Tam vô lậu học

Tam vô lậu học
0:00 / 0:00
0:00
GN - Cuộc sống của người xuất gia phải hướng đến sự phát triển tâm linh và tất yếu, cần hạn chế phần vật chất. Vì vậy, giới xuất gia đặt nặng vấn đề thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tiến tu Tam vô lậu học trong sinh hoạt thường nhật.

Tuy nhiên, ba tháng an cư là cơ hội thuận tiện nhất cho Tăng Ni thể nghiệm công việc này.

Làm thế nào để thúc liễm thân tâm. Đức Phật dạy các Tỳ-kheo luôn tâm niệm và sống với tam thường bất túc, nghĩa là việc ăn, mặc, ngủ nghỉ cần được giới hạn tối đa, hay người tu không để tâm đến vấn đề này. Chúng ta chỉ dùng những gì mà hàng cư sĩ hộ đạo cúng dường, không bận tâm đi tìm. Chẳng những không lo lắng đến việc ăn uống, người xuất gia còn tập bớt ăn, bớt ngủ càng nhiều càng tốt.

Vấn đề ăn ngủ liên hệ mật thiết với nhau. Nếu kết hợp pháp tu với khoa học thực nghiệm, chúng ta thấy rõ ăn nhiều, nhất định phải ngủ nhiều. Khi mang vào cơ thể số lượng thực phẩm lớn, máu phải dồn về bao tử để tiêu hóa thức ăn, không lưu thông qua đầu nhiều, nên chúng ta dễ buồn ngủ. Như vậy, muốn bớt ngủ, chúng ta chỉ cần bớt ăn. Điều lợi thứ hai là khi bớt ăn, các bộ phận trong cơ thể chúng ta đỡ phải làm việc nhiều, tất nhiên thọ mạng sẽ được kéo dài hơn.

Thực tế cho thấy các thiền sư sống đến trăm tuổi, nhờ biết điều hòa ăn, ngủ, nhịp thở đúng pháp. Trái lại, các võ sĩ đô vật Nhật Bản nặng trên 100kg, họ ăn và tập luyện nhiều, thường bị chết vì suy tim, ít ai sống trên 50 tuổi.

Ngoài việc hạn chế ăn ngủ, người tu cần tập hạ nhịp tim, nghĩa là luyện hơi thở cho chậm lại, số hơi thở ra vào trong một phút càng ít càng tốt. Nhờ vậy, tim không bị mệt vì làm việc nhiều, nên tuổi thọ cũng được tăng. Muốn hạ nhịp tim, chúng ta chỉ việc ăn ít. Pháp tu này rất khoa học, vì thực tế ai cũng biết khi lao động nhiều thì phải ăn nhiều. Bấy giờ tim phải đập nhanh để cung cấp máu cho việc tiêu hóa.

Trong ba tháng an cư, thúc liễm thân bằng cách ăn ngủ ít để dành nhiều thì giờ tỉnh thức, thực hiện các cuộc pháp đàm với bạn đồng tu, để học hỏi kinh nghiệm tu hành truyền bá Chánh pháp. Hoặc dùng thời gian rảnh rỗi suy cứu lời Phật dạy, nhằm phát triển đời sống tâm linh. Trong 84.000 pháp môn tu, mỗi người tùy theo hoàn cảnh và trình độ riêng mà lựa chọn pháp thích hợp tu tập để chứng đắc được một pháp nào đó, mới không uổng phí công sức trong ba tháng an cư.

Trong lúc an cư, hành giả thúc liễm được thân thì không bị ăn mặc, ngủ nghỉ chi phối. Lúc ấy, dù trường hạ cung cấp ít, hành giả vẫn không cảm thấy thiếu. Trái lại, mong cầu càng lớn nhưng thực tế không đáp ứng, hành giả càng khổ.

Trên bước đường tu, tôi kinh nghiệm rõ vấn đề này. Cái mong cầu và cái chúng ta được luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Không để ý đến ăn mặc thì người dâng cúng, nhưng khởi tâm ham muốn nhiều, chẳng bao giờ được.

Bên cạnh pháp tu thúc liễm thân, hành giả an cư cũng cần thúc liễm tâm, tức hạn chế vọng tâm, luôn ghi nhớ không buông thả cho tâm tự do phóng túng. Hành giả buộc tâm sống trong giáo pháp Phật, để phiền não nhiễm ô không có cơ hội phát sinh. Nhờ tiến tu thúc liễm được thân tâm, không mong cầu, nên hành giả đạt giải thoát. Bấy giờ, giới thân của hành giả thể hiện thành tướng giải thoát và giới tâm thanh tịnh vì không còn khởi niệm ưa thích, không buông lung ham muốn.

Trên bước đường tu, luyện cho thành tựu giới đức, trở thành mẫu người đức hạnh, không bị vật chất và tình cảm chi phối, hành giả đã hoàn tất giai đoạn một, chuyên tu về giới trong Tam vô lậu học. Chúng ta đừng phạm sai lầm, tu theo giới điều, chấp giới bằng cách ức chế.

Giai đoạn hai của Tam vô lậu học, hành giả thực hiện định học, hay tu tập tâm bình ổn. Muốn rèn luyện tâm định tĩnh, có hai cách. Hàng Nhị thừa tìm tâm yên tĩnh bằng cách lánh đời. Đối với họ, lao vào đời, không giải quyết được gì, còn gánh thêm phiền lụy. Họ mặc kệ cuộc đời để tâm thanh tịnh, dồn sức lực phát triển nội tâm. Người Nhật thường biểu hiện pháp tu không nghe, không thấy, không nói bằng hình ảnh ba con khỉ, một bịt tai, một bịt mắt, một bịt miệng.

Ảnh tác giả

Trong ba tháng an cư, thúc liễm thân bằng cách ăn ngủ ít để dành nhiều thì giờ tỉnh thức, thực hiện các cuộc pháp đàm với bạn đồng tu, để học hỏi kinh nghiệm tu hành truyền bá Chánh pháp.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Tiến qua giai đoạn tu Bồ-tát đạo, phát Đại thừa tâm, hành giả tìm sự yên tĩnh trong cảnh động loạn. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế nào, tâm hành giả vẫn an nhiên tự tại. Thật vậy, không việc gì tác động quấy nhiễu được vì mục tiêu của hành giả hiện hữu trên cuộc đời, đến với người, chỉ nhằm mang lợi lạc cho họ, không vì quyền lợi riêng tư nào. Thực hiện được như vậy, mới thể hiện đúng nghĩa người tu sĩ lãnh đạo tinh thần quần chúng và xa hơn, tiến đến quả vị Vô thượng Đẳng giác. Nếu không cứu độ người, hành giả chỉ giới hạn ở quả vị Bích chi Phật.

Trong giai đoạn tu Thanh văn thừa, vì đối cảnh sanh tâm phiền não nhiễm ô, nên hành giả phải tìm sự yên tĩnh trong cảnh thanh vắng, không người. Đến giai đoạn tu Bồ-tát đạo, hành giả nhập cuộc với đời, luyện cho được pháp tu giải thoát giữa cảnh phiền não ô trược bằng cách lóng tai nghe.

Hành giả nghe cách nói của mọi người và phân ra âm thanh, ngôn ngữ nào có thể chấp nhận, sử dụng được. Đối với âm thanh ngôn ngữ ác độc hay chướng tai, hành giả cũng tự kiểm xem mình đã khởi tâm như thế nào. Thanh trần trược ác này có khả năng làm ô uế tâm hồn hành giả không.

Chúng ta đều biết Đức Phật là bậc giải thoát tối thượng. Ngài nghe tất cả âm thanh trong Pháp giới với tâm hoàn toàn lắng yên. Hàng ngoại đạo nhập định cũng đạt được trạng thái yên tĩnh đến mức 500 cỗ xe chạy ngang, không hề biết. Tuy nhiên, Đức Phật vượt hơn họ, vì tâm hồn như như bất động nhưng vẫn nghe và biết rõ tất cả. Ngài biết 500 cỗ xe này của ai, xuất phát từ đâu và đi đến nơi nào, để làm gì.

Bước đầu của lộ trình tu Bồ-tát đạo, hành giả vẫn nghe, thấy, biết mọi việc mà tâm không dao động. Từ đó tu tập, tiến lên dùng định lực để chi phối người, giúp họ cũng được định tâm, bình ổn theo hành giả. Đó là pháp tu định của Bồ-tát.

Hành giả đắc định, không nói, không sai bảo, nhưng định lực của hành giả đến đâu, chi phối được người đến đó. Họ tự động phát tâm quy ngưỡng, cung kính, cúng dường, theo tu học với hành giả. Tiến tu định vô lậu học của hành giả, phải đạt được sở đắc như vậy. Còn sai biểu mà người không nghe, chúng ta nổi giận, từ họ. Cách giáo dục này hoàn toàn thế tục, không phải pháp hành của người xuất gia.

Sau cùng, hành giả tu huệ vô lậu. Đức Phật dạy văn huệ là huệ của Thanh văn đạt được, Tư huệ của hàng Duyên giác chứng đắc và tu huệ của bậc Bồ-tát thâm nhập.

Như vậy, đối với hành giả đi theo lộ trình Phật đạo, tạo được sự hiểu biết mọi diễn biến trên cuộc đời nhờ thực hành ba pháp văn, tư, tu. Văn huệ có được do học rộng, nghe nhiều. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, chúng ta không thể ngồi thiền để phát huệ khi chúng ta không học, không nghe, không biết gì về giáo lý. Hiểu biết mà tôi đạt được nhờ suốt đời nghe, học, đọc sách không mệt mỏi. Tuy nhiên, những gì sách cổ điển dạy, chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc, gạn lọc vì có những điều mà người xưa sử dụng được, nhưng ngày nay không còn thích hợp. Sách hiện đại đề cập đến vấn đề của thời đại chúng ta đang sống, lại càng cần phải đọc hơn. Người Nhật tiến bộ nhanh nhờ biết phân loại chọn lọc như vậy. Họ gạn lọc để lấy tinh ba của điều cổ xưa, đem sử dụng thích hợp với ngày nay.

Hành giả tiến tu Duyên giác thừa hay tư huệ bằng cách học tập, nghiên cứu, suy nghĩ, tìm yếu nghĩa sâu xa hàm chứa trong lời Phật dạy. Không phải chỉ đọc suông, hay hiểu theo văn tự bên ngoài.

Sau khi học, nghe, suy nghĩ để có hiểu biết, hành giả phải thí nghiệm trong cuộc sống, mới đạt đến sự hiểu biết chính xác trọn vẹn. Đó là con đường tu huệ của Bồ-tát thiết thân thể nghiệm bằng vô số công hạnh trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.

Người xuất gia cần phải kết hợp văn, tư, tu, tạo thành huệ vô lậu, một sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn, đưa đến hành xử thánh thiện, lợi lạc cho mình và người cùng tiến trên con đường giải thoát.

Tóm lại, trong mùa an cư, Tăng Ni cố gắng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, huân tu Tam vô lậu học đúng như lời Phật dạy, ngõ hầu xứng đáng là bậc mô phạm thừa kế mạng mạch của Đức Như Lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày