Hội thảo Phật giáo tham gia công tác xã hội và từ thiện

GNO - Sáng nay, 14-6, tại chùa Phật Quang (TP.Rạch Giá, Kiên Giang) Hội thảo “Phát huy vai trò Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện” đã chính thức khai mạc.

Hội thảo do Ban Từ thiện Xã hội T.Ư phối hợp UBTƯ MTTQVN và Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội tổ chức.

h1.JPG


Văn nghệ chào mừng hội thảo

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban TTXH T.Ư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQVN; GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội đã quang lâm chỉ đạo và chủ trì hội thảo.

Gần 500 đại biểu là chư tôn đức Ban TTXH Phật giáo các tỉnh, thành; lãnh đạo UBMTTQVN các tỉnh, thành; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả trong cả nước về dự hội thảo.

H2.JPG


Nghi thức niệm Phật khai mạc hội thảo

Sau nghi thức niệm Phật, chào quốc kỳ - đạo kỳ, văn nghệ chào mừng, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Thanh Mẫn chào mừng chư tôn đức, các vị lãnh đạo, các nhà khoa học, cùng toàn thể quý vị đại biểu có mặt.

Nói về ý nghĩa hội thảo, vị lãnh đạo cơ quan mặt trận T.Ư cho biết - trên căn bản của những giá trị giáo lý “Lục độ” (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) và “Tứ vô lượng tâm” (Từ, bi, hỷ, xả), cùng với truyền thống “Hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sẻ chia trách nhiệm với xã hội và đất nước, tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động an sinh xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể phát động; góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế cơ sở, giáo dục mầm non, hoạt động trợ giúp xã hội, dạy nghề,... của Đảng, Nhà nước.

“Với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các bộ, ban, ngành liên quan các cấp, đến nay trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của Phật giáo tham gia trong nhiều lĩnh vực hoạt động, thu hút được nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng để cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cuộc sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là những người gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự trợ giúp xã hội ngày càng tốt đẹp”, ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.

H4.JPG


Ông Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội thảo

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Mẫn, để Phật giáo Việt Nam đóng góp tốt hơn nữa việc tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện cần có các giải pháp tích cực, đồng bộ giữa công tác quản lý, hỗ trợ của các ban, ngành chức năng của nhà nước, mặt trận; sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp Giáo hội và chất lượng tổ chức, hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện công việc; Hội thảo quốc gia Phát huy vai trò của Phật giáo tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện đã được tổ chức.

“Hội thảo là dịp chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thống nhất nhận thức về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước; trách nhiệm của chức sắc, tín đồ, các cấp Giáo hội, các cơ quan liên quan và tìm ra các giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia xã hội hóa công tác xã hội, từ thiện, an sinh xã hội” - một phần của phát biểu khai mạc cho hay.

Qua đó, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị quý đại biểu tận dụng cơ hội họp mặt quan trọng này để tìm các giải pháp phát huy vai trò của Phật giáo Việt Nam tham gia hiệu quả thực hiện xã hội hóa công tác an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, góp phần thiết thực vào các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc vào cuối năm 2017.

H5.JPG


Đoàn chủ tọa hội thảo

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn khai quát những thành tựu trong công tác xã hội, nhân đạo từ thiện kể từ ngày thành lập Giáo hội đến nay, đặc biệt trong nhiệm kỳ qua.

Hòa thượng Chủ tịch cũng nêu tên các cơ sở tiêu biểu, các mô hình công tác xã hội Phật giáo thành công trong việc tham gia khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và người nghèo tại các Tuệ Tĩnh đường: Hải Đức, Liên Hoa (thành phố Huế); Pháp Hoa (TP.Hồ Chí Minh); phòng khám đa khoa từ thiện chùa Hà Tiên (tỉnh Vĩnh Phúc)...; mô hình tham gia hoạt động trợ giúp xã hội và dạy nghề tiêu biểu như: Trung tâm cô nhi viện chùa Kỳ Quang II, quận Gò Vấp; Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Pháp Võ, huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh); Trung tâm Bảo trợ xã hội chùa Long Hòa, tỉnh Trà Vinh; Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang (tỉnh Kiên Giang); nhà dưỡng lão chùa Phước Lâm, tỉnh Sóc Trăng; Trung tâm dạy nghề Phùng Xuân của Phật giáo tỉnh Quảng Trị; các mô hình tham gia phát triển giáo dục mầm non như: Trường Mầm non Bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm - Tiền Giang; Trường mầm non Quảng Tế của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế.

H7.JPG


HT.Thích Thiện Nhơn phát biểu

Với hội thảo này, Hòa thượng cho rằng Giáo hội luôn thể hiện sự cầu thị lắng nghe những hiến kế, góp ý từ các nhà nghiên cứu, quý đại biểu để đưa vào các chương trình nghị sự của Giáo hội nhiệm kỳ mới 2017-2022.

H3.JPG


Toàn cảnh hội thảo

Dịp này, quý đại biểu còn lắng nghe phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang; tập đoàn Mỹ Sơn tặng 5 học bổng trị giá 15 triệu cho lớp cử nhân tôn giáo học chùa Phật Quang, tỉnh Kiên Giang; TT.Thích Minh Nhẫn, Phó ban kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang đón nhận. Nhiều lẵng hoa cũng được gởi đến chúc mừng hội thảo.

Ngay sau phiên khai mạc, toàn thể đại biểu đi vào các phiên làm việc chuyên đề của hội thảo và sẽ bế mạc vào trưa mai, 15-6.

H8.JPG


Ủy ban Trung ương MTTQVN tặng hoa chúc mừng

H9.JPG
Tập đoàn Mỹ Sơn tặng 5 học bổng, TT.Thích Minh Nhẫn đón nhận

H6.JPG
Chư tôn đức Tăng Ni dự hội thảo

PV Giác Ngộ sẽ tiếp tục thông tin về hội thảo tới bạn đọc quan tâm.

Bảo Thiên - Minh Triết

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày