Hoằng pháp trên con đường hội nhập & phát triển

GN - Gần 1.200 đại biểu thuộc Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành trong cả nước cùng hàng ngàn đồng bào Phật tử trong những ngày qua đã có mặt tại phố biển Vũng Tàu để cùng hòa mình vào không khí của hội thảo toàn quốc chuyên ngành. Từ đó, những hướng đi mới cho ngành hoằng pháp trên bước đường hội nhập, phát triển được quan tâm và đề cập.

Niềm vui hội ngộ

Phố biển Vũng Tàu khoác lên chiếc áo chào đón những người khách phương xa hội ngộ với nụ cười, niềm hoan hỷ. Khắp những tuyến đường trên địa bàn tỉnh nơi diễn ra Hội thảo, dọc giữa con lươn từ cửa ngõ nơi cuối tỉnh Đồng Nai về đến TP.Vũng Tàu, các pano, biểu ngữ nền vàng nhạt với hàng chữ xanh "Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015” được treo một cách trang trọng và dày đặc chào mừng cuộc hội ngộ của 1.200 đại biểu chuyên ngành về với phố biển.

anh hp.JPG


Chư tôn đức phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Bảo Thiên

Tại các địa điểm chính nơi diễn ra những hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội thảo: Chùa Đại Tòng Lâm (huyện Tân Thành) và Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Tân Thành; đại lộ Hùng Vương (TP.Bà Rịa); Trung tâm Hội nghị Hera Palace và Khu công viên Tam giác Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) rợp màu bandroll làm cho người đi đường cũng hân hoan. Trên các cung đường của huyện Tân Thành, dòng người qua lại như chậm hơn để hướng ánh nhìn về phía cổng tam quan ngôi chùa Đại Tòng Lâm với niềm hoan hỷ lẫn tò mò về màu sắc, âm thanh được thiết lập.

Hòa vào không khí ấy, Phật tử từ các tự viện của TP.Vũng Tàu và huyện Tân Thành phát nguyện dành những thời gian nhất định đến hỗ trợ cho hội thảo nên mọi thứ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn. Chị Liên Phương, một Phật tử đến từ TP.Vũng Tàu, luôn túc trực những ngày qua  góp sức cho hội thảo chia sẻ: “Tôi đã xin phép cơ quan được nghỉ làm vài ngày để đến phụ việc vì mấy khi Phật giáo tỉnh tổ chức được một sự kiện lớn với sự tham dự của đông đảo quý thầy cô cả nước. Công việc tuy có mệt và tất bật suốt nhưng ai cũng hoan hỷ”.

Cùng làm việc với chị Phương là hàng trăm tình nguyện viên được tuyển chọn phục vụ hội thảo. Các bạn không chỉ đến từ các đơn vị Gia đình Phật tử, CLB tình nguyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn từ nhiều CLB tình nguyện của tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Là người dân của tỉnh BR-VT, bạn Hòa Quyền cho biết cá nhân mình rất vui khi được tham gia góp chút công sức nhỏ bé của mình cho sự kiện Phật giáo to lớn này.

“Mình vừa tốt nghiệp đại học ở TP.HCM và về Vũng Tàu làm việc. Khi còn sinh viên, 3 năm liền mình tham gia Tiếp sức mùa thi cho Báo Giác Ngộ. Năm nay, khi nghe được tin Hội thảo sẽ diễn ra ở quê hương Vũng Tàu, mình cùng các bạn cùng nhau về để góp sức. Đối với mình, được tham gia, được hòa mình vào không khí trang nghiêm của các hoạt động Phật giáo giúp thân tâm cảm thấy an lạc và học được nhiều bài học cho cuộc sống”, cô gái nhỏ nhắn của phố biển tâm sự.

Trong khi đó, ở một cương vị khác, TT.Thích Minh Hạnh cùng mội đội ngũ cộng sự lên đến 30 thành viên là chư Tăng Ni và Phật tử luôn túc trực tại các khách sạn lớn để đón tiếp và hỗ trợ đại biểu. Lần đầu làm công việc này nên đôi lúc có lúng túng nhưng với sự nhiệt thành của toàn thành viên trong bộ phận, các trở ngại được giải quyết mang lại sự hài lòng cho khách phương xa.

Theo ĐĐ.Thích Thiện Thuận, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh BR-VT, đây là lần đầu tiên tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức sự kiện lớn và rất vui mừng, phấn khởi khi nhận được sự tham gia nhiệt thành của chư Tăng Ni, Phật tử toàn tỉnh vì bất cứ Phật sự nào cũng có thể gặp trở ngại và không thể đơn duyên mà thành tựu.

Trăn trở trước mắt

Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2015 gồm một chuỗi các sự kiện văn hóa, văn nghệ, ẩm thực, từ thiện, tâm linh, khóa tu, tập huấn và quan trọng nhất vẫn là các phiên thảo luận. Qua đó, Ban Tổ chức đã nhận 60 bài tham luận của chư tôn đức Ban Hoằng pháp các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thức giả, nhà nghiên cứu tôn giáo phản ánh thực trạng của Phật giáo được thể hiện qua các nếp sinh hoạt của người dân, hoạt động tín ngưỡng của các vùng miền, các sắc thái đa văn hóa, đa phương tiện của những nhà truyền giáo trong thời đại công nghệ bùng phát như vũ bão hiện nay. Trong đó, có có 22 bài tham luận xoay quanh vấn đề hội nhập mà ngành hoằng pháp cần phải đổi mới phương thức tổ chức và chương trình đào tạo nhân sự chuyên ngành phù hợp với xã hội bùng phát công nghệ thông tin và khoa học.

Nói về nội dung này, ĐĐ.Thích Huệ Pháp, Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Khánh Hòa thể hiện sự trăn trở đối với thực trạng cuộc sống của thanh thiếu niên ngày nay khi cho rằng bạo lực học đường, hình ảnh học trò đánh nhau, trò đánh thầy... trong sân trường hay ở ngoài đường không còn xa lạ trên mạng truyền thông. Đã có nhiều bài viết phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp của các nhà giáo dục, các nhà tâm lý học, các nhà xã hội học v.v... về vấn nạn này nhưng kết quả chưa thật khả quan, ngược lại còn có chiều hướng bùng phát mạnh mẽ hơn.

Theo vị đại biểu đến từ Khánh Hòa này, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên gồm: cá nhân, gia đình và xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp Phật giáo như mở lớp giáo lý ngắn hạn, tổ chức các khóa tu, thành lập các câu lạc bộ. Trong đó, vấn đề đào tạo hoằng pháp viên chuyên trách thanh thiếu niên Phật tử cần phải được quan tâm.

“Để chung tay giải quyết các vấn nạn xã hội không chỉ bạo lực học đường mà còn nhiều vấn nạn khác, thiết nghĩ, việc đầu tư cho thanh thiếu niên - lực lượng tương lai của đất nước nói chung, Phật giáo nói riêng - cần chú trọng nhiều hơn bằng cách đào tạo những hoằng pháp viên chuyên trách để thúc đẩy những hoạt động về thanh thiếu niên Phật tử cùng với chư Tăng để góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội”, ĐĐ.Huệ Pháp bày tỏ quan điểm của mình.

Ngoài ra, theo nhiều đại biểu, ngành hoằng pháp cần tìm hướng đi đích thực ở hiện tại và mai sau. Trên tinh thần đó, song hành cùng dân tộc là một trong những ý kiến nhận được sự đồng thuận cao. Theo Ban Hoằng pháp tỉnh Vĩnh Phúc, nhiệm vụ của nhà hoằng pháp là bằng cách lấp đi những khoảng trống tâm linh vốn có trong mỗi con người; giúp họ phát khởi được niềm tin chân chính nơi tự tâm mình, tin vào những lời dạy của Đức Phật, tin rằng trong mỗi con người vốn sẵn có một bản tâm thanh tịnh với đầy đủ đức tính từ bi, trí tuệ và diệu dụng vô cùng; từ đó thiết lập cuộc sống an lạc, hạnh phúc thực sự bằng chính khả năng và nỗ lực của chính mình.

Trong khi đó, Phật tử Hoàng Công Hiền, Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Quảng Trị cho rằng cần tập trung cho hàng cư sĩ và xem đây là lực lượng thực hiện sứ mệnh hoằng pháp tiềm năng.

“Hoằng pháp là nghĩa vụ thiêng liêng của người con Phật, bởi vì đây chính là hoài vọng của Đức Phật. Do đó sứ mệnh hoằng pháp vô cùng quan trọng và không phải là việc riêng của người xuất gia. Chính người tại gia ngay từ Phật còn tại thế đến nay dù ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, sinh hoạt trong Giáo hội hay hệ phái nào, đã đóng một vai trò vô cùng trọng yếu trong tất cả các sinh hoạt của Phật giáo, đặc biệt phải kể đến hoằng pháp”, cư sĩ Hoàng Công Hiền chia sẻ.

Để góp phần cho công cuộc hoằng pháp, Phật tử Hoàng Công Hiền đề xuất người cư sĩ cần quy y Tam bảo trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng; giữ giới, thực hành bố thí và thực hành đời sống vị tha, chia sẻ, phạm hạnh. Có như thế người cư sĩ mới trở thành cánh tay nối dài đắc lực cho Ban Hoằng pháp trong công cuộc truyền lưu Chánh pháp.

Tại các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề xuất những sáng kiến và giải pháp nhằm đưa công tác của ngành hoằng pháp hoạt động hữu hiệu trong thời hội nhập. Đồng thời còn có nhiều sáng kiến và giải pháp được đề xuất nhằm giải quyết các vấn nạn thanh thiếu niên hiện nay đang được cả xã hội quan tâm, cũng như ý kiến, kiến nghị nhằm hạn chế việc bạo lực học đường theo tinh thần Phật giáo và các chương trình quan tâm và chăm sóc người già để thực hiện công tác hoằng pháp.

Ban Tổ chức rất lấy làm vinh dự, vì đây là những ý kiến đóng góp rất chân tình và thẳng thắn để Ban Tổ chức lấy làm bài học kinh nghiệm cho công cuộc hoằng dương Chánh pháp trong thời kỳ hội nhập và phát triển”.

TT.Thích Huệ Thông
UVTT HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN

Bảo Thiên

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày