Học chờ đợi

GN - Có những buổi chiều trở gió, tôi đứng ngoài ban-công nhìn ra đường, chung quanh lặng thinh không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một hai chiếc xe vụt qua nhanh. Trời thì mây xám cuồn cuộn và trôi chậm chạp. Tiếng rì rầm của thiên nhiên càng làm cho mọi thứ cô tịch. Trong những lần ngước nhìn bầu trời như vậy, tôi đã rất mong Như Lai thị hiện.

đoicho 1.jpg

Thật không thể hình dung chỉ trong một thời gian ngắn, nước Mỹ có số lượng người nhiễm Covid-19 nhiều nhất thế giới. Hồi tháng Giêng, khi nước Mỹ chỉ mới lác đác một vài ca, cộng đồng người Việt ở Houston nói riêng và nhiều bang tại nước Mỹ nói chung đã rủ nhau đi mua khẩu trang, gel khô rửa tay, nước rửa tay, thuốc men để gửi về cho gia đình ở Việt Nam. Việc này trở thành một cơn sốt thực sự và ai cũng truyền miệng nhau rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành ổ dịch vì ở gần Trung Quốc. Khoảng thời gian đó, bất cứ lúc nào tôi gặp một người đồng hương, thì họ đều sẽ nói một câu rất giống nhau với đại ý: Tôi mới gửi về nhà một thùng đồ. Bạn đã gửi chưa?

Thời điểm ấy tôi vẫn loay hoay đọc, tổng hợp và phân tích nhiều nguồn tin tức khác nhau để có một chút kiến thức về dịch cúm chủng mới này. Tôi vẫn tạm yên với những tháng ngày trôi qua đều đặn từ chỗ làm về nhà trên đất Mỹ, không một ai có nghi ngờ gì về việc Mỹ đang dần bước vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Mọi thứ cứ trôi đi bình thường, nhưng không hiểu sao tôi cứ có cảm giác đó là nguyên lý tảng băng trôi của Ernest Hemingway. Phần chìm dưới tảng băng gì? Luôn có một nỗi hoài nghi vừa mơ hồ vừa lớn lao ngự trị. Hoa Kỳ là cái cổng giao thương kinh tế tài chính của cả thế giới, hàng ngày có biết bao nhiêu người qua lại giữa các nước, nhất là những cuộc giao thương lớn Mỹ - Trung, ở đó nguy cơ vô cùng cao. Mật độ dân cư tại các siêu đô thị của Mỹ rất dày đặc. Cuộc sống vẫn bình thường cho đến ngày cuối tháng 2, khi bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tử vong tại bang Washington, cùng với các ca nhiễm lên nhanh theo từng ngày khắp các bang khác, thì một làn sóng khủng hoảng dấy lên qua hành vi đi gom hàng tại các siêu thị của người dân. Lúc này nước Mỹ đã vô cùng khan hiếm hai mặt hàng là khẩu trang và gel rửa tay khô, bởi từ trước đó người ta đã tranh thủ gom hàng gửi về Việt Nam và một số nước châu Á khác.

Đến đầu tháng 3, lệnh ở nhà được ban bố khẩn cấp đối với những ngành nghề không trọng điểm, trong vòng 1 ngày chúng tôi phải nhanh chóng dọn dẹp đồ đạc ở nơi làm việc để mang hết về nhà. Mọi người nháo nhào giải quyết hết mọi thứ còn vướng mắc nhanh gọn, nói với nhau những lời tạm biệt kiểu như thời chiến sắp đến. Trong lúc tôi đang dọn chỗ ngồi của mình, thì nhận được tin nhắn của một người bạn: “Hôm nay cả công ty tôi phải xịt khử trùng hết, mọi người bị buộc phải về nhà ngay lập tức và cách ly 2 tuần do có một nhân viên đi công tác nước ngoài về bị nghi nhiễm và cho cách ly rồi. Trời ơi, tôi không thể ngờ dịch bệnh lại đến sát ngay mình như vậy. Tôi hủy cuộc hẹn vào ngày mai nhé. Hẹn sang tháng Tư ổn hơn sẽ gặp nhau”. Tôi nhắn tin trấn an cô ấy: “Không sao, mọi việc sẽ ổn”.

Đầu tháng Tư, mọi việc không ổn hơn mà mọi thứ càng tệ đi. Con số người nhiễm nhảy lên từng ngày nhiều tới mức tôi không còn muốn theo dõi nữa. Mỗi lần xem là tôi cảm nhận một nguồn năng lượng cực xấu tấn công mình ngay lập tức. Có những ngày, đầu óc tôi quay cuồng căng thẳng vì đọc quá nhiều các bài bình luận, phân tích, giả định, dự báo… Giữa loạn xạ thông tin đó, tôi nhận ra con người đang bất lực trước một vi sinh vật nhỏ bé.

Vào một ngày chết chóc nhất của New York, tôi gọi điện hỏi thăm một người bạn trong vùng dịch nóng nhất nước Mỹ. Cô ấy nói thoạt đầu rất lo lắng vì bầu không khí xung quanh rất ảm đạm, mỗi ngày ở trong nhà ám ảnh nhất là tiếng xe cứu thương, tiếng còi cảnh sát, nó cứ liên tục làm thần kinh mệt mỏi. Rồi tin tức và các con số tại New York và New Jersey cứ nhảy cao liên tục làm cả nhà cô ấy hoảng loạn. Nhưng rồi, cô ấy bắt đầu tập thích nghi bằng việc lôi hết việc nhà ra làm, rồi cả nhà cùng ra vườn chăm hoa tỉa cây và thấy ổn hơn.

Vào cuối tuần đầu tiên của tháng Tư, khi chính quyền Tổng thống Trump cho biết trong hai tuần tới, dịch bệnh sẽ bước vào đỉnh điểm và sẽ là thời điểm khó khăn nhất và dự báo các ca chết và ca nhiễm sẽ tăng vọt, mọi người bắt đầu đi mua thực phẩm và nhu yếu phẩm cho gia đình đủ dùng trong ít nhất hai tuần tới một tháng. Tôi dậy thật sớm để đi siêu thị vì thường buổi sáng người ta mới tổng vệ sinh khử trùng toàn bộ, lại ít người đi nên nguy cơ lây nhiễm sẽ đỡ hơn. Tôi chỉ dám đi khu vực gần nhà vì hiện nay vùng này số ca nhiễm chưa quá nhiều. Khi tôi đến nơi, dù cửa chưa mở thì đã có một hàng chờ rất dài với khoảng cách theo quy định. Giờ đây không còn cảnh chen lấn nhau giành giựt như hồi đầu mùa dịch. Các siêu thị đã có những quy tắc phù hợp để bảo đảm tất cả mọi người đều có thể mua đủ đồ dùng mà vẫn giữ an toàn sức khỏe.

Sau khi đi siêu thị về, tôi khử trùng tay cẩn thận, rửa mặt sạch sẽ và cho hết quần áo vào máy giặt, rồi tôi đi nấu một nồi nước xông với vỏ cam, chanh, sả, gừng, dầu nóng do không mua được lá xông ở chợ Mỹ. Tôi nhận ra, sau mùa dịch, sẽ có rất nhiều người mắc chứng tự kỷ ám thị nếu không kiểm soát tốt tinh thần. Tôi làm một cái lều xông hơi dã chiến, chui vào đó và bắt đầu cảm nhận sự dễ chịu từ hơi nóng mang mùi thơm của thảo dược thiên nhiên. Đã mấy chục năm rồi tôi mới thực hiện lại liệu pháp này. Hồi xưa khi bệnh, cuộc sống còn nghèo, mỗi lần ai bị cảm mạo là nấu nước xông, làm liên tục nhiều ngày sẽ khỏi bệnh. Ngồi một lúc lâu thì tự nhiên tôi rơi được vào trạng thái thiền định khoảng 5 phút. Khi mở mắt ra tôi có cảm giác tâm trí mình đã được tắm gội.

Chiều hôm đó, một người bạn vong niên của tôi đã ngoài 60 tuổi, nhắn tin cho biết chỗ cô ở có người nhiễm bệnh cùng độ tuổi với cô. Dãy nhà quanh đó phải đóng kín mít cửa và khử trùng toàn khu. Cô ấy nói, cả đời mình chưa bao giờ thấy bất an như lúc này. Tôi khuyên cô hãy ngồi xuống, hít thở sâu và cầm tràng hạt cầu nguyện một lúc và chú tâm vào hơi thở. Tối hôm đó, cô nhắn tin: Tôi thấy ổn hơn khi ngồi thở. Thế là tôi khuyến khích cô thực hiện việc đó nhiều hơn trong khoảng thời gian khó khăn này.

Điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất trong đại dịch này là có thể quan sát năm trạng thái của tâm khi rơi vào đau buồn khủng hoảng(*). Đó là chối bỏ, muốn điên lên được, than vãn kiểu giá như, khủng hoảng và chấp nhận. Đầu tiên người ta không thể hiểu được tại sao nước Mỹ lại bị như vậy, dân tình liên tục share các thông tin về bệnh dịch, đặc biệt họ tin vào những phát ngôn của người đứng đầu chính phủ, rằng đây chỉ là cúm mùa. Họ từ chối tin rằng con virus lợi hại nhất đã tấn công nước Mỹ - một đất nước hùng mạnh gần như hàng đầu thế giới, điều mà chỉ có thể thấy trong các bộ phim giả tưởng. Tiếp theo là sự giận dữ chiếm sóng trên truyền thông và các diễn đàn, cụ thể là hai đảng chỉ trích nhau, buộc tội nhau, dân ở phía hai đảng cũng theo đó mà chửi nhau một cách cực đoan. Kế đến là nhiều bài chỉ trích bình luận bắt đầu lên sóng, rằng giá như nước Mỹ trước đó vài tháng làm thế này thế kia thì đâu đến nỗi. Rồi tiếp đến là nỗi khủng hoảng lo lắng hiện lên khắp nơi khi người ta bắt đầu sợ bệnh sẽ trúng ngay mình, dịch kéo dài sẽ thất nghiệp và không có tiền để trả những cái hóa đơn... Hàng loạt post trên các trang mạng của cộng đồng Việt chia sẻ cách nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Quanh việc này cũng tiết lộ bao nhiêu thứ uẩn khúc trong đời sống người Việt tại Mỹ. Nỗi lo này lớn dần đến một lúc vì vỡ ra. Người ta bắt đầu nhận ra rằng đã đến lúc phải chấp nhận thực tế dịch bệnh sẽ còn rất lâu, phải tìm cách sống chung với nó một thời gian dài. Dần dần, người ta bắt đầu đăng những bí quyết may khẩu trang tại nhà, tự chế biến nước rửa tay, may khẩu trang tặng bệnh viện, làm việc nhà và nấu những món ăn ngon, tập thể thao yoga, chăm sóc vườn tược, các hình ảnh và clip hài hước cũng được chia sẻ để giảm căng thẳng.

Trước khi có lệnh ở nhà toàn bang, tôi đã hình dung việc kéo dài những tháng ngày cách ly, nên tôi đã đi mua những cây con và ít hạt giống về trồng. Có lẽ đó là việc sẽ giúp đầu óc được thư giãn. Khi tôi nhìn vào cây cà chua, tôi nhận ra thời gian trôi đi qua đó một cách kỳ diệu. Từ một cái cây non bé xíu xiu đầu mùa dịch, giờ cây đã ra trái xanh to tròn căng mọng. Vài hôm nữa trái sẽ chín đỏ. Thời gian cũng trôi trên những cánh hoa. Trước đó, tâm lý tham sống sợ chết nên tôi mua cây hoa… vạn thọ non nớt về trồng, giờ đây cây đã lớn và ra hoa. Cả cây rau hẹ nữa, tôi ngửi được mùi bông hẹ thơm dịu nhẹ. Tôi không thể ngờ bông hẹ lại có những bông hoa trắng nhỏ xinh xắn đến vậy, lúc đầu tôi trồng hẹ chỉ đơn giản để thay hành khi nấu một số món chay. Cái vườn cây nhỏ xíu ngoài ban-công cũng giúp tôi nhận thấy rằng nếu nhìn sâu vào thiên nhiên thì điều gì cũng kỳ diệu.

Mỗi buổi sáng khi thức dậy, không còn những ngày tất bật vội vã chuẩn bị mọi thứ để con đi học, mẹ đi làm, tôi thong thả mở cửa đón không khí tươi mới của sớm mai, bước ra ban-công ngắm cây cối và nghe chim hót. Bây giờ đang là mùa xuân nên thời tiết rất dễ chịu, cây lá đâm chồi nảy lộc xanh ngắt và chim chóc quay về hội tụ. Rồi tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra khoảng không gian xanh ngoài kia, tôi thiền định và cầu nguyện. Tôi cầu mong cho thế giới mau qua đại dịch, hơn hết tôi cầu nguyện cho hai nước Mỹ và Việt Nam sớm trở lại bình thường, vì tôi cần phải trở về nhà ở Sài Gòn. Đây là khoảng thời gian tôi thấy nhớ nhà nhất và tận đáy lòng nhận ra rằng mọi mưu cầu danh lợi tự nhiên mất đi, chỉ còn một ước muốn duy nhất là được ở bên gia đình trong mọi cảnh ngộ. Mỗi buổi chiều tôi cố gắng duy trì bài tập yoga, ngày nắng đẹp thì đi bộ ra các cánh đồng. Mùa này hoa dại nở rộ, cả cánh đồng hoa nhìn như một bức tranh. Mỗi lần được đi bộ lang thang cùng hoa lá, tôi thấy năng lượng u buồn được giải tỏa nhiều. Khả năng trị liệu của thiên nhiên quả là thần sầu.

doicho 3.jpg
Bây giờ đang là mùa xuân nên thời tiết rất dễ chịu, cây lá đâm chồi nảy lộc xanh ngắt và chim chóc quay về hội tụ. Rồi tôi ngồi bên cửa sổ nhìn ra khoảng không gian xanh ngoài kia, tôi thiền định và cầu nguyện

Đã gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội. Hầu như ai cũng biết rằng việc này còn kéo dài lâu hơn và mọi quyết định đang nằm trong tay cô virus. Bạn bè đồng hương thỉnh thoảng nhắn tin và gọi điện hỏi thăm nhau, than ngắn thở dài nhớ công việc. Hóa ra có một công việc để làm thật là hạnh phúc. Nỗi lo toan vẫn còn đó nhưng dịu đi vì biết chấp nhận. Một cô bạn của tôi đang sống ngay vùng dịch King County ở Seatle, là chủ một tiệm nails gọi điện cho hay, nghỉ dịch cô vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, con số cũng không nhỏ, mới đầu cũng sốt ruột lắm nhưng giờ có than thở cũng không được gì, ai cũng có những thiệt hại riêng. Thấy cô vẫn post hình ngắm hoa thưởng trà chiều xuân bên gia đình, tôi mừng cho bạn vững tâm trong đại dịch.

Vùng Greater Houston chỗ tôi ở thì số ca nhiễm vẫn lên nhanh chưa có dấu hiệu dừng lại. Những ngày gần đây thời tiết trở nên bất thường. Có những ngày nắng đẹp nhưng cũng có những ngày âm u mưa bão. Có những buổi chiều trở gió, tôi đứng ngoài ban-công nhìn ra đường, chung quanh lặng thinh không một bóng người, thỉnh thoảng mới có một hai chiếc xe vụt qua nhanh. Trời thì mây xám cuồn cuộn và trôi chậm chạp. Tiếng rì rầm của thiên nhiên càng làm cho mọi thứ cô tịch. Trong những lần ngước nhìn bầu trời như vậy, tôi đã rất mong Như Lai thị hiện.

Đó là những khoảnh khắc tôi nhận ra rằng, may mắn lớn nhất là đến thời điểm ấy, tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn có chỗ an trú. Sau tất cả, tôi học được bài học lớn nhất trong trận dịch thế kỷ này là biết cách chờ đợi. Con người có thể giỏi rất nhiều thứ, nhưng hình như rất kém đợi chờ. Tôi muốn nói đến chờ trong an định. Thử nghĩ lại xem, 15 phút lướt mạng xã hội qua nhanh nhưng nếu để chờ đợi ai đó 15 phút thì cảm thấy tâm khó chịu bực bội. Là những người bình thường không biết làm gì khác để giúp ích cho cộng đồng thì bây giờ là lúc phải học cách chờ đợi. Chúng ta chờ đợi sự biến mất của một thứ có thật nhưng mắt thường không nhìn thấy, đang tấn công con người và nằm ngoài khả năng tiên đoán của con người. Cuộc chờ đợi này sẽ rất lâu rất dài và tâm lý không khác gì thế hệ ông bà cha mẹ đã từng chờ đợi những ngày chiến tranh khốc liệt qua đi. Nhưng rồi mọi thứ sẽ được chữa lành từ sợ hãi và mất mát với tinh thần vô úy như như.

Bài học chờ đợi dành cho con người dịp này quả thật đắt giá!

Bùi Thị (ký ở Spring, Texas, Hoa Kỳ)

______

(*) Năm trạng thái của khủng hoảng đau đớn: 5 stages of grief including denial, anger, bargaining, depression, acceptance.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày