Trong những ngày loanh quanh ở sườn Đông Yên Tử, trò chuyện với người dân quanh khu danh thắng, sư sãi trong chùa và các cán bộ quản lý, tôi được nghe rất nhiều chuyện huyền hoặc, thậm chí rùng rợn về vùng núi thiêng này.
Những câu chuyện kỳ bí, hoang đường thường được kể bởi những người mê tín lại ưa buôn chuyện, nhưng ở đây, tôi được nghe rất nhiều chuyện hoang đường từ lời kể của các… quan chức. Ông Lê Quang, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử kể rằng, có lần, đang lang thang ở suối Giải Oan, nơi 300 cung nữ trẫm mình khi đức vua Trần Nhân Tông lạnh lùng ngoảnh mặt, ông gặp một cảnh tượng khá lạ: Mấy chục người đàn bà vừa quỳ vừa lạy, vừa khóc lóc thảm thiết bên bờ suối.
Tò mò, ông Quang tiến lại tìm hiểu. Những người này chuẩn bị một mâm đầy ăm ắp lễ vật. Cạnh mâm lễ là mấy rổ đựng… đá cuội. Mấy chục chị em sau khi vái lạy kèm khóc lóc, thì bê thúng đá cuội rải dọc suối Giải Oan.
Không hiểu những người này làm trò gì, ông Quang liền hỏi người lái xe. Anh này kể, mấy tháng trước, anh chở mấy chục phụ nữ từ Lạng Sơn về Yên Tử ngoạn cảnh. Sau khi lên đến chùa đồng, trên đường về, chị em kéo nhau xuống suối suối Giải Oan một là rửa chân tay, mặt mũi, hai là xem nơi các cung nữ trẫm mình. Thấy suối có nhiều đá cuội đẹp, chị em bảo nhau nhặt về. Người nhặt ít cũng dăm ba hòn, người nhặt nhiều thì mấy bịch nilon. Chị em bảo rằng, nhặt đá cuội ở suối Giải Oan về kỳ cọ chân tay khi tắm, mong da dẻ được trắng đẹp như những… cung nữ của vua Trần.
Có một chuyện lạ, không biết có tin được không, nhưng ông Quang khẳng định nghe từ miệng anh lái xe và mấy chị đang trả đá cuội lại suối Giải Oan kia. Chuyện rằng, khi chị em mang đá cuội về kỳ cọ tay chân, người ngợm, thì đêm nào họ cũng gặp… ma. Ai cũng kể rằng, hồn ma của các cung nữ chết oan dựng họ đậy đòi trả đá. Cứ như lời họ kể thì tất cả số chị em phụ nữ trong chuyến đi Yên Tử đó mang đá cuội từ suối Giải Oan về đều bị như vậy.
Sau mấy tháng mất ngủ vì gặp “ma”, ai cũng phờ phạc như người mất hồn. Ngay cả anh lái xe, lấy về cho vợ mấy viên cuội, mong vợ mình thành cung nữ, cũng gặp cảnh tương tự. Sợ quá, những người này đã chuẩn bị lễ vật mang về Yên Tử tạ tội với các cung nữ, rồi trả lại đá cuội cho suối Giải Oan.
Tôi chẳng tin lắm chuyện ma mãnh, oan hồn cung nữ đi đòi viên sỏi. Nếu có chuyện “ma hành” như thế, có lẽ những kẻ phá mồ mả các vua Trần kia sẽ bị ma vật chết hết cả rồi. Nhưng có một sự thực, từ bấy đến nay, khách thập phương khi đến suối Giải Oan, thì chẳng dám lội xuống suối nữa, sợ xúc phạm đến nơi an nghỉ của các linh hồn.
Bản thân ông Quang cũng để ý theo dõi và được chứng kiến rất nhiều chuyện lạ quanh suối Giải Oan. Ông Quang tin tin rằng linh hồn các cung nữ rất thương những người bất hạnh. Nhiều cô gái có hoàn cảnh éo le như trót mang bầu bị ruồng bỏ, mắc AIDS, hoặc gặp cảnh trớ trêu, sau khi ngồi bên suối Giải Oan khóc lóc, tâm sự với oan hồn các cung nữ, tự dưng thấy lòng cực kỳ thanh thản và tìm được cách giải thoát cho sự bế tắc trong cuộc đời mình.
Những câu chuyện linh thiêng huyền bí trên Yên Tử kể cả ngày không hết. Chính ông Quang đã từng được chứng kiến cảnh tượng một đoàn du khách đến mấy chục người, toàn nam thanh nữ tú, tóc vàng tóc xanh, lên đến chùa Hoa Yên, cười nói vô duyên, trai văng bậy bạ, gái cười hô hố, văng mạng xúc phạm thánh thần, liền bị đau bụng quằn quại, không đi nổi nữa. Đám thanh niên lố bịch này cứ cố lê mỗi bước, bụng lại đau hơn, cuối cùng phải quay đầu xuống núi. Khi xuống đến chân núi, thì các cơn đau khủng khiếp chợt tan biến đâu mất. Đám thanh niên nhí nhố này hoảng hồn, không dám lên Yên Tử nữa.
Ông Trần Trương, nguyên Trưởng ban quản lý Di tích – Danh thắng Yên Tử cũng kể một câu chuyện đầy chất liêu trai, rằng: Sau khi đám công nhân làm xong nhà khách Yên Tử, thì rủ nhau lên lễ chùa Đồng. Khi đi qua vườn mộ tháp Huệ Quang, thấy một hòn đá nằm trên ngọn một tháp cổ, liền thách đố nhau ném trúng hòn đá đó. Một cậu vung tay ném trúng khiến hòn đá rơi xuống.
Lên đến chùa Đồng, đám công nhân này mới phát hiện thiếu một người. Tuy nhiên, không ai lo lắng vì họ đều là người địa phương, không sợ lạc đường. Rong chơi trên đỉnh núi mấy tiếng thì họ xuống núi. Lúc về đến khu vườn tháp Huệ Quang, đám công nhân sửng sốt khi thấy cậu bạn ném đá lúc nãy đang ngồi xếp bằng bên lăng mộ tháp, mặt úp vào tường, hai tay đặt lên đùi. Mọi người hỏi chẳng nói, gọi chẳng thưa, lắc vai mãi không tỉnh, cứ ngồi bất động như khúc gỗ. Đám công nhân sợ quá, liền báo ban quản lý di tích. Ban quản lý lên chùa Hoa Yên mời thầy Diệu Nhàn xuống làm lễ sám hối.
Tháp mộ u tịch trong đại ngàn Yên Tử.
Sư Diệu Nhàn làm lễ xong thì cậu công nhân nghịch dại kia mới tỉnh lại. Anh ta như người mất hồn, bật khóc nức nở, rồi tức tốc chạy xuống núi. Sau này, tôi gặp sư Diệu Nhàn, sư bảo, những chuyện kiểu như vậy diễn ra thường xuyên ở Yên Tử. Từng là một thầy giáo, ông Lê Quang không mấy tin vào những chuyện huyễn hoặc, nhưng trong quá trình nhiều năm sống với Yên Tử, ông đã được chứng kiến tận mắt những chuyện khó tin xảy ra.
Lạ nhất là đoạn đường từ chùa Bảo Sái, qua tượng An Kỳ Sinh lên chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, từ xưa đến nay, chưa có vụ chết người do tai nạn nào cả, mặc dù đây là đoạn đường cực kỳ cheo leo, dốc dác, núi đá lô nhô, rất trơn. Nhiều trường hợp ngã rất mạnh, nhưng chỉ xước sát tay chân mà thôi. Trong những ngày cao điểm, Yên Tử đón tới 7 vạn du khách, người hành hương chật kín mọi con đường, mà không xảy ra tai nạn chết người là một chuyện rất lạ.
Thậm chí, hồi thi công chùa Đồng, đột nhiên mây đen kéo đến ngay trên đầu, sét đánh thẳng vào khu vực đang xây chùa khiến mọi thứ cháy đen, tróc hết cả nền chùa, nhưng lạ ở chỗ mấy chục người đứng đó mà không ai hề hấn gì, chị bị ù tai một lúc. Đám công nhân đều tin Phật tổ phù hộ nên tiếp tục làm việc, mà không sợ sấm sét đánh chết. Đỉnh núi lô nhô, đường lên đỉnh Yên Tử dốc ngược, nhưng các cụ già cứ leo phăm phăm mà chẳng thấy mệt nhọc gì. Nhưng lạ nhất là chuyện gần như năm nào cũng có một cụ già chết ở đoạn từ chùa Một Mái lên chùa Bảo Sái và cách chết của họ cũng vô cùng kỳ lạ.
Mới đây, có một cụ già 77 tuổi, quê ở Hải Phòng, nhất định bắt con cháu cùng đi lên Yên Tử. Bình thường cụ rất yếu, nhưng đến Yên Tử, cụ cứ đi bộ leo núi phăm phăm, mà không cần đi cáp treo. Con cháu thấy vậy thì rất mừng, vì nghĩ được thánh thần phù hộ, cụ đã khỏe lại. Đi một mạch đến gần chùa Bảo Sái, cụ bảo con cháu giở đồ ra ăn. Ăn uống xong, cụ đi vào rừng, ngồi dựa vào gốc cây, nhắm mắt rồi “hóa”. Cụ “hóa” một lúc rồi mà con cháu cứ tưởng cụ ngủ, vì khuôn mặt cụ rất thanh thản. Những kiểu chết như cụ già này diễn ra khá nhiều ở Yên Tử. Các nhà sư ở Yên Tử thì gọi đó là hiện tượng “được về với Phật”. Có một sự kiện nhiều người biết, thể hiện sự thiêng liêng của đất trời Yên Tử tác động vào con người, đó là “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”.
Trước đây, Tiến sĩ Hoàng Quang Thuận, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chỉ là người thuần túy làm khoa học, thế nhưng, sau một đêm “ngủ cùng gió sương” trên đỉnh Yên Tử bỗng trở thành “người thơ”. Ba đêm liền ông không ngủ mà chắp bút viết liên tục tới 63 bài thơ. Ông bảo, những bài thơ cứ tự đến như không, cứ trào ra như ai đó đọc cho và ông chỉ việc chép lại! Những bài thơ khá đặc biệt này được in thành tập “Thi Vân Yên Tử”.