GN - Ngay từ đầu năm 2017, việc tổ chức Đại lễ Phật đản đã được đặt ra trong các phiên họp giao ban hàng tuần của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cũng như trong các cuộc họp Ban Trị sự Phật giáo TP mở rộng mỗi kỳ sau lễ bố-tát của chư Tăng.
Khởi hành buổi rước tôn tượng Phật đản sinh sáng 8-4-Đinh Dậu
* Nói về công tác chuẩn bị cho đại lễ, HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ cho biết:
- Đại lễ Kính mừng Phật đản là một trong những sự kiện văn hóa - tâm linh quan trọng của Phật giáo, trong đó có Phật giáo TP.HCM, nên Ban Thường trực Ban Trị sự coi đó là một Phật sự quan trọng, đã sớm lên chương trình và tính đến biện pháp thực hiện phù hợp với bối cảnh và trong điều kiện của Phật giáo tại thành phố chúng ta.
Năm nay là năm đầu nhiệm kỳ của các Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện sau khi đa số đã tổ chức Đại hội thành tựu tốt đẹp, với nhân sự mới được trẻ hóa, có năng lực và nhiệt tâm, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ tạo nên một sinh khí mới trong hình thức và nội dung tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2561 ở đều khắp các quận huyện của thành phố chúng ta, qua đó khẳng định năng lực của mình, quyết tâm thực hiện chương trình hoạt động thể hiện qua nghị quyết của Đại hội đã thông qua.
Đây cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ VIII của Phật giáo TP.HCM, Ban Thường trực Ban Trị sự đã quyết tâm thực hiện nhiều hoạt động Phật sự, trong đó có việc tái kiến thiết Việt Nam Quốc Tự - trung tâm tâm linh, văn hóa và hành chánh mới của Phật giáo TP.HCM cùng các công trình khác như Bát Bửu Phật Đài, tiếp tục hoàn thiện Học viện Phật giáo VN cơ sở tại xã Lê Minh Xuân…; đặc biệt, Ban Kiến thiết sẽ cố gắng hoàn thành ngôi chánh điện Việt Nam Quốc Tự, để công tác thực hiện thiết kế lễ đài chính của thành phố và buổi lễ chính thức được diễn ra một cách trang nghiêm hơn các năm trước đây khi công trình xây dựng còn bề bộn. Cũng tại nơi đây, dự kiến tháng 11-2017, sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Phật giáo TP lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022) khi đã hoàn tất hội trường với các trang thiết bị phù hợp cho một sự kiện Phật giáo quan trọng.
* Bạch Hòa thượng, nếu phải nói đến điểm nhấn của bức tranh Đại lễ Phật đản PL.2561 tại TP.HCM thì đó là gì?
- Như chúng tôi đã nói, năm nay là năm đầu của nhiệm kỳ 2016-2021 của Ban Trị sự Phật giáo các quận huyện, nên trong các phiên họp mở rộng từ đầu năm cho đến nay, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo Ban Trị sự các quận huyện của thành phố phải sớm lên kế hoạch cho việc tổ chức Đại lễ Phật đản PL.2561 với hình thức mới, nội dung thiết thực. Đây là lúc mà lớp lãnh đạo mới ở quận huyện thể hiện năng lực cũng như khẳng định sự tín nhiệm của Tăng Ni, Phật tử đối với mình là có cơ sở.
Chúng tôi đã yêu cầu mỗi quận huyện phải có ít nhất một lễ đài Phật đản chung, ngoài các hoạt động khác như diễu hành xe hoa trên địa bàn, thuyết pháp, tọa đàm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, chăm sóc người khó khăn, đền ơn đáp nghĩa… trong tinh thần vị tha và tri ân của người con Phật.
Riêng Phật giáo thành phố, vẫn như năm trước, Đại lễ Phật đản PL.2561 sẽ diễn ra trong một tuần, mở đầu là lễ rước Phật từ 5 giờ sáng ngày mùng 8-4 âm lịch từ tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự - nơi sẽ thiết trí lễ đài trung tâm, và sẽ diễn ra lễ tắm Phật vào lúc mặt trời mọc theo truyền thống (Giác Ngộ online đã đưa tin - xem TẠI ĐÂY).
Suốt tuần lễ đó, từ mùng 8 đến rằm tháng Tư âm lịch (3 đến 10-5-2017) sẽ liên tục diễn ra nhiều hoạt động thuyết giảng tại lễ đài trung tâm, các hoạt động văn hóa, văn nghệ kính mừng Phật đản tại các cơ sở của Giáo hội và nhiều hoạt động thể hiện tinh thần tri ân, uống nước nhớ nguồn của đạo Phật và truyền thống dân tộc…
Riêng đối với lễ đài Phật đản trung tâm tại Việt Nam Quốc Tự, chúng tôi đã đề nghị những vị phụ trách thiết kế nỗ lực làm sao có sáng tạo, đổi mới, vừa ứng dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, vừa chuyển tải được nét truyền thống, giữ được ý nghĩa thiêng liêng, sự tôn nghiêm để cúng dường lên Đức Phật nhân ngày Khánh đản của Ngài. Đó là tâm nguyện của Tăng Ni, Phật tử kính ngưỡng, hướng lên Đức Thế Tôn, Bậc Thầy của trời người.
* Có ý kiến cho rằng lễ rước Phật tại thành phố tổ chức những năm gần đây là rất hay, thực sự thiêng liêng và ý nghĩa. Tuy nhiên đáng tiếc là thời gian tổ chức quá sớm, diễn ra chính thức từ 5 giờ cho đến 6 giờ sáng - không thuận tiện cho nhiều người có cơ hội tham dự. Nên chăng đổi mốc thời gian với sự kiện này? Hòa thượng nghĩ gì trước ý kiến đó, bạch Hòa thượng?
- Vấn đề đó đã được chư tôn đức trong Ban Thường trực Ban Trị sự cũng như Ban Tổ chức Đại lễ đặt ra và qua nhiều lần thảo luận, cân nhắc và đã cùng có quyết định như trên. Bởi do đặc điểm về giao thông và tình hình của TP.HCM chúng ta hiện nay, việc tổ chức vào thời điểm đó là phù hợp nhất nhằm đảm bảo được tính thiêng liêng cho một nghi lễ tâm linh mở đầu cho chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Kính mừng Phật đản diễn ra thuận lợi và viên mãn.
Niệm hương - kính mừng Phật Đản sinh tại Việt Nam Quốc Tự - hôm 8-4-Đinh Dậu
* Nhân mùa Phật đản năm nay, Hòa thượng có lời nhắn nhủ gì đến Tăng Ni Phật tử thành phố nói riêng và cả nước nói chung?
- Sự kiện Đức Phật thị hiện Đản sanh giữa cuộc đời này là hy hữu, đó là ngày quan trọng đối với Tăng Ni, Phật tử chúng ta. Nhớ nghĩ ngày Khánh đản của Đức Phật không gì cao quý hơn bằng việc ý thức nỗ lực thực hành lời Phật dạy, nỗ lực làm mọi việc trong tinh thần mà Ngài đã di huấn: “Vì hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”. Với tinh thần và ý thức đó, mỗi người hãy tích cực tham dự các hoạt động Phật sự, hoạt động xã hội trong mỗi vai trò mà mình tham gia, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, lợi mình lợi người, như vậy chúng ta mới xứng đáng là người kế thừa, là con Phật.
* Kính cảm ơn Hòa thượng!
Thích Pháp Hỷ thực hiện