HT.Thích Huệ Thông nói về Giáo hội Phật giáo Cổ truyền VN

GN - Hôm nay, 16-6 (nhằm ngày 25 tháng Tư nhuận năm Canh Tý), Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN, Viện Nghiên cứu Phật học VN phối hợp cùng Hệ phái Phật giáo Cổ truyền tổ chức Hội thảo khoa học “Lịch sử hình thành Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam và sự đóng góp cho đạo pháp và dân tộc” tại chùa Hội Khánh (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Hội thảo được tổ chức nhằm tri ân công đức của các bậc tiền nhân, làm sáng tỏ các giá trị lịch sử cội nguồn hệ phái; xác định vai trò, vị trí của Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam (GHPGCTVN) trong một thời kỳ lịch sử.

HT.ThichHueThong.jpg


HT.Thích Huệ Thông - Ảnh: Bảo Toàn

Trao đổi với báo Giác Ngộ, HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng II TƯGH, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương, đồng Phó ban Tổ chức Hội thảo cho biết:

- Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam được chính thức thành lập vào đầu năm 1969 do HT.Thích Huệ Thành làm Tăng thống, HT.Thích Minh Đức làm Viện trưởng Viện Hoằng đạo. Nhìn lại lịch sử, sự hình thành và phát triển của GHPGCTVN gắn liền với nhiều ngôi tự viện nổi tiếng ở Nam Bộ như: chùa Giác Hải, chùa Trường Thạnh, chùa Giác Lâm, chùa Long Thiền, chùa Giác Viên, chùa Long Thạnh, chùa Bửu Nghiêm, chùa Sắc tứ Long Huê, chùa Sùng Phước, chùa Phước Tường, chùa Hội Sơn, chùa Long Khánh… nhưng chư tôn đức hệ phái vẫn chọn chùa Hội Khánh, TP.Thủ Dầu Một làm nơi tổ chức hội thảo, bởi lẽ nơi đây có những mối liên hệ mật thiết với Hội Lục hòa Liên xã, tổ chức tiền thân của GHPGCTVN. Nơi đây cũng lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cùng HT.Thích Từ Văn, vị trụ trì đời thứ 6 chùa Hội Khánh và cụ Tú cúc Phan Đình Viện, một sĩ phu yêu nước thành lập Hội Danh dự Yêu nước.

Vào năm 1922, đích thân HT.Thích Từ Văn đảm nhiệm Chánh chủ kỳ Trường hương chùa Giác Lâm, đã cùng quý HT.Thích Quảng Chơn (chùa Long Thạnh), Phó chủ kỳ; HT.Thích Từ Phong (chùa Giác Hải), Chứng minh; HT.Thích Hoằng Nghĩa (chùa Giác Viên), Truyền giới sư đã cùng chư Tăng trong trường hương thành lập Hội Lục hòa Liên xã. Với dấu mốc này, GHPGCTVN ra đời vào năm 1969 (Kỷ Dậu) là sự tiếp nối của Hội Lục hòa Liên xã, Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ (ra đời năm 1947) và Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng (ra đời vào năm 1952) thông qua sự hiệp nhất Giáo hội Lục hòa Tăng và Lục hòa Phật tử.

Chư tôn đức lãnh đạo hệ phái trước đây đã từng nhiều lần có ước nguyện tổ chức hội thảo nhưng do các yếu tố khách quan nên không thực hiện được.  Hội đủ nhân duyên, Hội thảo nhận được sự đồng thuận cao từ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội như: Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp, Phó chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tăng sự T.Ư…. Quý tôn túc cho rằng việc làm này nhằm tri ân các bậc tiền bối của hệ phái, có nhiều cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Từ khi có thông báo tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức nhận được sự chung tay rất lớn từ chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài hệ phái, đặc biệt là HT.Thích Nhựt Ấn, đồng Trưởng ban Tổ chức, đệ tử của cố HT.Thích Bửu Ý, nguyên Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng, Viện trưởng cuối cùng của  Viện  Hoằng đạo thuộc Phật giáo Cổ truyền; HT.Thích Thiện Xuân, nguyên Chánh Văn phòng Viện Hoằng đạo, đồng Phó ban Tổ chức; HT.Thích Trí Thạnh, Thành viên HĐCM, nguyên Đặc ủy Tăng sự Phật giáo Cổ truyền, vị giáo phẩm của Phật giáo Cổ truyền khu vực miền Trung còn hiện tiền. Nhiều chư tôn giáo phẩm, nhà nghiên cứu, học giả… đã gởi bài tham luận và chia sẻ nhiều tư liệu, thông tin quý làm sống lại một giai đoạn tự hào mà các bậc tiền nhân của hệ phái tạo nên. Điều này càng khẳng định vai trò đáng trân trọng của GHPGCTVN trong quá trình cứu nước, trong sự nghiệp thống nhất, xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN.

Đến nay, vẫn còn nhiều người, ngay cả trong giới Tăng Ni, Phật tử vẫn lầm tưởng GHPGCTVN là hệ phái Cổ sơn môn với cách nhìn khá phiến diện. Quan điểm của Hòa thượng về việc này ra sao?

- Quá trình hình thành, phát triển của GHPGCTVN gắn liền với những giai đoạn khó khăn của hai cuộc kháng chiến, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Trước thực trạng đó, chư tôn đức tiền bối cũng như Tăng tín đồ trong GHPGCTVN đã cống hiến máu xương cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Các bậc danh tăng của GHPGCTVN luôn vững vàng trước những thử thách, những đòn tra tấn, đập phá chùa chiền; vững vàng trước những cám dỗ, mua chuộc của chính quyền nhằm lung lạc ý chí đấu tranh của Phật giáo.

Dù GHPGCTVN có ảnh hưởng đối với phong trào đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, giải phóng dân tộc như vậy nhưng không có bất kỳ mối liên hệ nào về mặt tổ chức với Giáo hội Cổ sơn môn thời bấy giờ. Lịch sử là như thế nhưng hiện nay khi nói đến GHPGCTVN, không phải ai cũng có sự hiểu biết đầy đủ vì thiếu thông tin, thiếu tư liệu, thiếu các nghiên cứu nghiêm túc.


Cũng là một nhà nghiên cứu với các ấn phẩm văn hóa, lịch sử Phật giáo liên tục được xuất bản và gần đây là tác giả quyển sách Lược sử GHPGCTVN, được đánh giá rất cao về thông tin, tư liệu, xin Hòa thượng có thể nêu vài nét về bản chất của GHPGCTVN?

- Có thể nói rằng tinh thần yêu nước là một bản chất cao quý rất đặc thù của Hội Lục hòa Liên xã, của Hội Phật giáo Cứu quốc Nam Bộ, Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng. Với xuất phát điểm đó, GHPGCTVN cũng mang trong mình bản chất yêu nước. Chỉ tính khoảng thời gian từ năm 1945 đến năm 1975, nhiều chư tôn đức lãnh đạo GHPGCTVN bị tra tấn tù đày như HT.Thích Thành Đạo, bị chính quyền Sài Gòn thời bấy giờ bắt đày ra Côn Đảo như HT.Thích Minh Nguyệt; riêng HT.Thích Thiện Nghị, HT.Thích Pháp Dõng, HT.Thích Thiện Hào, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng, Hội trưởng Hội Lục hòa Phật tử bị bố ráp phải vào vùng kháng chiến và làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; nhiều chùa chiền, am cốc, tự viện thuộc hệ phái bị thiêu hủy tàn phá. Đặc biệt, Trưởng lão HT.Thích Đạt Thanh, Pháp chủ (Tông chủ) Tăng-già Nam Việt, chứng minh tối cao Giáo hội Phật giáo Lục hòa Tăng, vị thầy y chỉ của Trưởng lão HT.Thích Huệ Thành, đã từng bị bắt, đày ra Côn Đảo và vượt ngục thành công với cụ Tôn Đức Thắng.

Ngoài ra, các bậc tiền bối Tăng-già trong Hệ phái Phật giáo Cổ truyền Việt Nam đều là những hành giả tỏ thông lý tánh, liễu đạt pháp không. Bản thân các ngài cống hiến, không tiếc hy sinh xương máu, chịu đựng sự tra tấn, xem mạng sống nhẹ tựa lông hồng, xem lợi danh như phù du. Chính vì vậy, các ngài luôn thể hiện một đời sống bình dị, ung dung tự tại trước quyền chức lợi danh; giữ gìn lễ nghi, thiền lâm quy củ trong các trường kỳ, trường hương và an cư kiết hạ. Đặc biệt các giới tử khi thọ đàn giới phải thuộc 4 bộ luật Trường hàng. Đây chính là bản chất duy trì giềng mối tu hành cổ truyền, và cũng là một truyền thống tốt đẹp của Phật giáo từ ngàn đời cho đến ngày nay.

Từ những nghiên cứu về GHPGCTVN, bài học mà thế hệ hôm nay cần có cho con đường hoằng pháp lợi sanh là gì, bạch Hòa thượng?

- Qua những sự đóng góp, hy sinh của GHPGCTVN đã tiếp tục khẳng định một chân lý rằng, bất cứ khi nào đất nước gặp nguy nan, Phật giáo lại nhập thế mạnh mẽ, đúng như tinh thần của Phật giáo thời Trần. Cũng từ đó giúp chúng ta hiểu thêm về giá trị lịch sử của GHPGCTVN, rút ra những kinh nghiệm quý báu về sự đoàn kết, hòa hợp trong đời sống Tăng đoàn, về việc phát huy tinh thần nhập thế của Phật giáo để xiển dương Chánh pháp. Trong bối cảnh hiện nay, đây là điều có ý nghĩa giáo dục quan trọng đối với các thế hệ Tăng Ni hôm nay trong việc tu dưỡng tự thân ở mọi hoàn cảnh, nêu cao tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc; lấy lý tưởng xuất trần thượng sĩ để chung tay xây dựng Giáo hội, làm cho giáo pháp được xương minh.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

“Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 54 bài tham luận của các nhà nghiên cứu Phật giáo ở trong và ngoài Giáo hội trên khắp cả nước, đặc biệt Hội thảo có những bài tham luận của chính chư tôn đức vốn là thành viên của GHPGCTVN. Có thể nói, các báo cáo tham luận mà Ban Tổ chức nhận được có chất lượng tốt, đầy tâm huyết và có giá trị cao bởi nhiều tác giả cũng là người trong cuộc, đã trực tiếp tham dự, chứng kiến các sự kiện, nhân vật, hay các hoạt động của GHPGCTVN. Các báo cáo tham luận đã làm rõ quá trình hình thành, phát triển, đặc biệt là đã làm rõ những đóng góp của GHPGCTVN đối với đạo pháp và dân tộc nói chung, nhất là đối với các cuộc kháng chiến cứu nước. Đồng thời, các báo cáo cũng nêu ra những bài học hữu ích đối với sự phát triển của GHPGVN hôm nay”.

PGS.TS Chu Văn Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội VN

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày