Hiện tại, di sản văn hóa đặc biệt quý giá này đang hồi hộp chờ kết quả thẩm định của các chuyên gia vòng tiếp theo.Trước đó, hồ sơ mộc kinh đã được hoàn thành vào ngày 31-3 gửi UNESCO đề nghị công nhận là Di sản tư liệu trong chương trình ký ức thời gian thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm (được xây dựng từ thời Lý) ở xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang hiện lưu giữ bản khắc gỗ kinh Phật được sao khắc từ thế kỷ 17 mang nội dung tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm tam tổ.
Các bản kinh này được khắc trên gỗ thị (gỗ cây thị được trồng quanh chùa, có đặc điểm khi tươi thì mềm nhưng khi khô thì rất dai và quánh) đã trải qua gần 300 năm mà không hề bị mối mọt.
Qua công tác kiểm kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, kho mộc kinh hiện còn hơn 3.000 bản lẻ thuộc các thể loại: kinh, luật giới, trước tác nhà Phật, sách thuốc… được san khắc nhiều đợt. Về mặt khoa học, lịch sử, đây là bộ sưu tập mộc bản kinh sách Phật duy nhất hiện còn được lưu giữ về Thiền phái Trúc Lâm - một trong những thiền phái tiêu biểu của Phật giáo Việt
Ông Ngô Văn Trụ, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: "Qua lược thuật bước đầu cho thấy, kho mộc bản kinh Phật được các nghệ nhân san khắc vào nhiều thời điểm khác nhau, cụ thể: Vua Tự Đức các năm thứ 26, 34, 37, 39 (1873, 1881, 1884, 1886); vua Thành Thái (nhà Nguyễn, 1907); vua Bảo Đại năm thứ 7 và thứ 10 (1932, 1935)…
Từ kết quả kiểm kê, lược thuật, phân loại có thể khẳng định, kho mộc kinh được coi như bảo vật quốc gia và là nguồn di sản tư liệu phong phú, đa lĩnh vực. Qua kho bảo vật này, các nhà nghiên cứu có thể khai thác lượng thông tin đa dạng như: lịch sử Phật giáo, tư tưởng văn hoá hành đạo, nhập thế của dòng thiền Trúc Lâm, lịch sử nghề khắc in mộc bản, thân thế sự nghiệp của một số vị cao tăng có nhiều cống hiến cho sự phát triển nền văn hoá truyền thống của dân tộc.
Bà Hoa cho biết, tháng 11 tới, tỉnh Bắc Giang sẽ phối hợp với UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, T.Ư Hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về các giá trị văn hóa - lịch sử của tư tưởng thiền phái Trúc Lâm tam tổ và mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Hy vọng trong thời gian không xa, kho mộc kinh là nguồn sử liệu quý giá về quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam sẽ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới - tiếp tục là niềm tự hào của dân tộc Việt trong quá trình phát triển của đất nước.