Hóa thân

GN - Bồ-tát Quán Tự Tại (Quán Thế Âm) chứng được vô ngã pháp, thể nhập tánh Không, Ngài vượt qua được tất cả khổ ách bởi vì tâm không còn điên đảo mộng tưởng. Chẳng những thành tựu tự độ, mà với trí tuệ Bát-nhã và tâm đại bi, Ngài còn có năng lực độ tha rộng lớn, chuyên cứu khổ chúng sinh.

qta.jpg

Tôn dung Bồ-tát Quán Tự Tại - Ảnh minh họa

Nhờ chứng nhập tánh Không mà Bồ-tát thấy như thật: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”. Bản chất, tướng trạng của ngũ uẩn là Không (vô ngã, vô tự tánh, không chủ thể), do đó Bồ-tát có thể hóa thân thị hiện khắp muôn nơi, tùy duyên mà sử dụng phương tiện để giáo hóa, cứu khổ ban vui cho chúng sinh. Với tâm từ và bi nguyện độ sinh rộng lớn, Ngài hóa hiện nhiều hình tướng, nhiều chủng loại. Ngài có thể hóa hiện thân Phật, Bồ-tát, trời, người, quỷ, thần; có thể hóa hiện thành thân nam, thân nữ và nhiều thân tướng khác…

Chính vì tâm từ bi và năng lực độ sinh rộng lớn, thường thị hiện nhiều thân tướng để làm lợi ích chúng sinh mà nhân gian rất mực tôn kính Bồ-tát Quán Thế Âm thông qua nhiều hình tượng: Hình tượng nữ Bồ-tát tay cầm dương liễu, tịnh bình; hình tượng Bồ-tát thân nam đang tọa thiền nhập định; hình tượng Bồ-tát ngàn mắt ngàn tay; hình tượng Diệm Nhiên quỷ vương thống suất cô hồn ngạ quỷ…

Nhờ thành tựu trí Bát-nhã, thể nhập tánh Không mà Bồ-tát Quán Thế Âm có được nhiều hóa thân, tùy tâm ứng hiện trong cõi Ta-bà.

Con người phàm phu chúng ta chưa chứng được trí tuệ Bát-nhã, chưa thể nhập tánh Không, cũng không có vô ngại biện tài như Bồ-tát, nhưng vì lòng từ bi thương tưởng các chúng sinh, vì tâm nguyện cứu khổ ban vui, thực hành tâm hạnh Bồ-tát mà chúng ta hóa thân để làm nhiều việc lợi ích cho chúng sinh, hoằng truyền Chánh pháp. Mỗi hóa thân có thể làm được nhiều việc lợi ích, càng nhiều hóa thân càng làm được nhiều việc lợi ích khác nhau. Tuy nhiên hóa thân của chúng ta không giống, chưa hoàn hảo như hóa thân của Bồ-tát, bởi vì chúng ta còn là phàm phu, chỉ là Bồ-tát mới phát tâm. Chúng ta chỉ đóng vai như một nghệ sĩ diễn tuồng, càng nhập vai, diễn càng hay (nhờ năng lực và sự nhiệt tâm, biểu diễn quên mình) thì hóa thân của chúng ta càng tiến đến sự hoàn hảo. Tuy nhiên điều đó không phải dễ dàng, nó đòi hỏi sự tinh tấn rèn luyện tu tập, hành trì Chánh pháp trong mọi hành động việc làm của chúng ta ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Do chưa chứng vô ngã, chưa thành tựu trí tuệ Bát-nhã, nên tâm chúng ta thường bị bát phong tác động làm cho sinh khởi phiền não, bất an. Cũng chính vì thế chúng ta không tự tại trong cõi đời và khó làm tốt vai trò tự độ, độ tha, khó thành tựu đại nguyện. Mặc dù có tâm nguyện Bồ-tát nhưng chúng ta vẫn khó hoàn thành hóa thân của một vị Bồ-tát; chúng ta khó làm tốt vai trò của hóa thân một nhà văn hóa, xã hội hay một vị tu sĩ, Phật tử, một người hướng đạo, một nhà từ thiện v.v… Điều này cho thấy việc tu tập giác ngộ, giải thoát khỏi phiền não lậu hoặc (tự lợi) là mối quan tâm hàng đầu trong quá trình hoằng pháp, hành thiện lợi tha.

Chúng ta thường lấy việc lợi tha làm tự lợi nhưng đôi khi quên đi việc lợi tha phải xuất phát từ tâm từ bi, vô ngã thì mới thành tựu; quên đi mình chưa phải là Bồ-tát thật sự, cũng như chưa phải là hoa sen thì có thể bị nhiễm bùn. Chúng ta dễ rơi vào vòng đối đãi nhơn ngã, thị phi, các phiền não tham, sân, si, mạn sinh khởi lúc nào chúng ta không hay không biết, thế là những việc chúng ta làm chỉ mang lại cho mình một chút ít phước báo hữu lậu. Và đối với tha nhân, đối với chúng sinh khác, những việc làm đó cũng chỉ mang lại phần nhỏ lợi lạc cho họ mà thôi. Có nghĩa là chúng ta không mang lại nhiều lợi ích hoặc đem lợi lạc đích thực cho chúng sinh như chúng ta mong muốn.

Thậm chí còn tệ hơn thế nữa là khi chúng ta rơi vào cạm bẫy của ngũ dục, lục trần (nếu không có trí Bát-nhã, chưa đạt đến vô ngã). Có rất nhiều trường hợp người ta không thể làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, không đạt được mục đích, lý tưởng do không vượt qua được cạm bẫy cám dỗ của tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ (ngũ dục); của sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp (lục trần). Khi lao vào cõi đời ngũ trược này để thực hiện tâm nguyện, lý tưởng, có người đã bị nhấn chìm trong bụi bặm trần lao, mặc dù tâm nguyện ban đầu không mất, những chủng tử thiện vẫn còn trong tâm thức nhưng đã đánh mất rất nhiều cơ hội, làm uổng phí năm năm, mười năm, hai mươi năm, có khi cả một đời người. Có thể  nói đây là nỗi “ưu tư”, mối quan tâm của người mới phát tâm Bồ-đề, hành Bồ-tát đạo.

Thấy như thế để trong quá trình hóa thân hành Bồ-tát đạo, chúng ta luôn phản quan tự kỷ, quán chiếu bản thân, không quên nhìn lại mình, độ tha không quên tự độ, lợi tha không quên tự lợi. Thấy như thế để khi gặp những chướng ngại, khó khăn, chúng ta không nản lòng, không thối thất đạo tâm, không lui sụt chí nguyện tu hành và làm lợi ích chúng sinh, chúng ta càng phát tâm dũng mãnh, tinh tấn hơn để vượt qua những chướng duyên, hoàn thành tốt hóa thân của mình để thành tựu các thiện pháp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày