Hình bóng mẹ Quán Âm ở đời thường

Nhắc đến Bồ tát Quán Thế Âm, mọi người thường nghĩ đến một vị Bồ-tát trong hình tướng người nữ, tay cầm bình dương liễu, khuôn mặt tràn đầy sự từ bi. Tuy nhiên ít ai hay rằng hễ nơi đâu có người cực khổ mà xuất hiện những người hỗ trợ, những người đó có thể là Ngài.


Mẹ hiền của muôn loài

Bồ tát Quán Thế Âm là biểu tượng của lòng đại bi, sự an ổn và là đặc trưng của tinh thần Phật giáo Đại thừa.

Ngài là người mẹ hiền của tất cả chúng sanh, luôn dùng nhĩ căn viên thông (âm thanh đến tai - PV) để quan sát và lắng nghe, nhìn thấu mọi nỗi khố chốn nhân gian, tùy theo căn cơ của từng muôn loài mà hóa độ, cứu vớt. Nơi nào có khẩn cầu thì nơi đó có Ngài thị hiện.

Sự cảm ứng của Ngài không lệ thuộc thời gian và không gian nên mới có được ngàn tay ngàn mắt, ngàn vạn ức hóa thân như thế. Hình tượng Bồ tát Quán Thế Âm dù được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, đều khiến cho người chiêm ngưỡng sinh tâm hoan hỷ và tự cảm thấy được cứu độ.

Tại Trung Quốc và Việt Nam, Bồ tát Quán Âm hay được diễn tả dưới hình dáng một nữ nhân, đặc biệt ở Việt Nam. Hình tượng của Ngài còn được thể hiện thêm qua hình dáng của Quan Âm Thị Kính bồng đứa bé trên tay, rất đỗi thân thuộc và đã lưu lại một chuyện cổ tích rất đẹp đem lại những xúc cảm tôn giáo làm lay động lòng người dân Việt qua bao thế hệ.

Hóa thân Thị Kính chính là nét đẹp của lòng từ bi và sự bao dung vô bờ bến. Thật ra, việc quan niệm Ngài là nam hay nữ không phải là vấn đề trong trọng trong Phật giáo. Tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ, đặc biệt là người nữ tu Phật giáo, luôn khiến người ta liên tưởng đến những bà mẹ hiền.

botat 2.jpg
Đi tu nhưng các sư cô luôn thực hiện hạnh từ bi của mẹ Quán Thế Âm (hình chụp Sư cô
Thích Nữ Minh Viên, trụ trì chùa Pháp Lạc bên những đứa trẻ mà sư cô đang nuôi dạy)

Thế nên, trong đời thường, hình ảnh một vị Ni (nữ tu Phật giáo - PV) với khuôn mặt trong sáng, thánh thiện, tà áo hiền hòa, cử chỉ khiêm cung, lời lẽ nhã nhặn, lịch sự khiến người ta thấy thấp thoảng ẩn hiện hình bóng đại từ đại bi của Bồ Tát Quán Thế Âm, làm êm dịu tươi mát cuộc đời khổ ải.

Trải rộng tình thương muôn nơi

Chính vì từ bi là hạnh lành của mẹ hiền Quán Thế Âm nên đa số các nữ tu của Phật giáo đều hướng đến tình thương vô bờ bến đó khi hành đạo.

Người nữ tu sĩ với tâm lượng bao dung nhẫn nại nên rất thích hợp với những công tác từ thiện, xã hội. Họ dễ thân cận, an ủi chia sẻ đối với những mảnh đời bất hạnh.

Họ có thể trải rộng tình thương như một người mẹ hiền, một người chị lớn, người em dịu dàng, người bạn thân thiện, đáng là chỗ để mọi người tin cậy gởi thác bao tâm tư, khúc mắc trong lòng.

Chính với những hạnh lành đó, hiện nay hơn 80% các nữ tu Phật giáo đều dấn thân vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Với bản chất người nữ vốn chịu thương, chịu khó, hy sinh, nhẫn nại cho nên dù trong cơn mưa lũ, bão táp, hễ nơi nào có tiếng kêu than của người dân thì nơi đó có hình bóng của chư Ni.

Ni sư Thích Nữ Như Bảo, tu tại TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi đi khắp nơi, dù những tỉnh thành xa xôi ở tận miền Tây, miền Trung hay miền Bắc, hoặc nơi có đồng bào thiểu số... Nơi đâu cũng đều có dấu chân của quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô tìm đến chia sẻ, ban bố tịnh tài (tiền, thực phẩm - PV)..."

Đức Quán Thế Âm luôn mong muốn sự an vui, yên lành cho tất cả chúng sinh vì thế khi chúng ta cứu người là đã có được cái đẹp của Ngài. Xung quanh chúng ta đây cha mẹ, bà con, anh em, bạn bè... mỗi một người đều có thể hiện thân của Bồ tát Quán Thế Âm, vì họ đã đem Niềm vui đến cho chúng ta, chia sớt nỗi buồn với chúng ta.

Những lúc khổ đau, vấp ngã, nếu có ai đó đến bên khích lệ, động viên ta thì người đó chính là Bồ tát Quán Thế Âm. Trưa hè oi bức, nếu có ai đó cho ta một chén nước trong, thì người đó cũng chính là Bồ tát Quán thế Âm...

Nên nói rằng Bồ tát Quán Âm không nơi nào là không thị hiện, với trăm ngàn vạn ức hóa thân, chỉ cần nghe tiếng kêu khổ của nhân gian thì Ngài xuất hiện, khi có người cần đến Ngài, cảm ứng với Ngài thì Ngài liền thị hiện trươc mặt người ấy, cảm ứng với người ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày