Hòa cùng thiên nhiên chùa Từ Hiếu

GNO - Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, chạy dọc đường Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân) sẽ bắt gặp cổng lớn đề ‘Tổ đình Từ Hiếu'. Qua cổng này vào sâu bên trong chừng 200m, chùa Từ Hiếu dần hiện ra với cảnh quan vừa cổ kính vừa thơ mộng trong lòng thiên nhiên mát xanh và an bình.

Chùa Từ Hiếu ban đầu chỉ là một Thảo Am với tên gọi là am An Dưỡng do Tổ sư Nhất Định lập nên vào năm 1843. Ngài vừa tu hành vừa lo chăm sóc mẹ già. Cảm động về sự hiếu thảo, sau khi ngài viên tịch, Vua Tự Đức đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”.

Năm 1848, chùa được Hòa thượng Cương Kỷ hoàn thành việc xây dựng. Nét giản dị của chùa thể hiện qua lối kiến trúc chữ “Khẩu” với ba gian hai chái truyền thống tạo thành tổng thể khép kín.

Theo TS.KTS Lê Vĩnh An - viện trưởng Viện Công nghệ Việt Nhật (VJET) - ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), mỗi một di sản kiến trúc cổ, như chánh điện chùa Từ Hiếu là sự kết tinh của ba nhóm giá trị: giá trị tình cảm, giá trị văn hóa và giá trị sử dụng.

Với câu chuyện cảm động, chùa Từ Hiếu đã trở thành một biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong suốt nhiều thế kỷ qua. Cũng không biết từ bao giờ ngôi chùa cũng trở thành biểu tượng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với những bậc sinh thành. Điều đó đã thấm sâu vào đời sống văn hóa của người dân nơi đây như một nét đẹp.

Trên tấm văn bia tại chùa nay còn ghi rõ: “Từ là đức lớn của Phật, nếu không Từ thì lấy gì tiếp độ tứ sanh cứu giúp vạn loại; Hiếu là đầu hạnh của Phật, nếu không Hiếu thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời”. Có nghĩa Từ là để dạy thiên hạ cái đạo làm cha và Hiếu để dạy thiên hạ cái đạo làm con. Ngôi chùa từ đó đã đi sâu vào lòng người không phải bằng bề dày lịch sử hay công trình tráng lệ mà nhẹ nhàng với trường ca hiếu nghĩa và độ sinh.

Chùa Từ Hiếu đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1885, 1894, 1962, 1968 - do biến động của thời gian và ảnh hưởng của thiên tai, chính điện của chùa Từ Hiếu đã xuống cấp: phần bê-tông bị hư hại, thấm dột, ngói gạch rơi rớt nhiều lần, các cấu kiện gỗ bị mối mọt đục khoét hư hại nặng… Lần trùng tu mới nhất diễn ra vào đầu năm 2019 đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu chính điện cổ.

CTV Giác Ngộ ghi nhận không gian thiền vị của Từ Hiếu cổ tự:

1.jpg
Cổng Tam Quan chùa Từ Hiếu. Cổng chùa được xây theo kiểu vòm cuốn, hai tầng có mái che

2.jpg
Sau cổng Tam quan sẽ bắt gặp hồ bán nguyệt

3.jpg
Một góc thủy đình tại Từ Hiếu

4.jpg
Những cánh cổng nhỏ với hàng tre và cau vươn thẳng gợi sự mộc mạc, bình dị của làng quê

8.jpg
Nơi thờ Tổ với cây khế ngọt hơn trăm tuổi

9.jpg
Một góc bình yên ở Từ Hiếu

10.jpg
Thiền đường chính trong Khu nội viện - nơi hiện Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang tịnh dưỡng

11.jpg
Ban thờ chính trong khu vực Thiền đường.

12.jpg
Một khung ảnh về Thiền sư Nhất Hạnh với thông điệp “Ngồi yên - nhìn rõ”

14.jpg
Nơi lưu nhục thân của Thiền sư Nhất Định, người gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo. Với câu chuyện cảm động, chùa Từ Hiếu đã trở thành một biểu tượng của chốn thiền môn về đạo hiếu trong suốt nhiều thế kỷ qua

15.jpg
Qua ngõ vắng/ Lá rụng đầy/ Tôi theo con đường nhỏ/ Đất hồng như môi son bé thơ/ Bỗng nhiên tôi cẩn trọng/ Từng bước chân đi..” - một bài thơ ngắn với nhiều thông điệp thi vị được thiền sư Nhất Hạnh viết khi thiền hành trên những con đường nhỏ trong khuôn viên chùa Từ Hiếu. Trong ảnh là lối ra Tháp chuông trên đồi Xuân Dương, lá rụng đầy

Lương Đình Khoa thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày