Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: “Cần quan tâm đào tạo Tăng Ni thực học thực tu"

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Với nhân duyên xuất gia, tu hành, thân cận thị giả chư Tổ và quý Hòa thượng, chúng tôi may mắn chứng kiến việc các hoạt động của GHPGVN ngay từ giai đoạn đầu thành lập (1981) và chính thức tham gia vào Giáo hội từ nhiệm kỳ III.

Do đó, về sự phát triển của Giáo hội, không cần phải nói ai cũng biết qua sự tăng trưởng số lượng Tăng Ni, cơ sở tự viện, nhiều hoạt động trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là những đóng góp cho công tác từ thiện xã hội là rất lớn. Điều chúng tôi trăn trở là về chất lượng việc đào tạo, giáo dục đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa.

Tôi kỳ vọng sau Đại hội IX (2022-2027) này, khi Hiến chương được tu chỉnh, cùng với những cởi mở trong nội dung các quy định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo, Giáo hội chúng ta cũng sẽ có những điều chỉnh để việc điều hành Phật sự chặt chẽ hơn nữa, từ huấn luyện gia giáo về quy củ tự viện cho tới Học viện Phật giáo, làm sao đào tạo được thế hệ Tăng Ni trẻ thực học thực tu; cần tuyển chọn thật kỹ đầu vào, tăng cường nội dung để bảo đảm chất lượng cho đầu ra sau này, đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Bên cạnh đó, Phật sự hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử cần có những đổi mới, tích cực hơn nữa, làm sao để tín đồ có cơ hội thấu hiểu giáo lý Phật.

Liên quan vấn đề thống kê tín đồ Phật giáo tại nước ta, Giáo hội cần có thống kê chủ động theo 3 lớp, đó là Phật tử thuần thành, những người kính tín Phật và người ảnh hưởng Phật giáo - như Đức Đệ nhị Pháp chủ GHPGVN từng nhận định rằng ở Việt Nam chúng ta, trừ những người theo tôn giáo khác, còn lại đều là tín đồ đạo Phật.

Chúng tôi cũng mong ngành Tăng sự có những biện pháp khen, phạt đối với Tăng Ni một cách nghiêm khắc hơn nữa. Cụ thể là phải có các biện pháp chế tài nghiêm minh. Bởi lâu nay chúng ta thường tuyên dương, nhưng phần kỷ luật đối với Tăng Ni vẫn chưa thực sự nghiêm phù hợp với Luật Phật chế và truyền thống sơn môn, nhằm giữ gìn hình ảnh Tăng bảo thiêng liêng, góp phần giữ vững niềm tin của tín đồ cũng như của xã hội đối với Phật giáo.

Thời gian gần đây, Hội đồng Chứng minh gồm các bậc kỳ túc trưởng lão đã có những thay đổi quan trọng để khẳng định quyền hạn giám sát, cơ quan lãnh đạo tối cao của Giáo hội về đạo pháp và giới luật. Đồng thời, với sự tăng cường nhân sự trẻ có năng lực và đạo hạnh vào Hội đồng Trị sự ở nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi kỳ vọng Giáo hội sẽ có sự chuyển mình, ổn định hoạt động mạnh mẽ hơn.

Sự chuyển đổi số đang là xu thế phát triển của nước ta, với bối cảnh xã hội 4.0 ngày nay, như tôi đã từng nói ở các diễn đàn về Tăng sự, là cơ hội cho việc hoằng pháp nhưng đồng thời cũng là thách thức, khó khăn đối với đời sống thiền môn. Do vậy, Tăng Ni, Phật tử chúng ta cần chính niệm khi tham gia mạng xã hội; nếu không vì Phật sự thì nhất định không lên mạng cho các mục đích giải trí đơn thuần khác, sẽ ảnh hưởng đến sự tu học của chúng ta, nhất là với những người sơ cơ chưa nhận thức đủ về Phật pháp cũng như lịch sử Phật giáo. Chúng ta tuyệt đối không bày tỏ thái độ, quan điểm bằng sự chia sẻ, bình luận về một vấn đề nào đó khi chưa có sự hiểu biết nhất định về nó.

Một vấn đề khác liên quan tới tự viện rất quan trọng, đó là các cơ sở chùa chiền được xếp hạng di tích trong khi những ngôi chùa ấy đang là nơi có Tăng Ni tu học, vẫn là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ. Tôi mong các cơ quan quản lý văn hóa của Trung ương cũng như các địa phương cần tham khảo ý kiến của Tăng Ni, lãnh đạo cấp Giáo hội tương ứng để có sự cân nhắc trong việc công nhận, xếp hạng các cơ sở tự viện là di tích. Việc đó sẽ tạo nên sự chủ động cho cả các cơ quan bộ, ngành quản lý cũng như Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử; phát huy giá trị di sản và tôn giáo trong đời sống hiện đại như chúng ta mong muốn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày