Hoạt động quyết định sự sống còn Tăng-già

GN - Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 37 năm kể từ khi thành lập (1981), đã có phát triển trên nhiều phương diện, tôn trọng nguyên tắc “hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế” như Hiến chương khẳng định.

cungthinh10su.jpg

Truyền giới để "tiếp dẫn hậu lai" là một việc làm giúp cho sự sống còn của Tăng-già - Ảnh: B.Toàn

Do vậy, Tăng sự là một trong 6 ban được hình thành ngay từ ngày đầu thành lập Giáo hội, trách nhiệm quản lý Tăng Ni, giám sát và điều hành các hoạt động đặc thù của Tăng Ni trong cả nước.

Thời Phật tại thế, Ngài đã dựa vào cuộc sống thực tế của Tăng-già cùng với các quy chuẩn xã hội mang tính phổ quát, mà quy định cách thức thâu nhận thành viên mới thông qua một biểu quyết tập thể (yết-ma) với số lượng hiện diện của 10 hoặc 5 Tỳ-kheo.

Yếu tố này là thể hiện của tính hiện đại và dân chủ tập thể - khi một cá nhân muốn gia nhập phải hội đủ những điều kiện mà đoàn thể ấy yêu cầu và phải vượt qua cuộc bỏ phiếu đồng ý của tất cả thành viên biểu quyết. Tất nhiên các thành viên có quyền yết-ma phải đủ phẩm chất, biết giới luật cơ bản như luật định.

Trong quá trình phát triển, Phật giáo du nhập các tầng văn hóa, từ đó ít nhiều chịu sự tác động nền văn hóa bản địa. Sinh hoạt của Tăng-già theo đó cũng chịu sự tác động, có sự điều chỉnh các nguyên tắc ứng xử phụ cho phù hợp.

Trong sự tác động ấy, các hoạt động Tăng sự của đời sống chư Tăng cũng có sự tiếp biến về xã hội, giảm tính chất sơ nguyên, mộc mạc. Vậy nên, có những hoạt động Tăng sự, một hoạt động đặc thù của Tăng-già, có nơi và trong một số giai đoạn thiên về hình thức, thậm chí cầu kỳ trong cách thể hiện; chính điều đó đã làm nhạt mờ nội dung cần thiết như những chế định ban đầu mà Đức Phật thiết lập liên hệ đời sống cộng đồng người xuất gia.

Đại giới đàn, nơi chọn người xuất gia kế thừa, đối với Giáo hội rất được chú trọng và vẫn đang được thực hiện đều đặn ở nhiều tỉnh thành. Do nhiều nhân duyên, có nơi tổ chức đúng pháp, tuy nhiên cũng có nơi có biểu hiện nặng về hình thức, thiếu sự chuẩn mực cần thiết và vô tình tổn thất giá trị cần phải có của “Giáo luật”.

Có nơi viện lý do truyền thống - “trước bày, nay làm”, lại tùy tiện trong vận dụng đã tạo nên tình trạng đáng lo ngại, và nếu không tỉnh giác để nghiên cứu và điều chỉnh thì nguy cơ những hiện tượng chưa đúng, chưa chuẩn (với Giới luật) trở thành điều phổ biến.

Để một Đại giới đàn đúng nghĩa theo Giáo luật mà Đức Phật đã chế định, chúng ta nhất định phải có nhận thức đúng, cần loại bỏ các yếu tố hình thức xã hội. Lễ nghi trang nghiêm trong tinh thần dung dị mộc mạc, chú trọng các thủ tục, nghi thức truyền giới đúng theo luật quy định.

Chú giải Luật Thiện Kiến nói: “Tỳ-ni tạng giả, thị Phật pháp thọ; Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ” (Giới luật là thọ mạng Phật pháp, Giới luật còn thì Phật pháp còn). Để Chánh pháp được tồn tại tất nhiên giáo luật phải được thực hiện một cách nghiêm túc không chỉ trong đời sống của Tăng Ni, mà cả tổ chức tôn giáo là Giáo hội. Đó là điều tối cần thiết mà không phải tất cả ai cũng đều có ý thức một cách nghiêm túc và cẩn trọng trong khi hành sự việc Tăng-già.

Đã đến lúc Giáo hội nên nhìn lại và đầu tư cho những hoạt động nội tại riêng biệt của Tăng-già, bên cạnh sự phát triển ngoại vi mang tính thế tục - xã hội. Đó là điều cốt lõi góp phần trang nghiêm Giáo hội, khiến cho Giáo hội có những bước phát triển vững vàng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

[Video] Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày