Hòa thượng Thích Giác Toàn nói về “Sứ mạng thiêng liêng của vị trụ trì trước thời đại”

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1175 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1175 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tự viện, tịnh xá, tịnh thất, Niệm Phật đường là đơn vị cơ sở của GHPGVN, là nơi nương tựa các mặt sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người Phật tử. Cơ sở phát triển tốt thì nền tảng Giáo hội càng vững chắc; ngược lại cơ sở trì trệ thì nền tảng Giáo hội suy yếu.

Từ đây cho chúng ta thấy một điều rất rõ: trách nhiệm, năng lực của vị trụ trì là yếu tố căn bản góp phần quan trọng để xây dựng và phát triển Đạo pháp trong lòng dân tộc, đặc biệt là trong thời đại hội nhập. Sứ mạng thiêng liêng của vị Tỳ-kheo, vị Sa-môn trong giáo pháp Đức Phật là “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” (thay mặt Phật, làm việc Phật). Đây cũng chính là trách nhiệm truyền thống của vị trụ trì đối với một cơ sở tự viện, tịnh xá… qua 3 phận sự trọng yếu:

Tác Như Lai sứ - hành Như Lai sự

“Tác Như Lai sứ” thể hiện đầy đủ chức năng của giáo pháp, đem đạo vào đời. “Này chư Tỳ-kheo, luôn luôn du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư Thiên và loài người”. “Hành Như Lai sự” là tự thân tinh tấn và gương mẫu trong đời sống tu học, được biểu hiện qua “Thân giáo, khẩu giáo, ý giáo” nhằm đem đến sự an lạc, lợi ích thật sự cho chúng sanh và cuộc đời.

“Nội hàm chi tâm” bao gồm các mặt ứng xử bên trong thể hiện “cái tâm” của trụ trì như:

Phụng thờ ngôi Tam bảo (Trang nghiêm nơi thờ tự; trang nghiêm khuôn viên Tam bảo; xây dựng cái mới, trùng tu cái cũ v.v…); Chăm sóc sự tu học của Tăng Ni trú xứ (Trau dồi pháp học, Ứng dụng sự học vào đời sống tu tập, pháp môn hành trì); Tự thân nỗ lực tinh tấn, hàng ngày luôn tỉnh giác nâng cao sự tu học của chính mình qua việc tự trau dồi “Thân, khẩu, ý” ngày càng thuần tịnh; Mọi sinh hoạt tu học của bản tự luôn gắn bó truyền thống tu học “Giới-Định-Tuệ” và các định hướng của GHPGVN (Bao gồm Tăng Ni trụ xứ và tín đồ; Các chương trình hoạt động của Giáo hội).

“Ngoại ứng chi đức” nhằm chỉ các mặt ứng xử bên ngoài thể hiện “cái đức” của trụ trì. Phận sự của vị trụ trì chẳng những lo chu toàn các mặt liên hệ tự thân, các mặt liên hệ bên trong nội tự, bao gồm Tăng (Ni) Phật tử và khuôn viên ngôi Tam bảo mà còn phải thể hiện cung cách ứng xử khéo léo, hài hòa đối với các mặt liên hệ bên ngoài xã hội, điều này được gọi là ngoại ứng, bao gồm một số điểm căn bản: Thể hiện đầy đủ các đức tánh không thể thiếu của một cơ sở tín ngưỡng đạo Phật (Tinh thần từ bi hỷ xả của đạo Phật với con người); Thể hiện tinh thần hóa độ của Đức Phật và chư Bồ-tát qua ý pháp Lục độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ); Làm cho đời cảm nhận được đạo là bóng mát, là nơi nương tựa tinh thần của người có tín tâm; ngôi chùa, tịnh xá… là nơi thờ phượng biểu tượng Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, làm chỗ nương tựa vững chắc của niềm tin Chánh pháp cho tứ chúng noi theo tu tập.

Trách nhiệm vị trụ trì trong thời đại hội nhập

Thể hiện tính khế cơ, khế lý của đạo Phật. Đạo Phật không tách rời căn cơ trình độ của chúng sanh, con người và lý tưởng sống của con người, của thời đại. Đồng thời thể hiện quy luật tương ứng của thế pháp và xã hội như quy luật “Thành, trụ, hoại, không” của vũ trụ, không gian. Quy luật phát triển của thế giới nhân sinh, xã hội… tại từng quốc gia, mỗi quốc độ địa phương, gia đình và con người.

Những thể hiện cụ thể góp phần trong quá trình hội nhập như trang nghiêm ngôi chùa, khuôn viên ngôi chùa trở thành cơ sở văn hóa của địa phương, trung tâm vãng lai chiêm bái của khách hành hương; Tổ chức các khóa tu học định kỳ, trung tâm Thiền học, tĩnh lặng an định cho cuộc sống đời thường; Tổ chức phiên dịch kinh điển, biên soạn, sáng tác văn học nghệ thuật Phật giáo v.v…; Sản xuất tương chao, rau đậu, hoa quả… phục vụ đời sống thường nhật tại ngôi tự viện; Sáng tạo, sản xuất những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm Phật giáo phục vụ du lịch tâm linh, góp phần tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội.

Trách nhiệm của trụ trì đối với Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ IX (2022-2027)

Vị trụ trì cần định hướng Tăng (Ni), tín đồ tại ngôi già-lam tự viện mà mình có duyên quản lý thực hiện tốt chủ đề Đại hội: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”. Đồng thời vị trụ trì cần tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trên tinh thần “phụng sự Đạo pháp – phụng sự Dân tộc”, nhằm hướng đến một tương lai thiện lành trong tinh thần hoằng dương Chánh pháp, ích đạo lợi đời.

Các vị trụ trì có năng lực chuyên môn, có tâm có tầm, thực tu thực học cần phát nguyện dấn thân tham gia gánh vác các Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà trong nhiệm kỳ mới, để hoàn thành sứ mệnh Giáo hội giao phó, xứng đáng với niềm tin của Tăng Ni, Phật tử.

Làm cho ngôi chánh điện trang nghiêm hơn. Làm cho khuôn viên chùa sạch hơn, đẹp hơn, thanh thoát thiền vị hơn. Tổ chức cho chư Tăng Ni, Phật tử tu học ngày càng tinh tấn, có chiều sâu về nội dung pháp học và pháp hành.

Phát tâm hoan hỷ chung sức, chung lòng cả tinh thần lẫn vật chất để góp phần thực hiện sự thành công của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Xã hội là pháp trần, luôn luôn đẩy mạnh những bước phát triển về mặt vật chất lên tầm cao mới để phục vụ đời sống của con người, trong vòng xoáy của vô thường sinh diệt.

Đức Phật và đạo Phật đã thể hiện giới thiệu đầy đủ về những thành tựu và hư hoại, những nhân và quả của các pháp hữu vi (qua Khổ đế và Tập đế); đồng thời Đức Phật và đạo Phật cũng đã vạch ra cho con người những phương pháp sống, tu tập để tự tìm lại chính mình, tự gạn lọc mọi nhiễm ô để tự thanh tịnh, giải thoát mọi khổ đau (qua Đạo đế và Diệt đế).

Chức năng của vị trụ trì là “Trụ Pháp Vương gia; Trì Như Lai tạng” làm cho Chánh pháp của chư Phật luôn luôn lưu trụ tỏa sáng hằng hữu trong đời.

Chúng ta được sanh ra và sống trong không gian, thời gian nào thì nhất định phải chu toàn mọi Phật sự liên hệ của chính mình trong thời đại đó. Sứ mạng thiêng liêng đang và sẽ hiển lộ tươi sáng nơi mỗi chúng ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày