HT.Thích Nhật Quang: “Những ngày gần mẹ vui biết bao”

GN - Gia đình bên nội tôi toàn nữ, chỉ có một mình ông thân tôi là nam, lập gia đình với mẹ tôi. Vì chỉ có con trai một và đã kết hôn nên phía nội thường đi chùa cầu nguyện nếu sinh được trai thì sẽ cho tu, tạo phước đức gia đình.

Tôi được sinh ra từ lời nguyện ấy. Sau đó, vì bị dịch bệnh, ông thân mất khi mẹ mới trên 20 tuổi và tôi vừa tròn 4 tuổi. Đến năm tôi 7 tuổi, để thực hiện lời nguyện của gia đình, tôi đã được mẹ gởi đi xuất gia tại chính ngôi chùa bên nội mà ngày xưa có vị thầy trụ trì chứng minh lời nguyện của gia đình. Tôi đã ở ngôi chùa này 4 năm nhưng suốt thời gian đó vì còn quá nhỏ nên cuộc sống khá buồn tẻ.

HT Nhat Quang.jpg


HT.Thích Nhật Quang và thân mẫu lúc cụ bà còn sanh tiền - Ảnh: TL

Năm lên 10, mẹ theo một người cậu về quê ngoại ở Tây Ninh và tôi cũng được theo mẹ, xin vào nhập chúng Từ Lâm cổ tự. Nhà gần chùa, mẹ có điều kiện và thời gian tới lui thăm nom, chăm sóc nên giai đoạn này thực sự đầy niềm vui trong tình mẫu tử.

Và rồi niềm vui không được bao lâu, chỉ 3 năm ngắn ngủi, thì chiến tranh trở nên ác liệt, vùng đất Tây Ninh chìm trong lửa đạn, tôi được người thân đưa đi Sài Gòn cầu học tại các Phật học viện. Kể từ đó, tôi xa mẹ, mọi liên lạc dường như bị cắt đứt vì chiến tranh leo thang và tình hình rối ren của đất nước thời bấy giờ.

Tôi lưu lạc từ nơi này đến nơi kia theo sự hướng dẫn của chư tôn đức đi trước trong tình trạng không biết ở quê nhà mẹ mình ra sao. Trong khi đó, mẹ ở nhà cũng điêu đứng vì rất ít thông tin về tôi. Trong hoàn cảnh đó, có một kỷ niệm về mẹ làm tôi khoắc khoải đến mãi sau này.

Đó là lần tôi được về lại chùa Phước Lưu cũng ở Tây Ninh, nơi sư bác tôi trụ trì. Vì quá nhớ mẹ nên tôi đã nhờ sư bác nhắn về gia đình trong quê thông tin tôi muốn gặp mẹ tại chùa. Mẹ nghe được đã tất tả chạy ra. Hai mẹ con sau một thời gian dài bị ngăn cách bởi chiến tranh được gặp nhau, mừng mừng tủi tủi không nói lên lời.

Cũng trong buổi sáng sum vầy này, tôi nhận ra mẹ vì nhớ con mà trở nên tiều tụy. Còn mẹ chẳng quan tâm gì, cứ ép tôi thọ dùng những quà bánh mà mẹ kịp thời mua mang theo ra chùa. Để vui lòng mẹ, tôi cố gắng ăn cho hết những gì mẹ đưa mình mà không chú ý đến chi tiết mẹ đã nhịn bụng từ sáng sớm để nhường thức ăn cho mình. Thấy tôi ăn được, mẹ rất vui và hoan hỷ quên cả đói.

Sau buổi gặp mặt trân trọng này, tôi từ biệt chùa Phước Lưu về lại Sài Gòn, còn mẹ thì về lại quê. Trên đường đi tôi lại nhận tin vì quá đói mà mẹ đã bị ngất và phải nhờ người đi đường giúp đỡ. Sự việc này làm tôi mãi ấn tượng về tình mẫu tử, về người mẹ luôn dõi theo bước chân tôi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

* Bài cùng chủ đề: Hồi ức khó quên của một vị Hòa thượng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày