Hội chứng hoảng sợ Covid-19

Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hiện nay, thế giới đang đặt ra một vấn đề sức khỏe mới đó là hội chứng hoảng sợ Covid-19. Hội chứng này đang tồn tại song song với những ảnh hưởng về thể chất do Covid-19 gây ra.

Tưởng rằng hội chứng hoảng sợ Covid-19 là vô hình nhưng thực tế nó đã và đang gây ra những hệ quả không nhỏ.

Nhận diện hội chứng hoảng sợ Covid-19

Các trường hợp khẩn cấp xảy ra trong thiên nhiên, chẳng hạn như lũ lụt, động đất và sóng thần có xu hướng đột ngột, bất ngờ như một biểu hiện của sự vô thường. Con người ta luôn có các biện pháp ứng phó và phòng vệ liên quan đến sinh tồn đối với các mối đe dọa này. Các phòng vệ tương tự phản ứng trong các tình huống bất ngờ như khi băng qua đường, đi xe máy, lái xe ô-tô hoặc khi đối mặt với động vật nguy hiểm. Hành vi phòng vệ là phản ứng tức thời được kích hoạt bởi hệ thần kinh khi phát hiện các mối đe dọa. Nỗi sợ hãi, lo lắng là cảm xúc luôn xuất hiện ngay sau đó.

Đại dịch Covid-19 là mối đe dọa đặc biệt. Nhưng đại dịch này đang từng bước được khống chế bằng nhiều biện pháp y tế. Nó gây ra lo lắng và sợ hãi do tỷ lệ nhiễm tăng nhanh và nguy cơ tử vong.

Mọi người lo lắng Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe và nhiều mặt của đời sống. Các biện pháp an toàn xã hội như cách ly y tế, phong tỏa khu dân cư được thiết kế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19 cũng có tác động tâm lý đối với người dân trên toàn thế giới do hàng triệu người bị mất việc làm. Điều này dẫn đến suy thoái kinh tế, và nghiêm trọng hơn là tỷ lệ tự tử gia tăng. Ngay cả những người đã bị nhiễm bệnh hay chưa bị nhiễm bệnh cũng có thể gặp phải hội chứng hoảng sợ Covid-19 này.

Đại dịch Covid-19 gây ra lo lắng và sợ hãi do tỷ lệ nhiễm tăng nhanh và nguy cơ tử vong - Ảnh: Getty Image

Đại dịch Covid-19 gây ra lo lắng và sợ hãi do tỷ lệ nhiễm tăng nhanh và nguy cơ tử vong - Ảnh: Getty Image

Hiểu biết để không hoảng sợ

Các nhà khoa học ngày nay đã xác định: nỗi sợ hãi trước sự thiếu hiểu biết là một nỗi sợ hãi cơ bản và là thành phần cốt lõi của tâm lý lo lắng. Điều này vốn đã được Đức Phật chỉ dạy từ cách đây hơn 26 thế kỷ. Vì vậy, sự hiểu biết giúp chúng ta không hoảng sợ. Chúng tôi xin điểm lại những vấn đề cơ bản về dịch Covid-19 để quý vị hiểu rõ.

Covid-19 là gì? Co là viết tắt của Corona, Vi là vi-rút (virus), D là bệnh (disease), và 19 là năm nó được phát hiện (2019). Covid-19 là do chủng vi-rút Corona mới xuất hiện (SARS-CoV-2). Bệnh gây viêm đường hô hấp cấp và được truyền từ người này sang người khác qua đường không khí và giọt bắn. Do đó khẩu trang và giữ khoảng cách là biện pháp hiệu quả giúp giảm lây lan dịch bệnh.

Covid-19 chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong đợt bùng phát lần này không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.

Ảnh tác giả

Các nhà khoa học ngày nay đã xác định: nỗi sợ hãi trước sự thiếu hiểu biết là một nỗi sợ hãi cơ bản và là thành phần cốt lõi của tâm lý lo lắng. Điều này vốn đã được Đức Phật chỉ dạy từ cách đây hơn 26 thế kỷ. Chỉ có sự hiểu biết mới giúp chúng ta không hoảng sợ.

ThS.BSCK1. Võ Khắc Khôi Nguyên

Thực sự, đây không phải là lần đầu tiên vi-rút Corona (CoV) xuất hiện trên Trái đất. Thế giới hiện đang trải qua đại dịch thứ ba do loại vi-rút này. Trước đó có hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV vào năm 2002, và hội chứng hô hấp cấp Trung Đông do MERS-CoV năm 2012. Và chủng lần này là chủng mới so với hai đợt dịch trước. Vì vậy, chúng ta nên vững tin là nhân loại sẽ sớm vượt qua dịch bệnh nhờ kinh nghiệm tích lũy ở hai đợt dịch trước.

Trong lúc các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu chế tạo thuốc điều trị, thì vắc-xin và điều trị nâng đỡ là các biện pháp hàng đầu giúp kiểm soát dịch bệnh. Những người được tiêm vắc-xin sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn và ít bị bệnh nặng hơn. Vì vậy, mọi người nên sẵn sàng cho việc tiêm chủng theo hướng dẫn của ngành y tế. Mục tiêu cuối cùng là làm giảm thiểu sự lây lan, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong.

Đại dịch bùng phát lần này bởi biến chủng Đen-ta làm tốc độ lây lan nhanh chóng. Nó ảnh hưởng nhiều mặt đời sống từ kinh tế đến xã hội, từ vật chất đến tinh thần. Sự lây lan đã tăng theo cấp số nhân bởi nó truyền qua đường hô hấp với biến chủng Đen-ta. Dù các biến chủng xuất hiện nhưng cách thức lây truyền không đổi. Vì vậy, đeo khẩu trang, vệ sinh tay, cách ly y tế và giãn cách xã hội là điều kiện tiên quyết để cắt đứt đường lây. Không có cơ thể ký chủ (người nhiễm) vi-rút không thể tồn tại được. Trong tình hình hiện nay, chúng ta càng cần phải triệt để tuân thủ biện pháp này.

Sự hoảng sợ, lo lắng và thất vọng có thể thúc đẩy tác hại của căn bệnh này. Vì vậy, trong nguyên tắc điều trị Covid-19, ngoài việc nâng đỡ về thể trạng còn cần đến sự hỗ trợ về tinh thần, giúp người bệnh có niềm tin và an tâm điều trị - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Sự hoảng sợ, lo lắng và thất vọng có thể thúc đẩy tác hại của căn bệnh này. Vì vậy, trong nguyên tắc điều trị Covid-19, ngoài việc nâng đỡ về thể trạng còn cần đến sự hỗ trợ về tinh thần, giúp người bệnh có niềm tin và an tâm điều trị - Ảnh: Ngô Trần Hải An

Covid-19 với các biểu hiện thường gặp bao gồm sốt, ho, đau họng, giảm hay mất vị giác, khứu giác, mệt mỏi, khó thở và các triệu chứng khác. Đặc biệt, những người lớn tuổi và những người có các bệnh nền khác có nguy cơ bị nặng hơn khi nhiễm vi-rút. Trong những tình huống như vậy, bệnh có thể tiến triển thành viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng và tử vong. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ điều quan trọng là khoảng 80% các trường hợp bệnh diễn tiến nhẹ và tự khỏi, thậm chí không có triệu chứng. Các trường hợp còn lại mới cần mức hỗ trợ y tế cao hơn. Chính vì vậy, chúng ta không nên quá hoảng sợ và lo lắng trước dịch bệnh. Đảm bảo duy trì sức khỏe với hệ miễn dịch bình thường có thể giúp chúng ta chống chọi và vượt qua dịch bệnh an toàn. Điều quan trọng hơn nữa là người bệnh có thể hoàn toàn bình phục về mặt thể chất sau khi mắc bệnh, nhưng hội chứng hoảng sợ Covid-19 lại có thể ám ảnh lâu dài hơn, ngay cả đối với những người không nhiễm vi-rút.

Hiện nay, chúng ta cần thiết phải tạo ra sự bình yên trong nhận thức của mình và trên các phương tiện truyền thông. Nếu mọi người hiểu biết không đầy đủ hoặc hiểu sai sẽ góp phần làm phân cực suy nghĩ, gia tăng thêm sự hoảng sợ trong chính nội tâm chúng ta và gây ra sự rối loạn bên ngoài xã hội.

Video BS.Võ Khắc Khôi Nguyên chia sẻ về dịch Covid-19 và cách phòng ngừa

Sự hoảng sợ, lo lắng và thất vọng có thể thúc đẩy tác hại của căn bệnh này. Vì vậy, trong nguyên tắc điều trị Covid-19, ngoài việc nâng đỡ về thể trạng còn cần đến sự hỗ trợ về tinh thần, giúp người bệnh có niềm tin và an tâm điều trị. Hoảng sợ sẽ khiến chúng ta suy nghĩ không thấu đáo hay phản ứng thái quá với dịch bệnh. Ngược lại, không biết sợ cũng dẫn đến tổn hại cho cá nhân, cộng đồng và xã hội, chẳng hạn như phớt lờ thông điệp 5K của Bộ Y tế. Vì vậy chúng ta cần biết sợ hơn là hoảng sợ trước dịch bệnh này.

Tóm lại, hội chứng hoảng sợ Covid-19 có thể tránh được hoặc nếu nó xuất hiện thì vẫn kiểm soát được. Dưới góc nhìn y học: nỗi sợ hãi, lo lắng là cảm giác tâm lý giống như sự đau đớn hay cảm giác đói ở một số điểm cơ bản. Nó sinh ra từ tâm lý nên có thể kiểm soát bằng tâm lý. Hãy dùng sự hiểu biết, niềm tin, và hy vọng để đối trị với nó. Tâm lý thất vọng, lo lắng, sợ hãi khi không được điều chỉnh tốt cộng với dịch bệnh, nó sẽ gây phương hại cho bản thân và xã hội. Hơn thế nữa, hoảng sợ không giúp thay đổi hành vi tích cực của cá nhân cho việc phòng ngừa dịch bệnh hiện nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày