Hội thảo văn học Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long

HT Thich Giác Toàn Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo
HT Thich Giác Toàn Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đồng Trưởng ban tổ chức hội thảo
LTS: Hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM phối hợp cùng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề "Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long". Trước ngày Hội thảo diễn ra, HT.Thích Giác Toàn (ảnh), Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, đồng Trưởng ban tổ chức đã dành cho Giác Ngộ cuộc trao đổi liên quan đến ý nghĩa và mục đích của Hội thảo.

-Thưa Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết đôi nét về công tác tổ chức Hội thảo Văn học,Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long?

- HT. Thích Giác Toàn: Xuyên suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, Phật giáo Việt Nam đã tồn tại và gắn liền với dân tộc Việt Nam. Trải qua hơn 20 thế kỷ thăng trầm cùng lịch sử đất nước, các vị thiền sư các thời đại, chư Tăng Ni, Phật tử không ngừng đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam một số lượng tư liệu quy mô, trong đó chứa đựng những tinh hoa trí tuệ của dân tộc, đồng thời là kho tàng quý báu của Phật giáo Việt Nam. Ngày nay, chúng ta có trách nhiệm phải bảo tồn, khai thác và tận dụng một cách triệt để kho tàng quý báu ấy.

Hội thảo khoa học Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long do Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM phối hợp tổ chức (vào ngày 28-7-2010 tại Khu Resort Phương Nam (15/12 ấp Trung, xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, Bình Dương) theo chủ định của Ban Tổ chức là dịp để các nhà nghiên cứu suy nghĩ, tìm hiểu thảo luận về mối tương quan giữa văn học và Phật giáo Việt Nam. Đồng thời khơi gợi trong Tăng Ni, Phật tử và quần chúng nhân dân, các thế hệ hiện tại và tương lai hiểu rõ hơn nguồn gốc và truyền thống của văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại ngày càng phát triển và văn minh hơn.

- Xin Hòa thượng giới thiệu khái quát về nội dung lần Hội thảo này?

Hội thảo khoa học Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long là cuộc hội ngộ của hơn 300 vị giáo phẩm Tăng Ni, quý giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu văn học, Phật học… trên cả nước để cùng nhau thảo luận và tìm hiểu về các vấn đề Phật giáo liên quan việc thành lập, phát triển kinh đô Thăng Long và nước Đại Việt thời Lý-Trần và những triều đại về sau. Đồng thời tìm ra sự tương quan giữa văn học Phật giáo với văn học cổ điển, cận hiện đại và hiện đại nói về Thăng Long – Hà Nội.

Hội thảo được chia thành 2 nội dung chính, đó là Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long và Văn học với 1.000 năm Thăng Long. Đối với nội dung Hội thảo Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long, căn cứ theo các tham luận, BTC chia thành 3 nhóm: Phật giáo đời Lý; Phật giáo thời Lý – Trần và Phật giáo sau đời Trần. Ở mảng đề tài này, những bài tham luận, thảo luận được các vị học giả khai triển rất phong phú và mạch lạc, thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo qua các giai đoạn lịch sử cụ thể. Các đề tài thảo luận như: Những đóng góp của Phật giáo thời Lý với Thăng Long; Vai trò của đội ngũ Tăng quan đối với sự phát triển của Đại Việt dưới triều Lý; Vạn Hạnh Thiền sư và công cuộc khởi nghiệp triều Lý; Tư tưởng Phật giáo và bản sắc văn học thời đại Lý – Trần; Tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Đại Việt trong quá trình hội nhập; Phật giáo và văn học Phật giáo trên vùng đất Nam Bộ; Những vị Thành hoàng đời Lý được thờ tại Nam Bộ…

Về mảng nội dung Văn học với 1.000 năm Thăng Long cũng được chia thành 3 nhóm hội thảo: Văn học Lý-Trần, Văn học cổ điển sau đời Trần và Văn học hiện đại. Các nội dung thảo luận như: Văn học Phật giáo đã viết nên chương mở đầu xuất sắc của nền văn học Việt Nam, Văn học thời Lý – Trần và công cuộc dựng nước, giữ nước; Cảm hứng vô thường trong một số bài văn tế trung đại Việt Nam; Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du; Hà Nội với quá trình hiện đại hóa văn học và Hà Nội trong văn học hiện đại (trước 1945)…

-Thưa Hòa thượng, thông qua Hội thảo lần này, Học viện Phật giáo Việt Nam rút ra những sáng kiến như thế nào trong quá trình thực thi vai trò chính yếu của ngành?.

Hội thảo khoa học Văn học, Phật giáo với 1.000 năm Thăng Long là một trong những hoạt động của Phật giáo Việt Nam hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với ý nghĩa và mục đích như đã nêu trên, nhằm khơi dậy tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử cùng nhau hướng về đại lễ của dân tộc, đẩy mạnh các hoạt động Phật sự, nêu cao tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam theo tinh thần "Đạo pháp và Dân tộc".

Mặt khác, đối với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM khi phối hợp cùng Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học này cũng nhằm cụ thể hóa các truyền thống gắn kết hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc trong định hướng giáo dục Phật giáo, nhất là đối với các tác phẩm liên quan đến văn học Phật giáo từ hàng ngàn năm qua đến hiện nay, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển công tác đào tạo thế hệ trẻ, đặc biệt là chuẩn bị cho nội dung chương trình hậu đại học cho Tăng Ni trong nước, đào tạo thế hệ Tăng Ni trẻ vươn lên gánh vác sứ mệnh của người xuất gia trong thời đại mới.

-Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày