Huê Nghiêm: Ngôi tổ đình 300 năm tuổi ở đất Sài Gòn - Gia Định

Chánh điện của tổ đình Huê Nghiêm hiện này và vườn tháp chư vị Tổ sư
Chánh điện của tổ đình Huê Nghiêm hiện này và vườn tháp chư vị Tổ sư
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chúng tôi về tổ đình Huê Nghiêm khi trời đã về chiều. Lần tìm ra khu vực nghĩa trang phía sau chùa, ngôi mộ cổ được xây bằng hợp chất ô dước theo kiểu thức đặc trưng của mộ cổ Nam Bộ nằm lặng lẽ ở một góc nghĩa trang...

Trong số những ngôi chùa cổ còn tồn tại đến ngày nay trên đất Sài Gòn, chùa Huê Nghiêm (tọa lạc tại số 204 Đặng Văn Bi, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức) là một trong những ngôi chùa xưa nhất, có thể coi như một “chứng tích” cho đời sống tinh thần của những lưu dân trong buổi đầu đi mở cõi.

Ngôi tổ đình 300 năm tuổi và các thế hệ truyền thừa

Trong một lần hầu cận, chúng tôi được Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng kể lại gốc tích của ngôi tổ đình Huê Nghiêm nhân dịp ngài về tảo tháp chư vị Tổ sư vào cuối năm âm lịch.

Hòa thượng cho biết, tổ đình Huê Nghiêm được Tổ Thiệt Thoại (Thụy) - Tánh Tường (1681-1757) khai sơn vào năm 1721 (năm Tân Sửu), cách nay vừa tròn 300 năm. Ngôi chùa ban đầu chỉ là một am tranh được Tổ khai sơn dựng lên để làm chỗ tu hành, gần một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn. Có lẽ am tranh ngày ấy gần với khu dân cư vốn thường gần sông rạch để tiện bề buôn bán, đi lại. Khu vực Tổ Thiệt Thoại dựng am tranh, ngày nay, được cho là gần Nhà máy điện Thủ Đức.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảnh lễ chư vị Tổ sư trong vườn tháp thuộc tổ đình

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảnh lễ chư vị Tổ sư trong vườn tháp thuộc tổ đình

Thời gian kiến lập tổ đình của Tổ Thiệt Thoại nhằm vào thời vua Lê Dụ Tông năm Bảo Thái thứ 2, tương đương thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) cai quản Đàng Trong. Tổ Thiệt Thoại - Tánh Tường thuộc dòng thiền Lâm Tế, chi phái của ngài Vạn Phong - Thời Úy (1303-1381) theo bài kệ: Tổ đạo giới định tông/ Phương quảng chứng viên thông/ Hành siêu minh thiệt tế/ Liễu đạt ngộ chơn không.

Theo kệ truyền thừa thì Tổ Thiệt Thoại thuộc đời 35, dòng Lâm Tế, tính từ Tổ khai dòng thiền này là Thiền sư Nghĩa Huyền (?-866/867). Theo chi phái Lâm Tế do Tổ Vạn Phong (chùa Thiên Đồng, Trung Hoa) khai lập thì ngài thuộc thế hệ thứ 14 (chữ Thiệt). Ngài là đệ tử của Tổ Minh Vật - Nhất Tri (?–1786), trụ trì chùa Quốc Ân Kim Cang. Ngài Minh Vật - Nhất Tri là đệ tử của Tổ Nguyên Thiều. Ngoài dòng kệ truyền thừa chi phái Lâm Tế của Tổ Vạn Phong, Tổ Nguyên Thiều còn truyền thừa cho đệ tử dòng kệ của Tổ Đạo Mân - Mộc Trần hay còn gọi là dòng Lâm Tế Gia Phổ theo bài kệ: Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên…

Như vậy, chùa Huê Nghiêm do Tổ Thiệt Thoại khai sơn trực thuộc môn phong của tổ đình Quốc Ân Kim Cang. Tổ không chỉ khai sơn chùa Huê Nghiêm, mà còn khai sơn chùa Long Thọ (Thủ Dầu Một, Bình Dương). Tổ Thiệt Thoại có các đệ tử như Tế Giác - Quảng Châu, Tế Lý - Quảng Đức, Tế Vĩnh - Quảng Nhơn… là những thiền sư nổi tiếng trong vùng, có công đem Phật pháp hoằng hóa trong dân chúng, là bậc long tượng thiền môn.

Tháp Tổ Thiệt Thoại trong khuôn viên tổ đình

Tháp Tổ Thiệt Thoại trong khuôn viên tổ đình

Ngài Tế Giác xuất gia với Tổ Thiệt Thoại khi Tổ đã cao niên. Thấy được căn cơ của ngài Tế Giác nên Tổ đã khuyên ngài về cầu pháp tu học với Tổ Phật Ý - Linh Nhạc tại chùa Từ Ân. Khi đến cầu pháp với Tổ Phật Ý, ngài được Tổ giao cho đệ tử là ngài Tổ Tông - Viên Quang (1758-1827) dạy dỗ. Ngài được Tổ Viên Quang đặt cho húy hiệu là Tiên Giác - Hải Tịnh.

Năm 1825, Tổ Hải Tịnh được vua Minh Mạng vời ra làm Tăng cang chùa Linh Mụ. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), ngài được triều đình cử làm Tăng cang chùa Giác Hoàng trong kinh thành Huế. Về sau Tổ Hải Tịnh đã xin từ chức Tăng cang chùa Giác Hoàng, về lại Gia Định lưu trú tại chùa Giác Lâm. Những năm cuối đời, Tổ đã xiển dương Chánh pháp qua việc độ chúng xuất gia, tại gia; khai mở trường hương, phát triển việc giảng dạy cho chư Tăng như Tổ Viên Quang đã làm trước đó; mở các Đại giới đàn tại chùa Tây An (An Giang), chùa Thiên Ân (Gia Định). Tổ là người có ảnh hưởng đối với Tăng sĩ, quần chúng tại kinh thành Huế và cả miền Nam lúc bấy giờ, là nhà sư “có đức độ, được ca ngợi khắp miền, trải qua 73 năm hành đạo, không lúc nào nhà sư quên đi sự hưng suy của đạo pháp”.

Sau khi Tổ Thiệt Thoại viên tịch, Tổ Tế Lý kế thế trụ trì chùa Huê Nghiêm. Tổ là người có kiến thức và đạo hạnh nên được người trong vùng quy kính. Do chùa lúc bấy giờ nằm ở vùng gần nhánh sông Sài Gòn, vị trí thấp, Tổ có ý dời chùa và được bà Nguyễn Thị Hiên là đệ tử tại gia của Tổ hộ trì, hiến cúng đất để di dời chùa về địa điểm hiện nay, cách chùa cũ khoảng 1km.

Trải qua các đời trụ trì, ngôi cổ tự Huê Nghiêm được trùng tu nhiều lần. Cuối thế kỷ XIX, Tổ Huệ Lưu đứng ra vận động dân làng và nhân dân quanh vùng trùng tu lớn tổ đình. Những lần trùng tu sau này vào các năm 1960, 1969, 1990, 2003 do Tổ Thiện Bửu, Tổ Trí Đức, Hòa thượng Trí Quảng, Hòa thượng Trí Độ vận động. Đến năm 2011, Hòa thượng Thích Trí Quảng (viện chủ tổ đình) và Thượng tọa Thích Minh Đạo vận động đại trùng tu chánh điện với diện mạo như hôm nay.

Hiện nay chùa còn khu vườn tháp với các ngôi tháp cổ của Tổ Thiệt Thoại, Tổ Tế Lý, Tổ Liễu Xuân, Tổ Huệ Lưu, Tổ Thiện Bửu, Tổ Trí Đức và tháp của các ngài kế tự, Tăng chúng.

Hình ảnh và linh vị bà Nguyễn Thị Hiên thờ tại tổ đình

Hình ảnh và linh vị bà Nguyễn Thị Hiên thờ tại tổ đình

Giai thoại về bà Hộ Hiên

Bà Nguyễn Thị Hiên (1763-1821) là một người giàu có ở làng Linh Chiểu Đông, thuộc Thủ Đức ngày nay. Bà lại có tấm lòng giúp đỡ người và thường ủng hộ các việc công ích của làng nên người trong vùng thường gọi là bà Hộ Hiên.

Theo lời Hòa thượng Thích Trí Quảng, bà Nguyễn Thị Hiên là đệ tử của Tổ Tế Lý, được ngài ban cho pháp danh Liễu Đạo. Với lòng ngưỡng mộ và quy kính Tổ Tế Lý, bà đã phát tâm hiến cúng đất nơi gò cao để di dời chùa khỏi vị trí ban đầu ở vùng đất thấp ven sông. Tương truyền, lúc cuối đời, bà Hộ Hiên đã vào chùa ở. Từ đó, có hai cách lý giải xung quanh sự việc này: hoặc cuối đời bà vào chùa ở như những người già, muốn nương nơi cửa chùa để sớm hôm kinh kệ cùng Tăng chúng và nhờ chùa lo hậu sự; hoặc bà vào chùa xuất gia tu tập.

Bức họa truyền thần và bài vị của bà Hộ Hiên đang được thờ tại hậu tổ của chùa lại cho thấy đây là bài vị của một cư sĩ: “Phụng vị Hoa Nghiêm tự, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm chánh hồn, Quý Mùi niên, lương nguyệt, cát thời thọ sanh, Tân Tỵ niên, lục nguyệt, sơ nhất nhật phù thời khứ” - dịch: Chùa Hoa Nghiêm, hội chủ Nguyễn Thị Hiên, pháp danh Liễu Đạo, tự Thành Tâm. Sanh ngày lành giờ tốt, năm Quý Mùi. Mất năm Tân Tỵ, ngày mùng 1 tháng 6. Theo như lối đề văn từ của bài vị, chữ “chánh hồn” dành cho người nữ và “thần hồn” dành cho người nam, không phải là người xuất gia; người xuất gia sẽ dùng chữ “chơn linh” hoặc “giác linh”. Thứ nữa, bài vị cũng cho biết thông tin bà Hộ Hiên là “hội chủ” chùa Huê Nghiêm, tức là người cúng đất làm chùa, dân gian còn gọi là “chủ chùa”. Thường thì những người hiến cúng đất dựng chùa hoặc xây dựng chùa, khi mất, nhà chùa thường thiết lập một bàn thờ riêng với bài vị thờ và hương khói húy kỵ hàng năm. Cũng có thể cuối đời bà vào chùa ở làm “bà vãi” như chúng ta thường được biết với cách “xuất gia thọ tam quy ngũ giới”. Với bức hình họa bà mặc áo gấm thụng với chiếc mão Quan Âm, cũng có cách lý giải cho rằng có thể bà đã thọ giới Bồ-tát với Tổ Tế Lý.

Đối với chùa Huê Nghiêm, sự ly kỳ gắn với câu chuyện tương truyền về hậu thân của bà Nguyễn Thị Hiên. Thầy chúng tôi kể rằng, từ lúc xuất gia đã nghe câu chuyện về sự tái sanh của bà chủ chùa. Khi bà Hiên mất, có nhờ người viết lên tay những thông tin của bà để chứng tỏ công đức bà làm được. Cùng năm bà mất (1821) thì bên nhà Thanh (Trung Hoa), thê thiếp vua Gia Khánh cũng hạ sanh một hoàng nữ. Lúc công chúa sinh ra, bàn tay cứ nắm chặt lại, khi được mở ra thì có dòng chữ: Nguyễn Thị Hiên, Linh Chiểu Đông thôn, Gia Định, Đại Nam. Vua nhà Thanh sai người đi điều tra, xác minh lai lịch bà Nguyễn Thị Hiên thì chứng thực bà đã sống tại chùa Huê Nghiêm, làng Linh Chiểu Đông. Sau đó vua cho sứ sang xây ngôi mộ bà lại, đồng thời hiến cúng tượng Bồ-tát Quan Thế Âm và một số pháp khí. Tượng Bồ-tát Quan Thế Âm bằng đồng hiện nay vẫn còn được thờ tại chùa.

Chúng tôi về tổ đình Huê Nghiêm khi trời đã về chiều. Lần tìm ra khu vực nghĩa trang phía sau chùa, ngôi mộ cổ được xây bằng hợp chất ô dước theo kiểu thức đặc trưng của mộ cổ Nam Bộ nằm lặng lẽ ở một góc nghĩa trang. Ngôi mộ bề thế, gần 20m2 nằm lọt thỏm, thấp hơn mặt đất xung quanh. Kiến trúc ngôi mộ cổ vẫn còn nguyên vẹn với vòng thành, bình phong, nhà bia, nấm mộ. Chỉ tiếc một điều, giờ đây không còn sự u tịch trang nghiêm; thay vào đó là cảnh hoang tàn, hủy hoại theo thời gian và sự xâm lấn của người đời sau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày