Chủ tọa buổi họp báo có Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo; Hòa thượng Thích Huệ Phước, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Trưởng ban Tổ chức; Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Thượng tọa Thích Nguyên Đạt, Thượng tọa Thích Không Nhiên, Đại đức Thích Quang Tư - đồng Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, đồng Phó Trưởng ban Tổ chức. Thượng tọa Thích Tâm Hải, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Thông tin - Truyền thông T.Ư, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ điều phối buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo |
Đến dự buổi họp báo có các nhà báo, phóng viên đến từ 22 cơ quan thông tấn, báo chí trực thuộc tỉnh cũng như các cơ quan Trung ương đóng tại Huế.
Mở đầu buổi họp báo, thay mặt Ban Tổ chức, Hòa thượng Thích Hải Ấn đã thông tin một số điểm chính về chương trình Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển”, diễn ra từ ngày 18 đến 21-11-Quý Mão (30-12-2023 đến 2-1-2024), nhân tưởng niệm 281 năm Tổ sư Liễu Quán viên tịch (1742-2023).
Theo đó, ngoài chương trình hội thảo chính diễn ra trong 2 ngày 31-12-2023 và 1-1-2024, còn có các hoạt động liên quan trong khuôn khổ Hội thảo như: Lễ tảo tháp Tổ sư theo truyền thống Phật giáo Huế, triển lãm mỹ thuật Hoàn gia lý tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, triển lãm tư liệu Bảo đạc trường minh tại Cơ sở I của Học viện Phật giáo VN tại Huế (chùa Hồng Đức, P.Thủy Xuân, TP.Huế),…
Triển lãm Bảo đạc trường minh với hơn 200 đầu mục tư liệu với nhiều tư liệu quý sẽ được công bố liên quan đến hành trạng Tổ sư Liễu Quán, sự truyền thừa của thiền phái mang tên ngài. |
Chia sẻ với báo chí, Hòa thượng Thích Hải Ấn bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí sẽ dành sự quan tâm, góp phần hỗ trợ một cách tối ưu nhất về mặt thông tin đối với Hội thảo.
“Đây là một sự kiện có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi lần đầu tiên, chúng ta tổ chức một hội thảo khoa học về vị Tổ sư có tầm ảnh hưởng hết sức lớn lao, tạo nên diện mạo, bản sắc của Phật giáo Huế, và cũng từ đó góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa Huế với những nét đặc thù”, Hòa thượng Thích Hải Ấn nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo, bên cạnh việc thông tri về các nội dung liên quan đến công tác tổ chức Hội thảo, số lượng tham luận, khách mời,… Ban Tổ chức còn giải đáp thắc mắc từ phía báo chí về một số nội dung quan trọng của Hội thảo và các triển lãm.
Nhà báo Diên Thống, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế mong các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh sẽ hỗ trợ tối ưu nhất đối với Hội thảo |
Đặc biệt, trong triển lãm Bảo đạc trường minh, trong số hơn 200 đầu mục tư liệu, ngoài các bản kinh văn, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp,… còn có nhiều tư liệu quý lần đầu cũng được công bố liên quan đến hành trạng Tổ sư Liễu Quán cũng như sự truyền thừa của thiền phái mang tên ngài.
Trong đó có thể kể đến các châu bản có ngự phê của các chúa Nguyễn hiện được lưu giữ tại một số chùa, các bản kinh văn được Tổ sư truyền dạy và các thế hệ đệ tử lưu truyền như bản Ngũ hối minh vẫn còn được hành trì trong các chùa ở miền Tây Nam Bộ, Không môn nhật dụng thiết yếu tìm thấy tại tổ đình Quốc Ân Kim Cang (Đồng Nai) hay đặc biệt hơn cả là tấm hoành phi Sắc tứ Viên Thông am do chúa Nguyễn Phước Chu ban tặng hiện đang được lưu giữ tại nhà thờ họ Tống Phước (TP.Huế)…
Một số hình ảnh ghi nhận:
Hòa thượng Thích Huệ Phước đại diện Ban Trị sự phát biểu |
Thượng tọa Thích Nguyên Thành thông tin về công tác tổ chức |
Đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí tại Huế hiện diện tham dự |
Giới thiệu về logo Hội thảo |
Nhà báo Phan Thành đến từ Báo Thừa Thiên Huế đặt câu hỏi với Ban Tổ chức |
Nhà báo Công Hậu đến từ Báo Nhân Dân |
Đây là lần đầu tiên, một buổi họp báo liên quan đến một hoạt động của Phật giáo Huế được tổ chức |
Nhà báo Thái Lộc đến từ Báo Tuổi Trẻ bày tỏ sự quan tâm đến triển lãm Bảo đạc trường minh |
Nhiều câu hỏi liên quan đến một số nội dung quan trọng của Hội thảo và các triển lãm đã được Ban Tổ chức lần lượt giải đáp |