật đang mệt mỏi. Đức Phật bảo A-nan:

- Ngươi nghĩ rằng Phật biếng nhác chăng? Người mà không biếng nhác đối với kinh, không biếng nhác ngồi dậy; người ấy muốn làm Phật thì có thể.

Nói xong, Phật ngồi dậy. Bấy giờ có một Tỳ-kheo tên Kiếp-tân, đến nói với A-nan:

- Tôi muốn hỏi một việc.

Tôn giả A-nan đáp:

- Thánh thể của Phật không điều hòa, vậy nên thôi đi.

Đức Phật từ bên trong biết có Tỳ-kheo muốn hỏi chuyện, Ngài bảo A-nan:

- Hãy bảo Tỳ-kheo ấy vào gặp Ta.

Đức Phật dạy:

- Ngươi muốn hỏi gì cứ hỏi.

Tỳ-kheo thưa:

- Ngài đang bị bệnh, xin đừng thuyết giảng kinh nữa. Phật đã nói về bảy sự. Chúng con nghe và sẽ thực hành theo. Phật không cần thuyết kinh nữa.

- Vừa rồi Ta mới nằm, A-nan nghĩ rằng Đức Phật có ý mệt mỏi, sao lại nằm. Do đó Ta ngồi dậy nói về bảy việc.

Tỳ-kheo thưa:

- Đức Phật là bậc tôn quý của trời và người, tại sao Ngài không lên trời lấy thuốc để trị cho hết bệnh?

Đức Phật dạy:

- Như ngôi nhà cũ, thời gian lâu đều bị hư nát, nhưng đại địa thì sẽ tiếp tục an ổn. Tâm của Phật thì an ổn như đại địa, còn thân của Phật thì như ngôi nhà cũ. Tâm Ta không bệnh, chỉ có thân Ta mới có bệnh thôi” (Trường A-hàm, số 5, kinh Phật Bát-nê-hoàn, quyển hạ).

Cụm từ thân huyễn, vô thường dường như quá quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên, cũng chính vì quá quen thuộc nên thành ra ngộ nhận. Khác nào loài vẹt học được tiếng người, lầm tưởng mình là người. Cũng thế, người tụng thuộc lời Phật dạy, nói ra lời của Phật, ngỡ rằng mình đã giác ngộ như Ngài. Nhưng thực tế, họ chưa thực sự thấy biết như thật về con người và cuộc đời.

Đức Phật đã chỉ rõ, thân như ngôi nhà cũ, theo thời gian sẽ mục nát. Câu từ tuy đơn giản, nhưng để thực sự thấu triệt điều này là cả một quá trình thực hành pháp lâu dài. Lâu dài ở đây, không tính bằng năm tháng, mà phải tính bằng sự miên mật hành trì và túc duyên tu tập của mỗi hành giả. Biết và ngộ, chính là sự thể nghiệm chân thật đối với Pháp. Pháp của Phật là đến để thấy, đến để thể nghiệm. Lời Phật dạy cốt để phá trừ mê chấp của chúng sinh đối với thân năm uẩn huyễn hóa này.

Điều làm nên sự khác biệt giữa người mê và người ngộ, giữa Phật và chúng sinh chính là trạng thái tâm khi đối diện với thần chết. Hiện nay, ai cũng có thể giảng nói về vô thường, vô ngã, thân này huyễn hóa, cuộc đời giả tạm,… Thế nhưng, khi bản thân đứng trước cửa tử thì bấn loạn, kinh hãi; lý lẽ về vô thường, huyễn hóa chẳng còn tác dụng, đến một chữ vô cũng bặt tung tích. Chỉ có người thật sự chứng ngộ mới diễn bày được sức tự tại, siêu thoát trước sinh tử. Đức Phật khẳng định, thân tứ đại thì có bệnh có chết, nhưng tâm của Ngài chưa từng bệnh. Đây chính là chỗ tự tại vượt thoát của Ngài.

Với người thế gian, cái chết là một kết cục thật ghê gớm, rùng rợn, lạnh lẽo. Nó đớn đau, quờ quạng. Có lẽ thế! Bởi chưa từng trải nghiệm cái chết nên chưa dám buông lời khẳng định. Tuy vậy, qua lời Phật, Tổ chỉ dạy, chúng ta phần nào cũng cảm khái được điều này. Trong Quy Sơn cảnh sách, ngài Quy Sơn dạy rằng: “Nhất triêu ngọa tật tại sàng, chúng khổ oanh triền bức bách. Hiểu tịch tư thổn, tâm lý hồi hoàng, tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng… Lâm hành huy hoắc, phạ bố chương hoàng. Hộc xuyên tước phi, thức tâm tùy nghiệp”.

Tức là, một mai bệnh nằm trên giường, các thứ khổ vây quanh bức ngặt. Sớm tối thao thức suy tư, trong lòng hoang mang, lo sợ; đường trước mờ mịt, chưa biết về đâu. Đến lúc sắp từ giã cõi đời thì kinh hoàng, khiếp sợ. Ví như, lụa thủng chim bay, tâm thức theo nghiệp. Rõ là vậy, chúng sinh bị vô minh che lấp, chấp chặt vào thân năm uẩn này, cho nó là thật mình. Để rồi, khi thân hoại mạng chung, tâm thức không biết bám víu vào đâu.

Lúc này, một cảm giác chơi vơi, lạc lõng; một trạng thái bất an cùng cực xâm chiếm tâm hồn. Bởi, thân hiện tại thì như chiếc thuyền đang mục rã giữa dòng xoáy sinh tử; mất thân rồi thì không biết về đâu. Ý thức cố loay hoay để tìm chỗ nương gá, gắng gượng giữ chút hơi tàn để trú trong ngôi nhà năm uẩn mục nát này. Cứ thế, buông đi thì không có chỗ gá, giữ lại thì cũng chẳng xong. Cho nên, một hơi vừa dứt, thần thức thoát ra, liền theo nghiệp thọ sinh. Tùy theo nghiệp duyên đã tạo mà sinh về cảnh giới tương ứng, nhân quả liền liền, chẳng thể tự chủ.

Cái khổ sinh tử là thế. Trong mỗi chúng ta, ai rồi cũng phải đi qua ngưỡng cửa này. Thế nhưng, chúng ta bước qua nó với tâm thái nào? Tự tại, tiêu sái chăng? Hay hãi hùng, kinh sợ? Ta thấy, sự khác nhau giữa trạng thái tự tại và kinh hãi chỉ tính bằng một niệm. Một niệm mê thì sáu cõi hiện ra, một niệm giác thì Phật quốc toàn bày. Đến đây, mỗi hành giả đã biết tự chọn cho mình một con đường sáng để đi, tiếp tục trên hành trình trở về nguồn giác.

Lướt trên dòng sông thiền, tìm về nguồn cội Thiền tông Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận ra có rất nhiều vị thiền sư, các bậc tu hành đạt ngộ có khả năng tự chủ, thong dong trước vô thường sinh diệt. Điển hình như Thiền sư Viên Chiếu, trước khi viên tịch ngài cũng nói:

“Nếu đạt tâm không, không tướng sắc

Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay”.

Qua di ngôn còn lưu lại, chúng ta cũng có thể biết được chỗ an yên, tiêu sái của thiền sư đối trước cái khổ sinh tử. Chỉ cần thấu tột bản tâm, sống bằng tâm không, vô sở cầu, vô sở trụ thì tự được an nhiên, siêu thoát. Bằng một chữ “nếu” (若-Nhược), Thiền sư Viên Chiếu đã vạch ra lằn ranh giữa mê và ngộ, luân hồi và giải thoát. Rõ ràng, hành giả nếu tỏ ngộ chân tâm vô tướng thì mặc tình tự tại trước sự đổi thay của kiếp nhân sinh. Ngược lại, nếu chưa thể nhận bản tâm thì đành chịu sự chi phối của cái khổ sinh, già, bệnh, chết.

Thêm nữa, ngài dùng hai động từ “ẩn” (隐) và “hiện” (現) để diễn tả sự huyễn hóa, chợt có chợt không của vạn pháp; lại dùng từ “mặc” (任-Nhậm) để thể hiện diệu dụng bất khả tư nghì của chân tâm. “Mặc” trong “mặc tình, mặc kệ”, tức muôn pháp chẳng can hệ, không chi phối được tánh này. Mặc kệ pháp ẩn hiện vần xoay, thể nhận tánh này thì mặc tình thong dong, tự tại. Thế thì, chúng ta lấy gì làm cơ sở để đo chỉ số tự tại của mỗi hành giả? Cái chết. Ngay lúc lâm chung sẽ nói lên tất cả. Lúc còn khỏe mạnh, chúng ta đủ sức tỉnh táo để có thể kiềm nén cảm xúc, kiểm thúc hành vi. Thế nhưng, khi cái chết đến, người không có đủ định lực, tuệ lực thì khó mà an yên, tỉnh sáng. Chỉ có các bậc đạt ngộ, sống bằng bản tâm vô niệm thì mới có thể vô sở cầu, vô sở trụ. Chính vì không tâm mong cầu, không tâm bám trụ nên được tự tại, giải thoát.

Nhìn lại, hình ảnh Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, nhưng Ngài vẫn nhẹ nhàng, giác sáng và đủ tỉnh lực để ngồi dậy thuyết pháp, giáo huấn cho Tỳ-kheo Kiếp-tân, đã phô diễn sức tam-muội tự tại trước thần chết. Ngôi nhà cũ nát dụ cho thân tứ đại đã rệu rã theo năm tháng; đại địa an ổn dụ như tâm thanh tịnh, sáng ngời, bất động của mỗi chúng sinh. Đức Thế Tôn, chư vị thiền sư, các bậc đã giác ngộ và sẽ giác ngộ, là những người có khả năng làm chủ sinh tử. Vậy nên, chỉ cần chúng ta nhận ra và sống bằng cái tâm chưa từng bệnh, thì dù cho bốn đại phân ly, thần chết tìm đến, quỷ vô thường ghé thăm, ta vẫn bình thường trước mọi đổi thay của cuộc đời; an nhàn, tự tại trước cảnh hợp tan, sinh tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức dâng trầm cúng dường, đồng tụng bài kệ Tắm Phật

Lễ Tắm Phật tại trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ

GNO - Tại trụ sở tòa soạn Báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), sáng nay, mùng 8-4 ÂL (5-5-2025), chư Tăng, Phật tử thuộc các phòng ban đã trang nghiêm tham dự lễ Tắm Phật kính mừng Phật đản Phật lịch 2569 - Vesak 2025. 

Thông tin hàng ngày