Học lão Tôn tính hài hước, yêu đời

Lạc quan, triết lý nhưng hài hước là đặc điểm nổi bật của nhân vật 'Tề thiên Đại thánh'.Thái Hà

(Cuốn sách của tôi)

Tây Du Ký mô tả toàn chuyện thần tiên, yêu quái nhưng không hề để lại cho người xem ấn tượng rùng rợn, kinh hoàng. Chính tính cách lạc quan, tự tin của nhân vật Tôn Ngộ Không đã quyết định khuynh hướng tác phẩm. Tác giả thông qua hành động đùa bỡn, ngôn ngữ hài hước của "chú khỉ thần thông" để châm biếm, giễu cợt.

Ví dụ: Vua nước Chu Tử thích thuốc trường sinh, Tôn Ngộ Không đã bốc cho những viên đan tẩm nước đái ngựa. Hay Tôn trả lời vua nước Ô Kê: "Lão Tôn này nếu chịu làm hoàng đế thì đã ở khắp thiên hạ vạn quốc thế này. Nếu làm vua, phải để tóc dài, mất ăn mất ngủ, nghe biên ải có giặc xâm lăng thì hoang mang sợ hãi, gặp năm đói kém thì lo lắng buồn phiền. Tôn này làm sao chịu nổi. Ông cứ làm vua đi, còn tôi thì cứ làm hòa thượng của tôi vậy". Đọc những đoạn như thế người ta thấy buồn cười và sau đó thấy việc tham sống cũng như tham quyền cố vị thực lố bịch.

Tác giả lấy sự khôi hài và dí dỏm làm đặc điểm nổi bật của nhân vật Tôn Ngộ Không để miêu tả, dùng nó để biểu hiện rõ nét, phong phú hơn tính cách anh hùng của nhân vật này. Trước mọi khó khăn, Tôn Ngộ Không có một tinh thần lạc quan mạnh mẽ, không hề nản lòng thoái chí, đồng thời, tin tưởng ở sức mạnh của mình, hết sức xem khinh kẻ thù. Lão Tôn phơi trần tất cả những cái xấu xa của bọn yêu quái với những lời chế giễu chua cay, làm cho chúng bối rối hoang mang.

Tôn Ngộ Không là nhân vật thể hiện rất rõ "tính thích hài hước" của tác giả. Trong mọi hoàn cảnh và với mọi đối tượng, lão Tôn đều có thể bông đùa, cười cợt, chế giếu được. Ngộ Không trêu được Lão Quân và có ý nghĩ hài hước về việc Bồ Tát "mượn" yêu quái để thử thách thầy trò mình: "Cái bà Bồ Tát này thực chẳng ra sao! Khi xưa giải nạn cho lão Tôn, bảo phải đưa Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, ta đã nói đường lối gian nguy khó đi, người từng hứa với ta nếu gặp nạn sẽ thân hành đến cứu. Bây giờ lại cho tinh ma hại ngầm, ăn nói không thực, như thế đáng kiếp cả đời không có chồng!".

Học lão Tôn tính hài hước, yêu đời ảnh 1

Bồ Tát đã đắc đạo, đâu còn sự phân biệt nam tính hay nữ tính. Thế nhưng tác giả lại để cho Ngộ Không rủa ngài là "cả đời không có chồng". Đem một hình tượng thần thánh tôn giáo ở trên cao kéo về cõi đời phàm tục và nhìn nhận như một thực thể phàm tục, đó là biểu hiện của tính hài hước ở Ngộ Không, đồng thời cũng là lối văn dí dỏm thường thấy của tác giả trong Tây du ký. Cũng chính bằng lối văn ấy, tác giả đã để cho Văn Thù Bồ Tát "thanh minh" rằng con sư tử xanh của ngài, tuy làm vua giả nước Ô Kê ba năm nhưng không thể "làm nhơ nhuốc" hoàng hậu ba cung như lời Ngộ Không nói được, vì "hắn là con sư tử đã thiến rồi".

Ngộ Không cũng đem cách nhìn "thực dụng" để "cười thầm" việc Quan Âm Bồ Tát mượn số đao Thiên Cương của Lý Thác Tháp, biến thành đài hoa sen nghìn cánh để lừa yêu quái: "Bồ Tát này bủn xỉn quá, trong ao sen có sẵn tòa sen ngũ sắc, tiếc rẻ không ngồi, lại đi hỏi mượn người khác". Đến khi tòa sen bị Hồng Hài Nhi ngồi vào, lão Tôn lại nói: "tòa sen tặng cho người khác rồi" và còn hỏi Bồ Tát: "Yêu tinh đã đặt đít vào, không biết ngài còn cần đến nó nữa không?". Cách nghĩ và cách nói ấy vừa bộc lộ bản tính khôi hài của Ngộ Không, vừa góp phần làm nổi bật pháp lực thần thông của Bồ Tát sau đó.

Ngộ Không thường chẳng ngần ngại trêu đùa sư phụ mình. Lần gặp nhau trong động Vô Để, lão Tôn đã vờ vịt để thử lòng Đường Tăng: "Sư phụ chẳng được việc gì! Yêu quái đã bày yến tiệc, cùng ăn với sư phụ rồi thành thân. Sinh hạ trai hay gái, cũng là dòng giống của hòa thượng, sư phụ còn buồn nỗi gì?". Các lần ở nước Tây Lương và nước Thiên Trúc cũng thế.

Tính cách này của Tôn Ngộ Không được bộc lộ rất thường xuyên trong những ý nghĩ, nhận xét ngộ nghĩnh, những lời đối đáp, mắng chửi đối phương và hạng "tiểu thần" như sơn thần, thổ địa, long vương... Bị con chó của Nhị Lang cắn vào bọng chân, ngã lăn ra, Đại Thánh liền mắng: "Cái đồ vong nhân này! Mày không đi cản chủ nhà, mà lại cắn lão Tôn!". Gặp Hắc đại vương, Ngộ Không cũng cười thầm vì thấy "tên này chẳng khác hòn than trong lò" và đoán ngay: "Chắc là hắn ở nơi đốt than kiếm sống, nếu không sao thân lại đen nhẻm như thế?".

Thi đấu phép "tắm trong vạc dầu sôi" ở nước Xa Trì, khi Ngộ Không nhận thấy có sự man trá, "lúc ta tắm thì nóng sôi, hắn tắm thì lạnh ngắt", đoán "chắc là có long vương nào giúp" đối thủ, bèn tung người nhảy vút lên trời niệm chú gọi ngay Bắc Hải Long Vương đến mắng: "Ta truyền đời cho cái giống giun có sừng, lươn có vẩy nhà ngươi rằng tại sao nhà ngươi che chở con rồng lạnh dưới đáy vạc giúp đạo sĩ để hắn hiển thánh thắng cuộc ta!".

Rồng vốn là biểu tượng sự dung hợp ở thời kỳ đầu của các dân tộc Trung Hoa. Thế nhưng ở đây, trong lời mắng nhiếc của Ngộ Không, kết cấu phức tạp "đầu ngựa, sừng hươu, vuốt ưng, thân lân, đuôi cá, chân hổ..." mang ý nghĩa tổng hợp thiêng liêng của rồng bị đem gắn với những giống vật bé nhỏ, hèn hạ, thật thảm hại và buồn cười.

Học lão Tôn tính hài hước, yêu đời ảnh 2

Bên cạnh đó, Tây du ký sở dĩ được coi là một tác phẩm giàu tính truyền kỳ vì nó thể hiện rất sâu sắc và chân thực những tình cảm phong phú, phức tạp của con người. Khi xem xét yếu tố "kỳ" trong thế giới nhân vật và hệ thống tình tiết, chúng ta đã thấy sự thể hiện những khía cạnh khác nhau của tình cảm con người trong tác phẩm này.

Thứ nhất, thế giới nhân vật Tây du ký tuy chủ yếu là thần thánh và yêu quái nhưng hầu hết đều có những quan hệ tình cảm của con người trần thế. Chẳng hạn, tình bạn đồng liêu thân thiết, bất chấp cảnh âm - dương cách trở giữa Ngụy Trưng và Thôi Giác, tình yêu kỳ lạ giữa Khuê tinh và Ngọc nữ, mối thù dai dẳng của Ngọc Thỏ với Tố Nga, tình anh em kết nghĩa giữa Tôn Ngộ Không với Ngưu Ma Vương, giữa Bách Nhãn Ma Quân với bảy nữ quái động Bàn Ty, tình vợ chồng giữa Ngưu Vương với thê thiếp hai bên...

Đặc biệt là tình thầy trò như cha con, đồng môn là anh em giữa các nhân vật trong đoàn thỉnh kinh. Liên kết các nhân vật về phương diện tình cảm theo kiểu gia đình là liên kết bền vững nhất. Vì vậy, con Cửu Linh Nguyên Thánh mới quyết tâm báo thù cho các cháu; hai ma ở núi Bình Đính, ba lão yêu ở động Sư Đà... đều sống chết có nhau.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn là tính chất phong phú, đa dạng và mức độ mãnh liệt của những khía cạnh tình cảm biểu hiện ở các nhân vật. Về phương diện tình cảm xã hội rộng lớn, có thể nói Tôn Ngộ Không điển hình cho lòng ham sống, lạc quan, yêu đời, yêu công bằng và lẽ phải, ghét ác như thù, thích làm việc nghĩa. Tính nóng nảy của Ngộ Không cũng có phần xuất phát từ lòng trọng nghĩa và điểm đặc sắc nhất trong tình cảm của nhân vật này là tình thầy trò, tình huynh đệ. Ngộ Không không chỉ tròn bổn phận mà còn sẵn sàng xả thân vì sư phụ, "Những lúc nguy nan nhất, người mà lão Tôn nghĩ đến đầu tiên chính là Đường Tăng".

Tình bạn ở Tôn Ngộ Không cũng là thứ tình cảm bền vững, trước sau như một, bởi vậy mới có thái độ nhún nhường, mềm mỏng trước Thiết Phiến công chúa và Ngưu ma vương. Lão Tôn tuy hay trêu chọc, đố kỵ, thậm chí dọa nạt, nhưng cũng rất thương và tỏ ra công bằng với Bát Giới, biết động viên và cũng không tiếc lời khen ngợi mỗi khi "chú béo tham ăn" lập công. Trên cương vị "đại ca", Ngộ Không thực sự xứng đáng không phải chỉ vì là người đến trước, cũng không phải bởi "cây gậy như ý", mà vì bản lĩnh thần thông quảng đại, nhân cách cao thượng, giàu tình cảm. Có thể nói tình cảm của Ngộ Không vừa có cái sâu sắc, cao cả của bậc đại trượng phu, lại vừa có cái hồn nhiên, bộc trực của trẻ nhỏ.

Thế giới nhân vật Tây du ký vì thế tuy kỳ lạ mà vẫn không rơi vào độ phi lý như truyện chí quái hay các loại truyện thần tiên đạo hoá khác. Ngay cả ở những nhân vật "quái" nhất, người đọc cũng cảm thấy rất gần gũi vì chúng đều thể hiện tình và lý trong đời sống xã hội.

Bộ phim Tây du ký năm 1986 của nữ đạo diễn Dương Khiết là một tác phẩm kinh điển, sống cùng thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ tài năng của Lục Tiểu Linh Đồng. Không chỉ có hành động mà từ ánh mắt, từ sự thay đổi của nét mặt, ông đều biểu hiện được tâm trạng của Tôn Ngộ Không. Đó là điều không dễ và không phải ai cũng làm được. Lục Tiểu Linh Đồng gần như gắn sự nghiệp của mình với Tôn Ngộ Không và chính diễn viên này đã tạo cho nhân vật một hình ảnh mẫu mực.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày