GN Xuân - HT.Thích Như Niệm hiện đảm nhiệm Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban TTXH GHPGVN TP.HCM). Câu chuyện kể về tuổi thơ ở cửa thiền của Hòa thượng thật sự rất sống động...
Tôi do hoàn cảnh mà đi tu. Lúc đó (năm 1947) chiến tranh ở Việt Nam đã vào giai đoạn cao trào. Trong bối cảnh đó, những kẻ tay sai Pháp bao vây nhà tôi, đốt nhà, bắt trung tướng Nguyễn Bình nhưng ba tôi là người chịu thế, má tôi bụng mang dạ chửa, bị bắt bỏ tù. Tôi được gởi cho ngoại ở gần đình Tây An (giáp với Gò Vấp bây giờ).
Sau khi ở tù về, má con tôi không còn nhà cửa. Má tôi dắt tôi ra chợ Cầu Ông Lãnh, hàng ngày má lấy cá đi bán dạo. Tối về, mấy má con ngủ trên thớt thịt ở chợ. Một thời gian sau, má vừa dắt tôi vừa bồng đứa em nhỏ đến gởi tôi cho cụ Thiện Chiếu ở chùa Pháp Hoa.
HT.Thích Như Niệm còn lưu giữ lại những đồng tiền thầy lì xì ngày xưa - Ảnh: Vũ Giang
Tôi còn nhớ rất rõ những cái Tết ở chùa. Tết ở chùa xưa rất đơn sơ. Thức ăn ở chùa là ăn cho có, cho no để có sức đi làm chứ không có món ngon, vật lạ. 10 tuổi tôi bắt đầu vô chùa, lúc đó còn rất bé. Các chú điệu chúng tôi thường sợ Tết chứ không vui được vì cực quá. Tết không được ăn uống gì ngon chỉ đơn sơ giống như hàng ngày. Đặc biệt, mấy chú điệu rất nhớ và sợ nhất là món “tương lai” ở chùa, hễ nghe nói đến món này là… rùng mình.
Bởi lẽ, ngày xưa, chùa tự túc làm tương, chao để ăn. Mùa Tết, chùa tập trung lo sản xuất kiếm tiền để chi tiêu cho chùa, mua gạo để ra giêng có cái ăn. Tết thèm miếng đậu hủ cũng không có...
Tương chùa thường làm từ đậu nành, nếp lứt rang bỏ vô nấu rồi ủ lên men, cho vào hũ lớn. Tương thật thường sền sệt, ít nước. Nước đầu (nước nhứt, nước cốt) rút ra để dành đem đi biếu ân nhân, rồi nấu nước muối đổ thêm vô, ra nước thứ hai thì lấy ra để cúng bái, đến nước thứ ba thì để nêm nếm, hoặc dầm ớt ăn với cơm. Còn các chú điệu tụi tôi thì ăn “tương lai”.
“Tương lai” rất đặc biệt, trong vườn chùa có quầy chuối chín bói, chim ăn phân nửa, còn nửa trái hái vô bỏ vào hũ tương. Vườn có trái mận rớt, trái thơm sóc ăn… cũng lượm về, gọt sạch bỏ vào hũ tương, nấu miếng nước muối đổ vô cái ào, một thời gian múc nước đó ra ăn. Tương này gọi là “tương lai”, tức là tương bị lai nhiều vị khác. Các vị thầy hiện nay nói về tương lai thì là tiến sĩ, thạc sĩ rỡ ràng nhưng tụi tôi, ngày đó, tương lai là vậy.
Bữa cơm ấn tượng nhất của chúng tôi là có được một miếng đậu hủ. Đọt khoai lang trồng được thì mang ra chợ bán, không dám ăn, chỉ dám luộc lá già chấm với “tương lai”, còn cọng rau thì cho vào nồi kho với một ít muối là có món ngon cho bữa ăn. Cơm thì độn với khoai lang xắt lát, thường thì thầy dành ăn khoai để cơm lại cho chúng tôi…
Thầy thường mua cơm cháy về ngâm với nước, đem phơi khô, hấp lại để có cơm cúng, rồi cơm cho chúng tôi. Tuy cực khổ như vậy nhưng thầy trò rất thương nhau, tình nghĩa rất sâu sắc, sống để bụng chết mang theo. Từ chỗ đó, dù vì hoàn cảnh mà đi tu nhưng không bao giờ, tôi có ý nghĩ bỏ đạo, bỏ thầy.
Ở chùa, thầy trò cũng rất cơ cực, tự làm tự ăn, cuốc đất trồng đậu, khoai lang, rau. Ở đây, hồi xưa là cửa ngõ của chiến khu An Phú Đông, chùa Pháp Hoa là nơi ém quân trước khi tiến vào chiến khu. Những ngày ở chùa, tôi nhớ nhất là vào mùa Tết. Thầy trò chúng tôi tự trồng rau, trồng bông rồi gánh bộ ra chợ bán.
Cứ từ 25 Tết, chúng tôi bắt đầu cắt bông, gánh ra chợ Phú Nhuận bán cho đến ngày cuối của năm. Bông ở chùa thường trồng là loại bông cúc chuồn chuồn có cùi to màu nâu, cánh mỏng màu vàng (bây giờ không ai dùng nữa), bán rất đắt hàng. Từ chùa, tôi gánh hàng bông ra chợ, muốn bán đắt hàng nên tôi tự nghĩ ra một cái tên mới đặt cho bông của mình.
Tôi tự đặt cho bông cúc chuồn chuồn là hoa Tàu Bay, nghe lạ nên ai cũng thích. Hồi bé, tôi là thằng nhỏ khó nuôi được ông nội đặt cho tên Tàu, còn thằng em sinh ra lúc sân bay Tân Sơn Nhất đang xây dựng nên ông nội đặt cho tên Bay. Bông chuồn chuồn của tôi có tên là Tàu Bay là vậy. Nhờ cái tên lạ, gánh hàng bông của tôi bán chạy ào ào. Từ sáng sớm, tôi bán đến 10 giờ thì hết veo!
HT.Thích Như Niệm giới thiệu về công trình
điêu khắc kinh Di Giáo trên đá tại chùa Pháp Hoa
- Ảnh: Bảo Toàn
Tết của chúng tôi ngày đó không hề có quần áo mới. Cũng vì thời buổi khó khăn, thầy không tiền mua vải may quần áo mới cho chúng tôi mà nhờ vào những đám tang, đám cúng cha mẹ của Phật tử… Những bộ đồ xả tang màu trắng ấy đều để lại cho chùa. Thầy lấy vỏ trái măng cụt giã ra, lấy nước rồi nhuộm quần áo. Bộ quần áo có màu vàng vàng, Thầy sửa lại cho chúng tôi mặc.
Ngày Tết, thầy trò cúng lễ ngày tất niên, giao thừa cũng rất đơn sơ nhưng rất thiêng liêng. Sau lễ giao thừa, chúng tôi mặc áo nghiêm trang lạy Tổ, rồi y áo mừng Tết. Sáng mồng ba Tết thầy, các chú tiểu chúng tôi vây quần bên thầy, khánh tuế, mừng tuổi Thầy. Thầy lì xì cho mỗi đứa một cắc bạc, tờ tiền màu vàng (nếu có xài thì xé hai ra xài).
Hình ảnh của Thầy như mới hôm qua. Đối với tôi, Thầy là cha, là mẹ. Nhiều lúc, chùa không có gạo ăn. Thầy phải ăn khoai lang, khoai mì, nhường cơm cho tôi. Mỗi cái Tết đến, muốn cho kín đáo, Thầy là người đêm đêm ngồi vá áo cho chúng tôi. Tấm áo vá đùm vá víu, một cái áo đen, thì vá đủ thứ màu. Hình ảnh ấy thật sự như hình ảnh của người mẹ hiền, rất thiêng liêng, cao cả mà tôi không thể nào quên.
… Nếp xưa ngày đó, bây giờ chùa Pháp Hoa vẫn duy trì. Ngày Tết, các đệ tử ở chùa quây quần khánh tuế thầy. Sáng mồng một Tết, Phật tử xếp hàng, thầy bắt đầu phát lộc đầu năm. Không khí đầu năm ở chùa Pháp Hoa rất vui, đầm ấm…
H.Diệu ghi
* Bài cùng chủ đề:
>> HT.Thích Đức Nghiệp: "Tết là ngày hoan hỷ"
>> HT.Thích Hiển Tu: "Tết là dịp để hướng thượng"
>> HT.Thích Giác Tường: "Xưa Sa Đéc là quê..."
>> HT.Thích Viên Minh: "Món quà thầy tặng - nhân duyên tương lai..."