Hướng về Tam bảo

Hướng về Tam bảo

Trên đường từ chùa Phước Long về, tôi ghé vào nhà người cháu gái. Vân cất nhà trên đất của cha mẹ ruột cạnh bờ đê sông Dinh. Nhà rộng rãi thoáng mát xây dựng giữa vườn cây ăn trái, tôi thường gọi đùa là “biệt thự Thanh Vân”. Vân là cô giáo. Chồng làm kinh doanh và cũng là chủ xe đông lạnh chạy liên tỉnh. Vân có hai người con trai, Trọng Nhân học lớp mười, bé Thiện Nhân học lớp một. Vân là cô giáo tận tâm với nghề nghiệp nên được phụ huynh học sinh trong trường quý mến, trong cuộc sống biết tiết kiệm, không chi tiêu lãng phí, dành dụm tiền xoay trở ăn uống, chăm sóc chồng con, còn thừa chút ít lo việc ân nghĩa và giúp đỡ học sinh nghèo, những người khó khăn trong làng.

Có bộ kinh lạ, quyển sách hay hoặc băng đĩa thuyết giảng về đạo Phật, tôi đều đưa cho Vân xem và động viên cháu tạo tủ sách gia đình, coi đó là gia sản tinh thần của cha mẹ để dành cho đàn con. Cách đây khoảng nửa tháng, Trọng Nhân bị dịch cúm A-H1N1 phải nhập viện. Gia đình và bà con họ hàng rất quan tâm, lo lắng. Lên bệnh viện, Trọng Nhân nằm trong phòng cách ly, mê man chẳng biết gì hết. Nhờ sự tận tình chăm lo điều trị của y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và sự chăm sóc, cầu nguyện của người thân, Trọng Nhân được hồi phục sức khỏe. Nhà trường, bạn bè trong lớp cùng với người thân trong gia đình hết sức vui mừng.

Sinh ra và lớn lên trong một làng quê khổ nghèo, còn nhiều trẻ em đi chân đất, phơi cái đầu trần giữa trời nắng chang chang, Vân cảm thông nỗi khổ tâm của những gia đình túng thiếu và âm thầm giúp đỡ qua khả năng mình có được. Thấy Vân có chút lòng nhân ái, tình cô cháu giữa tôi và cô giáo Vân ngày càng thân thiết hơn.

Thấy tôi đến, Thiện Nhân chạy đến nắm tay tôi dắt đến ghế ngồi, mở tủ lạnh lấy trái cây và nước mời tôi:

- Con mời bà Chín ăn mận uống nước. Mẹ con đang rửa chén.

- Sao con không rửa chén giúp mẹ?

- Mẹ sợ con làm bể chén, tốn tiền mua.

Từ nhà sau Vân bước lên,

- Con dọn cơm cô Chín ăn nha. Trưa rồi mà. Chúng con vừa ăn xong. Rằm, mồng một anh Hải chịu ăn chay rồi đó cô ơi!

- Một tay ăn nhậu mà chịu ăn chay một tháng hai ngày quả là một điều đáng mừng. Vân thuyết phục chồng giảm bớt sát sanh hay là Hải nhà mình tự nguyện?

- Dạ, trước kia con khuyên anh Hải ăn chay cùng vợ con cho vui, anh ta lắc đầu lia lịa luôn miệng nói “Ai ăn chay cho được”. Lúc đó dù ảnh không chịu ăn chay nhưng đến ngày rằm, mồng một thường nhắc con ăn chay, niệm Phật, dâng hoa quả lên bàn thờ Phật, đọc kinh cầu nguyện. Hôm Trọng Nhân bị bệnh nguy hiểm, trên đường từ Vĩnh Long về, ngồi trên xe liên tục cầu nguyện cho con trai được bình an khỏe mạnh, ảnh nguyện sẽ  ăn chay tháng hai ngày.

Nói đến đây mắt Vân long lanh nước. Tôi xúc động vô cùng trước tình phụ tử thiêng liêng mà Hải đã dành cho con. Kéo tay áo lau nước mắt, Vân nói tiếp:

- Nằm trong phòng cách ly, Nhân là bệnh nhân nặng nhất, mê man bất tỉnh chẳng biết gì. Nhưng rồi sau đó Nhân là người hồi phục sớm nhất đó, cô ơi! Từ sự thật này, anh Hải mới tin Phật, tự nguyện ăn chay luôn. Thấy anh Hải chịu quy hướng về Tam bảo, con thấy lòng mình thật an vui.

Lời từ cuộc sống:

Có một câu chuyện ngụ ngôn từ cuộc sống:

Có con heo rừng đang ăn đêm trong nương khoai thì bị mắc bẫy. Một chân sau của nó bị vòng bẫy treo lơ lửng khỏi mặt đất, nhưng càng giãy giụa thì vòng bẫy càng thắt chặt vào.

Trời gần sáng rồi.

Bỗng heo rừng liền giận dữ quay ngoắt đầu lại cắn đứt cái chân sau của nó đang vướng trong bẫy, rồi tập tễnh bước nhanh vào rừng. Một con thỏ thấy heo rừng chân cụt đẫm máu, bèn hỏi ra đầu đuôi câu chuyện. Thỏ khen heo rõ thật là gan.

Heo rừng đáp:

- Có gan góc gì đâu, chẳng qua ở lại đó thì sẽ bị giết thịt, thà mất một chân mà được trả lại với rừng có phải hơn không?

Lời bàn:

Câu chuyện ngụ ngôn trên nêu ra một tình huống nghịch cảnh, một trường hợp chướng ngại nghiêm trọng “ngàn cân treo dây bẫy”, đòi hỏi phải quyết định ngay “trước khi trời sáng”. Ở đó, quyết định sáng suốt là chấp nhận hy sinh, dù là hy sinh một phần cơ thể quý báu của mình, vì không còn cách nào khác. Nếu không chấp nhận buông xuôi như một cách tự ấn định số phận, quyết định hy sinh dẫu là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng thật sự là con đường khả dĩ nhất để thoát ra khỏi thảm cảnh hiện tại. Dân gian Việt Nam cũng từng chia sẻ cảnh huống này: Chớ than phận khó ai ơi/ còn da lông mọc, còn chồi nảy cây... Tuy nhiên, trong từng tình huống đối mặt trực tiếp với nghịch cảnh, sự sáng suốt để đi đến quyết định đúng lắm khi không thuộc về tâm trí, nó là một phản xạ của trạng thái tâm bình tĩnh. Khi đó, hành vi của cơ thể tự khế hợp với hoàn cảnh để rồi sau đó, chính tâm trí mới đưa ra nhận định là: ta vừa làm đúng!

Sống Đạo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày