GNO - Các đại biểu từ Singapore và nước ngoài tham dự Hội nghị Toàn cầu về Phật giáo lần thứ 8, được tổ chức trong 2 ngày từ ngày 6 đến ngày 7-7-2013 tại Singapore.
Với sự hiện diện của 1.200 đại biểu đến từ các truyền thống Phật giáo khác nhau, Hội nghị đã đi đến thống nhất trong việc thông qua 2 nghị quyết liên quan đến bạo lực đang tiếp diễn chống lại người Hồi giáo ở các nước Phật giáo, và các vụ đánh bom Đại tháp Giác Ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ vào ngày 7-7.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp hình lưu niệm
Nghị quyết là một phản ứng từ cộng đồng Phật giáo đối với các sự việc quốc tế này, và được thông qua với đa số áp đảo hơn 95% phiếu ủng hộ.
Nghị quyết về việc bạo lực đối với người Hồi giáo ở các nước Phật giáo
"Chúng tôi muốn thông báo cho anh chị em Phật tử rằng chúng tôi quan tâm sâu sắc đến việc xử lý bằng bạo lực đối với những người Hồi giáo của những người tự xưng là Phật tử.
Hồi giáo là một tôn giáo hòa bình và Phật giáo là một tôn giáo bất bạo động. Đây là những lý tưởng cho tất cả nhân loại, bất kể sự khác biệt về tín ngưỡng và phong tục. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo phản đối tất cả các hành động bạo lực và sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích tất cả mọi người hãy hòa nhã và hành động bằng lòng từ bi. Chúng tôi cũng kêu gọi chính phủ hãy có biện pháp kiên quyết chống lại hành động giết người, hành hung, đốt phá, hãm hiếp và các hành vi bạo lực và kích động bạo lực, cũng như có những động thái thích hợp đối với người phạm tội, bất kể địa vị xã hội của họ".
Nghị quyết về các vụ đánh bom ở Ấn Độ
"Chúng tôi rất đau lòng nhưng chúng tôi sẽ tha thứ cho những người chịu trách nhiệm về vụ đánh bom đền Mahabodhi ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Các bạn có thể làm hỏng ngôi đền quan trọng nhất trong Phật giáo nhưng bạn sẽ không thể hủy diệt được đức tin của sự tha thứ và lòng từ bi của chúng tôi".
"Phật giáo là một tôn giáo từ bi và trí tuệ", bà Angie Chew Monksfield, chủ tịch tổ chức Hội nghị Toàn cầu về Phật giáo và là Chủ tịch Hội Ái hữu Phật giáo, cho biết: "Trong khi chúng ta đang đau buồn vì tình trạng bạo lực ở Myanmar và các vụ đánh bom ở Ấn Độ, chúng ta nhận ra rằng giải pháp lâu dài duy nhất đối với hành vi bạo lực là sự tha thứ. Các nghị quyết là một cách cụ thể thể hiện cam kết của chúng ta đối với hòa bình. Chúng ta hy vọng rằng các nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các xung đột một cách hòa bình và hiệu quả".
Diễn giả tham gia trình bày tại Hội nghị
Và trao đổi bên lề
Datuk Dr Victor Wee, Chủ tịch Hội Ái hữu Phật bảo Malaysia (Buddhist Gem Fellowship Malaysia), cho biết: "Tôi rất phấn khởi khi thấy Phật tử từ mọi truyền thống sử dụng cơ hội này để tham gia vào nhau về các vấn đề hiện tại rất quan trọng. Chúng tôi đã thảo luận và thông qua nghị quyết chung về hai vấn đề này, dựa trên các nguyên tắc Phật giáo về lòng nhân ái và trí tuệ".
Hội nghị có các chủ đề và các diễn giả như "Tìm kiếm Nội tại" của ông Tan Chade-Meng của Google, "Những thách thức đối với Phật giáo: Nhìn nhận Đức Phật một cách nghiêm túc" của giáo sư Richard Gombrich thuộc Đại học Oxford, và "Đạo đức sinh học Phật giáo trong y học và nghiên cứu" của Tiến sĩ Ho Eu Chin.
Hội Ái hữu Phật giáo (Buddhist Fellowship) là một nhóm Phật giáo phi giáo phái nói tiếng Anh, tập trung vào việc nghiên cứu giáo lý đạo Phật và thực hành thiền định. Nhóm đã có hơn 5.000 thành viên và là một lực lượng năng động trong cộng đồng Phật giáo trong việc chủ trương hiện đại hóa và đưa các vấn đề ra công khai để thảo luận và giải quyết.