Hướng về kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011)

Sau khi đất nước độc lập và thống nhất hoàn toàn năm 1975, toàn xã hội dốc sức cho công cuộc phục dựng nền kinh tế cũng như đối mặt và giải quyết nhiều vấn đề khó khăn khác của thời hậu chiến.

cv.jpg

“Hàng vạn cánh tay đưa lên, hàng triệu cánh tay đưa lên...”, lời một bài hát truyền thống năm xưa, hôm nay đã là hiện thực sống động thể hiện tâm huyết và ước mơ bao đời của hàng hàng lớp lớp người con Phật Việt Nam.  (Ảnh tư liệu ghi nhận sự đồng tâm nhất trí của đại biểu ba miền Nam - Trung - Bắc tại Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, ngày 4 – 7-11-1981)

Là tôn giáo gắn bó mật thiết với dân tộc, Phật giáo cũng có những bước chuyển mình để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Từ ngày 4 đến 7-11-1981, đại diện của các hệ phái, tổ chức Phật giáo đã tập trung về chùa Quán Sứ (Hà Nội), sau những thảo luận, tất cả đại biểu đã bày tỏ nguyện vọng thống nhất Phật giáo, xây dựng một tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước. Hội đủ nhân duyên, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập.

Thừa kế kinh nghiệm lịch sử, gần 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng bước phát triển và kiện toàn hệ thống tổ chức qua các nhiệm kỳ. Sự phát triển của Giáo hội được thể hiện qua nhiều mặt. Trước hết phải đề cập đến ngành Tăng sự, Giáo hội đã tổ chức hàng chục Đại giới đàn truyền trao giới pháp cho hàng chục ngàn Tăng Ni; duy trì và phát huy các khóa an cư kiết hạ để Tăng Ni trau dồi đạo hạnh, tăng trưởng đạo lực kế thừa đạo nghiệp hoằng dương Chánh pháp.

Sự phát triển đó được biểu hiện sinh động nhất là qua sự lớn mạnh của ngành giáo dục Tăng Ni với 4 Học viện ở Hà Nội, Huế, TP.HCM và TP.Cần Thơ (dành cho Phật giáo Nam tông Khmer) cùng 30 trường trung cấp, 8 lớp cao đẳng Phật học ở các tỉnh, thành trên cả nước. Sự phát triển đó còn được biểu hiện qua sự lớn mạnh của các đạo tràng tu học, các chương trình hoằng pháp, hoạt động từ thiện xã hội, các sự kiện văn hóa, công tác trùng tu tôn tạo chùa chiền, tự viện, tịnh xá…

Với quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thực sự nói lên tiếng nói đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong ba mươi năm qua, tham gia nhiều diễn đàn thế giới; hợp tác, giao lưu với nhiều tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; đặc biệt đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện Phật giáo lớn như Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008, các hội thảo quốc tế…

Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước qua các giai đoạn lịch sử trong hai ngàn năm qua. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa và phát huy tinh thần đó một cách sinh động và linh hoạt trong thời hiện đại.

Hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981 – 7/11/2011), Báo Giác Ngộ tổ chức chuyên trang “30 năm GHPGVN”, (xem trang 10) nhằm nhắc lại ý nghĩa lịch sử của sự kiện này qua hồi ức của chư tôn đức lãnh đạo hiện diện trong thời khắc quan trọng đó, đồng thời nhìn lại những chặng đường đã qua, phân tích và rút ra bài học để điều chỉnh hướng hoạt động Phật sự hiện tại và tương lai hợp lý hơn trên cơ sở bối cảnh cụ thể của tình hình mới, nhiều thách thức mới.

Thay mặt Ban Biên tập, chúng tôi thiết tha kêu gọi sự cộng tác của chư tôn giáo phẩm, chư Tăng Ni, quý nhân sĩ trí thức, Phật tử, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những nhân chứng lịch sử gắn bó với Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày đầu thành lập.

Nhìn lại lịch sử chính là nhìn vào tấm gương, để thấy được bản thân, không phải để tự ngắm mình, mà để từ đó có sự nhắc nhở, đồng thời có những điều chỉnh thích hợp cho sự phát triển, tự tin vững tiến trong mọi ứng xử ở hiện tại cũng như tương lai

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày