Mặc dù chưa chính thức xem qua vở diễn nhưng đa số các ý kiến mà chúng tôi nhận được đều tỏ ra không hài lòng với một số hình ảnh cổ động cho chương trình xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông gần đây khá phản cảm, không đúng với tinh thần Phật giáo và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Trên các mặt báo, người đọc cảm thấy khó chịu khi bắt gặp hình ảnh Điệp (do ca sĩ Minh Thuận) với bộ mặt đau thương vòng tay ôm người tinh cũ là Lan (ca sĩ Phương Thanh) đang trong trang phục một vị Ni hay như cảnh Điệp giả dạng nhà sư về gặp lại Lan (ca sĩ Cẩm Ly) lúc bệnh nặng và Điệp đã vuốt ve, âu yếm Lan khi hai người đã hóa thành người tu sĩ Phật giáo (!).
Thiết nghĩ, "Chuyện tình Lan và Điệp” là một câu chuyện tình hư cấu nổi tiếng ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933, từ tiểu thuyết Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Câu chuyện nói về một mối tình lãng mạn, đầy trắc trở của của một cô gái tên Lan và một chàng trai tên Điệp. Do mắc mưu của một ông quan phủ ở một tỉnh lẻ, Điệp - một học sinh nghèo - phải phụ tình vị hôn thê là Lan để cưới Thúy Liễu, con gái ông phủ. Lan ôm mối tình tuyệt vọng bỏ nhà vào chùa nguyện thế phát xuất gia.
Có lẽ, thời điểm soạn vở cải lương “Chuyện tình Lan và Điệp”, soạn giả Loan Thảo hay ngay cả hai nhạc sĩ Mai Phong Linh - Mai Thiết Linh cũng chỉ sáng tác theo cảm hứng vô tình, dân gian chứ không có ý gì khác về Phật giáo. Tuy nhiên, khi chuyện tình Lan và Điệp trình diễn trước công chúng, ngoài việc phản ánh thực trạng xã hội trong một giai đoạn nhất định, đã có những tác động không tốt đối với nhiều người chưa hiểu về đạo Phật. Bởi lẽ, qua đó họ sẽ lầm tưởng rằng đạo Phật chỉ là chốn nương thân cho những mảnh đời đổ vỡ trong tình duyên và bất hạnh trong kiếp sống. Từ đó, hình ảnh và tâm nguyện cao vời của người tu sĩ Phật giáo - xuất gia thực tập đời sống phạm hạnh theo đúng nghĩa bị hạ thấp trong tâm tưởng của nhiều người. Chính vì vậy, một giai đoạn dài, đạo Phật luôn bị gắn liền với bi quan và yếm thế. Những lời ca như: “… nếu duyên không thành thì Điệp ơi Lan cắt tóc quên đời vì anh…” rất dễ dẫn người nghe đến chỗ hiểu lầm khi cho rằng việc vào chùa như là một cách chôn vùi cuộc đời sau khi tình yêu tan vỡ.
Chúng tôi nhớ không lầm là những năm thuộc thập niên 70 của thế kỷ trước, các đoàn cải lương khi diễn tuồng cải lương này luôn rất cẩn trọng đặt quan hệ yêu đương say đắm giữa Lan và Điệp trong vòng lễ giáo theo đúng với hoàn cảnh nguyên tác của câu chuyện này xuất hiện. Còn khi Lan đã xuất gia thì dù có gặp nhau, hai người luôn giữ khoảng cách đúng mực giữa người đời và người xuất gia, dù trước đó họ đã từng là tình nhân. Thế nhưng, Chuyện tình Lan và Điệp mà Công ty Cây và Đất của ca sĩ Minh Thuận bỏ hơn 1 tỷ ra dàn dựng ròng rã sáu tháng liền, với sự tham gia diễn xuất của hàng loạt ca sĩ nổi danh trên sân khấu âm nhạc, dù mới được cổ động bởi báo chí đã cho thấy sự bất ổn xét dưới góc độ văn hóa dân tộc và tư tưởng tôn giáo (mà ở đây là Phật giáo). Nghiêm trọng nhất là hình ảnh người tu sĩ Phật giáo được phác họa khá tùy tiện và có tính xúc phạm nếu gắn nó với các giới luật nhà Phật.
Qua phản ảnh của bạn đọc, chúng tôi (PV) đã chủ động liên lạc nhiều lần với ca sĩ Minh Thuận - người khởi xướng và chịu trách nhiệm chính cho việc thực hiện chương trình này để tìm hiểu vấn đề nhưng anh không bắt máy, có lẽ do bận vì ngày ra mắt vở cải lương đã gần kề. Xem những phát biểu trên phương tiện thông tin đại chúng gần đây, động lực để anh thực hiện vở diễn “Chuyện tình Lan và Điệp” bắt nguồn từ sự đam mê môn nghệ thuật truyền thống này “và biết lỗ nhưng vẫn làm”. Chỉ có thế hay còn điều gì ẩn chứa phía sau thì anh mới là người có câu trả lời chính xác nhất. Tuy nhiên, dù với mục đích gì chăng nữa thì việc làm này cần nên cẩn trọng, đừng để những điều không hay phá đi “bữa tiệc” được chuẩn bị khá công phu.
Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì vở “Chuyện tình Lan và Điệp” đang ra mắt công chúng tại Nhà hát Bến Thành - TP.HCM. Hy vọng rằng những gì xuất hiện trên sân khấu sẽ không lặp lại điều đáng tiếc này.