(Thân tặng Vân để nhớ về xóm cũ)
GN - Mẹ tôi mất lúc bà mới 48 tuổi! Mẹ mất vì căn bệnh ung thư gan. Ai cũng nói mẹ còn quá trẻ. Nhưng khi quàn mẹ trong chùa Xá Lợi, sư cô trong chùa Hưng Long lại nói với tôi mẹ có con sớm, vì thế cộng tuổi con cái lại tất cả 5 đứa thì mẹ được xem như “hưởng thọ” rồi.
Đêm cuối ở chùa, sư cô ngủ lại với chị em tôi để sáng sớm tụng kinh tiễn đưa mẹ. Sư cô kể lại mối thân tình giữa bà và mẹ, về những kỷ niệm xưa... Bà nói về nguyên nhân bà xuất gia, hoàn tục rồi lại trở vào chùa lúc chồng mất đi để lại cho bà năm người con trai, mỗi người đều có một cái tật, người chột mắt, người câm, người chân thấp chân cao...! Bà nói, đó là quả báo của vợ chồng bà, cộng với nghiệp quả kiếp trước của các con, cho nên bây giờ bà cho các con xuất gia hết. Cả năm người con bây giờ cùng tu với mẹ, căn nhà trở thành ngôi chùa, sáu mẹ con tu và nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi!...
Cuối cùng, trước khi giục chị em tôi đi ngủ, bà thở dài lẩm bẩm: “Đời người như đóa phù dung, sớm nở tối tàn!”. Không biết bà nói cho tâm sự của bà hay cho cuộc đời của mẹ?!
Câu nói đó cứ lởn vởn trong đầu tôi. Đám tang mẹ xong, tôi thắc mắc hỏi ba, vì ba luôn là quyển tự điển sống, bất cứ cái gì ba cũng biết và giải thích thật rõ ràng, ba lại rành về cây cảnh, hay kể cho chị em tôi nghe về khu vườn ngày xưa của ông bà nội; có lẽ giống ba, tôi thích cây cảnh và hay trồng hoa, căn nhà tôi ở hiện tại chỉ có cái sân nhỏ xíu vậy mà tôi tận dụng thành lan can trồng đủ thứ loại cây, mỗi thứ một chậu...!
Tôi kể cho ba nghe về lời sư cô nói và hỏi ba hoa phù dung ra sao. Ba tôi cho biết hoa rất đẹp và có từng chùm; hoa có thể to như cái chén ăn cơm, giống như hình dáng bông bụp tây, mùi hương nhẹ và thoang thoảng nhưng đặc điểm của hoa là màu sắc thay đổi, sáng tinh mơ hoa nở ra có màu trắng tinh khôi, giữa trưa hoa có sắc hồng tươi thắm và tàn vào buổi chiều, trước khi tàn hoa lại có màu hồng đỏ thẫm! Cả ba sắc hoa đều đẹp, ba nói vì sáng nở tối tàn lại thay đổi sắc màu như vậy cho nên ngày xưa nhà có con gái không ai trồng hoa này, người ta chỉ trồng hoa phù dung nơi chùa chiền... Rồi ba lại nói khi nào có dịp ba sẽ chỉ cho tôi xem... Nhưng tôi vẫn chưa bao giờ nhìn được loài hoa thay sắc đổi màu lạ lùng ấy...
Sau đám tang mẹ gần một năm thì em trai lớn của tôi có bạn gái. Em là người mà mẹ thương nhất, có lẽ sự ra đi của mẹ là một mất mát to lớn cho nên khi gặp Vân, hai đứa dễ thân nhau. Trong những ngày em tôi đi công tác, Vân thường tới nhà chơi và trò chuyện làm thân, kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của Vân. Tôi được biết Vân có nhiều chị em gái, nhưng mẹ lại gởi Vân và một người em nữa cho các cô nuôi ở Long An. Các cô không chồng, sống cùng nhau trong một khu vườn lớn còn lại sau khi bị nhà nước lấy đi một phần. Tôi thường ngồi vừa vẽ mẫu áo vừa nghe Vân kể. Bất chợt tôi nhớ và hỏi thăm về hoa phù dung, Vân nói có biết và thấy hoa trong vườn nhà! Thật may, Vân hứa khi nào có dịp về quê sẽ mang lên cây hoa phù dung tặng tôi!
Cuối cùng tôi cũng được nhìn thấy hoa phù dung - cây hoa Vân mang đến cho tôi vào buổi chiều, cây chưa cao lắm nhưng đã có hoa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa là sắc hồng đậm gần qua đỏ. Trong ánh nắng chiều, hoa vẫn còn đẹp tươi mang vẻ kiêu sa, nhưng dường như dáng hoa hơi mỏi mệt, có lẽ do ấn tượng sắc hoa lúc về chiều hay vì phải rời xa chốn cũ trải qua một đoạn đường dài hơn 40km? Quả thật là hoa đẹp như ba tôi mô tả. Tôi vui mừng trồng ngay vào một chậu tương đối lớn... chăm chút và tưới cây liền, nôn nao nhìn những búp non hé mở báo hiệu sẽ nở rộ lúc ban mai...
Sáng tinh mơ thì hoa nở, một màu trắng tinh khôi trông như một nàng công chúa kiêu sa đài các, đến trưa thì hoa đổi dần sang sắc hồng tươi thắm, rực rỡ và xinh tươi như cô gái xuân thì!
Bấy giờ là những năm tháng của thập niên 80... Mọi người trong xóm đều tới xem hoa... Ai cũng trầm trồ với vẻ đẹp cũng như đặc tính thay đổi màu sắc của hoa, trong đó có cô Bảy “xóm trong”. Gọi là “xóm trong” chỉ để phân biệt “xóm ngoài”, đa phần dân xóm ngoài là gia đình công nhân viên chức, con cái ở trong nhà, xóm trong thì tận cùng hẻm nhỏ có chia nhánh đi luồn qua các hẻm lân cận, đa số là dân lao động, buôn bán ngoài chợ, bán chè, cháo, cơm tấm... Không ai biết tên thật của cô, cô còn có biệt danh “Cô Bảy chà” vì cô có nước da ngăm, có lẽ cô lai Ấn hay Miên, trước năm 75 cô đi làm ở các quán bar bán cho quân đội Đồng minh... Giống những người xóm trong, cô là thành phần lao động, nhưng vì nghề nghiệp, lúc nào đi làm cô cũng trang điểm đậm nét như ca sĩ, và mặc toàn áo đầm, jupe bó, thỉnh thoảng mới thấy cô mặc áo dài. Lúc còn sinh viên, tối thức khuya học bài, hàng đêm chị em tôi nghe tiếng giày cao gót của cô lộp cộp trong đêm khuya thanh vắng. Mỗi khi nhìn thấy chị em tôi đứng hóng mát trên ban-công, cô lại cười vẫy tay và hỏi còn thức học bài hả con...?
Chúng tôi dần thân quen với hình ảnh người đàn bà “quốc tế” này. Cô đi làm miệt mài do sinh kế phải nuôi sống sáu mẹ con, vì chưa bao giờ tôi thấy thiếu vắng tiếng giày của cô trong đêm khuya tĩnh lặng.
Xóm trong gọi cô là “bà mẹ quốc tế” vì cô có 6 đứa con, nhưng người ta chỉ thấy trước mắt là 5 đứa lai ngoại quốc. Đầu tiên là đứa con gái tên Đen, lai Maroc, sau đó một cặp con trai sanh đôi lai Hàn, tiếp theo là đứa con gái lai Mỹ, và cuối cùng là một đứa con trai út cũng lai Mỹ... Tất cả cô đều thương yêu cưng chìu như nhau. Bình thường cô rất hiền không nói đến ai, nhưng nếu có người nói động hay trêu ghẹo các con là cô lăn xả vào bênh vực, cô như con gà mái sẵn sàng xù lông che chở cho đàn gà con trước móng vuốt của diều hâu. Người ta nói cô còn đứa con gái lớn nhất người Việt ở dưới quê, kết quả của mối tình đầu với người đàn ông Việt bội bạc khiến cô hận đời bỏ lên Sài Gòn, không vốn liếng, không học thức cho nên cô đành phải vào làm ở quán bar, vừa là tiếp viên, vợ hờ rồi vợ một đêm,...
Sau năm 75, tất cả các con của cô đã lớn, không còn lính Đồng minh để làm nghề cũ, cô cũng lớn tuổi, mấy đứa con cùng mẹ bán bánh tráng và bắp nướng ngay ngã ba đường Vườn Chuối. Buổi chiều khoảng 4g là mấy mẹ con dọn ra bán, mãi đến tận khuya mới dọn về... Tôi lại nghe tiếng chân khuya nhưng không còn tiếng giày cao gót gõ trong đêm, mà là tiếng dép và tiếng cười nói rôm rả của mấy mẹ con, nghèo nhưng vô cùng ấm cúng!
Cây phù dung của tôi đã quen phong thổ cho nên lớn nhanh và cho hoa thật nhiều. Nhà tôi hướng Tây nắng chiều gay gắt nhưng giúp cho sắc hoa thêm tươi tắn và đậm màu. Ngày ngày cô Bảy đi ngang qua, buổi sáng cô trầm trồ với màu phù dung tinh khôi sắc trắng, buổi chiều cô lại ngắm sắc hoa đỏ tươi... Một lần hoa nở to thật đẹp, cô nói với tôi: “Con cắt hoa dâng lên cúng Phật, hoa này chùa hay trồng, tuy héo trong ngày nhưng ở quê cô mấy thầy trong chùa thường cắt hoa buổi sáng dâng Phật, màu hoa thay đổi giống kiếp người, sớm nở tối tàn, thấy đó rồi mất đó, màu hoa thay đổi như đời người đổi thay”.
Giọng cô đang vui khi ngắm hoa chợt nhỏ lại u trầm trong nỗi buồn sâu thẳm. Tôi vâng dạ mà không làm vì không nỡ cắt đi khi hoa chưa thay sắc. Bây giờ đã lớn, tôi mới thấy và hiểu tại sao hoa lại chỉ trồng ở chùa, và hoa được dâng cúng ở chùa nơi quê xa để cho người ta ngắm sự thay đổi sắc hoa và tính cách sớm nở tối tàn của hoa nào khác chi thân phận người phụ nữ và sự biến đổi sắc màu của hoa phù dung cho ta hiểu lẽ vô thường của Phật pháp?...
Và rồi cây phù dung cũng chết đi, vì đó là loại cây không thể sống lâu dài trong chậu. Ba tôi tuy không tin dị đoan nhưng cũng không muốn tôi lại trồng loại hoa này. Cô Bảy cũng ra đi với đàn con lai... Mỗi lần có dịp về quê, nhìn thấy cây phù dung, tôi lại nhớ đến thân phận người phụ nữ, nhớ mẹ, nhớ sư cô chùa Hưng Long và nhớ nhất là cô Bảy...
Vân sau này là dâu trong gia đình, cũng trải qua thời gian hạnh phúc với em tôi... Giờ thì Vân không còn nữa do căn bệnh ung thư giống như mẹ tôi... Lại một cánh hoa phù dung sớm tàn! Tôi còn nhớ như in bóng dáng xinh xắn lanh lẹ của cô thiếu nữ ngày nào ôm cây phù dung từ quê nhà lên cho tôi. Trong ánh nắng buổi chiều, Vân đẹp như đóa phù dung hồng thắm, chả trách sao trái tim em trai tôi dễ bị lung lạc...! Cuộc đời người phụ nữ tuy là trải dài theo năm tháng nhưng phải chịu đựng những biến đổi bể dâu, tôi thấy cuộc sống quả thật là ngắn ngủi nào khác chi đóa phù dung sáng nở tối tàn?!
Sắc màu thay đổi với Sắc Không,
Sớm nở tối tàn phận long đong...
Kiếp hoa nào khác chi bèo bọt?
Cuối cùng rồi vẫn trở về Không!
Thế nhưng tôi vẫn thấy yêu hoa phù dung. Tuy số phận của hoa phù dung như thế, nhưng ít ra hoa cũng đã khoe hết sắc hương cho đời, sắc hoa đem lẽ vô thường của Phật pháp đến với tất cả mọi người, nhưng quan trọng nhất là cho thấy thân phận đáng thương của người phụ nữ trong cuộc đời vốn đầy dẫy Sắc Không này!