Hoa Kỳ: Ni giới phương Tây sống chung tu học

GN - Vào ngày 22-1 vừa qua, 50 vị Ni từ 9 quốc gia đã gặp nhau tại tu viện Sravasti Abbey, gần Newport, bang Washington để bắt đầu khóa tập huấn và tu học Vinaya, chuyên về giới luật dành cho Ni giới Phật giáo.

PGNN934 (2).jpg

Chư Ni phương Tây thảo luận tại tu viện Sravasti Abbey

Đây là khóa tập huấn đầu tiên về giới luật ở phương Tây diễn ra tại Mỹ, được thiết kế đặc biệt dành riêng cho chư Ni người bản xứ sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính.

Ni sư Wuyin, người sáng lập và cũng là tu viện trưởng của Viện Phật giáo Quốc tế Luminary (LIBS) tại Đài Loan, cùng với Ni đoàn gồm 6 vị có mặt tại tu viện Sravasti Abbey để hướng dẫn khóa tập huấn bằng tiếng Trung và được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Wuyin là một vị Ni khả kính, xuất gia tu học từ nhỏ và dành trọn cuộc đời gần 60 năm cống hiến cho sinh hoạt Phật giáo.

Dưới sự dẫn dắt của Ni sư Wuyin, LIBS trở thành một viện Phật học tầm cỡ, chuyên đào tạo với chương trình giáo dục và tu học, dịch thuật văn phạm Phật giáo đặc biệt. Nhờ vậy mà Viện có thể cung ứng chư Ni có học vị, hạnh nguyện và công năng tu tập cho các chương trình hoằng pháp khắp thế giới.

Xuyên suốt khóa tập huấn và tu học Vinaya tại Sravasti Abbey này, các thành viên từ LIBS sẽ giải thích và chia sẻ về các hướng dẫn của Đức Phật dành cho Ni giới. Đồng thời, trong các buổi thảo luận, dưới sự điều phối của LIBS, chư Ni tham gia sẽ cùng trao đổi về việc thiết lập cộng đồng Ni giới trong xã hội hiện đại.

“Có dịp diện kiến, được học với Ni sư Wuyin là một điều khó khăn và hiếm hoi”, Ni sư Thubten Chodron, người sáng lập và cũng là tu viện trưởng tu viện Sravasti Abbey cho biết. “Chúng tôi thật sự hạnh phúc khi tạo cơ hội cho khá đông chư Ni phương Tây được tiếp cận và nhận sự chỉ giáo của Ni sư cùng Ni đoàn”.

“Đây thực sự là một khóa tu học và tập huấn đến từ thực tiễn cuộc sống của Ni giới phương Tây. Bằng việc chung sống và hành trì bên cạnh các bậc Ni lưu xuất chúng có một quá trình tu tập lâu năm, thông về giáo nghĩa Phật-đà, chư Ni phương Tây sẽ tăng trưởng niềm tin của việc xuất gia tu học cũng như gia bị thêm sự dũng mãnh trên con đường thiết lập cộng đồng Tăng thân trong tương lai”, Ni sư Chodron nói thêm.

Ni sư cũng khẳng định, dù có sự nghiên cứu và thông hiểu về các nội dung căn bản liên quan đến giới luật của Ni giới, nhưng chư Ni phương Tây thực sự chưa có nhiều cơ hội để được học hỏi từ một cộng đồng Ni giới giàu năng lượng tu tập, có kinh nghiệm trong hành trì và đào tạo theo truyền thống của các nước Phật giáo châu Á.

“Những lời dạy của Đức Phật vẫn còn quá mới đối với phương Tây”, Ni sư Chodron đánh giá. “Tất cả các kinh sách, bài giảng Phật pháp từ nhiều đất nước như Trung Quốc, Sri Lanka, Tây Tạng và những nước theo truyền thống Phật giáo khác mới chỉ bước đầu được chuyển sang ngôn ngữ của người phương Tây”.

Trong quá khứ, chư Ni phương Tây phải mất thời gian, công sức và tiền bạc để đến các nước châu Á tham gia các khóa tu học, huấn luyện nhưng hiệu quả khá thấp vì chỉ sử dụng ngôn ngữ bản địa, trong khi đó công tác phiên dịch bị hạn chế.

“Thực sự là một ngoại lệ khi Ni đoàn châu Á có thể tới Mỹ hướng dẫn tu học và hành trì cho chư Ni phương Tây. Điều này mang ý nghĩa và hiệu quả to lớn trên hai phương diện: hướng dẫn mang tính văn phạm và kỹ năng hành trì thực tiễn hàng ngày”, một phần trong thông cáo của tu viện viết.

Ni sư Chodron còn cho biết, có nhiều vị Ni cảm thấy được truyền cảm hứng trong sứ mệnh hình thành nên cộng đồng Ni giới ở nước của họ. “Tôi mong rằng các ý tưởng này sẽ là tiền để để mỗi nước phương Tây đều có hình ảnh của Tăng-già thực hành theo lời dạy của Đức Phật”.

Khóa học cũng cung cấp nguồn dữ liệu to lớn liên quan đến hướng dẫn tu học, hành trì bằng tiếng Anh và áp dụng cho các nước phương Tây trong tương lai. Tất cả dữ liệu này dự kiến sẽ được biên tập và xuất bản trong tương lai để có thể giúp ích cho đời sống và tu học của chư Ni khắp thế giới.

Tu viện Sravasti Abbey rất quan tâm và chú trọng việc dịch tài liệu tu học sang Anh ngữ. Hiện tại tu viện đã xuất bản 6 bộ sách hướng dẫn về luật căn bản và Tỳ-kheo-ni với nhiều cấp độ khác nhau.

“Chư Ni được đào tạo, có học thức, biết tu tập thì mới có thể giảng dạy giáo lý một cách mạch lạc và sâu sắc, giúp cho nhiều tín đồ chuyển hóa tâm thức của họ, làm cuộc sống thanh thoát hơn. Đạo pháp chỉ trường tồn ở những nơi có sự ứng dụng và hành trì lời Đức Phật trong một thời gian dài”, Ni sư Chodron tin tưởng.

Bảo Thiên (theo Lion’s Roar)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày