Hoành phi thiêng liêng hồn gỗ

GN - Trong kiến trúc nhà ba gian của người Việt, gian chính giữa là nơi trang trọng nhất, thể hiện khí linh của ngôi thất. Dù là một ngôi chùa, hay đình làng, và kể cả nhà ở của người dân, thì gian giữa vẫn luôn được bài trí cầu kỳ công phu hơn, để tạo tính tôn nghiêm và làm ấm cúng cho căn nhà.

Chính vì thế, người Quảng Trị gọi gian ấy là “căn bảy”. Có lẽ chữ “bảy” ở đây được hiểu theo nghĩa là chính thất, tức là căn chính.

Anh 2_Hoanh Phi treo o nha tho ho Hoang.JPG
Hoành phi ở nhà thờ họ Hoàng

Về các làng quê miền Trung, dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các đình chùa, miếu mạo đều có những bức hoành phi treo ở phía trên, chính giữa căn bảy. Và một số ngôi nhà của người quê, thường là nhà cổ hoặc nhà có các cụ cao tuổi, cũng treo hoành phi.

Mùa xuân này, tôi có dịp tìm hiểu về hoành phi ở chính trên mảnh đất quê nhà của mình, đó là làng Phúc Lộc (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).

Hồn dân tộc

Là thế hệ hậu sinh, tôi thường tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc bằng cách cầu thị ở các cụ lớn tuổi. Tôi nhớ cụ ông ở làng đã từng nói rằng, các cháu học nhiều, đọc nhiều, nhưng nếu muốn tìm hiểu về nét đẹp cội quê làng mạc thì không gì bằng đi hỏi các cụ cao niên. Bởi các cụ đều là những người đã từng được các bậc tiền bối dạy cho, lớp trước truyền lại đời sau, truyền miệng thôi chứ không có văn tự gì ghi lại, thế nhưng giàu có lắm, hiểu sâu lắm cháu ạ!

Cụ cho biết, chuyện treo hoành phi có từ lâu đời rồi. Ngày xưa khi chưa có bê-tông vôi vữa xây đặt, đình làng chỉ là tranh tre nứa lá dựng nên để thờ các vị thần khai khẩn khai canh, thì bức hoành phi đã có. Hoành phi khi ấy cũng đã được chạm trổ công phu lắm. Người ta coi như đó là vật quý, nếu gió bão có làm sập mái đình, dân làng nhất thiết phải đến thỉnh bát nhang và bức hoành phi đem đặt nơi trang nghiêm. Nói đến đấy, cụ trỏ tay về phía căn thất thờ tự: “Đấy cháu xem. Có cái gì dám treo cao hơn bàn thờ không? Không có, nhất quyết chỉ bức hoành phi mới được treo cao thế thôi”.

Cụ nói thêm, hoành phi không chỉ treo để làm trang trí, làm tôn nghiêm vẻ trang trọng mà còn thêm hai ý nghĩa sau. Thứ nhất, về phương diện vật dụng, hoành phi giống một cái biển chắn gió cho gian thờ tự, che chắn các ám khí (giống kiểu phía trước căn nhà có bức bình phong). Thứ hai, về mặt tâm linh, hoành phi có chức năng giống một lá bùa để trừ tà ma.

Cho đến hôm nay, khi mà các ngôi đình làng, các nhà dân đã được tôn tạo xây dựng kiên cố, nền nhà đóng gạch men sang trọng, thế nhưng những bức hoành phi vẫn được bảo lưu và chữ nghĩa khắc ở trên đó vẫn luôn sáng. Bất cứ ai bước vào căn giữa đều dễ dàng chiêm ngưỡng ngay bức hoành phi cổ kính trang nghiêm.

Hoành phi thường là bản gỗ hình ống quyển mở ra (cuốn thư) hoặc hình chữ nhật, xung quanh chạm trổ hoa văn và hình lưỡng long chầu nguyệt hoặc rồng leo rồng cuốn. Nếu hoành phi chữ nhật thì các góc được chạm hoa văn kiểu chữ Vạn nối nhau (卐). Ở giữa hoành phi đều có khắc chữ, một cụm từ Hán ngữ khoảng ba đến sáu chữ xếp ngang tạo thành một cụm nghĩa. Hoành phi được sơn son thếp vàng theo kiểu tô điểm màu sắc tôn quý của vương triều ngày xưa, nền màu đỏ, một vài họa tiết và chữ sơn mạ nhũ màu vàng.

Anh 1_Pho quang thuong chieu.jpg

Phổ quang thường chiếu - nội dung bức hoành phi nơi điện Phật

Anh 3_Hieu Vi Tien.JPG

Bức hoành phi "Hiếu vi tiên" ở gia đình ông Hoàng Tình, làng Phú Lộc

Chữ khắc trên hoành phi phải là một cụm từ cô đọng, sâu nghĩa, thể hiện niềm khát vọng mong mỏi cho đời sau, hoặc là lời dạy bảo con cháu. Ở làng Phúc Lộc, bức hoành phi treo trong chánh điện ngôi chùa khắc chữ Phổ Quang Thường Chiếu (炤 常 光 普), tức ánh sáng vô lượng (của Đức Phật) luôn tỏa rạng muôn nơi. Bức hoành phi ở nhà thờ họ Hoàng Công ghi Tiên Tổ Thị Hoàng (皇 是 祖 先), có nghĩa Tiên tổ là vua.

Chữ “vua” ở đây không có ý nói bậc đế vương, mà ngụ chỉ đối với con cháu thì Tiên tổ luôn đáng kính nhất. Các bức hoành phi gia đình thì có thể treo ba chữ Hiếu Vi Tiên (先 為 孝), chữ hiếu làm đầu; hoặc Đức Lưu Quang (光 流 德), có nghĩa đức mãi sáng, và cũng là để cầu mong cuộc sống gia đình luôn ấm êm tươi sáng, mọi việc hanh thông.

Những nghệ nhân tài hoa

Xem lại những bức hoành phi cổ ở làng, tôi không khỏi thán phục tài chạm trổ khéo léo của các nghệ nhân xưa. Khi mà việc điêu khắc gỗ còn thô sơ, thế mà nét chạm của họ như đã thổi hồn vào cho gỗ để có được những bức hoành phi kỳ phu. Điều này các xưởng chế biến mộc mỹ nghệ hôm nay, dù áp dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào làm nhưng chưa chắc có được cái hồn cốt và nét thần như thế.

Được biết hầu hết những bức hoành phi cổ còn lại hôm nay ở làng đều do một nghệ nhân chạm trổ, đấy là ông cụ người làng. Hồi còn sống, cụ có mái tóc bạc và chòm râu dài, tướng mạo thanh thoát, trông rất đẹp lão. Cụ sống giản dị nhưng lại cẩn trọng trong nghề chạm gỗ, và cụ theo nghề cho đến lúc mất. Có thể gọi cụ là một nghệ nhân, đằng đẵng miệt mài đam mê gỗ, để rồi những nét chạm trổ từ đôi bàn tay tài hoa ấy đến hôm nay vẫn còn được gìn giữ. Nét chạm sắc sảo, hoa văn mềm mại và kiểu khắc chữ chính xác đến từng nét mảnh.

Chạm hoành phi khác với chạm vật dụng thông thường ở chỗ nó đòi hỏi người thợ phải có vốn liếng cổ thư, như chữ Hán. Bởi lẽ các ông đồ ngày xưa chỉ cho chữ nhỏ trên một miếng giấy. Người thợ phải phác lại chữ Hán đó to hơn vào hoành phi sao cho cân đối với khổ bản. Nếu không giỏi chữ cổ, chỉ cần khắc vụng một nét là bản hoành phi vô nghĩa.

Ở làng Phúc Lộc có anh Hoàng Văn Hùng làm nghề chạm gỗ tại gia đình. Anh cho biết thỉnh thoảng mới khắc hoành phi. Nhưng lần nào khắc cũng đều thấy sợ sợ. Nhiều khi khắc một chữ trên bức hoành phi xong phải nghỉ ngơi đã mới dám khắc tiếp chữ khác. Anh nói, có lẽ mình chưa tới tuổi chạm hoành phi. Năm nay anh mới tuổi bốn mươi, theo anh thì phải ngoại lục tuần mới có thể khắc hoành phi đẹp. Thế mới biết cái nghề chơi với gỗ không dễ, và càng phải rèn luyện nhiều, học nhiều, chú tâm sâu hơn nữa mới mong chạm trổ nên bức hoành phi có thần.

Anh 4_Cham tro Hoanh phi.JPG

Anh Hoàng Văn Hùng đang chạm trổ hoành phi

Anh 5_Thep vang Hoanh Phi.JPG

Công đoạn sơn son thếp vàng

Cũng ở làng Phúc Lộc, xưởng mộc của ông Trần Văn Kiêu rất nổi tiếng về làm hoành phi. Mỗi năm ông được đặt hàng làm khoảng trên dưới ba mươi bức hoành phi. Gần Tết, người ta đặt ông tu sửa hoành phi, sơn son thếp vàng... Cô Nhung con gái ông, hiện đang là sinh viên cũng giúp ông rất nhiều trong công đoạn dán thếp nhũ vàng. Bởi việc dán nhũ đòi hỏi tỉ mẩn và khéo léo, cần một đôi tay mềm để dán nhũ sâu vào trong các chi tiết.

Gìn giữ nét đẹp

Trong các ngày giỗ chạp ở làng hay họ tộc, khi ngồi nhâm nhi chén rượu lộc, các cụ cao niên thường bàn về chữ nghĩa treo ở trên bức hoành phi, cốt là để cho thế hệ hậu bối chúng tôi được hiểu thêm.

Hầu hết giới trẻ thế hệ cháu con đều “mù tịt” về chữ Hán, nhìn hoành phi thì thấy trang nghiêm cổ kính vậy thôi chứ chẳng thể rõ nghĩa. May có các cuộc bàn thảo ấy mà chúng tôi được biết thêm. Các cụ giảng giải theo kiểu của những nhà nho xưa, trước hết đọc rõ từng chữ, sau mới giảng giải cho sáng nghĩa cả cụm từ. Rồi các cụ khuyên dù sau này có tái thiết, tôn tạo đình làng miếu mạo chăng nữa thì vẫn phải giữ các bức hoành phi, bởi đó là một nét văn hóa dân tộc, hồn cốt tinh túy mà người xưa đã trân trọng nâng niu và các thế hệ gìn giữ truyền thừa. Làm sao có thể lãng quên?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày