Hòa bình & hữu nghị với các tôn giáo trên thế giới

(Bài giảng ngày 8-7-2018 tại trường hạ Học viện Phật giáo TP.HCM)

GN - Ngày nay, Phật giáo Việt Nam liên hệ với các tôn giáo trên thế giới là liên hệ về hòa bình và hữu nghị, vì chúng ta đứng trên lập trường Phật giáo là tôn giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp và tôn trọng sự thật trên thế gian này. Và đó cũng là chủ trương của Đức Phật từ khi Ngài lập giáo khai tông mà chúng ta đang đi theo.

Có thể nói tôn giáo là sản phẩm của trí tuệ loài người. Đức Phật cũng khẳng định loài người cao quý hơn các loài, vì loài người có trí tuệ.

ANH BT (5).JPG


HT.Thích Trí Quảng dẫn đầu phái đoàn GHPGVN TP.HCM
đến viếng tang cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc ngày 16-3-2018 - Ảnh: Yên Hà

Từ khi loài người có mặt trên trái đất cho đến ngày nay, tôn giáo đã theo đó xuất hiện nhiều nơi vào những thời kỳ khác nhau, do loài người nhận thấy được theo những cách khác nhau. Cái thấy này là cái thấy chung của loài người mà Đức Phật đã giảng rằng đó là cái thấy của người mù rờ voi, tức không ai thấy chính xác, mỗi người thấy một lãnh vực khác nhau, nên gọi là sai biệt.

Với cái thấy khác nhau phát xuất từ quan niệm khác nhau, lập trường khác nhau, chỗ đứng khác nhau… mà hình thành các tôn giáo khác nhau.

Trở về đạo Phật, nhiều người nhận thấy Phật giáo Nguyên thủy là một. Nhưng thực sự trong Phật giáo Nguyên thủy, thập đại đệ tử của Phật đã nhìn về Phật, hiểu về Phật cũng không giống nhau và pháp hành cũng không giống nhau. Sự hiện hữu của thập đại đệ tử hành đạo khác nhau và lãnh đạo mười tập đoàn khác nhau cho thấy cái gốc là Nguyên thủy đã có sự khác biệt. Thật vậy, lập trường của Ca Diếp lấy hạnh đầu đà là chính. Ca Chiên Diên lấy việc biện luận là chính. La Hầu La lấy mật hạnh là chính. Phú Lâu Na lấy hoằng pháp là chính. Mục Kiền Liên xiển dương Phật pháp bằng thần thông là chính. A Nan lấy đa văn là chính. Xá Lợi Phất lấy trí tuệ là chính. Ưu Ba Ly lấy trì luật là chính.

Như vậy, Phật giáo Nguyên thủy với thập đại đệ tử đã có sự khác nhau và đến khi Phật vào Niết-bàn lại càng khác nhau hơn nữa, vì Phật còn tại thế, Ngài dung hóa được tất cả tư tưởng dị biệt; nhưng không còn Phật, các đệ tử mỗi người tự thấy theo cách riêng của mình.

Từ đó phát sinh các hệ phái khác nhau, ở thời kỳ đầu đã có đến 20 hệ phái. Và từ 20 hệ phái này sanh ra trăm hoa đua nở, mà hình thành Phật giáo Phát triển và Phật giáo Đại thừa. Như vậy, nhìn từ gốc, Phật giáo đã có sự khác biệt.

Và ngày nay, chúng ta lấy trí tuệ làm nền tảng để nhìn về các hệ phái của chúng ta và nhìn rộng qua các tôn giáo khác.

Nếu lấy trí tuệ làm chính để quan hệ với các tôn giáo khác, chúng ta không nên quơ đũa cả nắm. Người sai là cá nhân họ sai, không phải tôn giáo của họ sai. Nếu chúng ta phê phán cả tôn giáo của họ sai, chúng ta rơi vô chủ quan, thấy không chính xác.

Nhờ đứng trên lập trường trí tuệ, tôi tham gia vào Hội đồng Tôn giáo thế giới từ năm 1970 và đã sinh hoạt với các tôn giáo bạn. Lúc đó, tôi lãnh trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vận động hòa bình cho Việt Nam, tôi mới có điều kiện tiếp xúc với những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới gồm đủ thành phần tôn giáo tham gia.

Phật giáo lấy trí tuệ làm nền tảng, vì vậy nhà bác học Einstein đã nói rằng nếu thế kỷ XXI có tôn giáo thì nên chọn Phật giáo, vì Phật giáo lấy trí tuệ làm chính. Như vậy, khoa học chấp nhận được một tôn giáo là Phật giáo.

Đứng ở lập trường này nhìn ra, chúng ta cũng thấy có những người muốn tìm sự thật của con người, của muôn loài, của sự sống, đó là điểm chung.

Tôi quan hệ với các tôn giáo nhận thấy điểm chung như vậy, nên tôi muốn nhắc nhở anh em về vai trò hoằng pháp trong tương lai cần xây dựng mối quan hệ của Phật giáo chúng ta với các tôn giáo khác một cách tốt đẹp. Không nên nói tôn giáo nào sai, vì có người đúng, người sai; không phải tất cả đều sai.

Tôi triển khai thêm một số ý để anh em có tầm nhìn nhất quán và rộng hơn. Nhìn nhất quán là Phật giáo Đại thừa không được tách rời Phật giáo Nguyên thủy, vì tách rời Nguyên thủy là mất gốc. Nhưng từ Phật giáo Nguyên thủy cần có tầm nhìn rộng hơn, thoáng hơn để thấy được sự hiện hữu cần thiết và khá tốt đẹp của Phật giáo Phát triển hay Phật giáo Đại thừa.

Từ đầu, Phật giáo Nguyên thủy căn cứ trên tạng kinh Nikaya, theo đó Phật nói pháp cho các nhà cai trị, cho đa số quần chúng, thậm chí nói pháp cho trẻ con. Điều này thể hiện rõ nét Phật nói pháp tương ưng với từng trường hợp một, không có trường hợp nào giống trường hợp nào.

Tôi nhớ những bài pháp trong kinh Nguyên thủy, có lúc Phật nói pháp cho nhóm trẻ con ở thôn Ưu Lầu Tần Loa có anh chăn trâu Kiết Tường, có cô gái Su Dà Ta. Phật nói những kiếp xa xưa trước, chúng ta từng làm đất đá, cỏ cây, làm thú, làm người. Ta nhớ trong kiếp xa xưa đó, Ta làm nai. Đồng thời lúc đó Ta có hai người bạn thân là anh chim sáo và chị rùa, cũng có người thứ ba ác độc là anh thợ săn.

Anh thợ săn theo dấu chân nai đến bờ suối đặt một cái bẫy để bắt nai. Khi anh thợ săn về nhà, chị rùa bò lên gặm đứt sợi dây để cứu anh nai, còn anh sáo bay về nhà anh thợ săn chờ. Khi anh thợ săn vừa bước ra cửa, anh sáo liền bay đến mổ vào mắt khiến anh ta không thấy đường, nên không thể đi ra suối để bắt nai. Cuối cùng Phật kết luận kiếp đó Ngài là nai, trong các con, đứa này là sáo, đứa nọ là rùa, đứa kia là anh thợ săn. Như vậy, từ kiếp xa xưa Ta và các con từng làm bạn với nhau rồi, nên nay tái sanh gặp lại, tuy không nhớ, nhưng liền có thiện cảm và giúp đỡ nhau; nếu đã từng thù oán nhau ở kiếp trước, thì nay gặp lại là ghét nhau liền.

Bài pháp thứ hai khi Phật dự lễ trai tăng của vua Tần Bà Sa La tổ chức tại thành Vương Xá. Phật nói cho vua và các quan lãnh đạo có trách nhiệm, Ngài đưa ra mẫu cai trị theo đạo đức trong Phật giáo là quy y Tam bảo. Quy y Phật là trí tuệ, quy y Pháp là chân thật và quy y Tăng là hòa hợp. Xã hội muốn được bình yên đòi hỏi phải có ba điều này.

Thật vậy, nếu những người lãnh đạo không hòa hợp, mà có định kiến sai lệch chắc chắn đưa xã hội đến bất an. Sự hòa hợp rất cần cho tổ chức, cho xã hội. Nhưng muốn xã hội hòa hợp, phải tôn trọng sự thật, không chủ quan, không bè phái; vì có bè phái và chủ quan sẽ đưa đến định kiến lệch lạc. Vì vậy, phải có trí tuệ để phán đoán việc đúng hay sai. Còn bị bè phái nặng quá, thí dụ thầy Nam tông chủ quan rằng hệ phái mình là nhất, Bắc tông là ngoại đạo, là Bà-la-môn. Hoặc người có định kiến Khất sĩ là nhất, vì vừa ăn ngọ, vừa ăn chay, rồi chê Nam tông không ăn chay, chê Bắc tông ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều. Nếu rơi vào sự cố chấp như vậy thì dù là Phật giáo Nam tông, hay Bắc tông, Khất sĩ cũng là phi Phật giáo.

Phải lấy trí tuệ làm chính. Đức Phật xử sự tốt đẹp mọi việc nhờ có trí tuệ chỉ đạo.

Tôi gặp người bạn tu theo Nguyên thủy nói rằng thiệt ra Phật không bắt ăn chay, nhưng ăn chay do Đề Bà Đạt Đa đặt ra.

Đối với người tu theo Nguyên thủy, họ ghét Đề Bà Đạt Đa, nên thấy mình ăn chay cũng nghĩ mình là môn đệ của Đề Bà Đạt Đa!

Đức Phật không công nhận năm điểm của Đề Bà Đạt Đa đưa ra. Đề Bà Đạt Đa chủ trương đệ tử Phật phải ăn chay. Nhưng Đức Phật không chấp nhận điều này.

Đức Phật chủ trương đàn việt hiến cúng thức ăn gì, ta dùng thức ăn đó. Nhưng ta thấy họ giết súc vật cho ta ăn, Tỳ-kheo phải từ chối thức ăn đó, bởi họ đã vì mình mà giết súc vật. Thứ hai là họ bảo người khác giết súc vật để cúng cho ta, thì cũng không được ăn. Thứ ba là nghi họ giết súc vật cho mình ăn cũng phải từ chối, không ăn.

Ba điều này trong luật ghi rằng tự sát, giáo tha sát và kiến sát tùy hỷ, thì người tu không được ăn thịt súc vật do mình giết, hay bảo người giết, hoặc thấy người giết.

Nhưng Phật cho phép ai muốn ăn chay trọn đời như Đề Bà Đạt Đa đều được, hoặc Phật cũng cho phép ăn tịnh nhục.

Điều thứ hai Đề Bà Đạt Đa đưa ra là người tu suốt đời phải ở trong rừng. Phật nói không cấm người tu ở trong rừng. Nhưng ai muốn ở Tăng xá, Phật có quy định cho việc ở tập thể.

Qua hai quyết định của Phật cho chúng ta thấy rõ trí tuệ của Phật đã thấy biết đúng đắn sự thật của cuộc sống mà Ngài đưa ra giải pháp tương ưng hoàn toàn hợp lý, hợp tình.

Thật vậy, Đề Bà Đạt Đa đã đưa ra những điều quá cao được một số người thích, nhưng lý tưởng là lý tưởng, còn thực tế lại khác.

Trên bước đường tìm chân lý, Phật đã từng thực hiện lý tưởng tu ép xác, nhịn ăn đến mức ngã quỵ. Trong khi mục tiêu của Phật là đắc đạo và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Nhưng nếu hành hạ cơ thể như vậy có được giải thoát và thành đạo hay không. Đó là kinh nghiệm mà Phật đã trải qua và Ngài truyền dạy cho những người cố theo lý tưởng thật cao, nhưng giữ được lý tưởng này đến cuối cùng, rất ít người được. Duy nhất chỉ có ngài Ca Diếp giữ được hạnh đầu đà trọn đời, thật đáng kính trọng.

Chúng ta tu lập hạnh trọn đời theo không dễ. Thật vậy, Đề Bà Đạt Đa mới nói pháp ăn chay trường và phải ở núi rừng, các Tăng trẻ nghe hay, họ liền kéo qua núi Tượng Đầu tu theo Đề Bà Đạt Đa. Nhưng sống với thực tế phải ăn chay trường, mặc áo phấn tảo, thực hành hạnh đầu đà suốt đời thì họ chịu không nổi. Họ chỉ chịu đựng được vài tháng thôi và phải kéo nhau trở về Trúc Lâm sám hối Phật, xin trở lại Tăng đoàn.

Phật nói mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, sức khỏe khác nhau, hiểu biết khác nhau… Tùy theo hoàn cảnh của từng người mà thực tập pháp nào thích hợp với mình, để phát huy đức hạnh và tuệ giác dẫn đến đắc đạo thì theo đó mà tu tập.

Trở lại việc Phật chỉ thuyết ba pháp quy y cho vua Tần Bà Sa La, vua liền nhận ra ý Phật dạy rất đúng, vì các quan trong triều đình không hòa hợp, chắc chắn triều đình bị loạn.

Nhưng vua muốn các quan hòa hợp, vua phải có trí tuệ để dung hóa những ý kiến dị biệt và đúc kết thành quyết định khiến mọi người chấp nhận. Còn dùng quyền uy mà áp đặt không thể được, dù họ có nghe theo cũng chỉ được một lúc thôi.

Và tiếp theo, Phật nói tổ chức nào cũng phải giữ bảy điều tạo thành sự hòa hợp, luôn hòa hợp với nhau trong việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và giải tán cũng trong tinh thần vui vẻ.

Như vậy, cũng xoay quanh ba pháp quy y, nhưng Phật triển khai ở mỗi nơi khác nhau.

Và tôi cũng nhớ câu chuyện hoàng hậu Vi Đề Hi dẫn thái tử A Xà Thế đến thăm Phật. Bà nói rằng Phật đã cho vua quan lời khuyên, còn đối với trẻ con, xin Phật cũng nói cho chúng hiểu. Và Phật đã nói gì với lũ trẻ.

Các thầy hoằng pháp phải suy nghĩ điều này. Riêng tôi, năm 1960, đã chuyên dạy giáo lý cho Gia đình Phật tử thuộc lớp Oanh vũ.

Phật đã kể chuyện cho trẻ con ở thôn Ưu Lầu Tần Loa và nay theo lời thỉnh cầu của bà Vi Đề Hi, Ngài kể chuyện cho lũ trẻ ở thành Vương Xá. Phật cũng kể chuyện tiền thân của Ngài rằng Ta nhớ kiếp xa xưa có lần Ta làm cây bông sứ ở bên cạnh cái ao có nhiều cá tôm. Một hôm, bác cò mới suy nghĩ cách bắt được nhiều cá tôm. Bác cò liền nói với đám cá tôm là mấy chú ở đây chật hẹp, ta đem các chú qua hồ sen ở cho rộng rãi, lại có nhiều thức ăn ngon hơn. Mấy con cá tôm liền hội ý với nhau rằng cha mẹ mình từng dạy là con cò luôn ăn thịt cá tôm, thấy cò thì phải lẩn trốn ngay. Nghe bác cò nói vậy, tuy chúng cũng có suy nghĩ, nhưng sau cùng lại khởi lên ý muốn qua hồ sen ở mát mẻ. Bác cò dụ dỗ rằng bác muốn đem tụi con đi hết, nhưng phải đem từng đứa mới được. Tụi con từng đứa nổi lên, ta gắp đưa đi hồ sen, rồi ta trở về, gắp tiếp đứa khác. Đầu tiên, để lấy lòng tin của lũ cá tôm, cò gắp một con cá cho qua hồ sen bơi lội thoải mái, rồi gắp trở về để nó kể cho các con khác nghe.

Nhưng sau đó, cò gắp được con cá nào thì nó bay lên cây bông sứ ăn thịt luôn. Cuối cùng cò ăn hết cá tôm rồi, còn lại con cua, nó cũng muốn ăn luôn. Nhưng con cua lớn quá, cò không gắp được, nó để con cua leo lên mình và cua dùng cái càng kẹp vào cổ nó để không bị rớt xuống. Cò liền bay lên cây bông sứ định ăn thịt cua. Cua mới nói nếu anh không đưa tôi đến ao sen như anh hứa, tôi sẽ kẹp cổ anh chết luôn. Rơi vào thế bí, cò đành đưa cua đến ao sen. Nhưng đến đó, cua không bò xuống mà kẹp cổ cò cho nó chết để trả thù giùm các bạn cá tôm bị cò ăn thịt. Qua câu chuyện, Phật cho biết tiền kiếp xa xưa đó, Ngài là cây bông sứ. Như vậy, Phật đã kể chuyện tiền thân của Ngài từ kiếp xa xưa cũng giống như chuyện ngụ ngôn cho trẻ con nghe.

Và có lần Phật về thăm vua Tịnh Phạn bệnh nặng sắp qua đời. Phật cũng kể chuyện tiền thân của vua để ông quán tưởng, không sanh tâm sợ hãi trước cái chết. Phật nói rõ từ kiếp xa xưa cho đến hiện đời, vua cha từng làm những việc tốt đẹp mới kết thành sự nghiệp đế vương này và từ hiện tại tốt đẹp như vậy sẽ là hạt nhân giúp ông có đời sống tương lai tốt ra sao. Phật đã chỉ dẫn cho vua cha cách quán sát sự hiện hữu của ông theo chuỗi mắt xích nhân duyên từ quá khứ đến hiện tại và dẫn đến tương lai.

Đức Phật cũng nói cho vua biết rằng Ngài thành đạo, thành tựu quả vị Phật, chứng được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, tức thấy biết chính xác mối tương quan sinh tồn của ba đời nhân quả. Vì vậy, đối với Phật, không có gì đáng buồn, đáng khổ, đáng sợ, đáng lo, không có sinh, già, bệnh, chết. Quá khứ, hiện tại và vị lai cũng là Ta.

Kinh Nguyên thủy cũng nói lý nhân duyên rằng không có gì trên thế gian này tồn tại độc lập. Muôn sự, muôn vật đều do nhân duyên hợp thành, nhân duyên ly tán thì mất. Và từ lý nhân duyên, kinh Đại thừa triển khai các pháp tìm ra cái thực của ta.

Từ nền tảng lý nhân duyên, tôi nghiên cứu kinh Đại thừa và nhìn rộng hơn, tôi tâm đắc yếu lý của kinh Hoa nghiêm. Kinh Hoa nghiêm chúng ta có do ngài Long Thọ xuống cung rồng Ta Kiệt La thỉnh về. Hòa thượng Trí Tịnh dạy tôi như vậy. Tôi nghe nhưng khó chấp nhận, vì không biết cung rồng Ta Kiệt La ở đâu.

Xuống cung rồng, ngài Long Thọ thấy có ba bộ kinh  Hoa nghiêm. Bộ đại Hoa nghiêm quá nhiều, ngài không thể đem về nhân gian được. Ngài thấy bộ trung Hoa nghiêm cũng nhiều, không thể đọc hết, không thể nhớ hết và cũng không đem về được. Cuối cùng, Ngài thấy bộ tiểu Hoa nghiêm tương đối nhỏ. Ngài nhớ được 100.000 bài kệ và trở về đất liền, ngài diễn tả thành 80 quyển Hoa nghiêm mà chúng ta tụng ngày nay.

Nhưng 100.000 bài kệ Hoa nghiêm tôi thấy cũng nhiều. Vì vậy, tôi chỉ học thuộc lòng 60 bài kệ trong phẩm Phổ Hiền Bồ-tát và lấy 60 bài kệ này làm phương hướng tu hành của mình.

Có lần họp ở miền Bắc, tôi ở chung phòng với Hòa thượng Trí Tịnh. Buổi tối, ngài tụng thuộc lòng phẩm Phương tiện thứ 2, kinh Pháp hoa. Ngài nói trước kia, Ngài tụng 28 phẩm kinh Pháp hoa, nhưng nay mắt không sáng, nên ngài chỉ tụng thuộc lòng phẩm thứ 2.

Và khi Hòa thượng tụng xong, tôi tụng 60 bài kệ kinh Hoa nghiêm. Hòa thượng hỏi tôi tại sao tụng như vậy. Tôi đáp con không tụng đại Hoa nghiêm, trung Hoa nghiêmtiểu Hoa nghiêm vì quá nhiều, nên chỉ tụng thuộc lòng 60 bài kệ Hoa nghiêm.

Đối với tôi, học với thầy tổ như thế, nhưng ứng dụng vào cuộc sống để phát huy tuệ giác của mình thì khác. Thầy nói vậy, kinh nói vậy nhưng chúng ta ứng dụng thấy khác, đó là thực tế.

Vì vậy, khi nghe tôn giáo bạn nói khác, tôi nghĩ điều này cũng bình thường, vì thầy trò mà còn thấy khác nhau, nói khác nhau.

Và tôn giáo là tư tưởng của loài người, nên ở chỗ này người ta nghĩ như vầy, chỗ khác có suy nghĩ khác. Nhận thức như vậy, chúng ta sẽ có được tầm nhìn thoáng, không rơi vô cố chấp, cục bộ. 

Hòa thượng Trí Tịnh nói bộ đại Hoa nghiêm trung Hoa nghiêm nhiều quá, không nhớ được. Tiểu Hoa nghiêm 80 quyển thì học được. Nhưng đối với tôi, đại Hoa nghiêm trung Hoa nghiêm quan trọng, vì theo tôi, ngài Long Thọ nói ẩn dụ, nghĩa là nói bên ngoài để gợi ý cho chúng ta hiểu được cốt lõi bên trong. Vì vậy, ngài Long Thọ không giảng đại Hoa nghiêmtrung Hoa nghiêm, mà chỉ giảng tiểu Hoa nghiêm. Tuy nhiên, theo tôi, tiểu Hoa nghiêm mình đọc được và hiểu rồi, còn đại Hoa nghiêm trung Hoa nghiêm không có để đọc mới quan trọng.

Cũng trên yếu lý này, khi Phật thuyết kinh Pháp hoa xong, Phổ Hiền Bồ-tát mới đến thì nghe gì. Nhưng Phật giảng xong mà Phổ Hiền còn nghe được thì cái nghe này mới quan trọng.  Cũng vậy, tôi giảng xong, về rồi, nhưng các anh em vẫn còn nghe được những gì tôi nói là nghe bằng căn lành, bằng niềm tin, bằng sự thực tập của mình là điều chính yếu trong đạo chúng ta.

Phổ Hiền hỏi Phật sau Phật diệt độ, làm sao có kinh Pháp hoa, tức có Phật thì có kinh, không có Phật, làm sao để có kinh.

Chỉ một câu hỏi như vậy gợi cho chúng ta nhận biết rằng Pháp hoa Diệu pháp Liên hoa, nghĩa là viên ngọc nằm trong hoa sen, tức trí tuệ nằm trong thân ngũ uẩn. Như vậy, làm sao hình thành con người mang thân ngũ uẩn và phát triển có được trí tuệ như Phật, đó là ý Phổ Hiền muốn hỏi.

Làm viên ngọc trong hoa sen, tức trí tuệ vẹn toàn trong thân ngũ uẩn, khác với tâm hồn dơ bẩn nằm trong thùng phân biết đi.

Trên bước đường tu, Tỳ-kheo quán tưởng con người là thùng phân biết đi và trong thùng phân có tâm hồn dơ bẩn bị nhiễm ô, khiến người ta luôn nghĩ đủ thứ việc không tốt và có hành động xấu ác. Đó là sự hiện hữu của tâm hồn dơ bẩn trong thân ngũ uẩn gồm có sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Nhưng điều chính yếu là phải chuyển hóa tâm hồn dơ bẩn thành tuệ giác của Phật.

Thật vậy, suốt đời thuyết pháp Phật dạy làm sao chuyển đổi thân ô uế thành ngũ uẩn thanh tịnh. Ngũ uẩn thanh tịnh chứa đựng năm thứ hương là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Chúng ta phải chuyển đổi thân ngũ uẩn thành năm thứ hương này gọi là tâm hương. 

Phật cũng mang thân người như chúng ta, nhưng được kính trọng vì Ngài có những việc làm đáng kính trọng phát xuất từ tư tưởng siêu việt đáng quý.

Hiểu được sự kết hợp tinh ba của Diệu pháp Liên hoa hoàn hảo như vậy giúp tôi nhận ra ý nghĩa của bộ trung Hoa nghiêm kinh chính là việc làm và lời nói của Đức Phật thật sự đáng kính trọng. Kinh điển gọi đó là Báo thân Phật, hay những gì Phật nói và làm khiến loài người phải kính quý Ngài, đó là trung Hoa nghiêm kinh.

Còn đại Hoa nghiêm kinh là gì. Từ Phật giáo Nguyên thủy, Phật khẳng định rằng những gì Ngài nói như nắm lá trong tay, hay đó là tiểu Hoa nghiêm kinh. Những gì Ngài hiểu biết như lá trong rừng, đó là trung Hoa  nghiêm kinh. Và những gì Phật chưa nói là tuệ giác Như Lai là đại Hoa nghiêm kinh; hay nói cách khác, là sự sống từ vô thủy cho đến ngày nay và mãi về sau.

Nói tóm gọn, đại Hoa nghiêm kinh là tuệ giác của Phật. Trung Hoa nghiêm kinh là việc làm của Phật. Tiểu Hoa nghiêm kinh mà Bồ-tát Long Thọ ghi được, hay chính xác hơn, được A Nan trùng tuyên sau Phật Niết-bàn 50 ngày. Đó là ý quan trọng chúng ta học về tư tưởng Đại thừa.

Thử nghĩ lời Phật dạy được A Nan kiết tập, chúng ta nhớ hết không, dù ngài Long Thọ gọi đó là tiểu Hoa nghiêm.

Còn những gì phần lớn của Phật, có thể nói chúng ta chưa thấy hết được, cuộc đời Phật chúng ta cũng chưa thấy hết.

Chỉ một việc nhỏ khi nghĩ về Phật, chúng ta cũng không trả lời được. Thí dụ như Thái tử Sĩ Đạt Ta được nuông chiều vô cùng, tại sao Ngài lại từ bỏ cuộc sống nhung lụa để dấn thân trên con đường cát bụi, sống rất cực khổ; trong khi tất cả mọi người ai cũng muốn sống giàu sang, sung sướng. Câu hỏi này chúng ta cũng chưa trả lời được, vì Ngài nghĩ gì, lịch sử không ghi. Tiểu Hoa nghiêm kinh ghi cũng chỉ là một phần nhỏ của Phật thôi. Đó là việc thứ nhất tôi nhận ra. Nếu chúng ta suy nghĩ và triển khai về cuộc đời Phật, phải nói là vô cùng tận.

Việc thứ hai, tại sao vua Tần Bà Sa La gặp Phật lại kính trọng Ngài đến mức dâng cúng vườn Trúc Lâm để xây tịnh xá. Tôi gọi việc này là trung Hoa nghiêm kinh.

Việc này được lịch sử ghi đơn giản rằng Thái tử Sĩ Đạt Ta tu ở Ma Kiệt Đà. Vua Tần Bà Sa La thấy Sa-môn có dáng giải thoát, đáng quý, vua mới tìm gặp. Và Sĩ Đạt Ta nói khi nào Ngài thành đạo sẽ đến độ vua. Nhớ lời hứa này, Ngài đã trở lại gặp vua. Vua vui mừng liền cúng Phật khu vườn Trúc Lâm. Lịch sử ghi như vậy, đó là tiểu Hoa nghiêm kinh.

Nhưng trung Hoa nghiêm kinh còn ẩn chứa những gì quan trọng không thể tự nhiên có, mà phải thiết thân thể nghiệm tinh ba Phật pháp mới nắm bắt được.

Thật vậy, trước một hiện tượng xảy ra, người có tâm Đại thừa luôn quan sát những gì liên hệ tác động đến sự việc. Thí dụ Phật nói một lá cây bình thường, nhưng ta phải thấy đầy đủ sự tiến triển của nó từ hạt trở thành thân cây, lá cây và phải nhờ có ánh sáng, vừng mây, mưa mới hình thành chiếc lá. Không có vật nào đơn độc mà hiện hữu và tồn tại được.

Vì vậy, tụng tiểu Hoa nghiêm kinh phải thấy rộng là thấy tinh ba hàm chứa trong trung Hoa nghiêm kinhđại Hoa nghiêm kinh.

Tu học Phật, quán sát cuộc đời Phật, từ lời nói của Phật, việc làm của Phật và tuệ giác Phật dẫn đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là cốt lõi của Đại thừa, tức đại Hoa nghiêm kinh.

Quán sát theo tinh thần này, anh em thấy Phật nói từ đầu phát xuất từ cỏ cây, hoa lá mà chuyển hóa thành con người. Sự tiến triển này được kinh Hoa nghiêm diễn tả là ngũ ấm thế gian hình thành quốc độ thế gian và tạo ra chúng sanh thế gian. Kinh Pháp hoa gọi đó là tam thế gian.

Người học Đại thừa, việc quan trọng phải tìm hiểu, quan sát để nhận ra tam thế gian. Về quốc độ thế gian và chúng sanh thế gian, tôi đọc câu chuyện trao đổi giữa Uất Đầu Lam Phất và Cù Đàm.

Cù Đàm hỏi nếu đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, “Hành” sẽ không có (Hành là hành động của nội tâm), thì cắt bỏ hoạt động nội tâm, ta đồng với gỗ đá hay sao.

Uất Đầu Lam Phất trả lời rằng đến sở đắc này thì không còn tưởng, nhưng cũng không hiện hữu luôn “cái không còn tưởng”, nên gọi là Phi tưởng, phi phi tưởng định.

Trên nền tảng tứ thiền và bát định học được từ Uất Đầu Lam Phất, Đức Phật đã từng bước khám phá những điều mới của riêng Ngài là tứ quả Thanh văn: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Theo tôi, sở đắc này của Phật rất khoa học, vì những gì mà người trước đã đạt được, Ngài dùng trí tuệ để phát triển ra cái mới, tức có công trình sáng tạo riêng.

Tuy nhiên, đối với chúng ta, có thể cái thấy còn giới hạn gọi là người mù rờ voi thì đó chỉ là một phần nhỏ của kiến thức. Còn những gì của các tôn giáo khác thấy, ta phải trân trọng.

Vì vậy, các thầy hoằng pháp phải trân trọng người khác, không nên chủ quan. Vì người ta thấy khác, họ mới tin khác, làm khác thì đó là việc của họ.

Còn chúng ta theo Phật, phát huy tuệ giác,  phải có cái thấy đúng đắn, càng chính xác càng tốt và thấy thoáng, thấy rộng mới dung hóa được mọi sai biệt và nhất là làm nơi nương tựa vững chãi, an ổn cho nhiều người bị hoang mang trong đám rừng rậm kiến thức tràn đầy nhiễu loạn thông tin rác, thông tin bẩn, thông tin vô bổ tác hại tinh thần không ít trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày