Hình tượng Quan Thế Âm Bồ-tát trong Tây du ký

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tuổi thơ của tôi gắn liền với bộ phim truyền hình Tây du ký của cố đạo diễn Dương Khiết, chuyển thể từ tác phẩm của Ngô Thừa Ân.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1225 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tôi xem phim Tây du ký từ hè này, sang hè khác, từ đài truyền hình này sang đài truyền hình khác, xem đến độ thuộc lòng mà vẫn không chán. Và cho đến bây giờ, mỗi khi nghe nhạc hiệu của bộ phim, lòng tôi vẫn cảm thấy lâng lâng, dù tuổi không còn trẻ nữa!

Thuở ấy, tôi đã xem và tin vào câu chuyện, vào các nhân vật trong phim bằng một niềm tin trong veo. Con nít mà! Tôi yêu thích bốn thầy trò Đường Tăng, ghét bọn yêu quái hung hăng, nhiều mưu lắm mẹo tìm cách ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất tử và một lòng kính ngưỡng Bồ-tát Quan Thế Âm vì luôn thị hiện đúng lúc, kịp thời, để cứu Đường Tăng thoát nạn…

Lớn lên, tôi tìm đọc tác phẩm này, và thấy rằng, truyện có cái hay riêng của truyện. Rồi sau này, tôi đi chùa, được nghe giảng, biết chút Phật pháp, tôi có thể hiểu được những tầng nghĩa thông qua những hình tượng nhân vật, những yêu quái, ma chướng trên hành trình tìm về với chân kinh của 4 thầy trò Đường Tăng - của mỗi đời người, thì câu chuyện lại càng cuốn hút tôi…

Thuở ấy, tôi đã xem và tin vào câu chuyện, vào các nhân vật trong phim bằng một niềm tin trong veo. Con nít mà! Tôi yêu thích bốn thầy trò Đường Tăng, ghét bọn yêu quái hung hăng, nhiều mưu lắm mẹo tìm cách ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất tử và một lòng kính ngưỡng Bồ-tát Quan Thế Âm vì luôn thị hiện đúng lúc, kịp thời, để cứu Đường Tăng thoát nạn…

Và trong số 81 kiếp nạn của 4 thầy trò Đường Tăng, có những kiếp nạn liên quan đến Bồ-tát Quan Âm, rất thú vị.

* Khi đến viện Quan Âm, Đường Tăng và Tôn Ngộ Không vào xin ngủ trọ một đêm. Sư viện chủ nghe nói người từ Đông Độ sang đã niềm nở đón tiếp. Trong lúc dùng trà, lão hòa thượng hỏi thăm Đường Tăng xem từ thượng quốc sang, có đem theo bảo bối gì không? Ngộ Không đã đem khoe chiếc áo cà-sa - bảo vật của Quan Âm ban cho Đường Tăng trước lúc lên đường. Hào quang rực rỡ trên chiếc cà sa đã khiến lão hòa thượng động lòng tham, dù bản thân đã có bảy, tám trăm chiếc.

Và khi lòng tham đã khởi, sân, si liền “nối gót” theo sau. Thầy trò họ bèn bày mưu tính kế thiêu chết Đường Tăng để đoạt áo. Phát hiện chân tướng sự việc, Hành Giả bèn lên Nam Thiên Môn, tìm Quảng Mục Thiên Vương để mượn túi tránh lửa cứu sư phụ.

“Một đốm lửa tí ti, đốt trụi cả rừng công đức”, chỉ trong phút chốc tòa Quan Âm viện chìm trong biển lửa làm tỉnh giấc một con gấu đen thành tinh ở núi Hắc Phong. Lúc đầu, nó có lòng tốt, định đến chùa chữa lửa giúp, nhưng đến nơi, thấy tấm cà sa, bèn ôm luôn về sơn động, sau đó, viết thiếp mời ma vương các núi đến dự hội áo Phật.

Hành Giả bị sư phụ niệm chú Khẩn Cô Nhi khiến đầu đau như búa bổ vì sự háo thắng, khoe khoang gây họa, bèn bắt hết người trong chùa lại tra xét và lần ra manh mối yêu tinh. Hành Giả tìm đến nơi, đánh nhau với nó cho đến khi mặt trời lặn vẫn không phân thắng bại. Chợt nhớ ra ngôi chùa này thờ Quan Âm, bèn đến Nam Hải “bắt đền” và cầu Bồ-tát rủ lòng từ bi, giúp bắt yêu quái để lấy lại cà-sa.

Bồ-tát nhận lời cùng Đại Thánh giáng phàm một chuyến. Tại đây, Ngộ Không tương kế tựu kế cầu Bồ-tát hóa làm tên yêu Lăng Hư Tử đến dự hội áo Phật, còn mình sẽ biến thành viên tiên đan. Khi nhìn thấy Bồ-tát biến ra Lăng Hư Tử y như đúc, Hành Giả buột miệng: “Thế Bồ-tát là yêu tinh hay yêu tinh là Bồ-tát?”. Bồ-tát mỉm cười: “Ngộ Không! Bồ-tát, yêu tinh, đều là nhất niệm, nếu bàn cho đến gốc, đều là không”.

Sau khi dụ được tên Hắc Phong nuốt viên tiên đan vào bụng, Hành Giả ở trong đó tha hồ mà quậy. Yêu tinh chịu không thấu, Bồ-tát liền hiện lại bản tướng, bắt nó trả lại áo Phật. Bồ-tát từ bi không cho Hành Giả đánh chết Hắc Phong, giúp nó cải tà quy chánh, đem về núi Lạc Già cho làm thần giữ núi.

“Một tấm dã tâm nay mới định,

Biết bao nết xấu đến đây chừa”.

* Đến nước Chu Tử, 4 thầy trò Đường Tăng xin vào yết kiến nhà vua để đổi quan văn. Quốc vương bị bệnh lâu ngày không thiết triều nhưng nghe nhà sư từ Đại Đường sang, liền truyền chỉ soạn cơm chay thết đãi. Hành Giả giả làm thần y bắt mạch, biết được nhà vua mang tâm bệnh tương tư “đôi chim mất bạn” kể từ khi Kim Thánh hậu bị yêu quái tự xưng là Trại Thái Tuế ở động Giải Trãi trên núi Kỳ Lân bắt về làm phu nhân. Ngộ Không nhận lời quốc vương hàng yêu, đưa Kim Thánh nương nương về lại cung.

Ngộ Không đến nơi yêu quái ở, biến thành tiểu yêu tên gọi “Có đến có đi” trà trộn vào trong động tìm hiểu sự tình và tìm cách tiếp cận với Kim Thánh hậu. Ngộ Không được nương nươngmách, muốn thu phục được yêu quái, phải tìm cách lấy được bảo bối mà nó luôn đeo bên người là ba cái nhạc vàng: phóng lửa, phóng khói, phóng cát. Ngộ Không nghe vậy liền tính kế, nhổ mấy cọng lông hô biến thành ba cái nhạc giả, đợi lúc yêu quái sơ hở hoán đổi lấy nhạc thật đem đi khiêu chiến.

Mất bảo bối, Trại Thái Tuế bị vây giữa đám lửa, hồn xiêu phách lạc. Đúng lúc ấy thì Bồ-tát Quan Âm thị hiện, vẩy nước cam lộ cứu hỏa, trong chớp mắt, khói lửa đều không, cát vàng mất tích. Té ra, đây là con sấu lông vàng mà Bồ-tát thường dùng để cưỡi, nhân mục đồng ngủ say, nó cắn dây sắt trốn đi. Trước khi về lại Nam Hải, Bồ-tát đòi Ngộ Không trả lại 3 cái nhạc vàng. Ngộ Không giả vờ không biết. Bồ-tát dọa niệm chú Khẩn Cô Nhi, Ngộ Không sợ đau đem trả. Ai cởi nhạc vàng trên cổ sấu, nhạc vàng kẻ cởi hỏi người đeo…

Sau khi đưa Kim Thánh hậu về lại cung, giải tiêu tai 3 năm cho vua nước Chu Tử, thầy trò Đường Tăng lại tiếp tục cùng nhau lên đường

“Có duyên rửa sạch niềm lo ngại

Không nghĩ, lòng yên, hết vẩn vơ”.

* Sau khi cứu được Trần Gia Bảo và Nhất Xứng Kim - con cháu của Trần Gia Trang thoát chết thì Đường Tăng và 3 đồ đệ lại gặp nạn ở sông Thông Thiên. Yêu quái tức giận, vì không ăn thịt được hai đứa bé bèn làm phép cho dòng sông đóng băng, dụ Đường Tăng đi qua để bắt sống.

Không chỉ trong tác phẩm Tây du ký mà trong nhiều bản kinh, sự tích, hình tượng Bồ-tát Quan Âm luôn quen thuộc, gần gũi với mọi người. Với tâm đại bi, hạnh nguyện cứu khổ ban vui, Ngài đã trở thành điểm tựa tâm linh, dìu dắt, nâng đỡ, che chở cho chúng sinh đi qua những kiếp nạn của chính mình. Để rồi giữa những buồn đau, khổ hận, bệnh tật, tai ương, bế tắc… người ta - trong đó có tôi luôn tin rằng, khi trì niệm danh hiệu của Ngài lòng sẽ được bình an, sẽ thôi không còn sân hận, si mê, điên đảo; sẽ được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực; sẽ có nguồn sáng soi rọi để tôi, bạn và chúng ta có thể tìm ra lối thoát với một tinh thần không lo lắng, không sợ hãi…

Đường Tăng vì nóng lòng muốn đến Tây Thiên, không nghe lời khuyên can đã bị mắc bẫy, chìm xuống đáy sông. Đánh nhau dưới nước không phải là thế mạnh của Ngộ Không; Bát Giới, Sa Tăng cũng làm không lại, Ngộ Không đành lên Phổ Đà sơn tìm gặp Quan Âm để dò la xuất thân, tên họ của yêu quái này. Sau khi truy ra nguồn gốc, chủ nhân chính xác thì mới biết đường mà bắt yêu.

Đến nơi, Đại Thánh bị Thiện Tài Đồng Tử giữ lại, bảo là Bồ-tát có dặn ở đây đợi Ngài. Chẳng bao lâu, Bồ-tát ra, tay xách một cái giỏ đan bằng trúc tía, không lên tòa sen mà cùng Ngộ Không cưỡi mây lành đến trên sông Thông Thiên. Bồ-tát dùng sợi tơ thắt áo, buộc vào cái giỏ, thả xuống lòng sông, miệng niệm chú 7 lần, khi nhấc giỏ lên, thấy một con cá vàng trong giỏ. Hóa ra, đó là con cá mà Ngài nuôi ở ao sen, ngày thường chào lạy, nghe kinh, nhưng một hôm nước bể dâng, nó đã thoát ra đến đây tác yêu, tác quái.

Ngộ Không cảm tạ ơn Bồ-tát cứu sư phụ, còn xin Ngài nán lại giây lát, để các thiện tín ở Trần Gia Trang đến chiêm ngưỡng kim nhan, trước là lưu ân, sau là kể về việc thu yêu để cho người phàm có lòng tin cúng dường. Có những người thợ vẽ khéo, đã vẽ bức truyền thần lưu lại muôn đời sau…

Không chỉ trong tác phẩm Tây du ký mà trong nhiều bản kinh, sự tích, hình tượng Bồ-tát Quan Âm luôn quen thuộc, gần gũi với mọi người. Với tâm đại bi, hạnh nguyện cứu khổ ban vui, Ngài đã trở thành điểm tựa tâm linh, dìu dắt, nâng đỡ, che chở cho chúng sinh đi qua những kiếp nạn của chính mình. Để rồi giữa những buồn đau, khổ hận, bệnh tật, tai ương, bế tắc… người ta - trong đó có tôi luôn tin rằng, khi trì niệm danh hiệu của Ngài lòng sẽ được bình an, sẽ thôi không còn sân hận, si mê, điên đảo; sẽ được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực; sẽ có nguồn sáng soi rọi để tôi, bạn và chúng ta có thể tìm ra lối thoát với một tinh thần không lo lắng, không sợ hãi…

Nam-mô Đại từ đại bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quan Thế Âm Bồ-tát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày