Hướng về tương lai

Hướng về tương lai

GN - Thầy chọn đề tài “Hướng về tương lai”, vì nhận thấy một số Phật tử hiểu lầm lời Phật dạy rằng việc tương lai thì chưa tới, việc quá khứ thì đã qua, cho nên luôn nghĩ đến bây giờ và tại đây. Các Tỳ-kheo chấp vào lời dạy này để an trú trong nguồn vui hiện tại.

Chúng ta học Phật, phát Bồ-đề tâm, thấy Phật dạy, nhưng phải hiểu Phật dạy ai và Ngài dạy trong hoàn cảnh nào. Phật nói điều này vì một số Tỳ-kheo xuất thân từ ngoại đạo cứ mãi bàn luận việc tương lai, nhưng không thực tế, cho nên Phật mới nói rằng các ông hướng đến tương lai, nhưng không dựa vào thực tế thì chắc chắn tương lai tốt đẹp sẽ không tới được. Vì vậy, phải căn cứ vào thực tế để nghĩ đến tương lai. Còn nghĩ về tương lai không căn cứ thực tại thì đó chỉ là tương lai ảo, không thể trở thành hiện thực. Thực tế cho thấy có người lo nghĩ đủ thứ việc, nhưng không làm được là vậy.

Khi Phật tại thế, có người tu theo Phật thường nhớ lại lúc họ ở ngoại đạo làm việc này việc nọ, hoặc có người nhớ mình đã từng làm quan, hay từng buôn bán, giàu sang; nhưng nghĩ đến quá khứ như vậy thì có lợi gì. Đối với người tu sai này, Phật bảo họ nên quên quá khứ, ngay hiện tại mình tu theo Phật thì phải tu thế nào cho đúng, nếu cứ nghĩ bàn đến quá khứ quả thật là vô ích. Vì vậy, nghĩ đến tương lai mà không dựa vào thực tế, hay nghĩ tiếc nuối quá khứ, cả hai đều sai lầm. Từ đó, Phật dạy rằng bây giờ và tại đây, hay giờ nào việc đó để chúng ta đạt được kết quả cao nhất. Theo kinh nghiệm của thầy trên bước đường tu, nhận ra tương lai nghĩa là ước vọng, mong muốn của mình. Người không có ước vọng, không có mong muốn, hay nói cách khác là không có nguyện thì làm sao có ý chí để phấn đấu đi lên. Chính vì vậy, hướng về tương lai, nhưng phải căn cứ vào thực tế để phát triển tương lai. Thầy áp dụng ý này thành công, xin chia sẻ với quý vị.

Thực tế thầy xuất gia làm Sa-môn là làm thầy tu, nhưng nghèo, sống trong hoàn cảnh thiếu thốn. Thầy đã chấp nhận cuộc sống nghèo và phấn đấu để làm được việc gì trong tương lai, thì tương lai mới sáng. Thầy biết mình không có tiền, nên cố gắng tiết kiệm tối đa, không lệ thuộc cuộc sống vật chất và nỗ lực phát triển tinh thần. Tương lai này của thầy là học vấn. Thật vậy, Phật dạy trí tuệ là sự nghiệp của người tu, người có trí tuệ là có sự nghiệp. Người đệ tử Phật hướng đến tương lai, hay hướng đến mục tiêu cao nhất là đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Tương lai của chúng ta lên đỉnh cao nhất, thành Phật. Đức Phật đã thành tựu quả vị này, nên chúng ta nghĩ mình cũng phải thành Phật như Ngài. Đức Phật dạy rằng việc chư Phật đã làm, Bồ-tát đang làm, các Thánh La-hán đã làm, chúng ta cũng sẽ làm được, đó chính là tương lai của chúng ta. Hôm nay làm không được thì ngày mai sẽ được nếu cố gắng, hay kiếp sau cũng được. Đức Phật đã trải qua ba a-tăng-kỳ kiếp tu hành, tức phải có quá trình tu, không phải tự nhiên, hay trong một vài tháng, vài năm mà có được quả vị Vô thượng Bồ-đề.

Theo Phật tu, chúng ta tin vào nhân quả luân hồi và thấy rõ Phật cũng đã sống đúng theo sự vận hành của nhân quả. Thật vậy, từ thời quá khứ xa xưa, Ngài đã dốc toàn tâm, toàn sức thể nghiệm các pháp, tức đã gieo trồng hạt giống thiện, nên trong đời hiện tại, Ngài gặt hái được quả Vô thượng Bồ-đề. Chúng ta là người thấy quả mà tu nhân, nghĩa là thấy Phật tu thành  Phật, chúng ta tu theo, đó là hướng về tương lai.

Khi hướng về tương lai, Phật khuyên chúng ta phải có trí tuệ để tránh sai lầm. Đa số chúng sanh vì vô minh, vọng kiến, nên mới mắc phải sai lầm dẫn đến kết quả không tốt. Điều quan trọng là cần phải có trí tuệ để biết chúng ta nên làm gì, việc không nên làm mà làm thì mất tất cả. Thí dụ nghe Phật dạy bố thí được phước, nhưng chúng ta không có trí tuệ mà bố thí thì phạm sai lầm, chẳng những không sanh phước, lại sanh họa. Phải có trí tuệ mới thấy được bố thí đúng và bố thí cho ai, thấy người nào nên bố thí, người nào nên giúp đỡ, người nào nên cúng dường. Đối với người không nên bố thí, không nên giúp đỡ, không nên cúng dường mà chúng ta lại bố thí, giúp đỡ, cúng dường thì không khéo chúng ta tôn thờ ác quỷ, làm bạn với ma, khi chết sẽ sa ác đạo. Nói cách khác, chúng ta hợp tác với người sai lầm, tất nhiên chúng ta cùng chung số phận với họ. Vì vậy, phải biết bố thí cho ai, cúng dường ai.

Về pháp bố thí, Phật dạy có ba việc là bố thí tài vật, bố thí pháp và vô úy thí. Ba pháp này của Bồ-tát làm. Chúng ta tự xét mình có phải là Bồ-tát chưa. Lúc thuở nhỏ, thầy được Hòa thượng Trí Tịnh nhắc nhở rằng ông có nghĩ ông là Bồ-tát hay không. Vừa thọ giới liền nghĩ mình là Bồ-tát, nghĩ vậy là bị đọa địa ngục. Thật vậy, vì còn nghiệp chướng, nên chúng sanh thấy mình, họ không phát tâm, mình có trần lao nên còn khổ đau. Còn buồn, còn khổ thì rõ ràng mình là con người trần lao mà muốn độ người trần lao, điều này nên cân nhắc lại.

Khi phát tâm Bồ-đề, thọ giới xong, tự nghĩ mình có thể làm được nhiều việc cứu nhân độ thế, không tiếc thân mạng, đó là suy nghĩ sai lầm trầm trọng. Chúng ta thấy Hòa thượng Trí Tịnh từ khi tu hành cho đến ngày xả báo thân, thị tịch, Hòa thượng thường sống trong thiền thất để dịch kinh, viết sách, ngài chưa dám nghĩ mình là cao tăng hành Bồ-tát đạo. Tấm gương tu hành của ngài thể hiện bài học quý báu cho chúng ta noi theo.

Ta xét nghĩ có việc chưa đáng buồn, mình đã buồn, đối với việc dễ nhịn mà mình đã nổi cáu, rõ ràng là phiền não trần lao chưa xóa. Nghiệp mình chưa xóa mà muốn xóa nghiệp người quả là sai lầm lớn. Họa chăng mình làm quyến thuộc của Bồ-tát là tốt lắm rồi. Hiểu như vậy, ta coi ai là Bồ-tát hiện thân trên cuộc đời để cứu nhân độ thế thì ta hợp tác với họ. Họ tạo được công đức cũng chia phần cho ta. Thầy nhờ hợp tác với Hòa thượng Trí Tịnh, ít nhất gần 40 năm, Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội, thầy cũng làm việc cho Giáo hội, nhờ vậy thầy làm đạo được yên ổn và đóng góp được phần công đức. Có người lãnh đạo giỏi, mình hợp tác thì họ thành đạt, mình được chia phần. Nói cho dễ hiểu, người có tiền muốn đầu tư phải tìm công ty ăn nên làm ra để hùn vốn mới được chia lời. Nhưng nếu chúng ta dại khờ nghe lời người lừa đảo, đương nhiên họ trả tiền lãi cho mình được vài lần, về sau vốn lời mất hết. Tiền của mình kiếm được khó khăn mà giao cho người không tốt thì nguy hiểm vô cùng, dù họ mang hình thức nào, thầy gọi họ là ác ma. Vì ác ma biết mình có tiền, có quyền, có thế, nên họ khai thác tiền của mình, lợi dụng quyền thế, vốn liếng của mình để trục lợi cho họ. Vì vậy, Phật dạy phải có trí tuệ để nhận ra người đáng hợp tác.

Thầy nhờ nhận ra thiện tri thức, nhận ra những người đáng nương tựa, đáng hợp tác mới tạo được công đức. Vì trí tuệ của ta có giới hạn, nên cần thiện tri thức có trí tuệ cao hơn là các vị cao tăng để giúp chúng ta thành công. Không có trí tuệ sẽ không có gì, nhưng có được thiện tri thức giúp đỡ, chúng ta cũng làm được việc. Ta không phải là Bồ-tát, nhưng vì ta hợp tác với Phật, với Bồ-tát. Các vị này thành công nên ta thành công theo.

Khi hướng tới tương lai, phải dựa vào thực tế này. Tất cả những gì Phật nói trong kinh về cuộc đời tu hành của Ngài từ thấp nhất đến cao nhất là quá trình tu của Phật. Ta hướng về tương lai thành Phật là tương lai xa, nhưng chúng ta dựa vào thực tế giống Phật là khởi đầu phải tìm thiện tri thức để dìu dắt mình. Thật vậy, đọc kinh Hoa nghiêm thể hiện rõ ý này. Thiện Tài học đạo với Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát là vị có trí tuệ bậc nhất, tức phải có trí tuệ trước. Như vậy, muốn hướng đến tương lai, quý vị phải có trí tuệ để thấy biết chính xác. Ý này được kinh Pháp hoa diễn tả rằng phải biết nhìn xa, nghĩa là thấy tương lai.

Thiện Tài tìm Văn Thù hay Văn Thù tìm Thiện Tài, nói cách khác, đệ tử tìm thầy, hay thầy tìm đệ tử. Nếu chúng ta quyết chí tầm sư học đạo sẽ gặp thiện tri thức chỉ đường. Người có tâm tà phải gặp thầy tà. Từ thuở 12 tuổi, thầy quyết chí tu hành, tầm sư học đạo. Tuổi nhỏ nhưng thầy quyết tâm tu, đi từ chùa này sang chùa khác. Vào thời kỳ 60, 70 năm trước, tìm được thầy dạy tu đúng pháp là việc rất khó. Đọc kinh Hoa nghiêm, thầy thấy có nhiều điều trùng với mình. Trên bước đường tu, chắc chắn có gian lao thử thách, nhưng thầy đã gặp được thiện tri thức chỉ dẫn tu hành. Thầy còn nhớ năm 1955, thầy tới Đức Hòa gặp một Hòa thượng vô danh không biết ở đâu. Ông cũng tới chùa ở Đức Hòa, ở chùa đó chuyên dạy ứng phú đạo tràng là chuyên cúng, mà thời kỳ đó các chùa chỉ dạy cúng thôi. Ông nói với thầy rằng ở đây không phải chỗ của chú. Ông chỉ thầy từ Đức Hòa đi ngược về Thủ Đức để tìm thầy. Đến Thủ Đức vào chùa Phước Tường học đạo thì sẽ gặp người chỉ đường. Khi thầy tới chùa Phước Tường lại gặp ông này và ông nói ở đây cũng không phải chỗ ở của chú. Chú nên ra chùa Huê Nghiêm vì có duyên với Hòa thượng Huê Nghiêm, tuy ngài không học bằng Hòa thượng Phước Tường, nhưng ở đây sẽ lên được. Ở Huê Nghiêm một năm, ông lại bảo chú hết duyên ở đây rồi, chú nên về chùa Ấn Quang theo Hòa thượng Thiện Hòa, đó mới là con đường đi lên của chú.

Trên bước đường tu, nếu không có Bồ-tát hiện thân chỉ đường, ta dễ đi lạc. Phần lớn người nghiệp nặng là gặp ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Ma quỷ thì dễ gặp, vì lòng mình là ma. Sanh trên cuộc đời, ta mang thân tứ đại làm người, nhưng chết làm ma. Giữa ma và người rất gần nhau. Thực tế chúng ta thấy có người đang sống, nhưng gần cảnh giới ma, nên họ bị ma dựa vô, ma nhập vô. Xác là tứ đại, nhưng ma có thể dựa vào xác mình thì nó đuổi hồn mình ra. Vì là ma, nên nó không ở lâu trong xác mình được, nên hồn mình chạy vô thân xác trở lại. Khi hồn của mình bị ma đuổi, cứ chạy vô chạy ra hoài thì trở thành khùng điên, phải nhờ thầy đuổi ma ra luôn. Muốn vậy, phải khóa Thiên môn lại bằng cách chuyên tụng kinh, niệm Phật thì ma không vô được. Người mà ma dễ dựa, khi họ chết bảo đảm 99% ma theo. Nhưng nếu có thiện tri thức hướng dẫn tu đúng pháp, ma nghiệp của chúng ta bị loại thì ma bên ngoài không vô được.

Ma nghiệp chúng ta còn nhiều là tham lam, ích kỷ, hung dữ… nhiều tánh xấu. Chúng ta loại dần ma nghiệp và đưa Phật pháp vô, chuyển đổi con người chúng ta là con người của Phật pháp, nghĩa là miệng nói Phật pháp, thân hành Phật pháp, đầu suy nghĩ Phật pháp. Như vậy là con người chúng ta được Phật thọ dụng, hay trở thành công cụ của Phật. Giống như thầy làm được nhiều việc lợi lạc cho người nhờ Phật hộ niệm, hay Phật thọ dụng, cho nên việc của thầy trở thành việc Phật. Thầy làm việc Phật muốn, lấy ý muốn của Phật làm ý muốn của mình. Từ đó, ý nghĩ, việc làm và lời nói của mình là Phật, tu như vậy, ma xa lần. Hướng tới tương lai làm Phật, phải thực hành theo cách đó. Trái lại, Phật tử đến chùa mà ma nghiệp không trừ, Phật pháp không đem vô, chỉ dụm lại nói chuyện xấu ác, hơn thua nên trở thành ma. Tu lâu theo con đường này, không làm Phật mà làm quyến thuộc của ma.

Năm năm trước, tự nhiên thầy nghĩ rằng Phật giáo Việt Nam cần có trường tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Suy nghĩ này của thầy, nhưng là ý muốn của Đức Phật, vì chúng ta đã nhận thấy rõ Phật có ý muốn lớn nhất là truyền bá giáo lý khắp nhân gian để mọi người được an lạc, giải thoát, thăng hoa. Mục tiêu của Phật ra đời chính là giáo dục, chỉ dạy chúng ta sống theo con đường thánh thiện. Vì vậy, khi chúng ta làm đúng mục tiêu của Phật, nghĩ đúng mục tiêu của Phật và nói đúng lời Phật thì đó là Phật sự.

Mười năm trước, dự án xây dựng Học viện Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh đã có từ thời Hòa thượng Minh Châu làm Viện trưởng, nhưng không thực hiện được. Đến khi thầy làm Viện trưởng đã nghĩ ngay đến việc này, ngôi trường là tương lai của Phật pháp. Như vậy, thầy hướng đến tương lai nhưng dựa trên thực tế là Giáo hội cử thầy làm Viện trưởng thì thầy xây dựng trường là điều hợp lý. Mười năm trước, Hòa thượng Minh Châu làm Viện trưởng, tất nhiên thầy xây dựng không được, không hợp với thực tế. Phải đợi đến giai đoạn này để thầy xây dựng trường mới hợp với thực tế.

Phật dạy đức chúng như hải, vì đại chúng muốn là Phật muốn, là Giáo hội muốn. Hiểu lý này, làm việc gì phải cân nhắc thấy người muốn chúng ta làm thì mình làm, chắc chắn được Phật hộ niệm. Thầy nghĩ như vậy mới tiến hành việc xây dựng Học viện Phật giáo. Tuy khó khăn, nhưng vẫn có người hợp tác, giúp đỡ, việc xây dựng mới tiến triển được như ngày nay.

Nếu chúng ta không nghĩ đến xây dựng trường thì việc này cũng không có được. Phải nghĩ đến việc xây dựng trước, tuy nhiên trước đó Hòa thượng Minh Châu cũng đã nghĩ đến xây dựng trường, nhưng không làm được, phải tới giai đoạn này thì thầy làm được. Mình thấy rồi, nhưng phải thấy thêm là mình làm được, hay người nào làm được. Đọc truyện Tây du có điều rất vui, ông Nhĩ Hầu vương biết Bồ đề Sư Tổ, còn Mỹ Hầu vương là Tề Thiên không biết Sư Tổ. Phải nhờ Nhĩ Hầu vương có lỗ tai nghe xa, biết trên núi có Sư Tổ Bồ Đề. Bồ-đề là giác ngộ. Ông biết có Sư Tổ, nhưng cũng biết thêm là ông lên núi thì Sư Tổ không dạy ông. Vì vậy, ông không lên núi, nhưng bảo Tề Thiên lên núi học đạo với Sư Tổ thì về sau sẽ giỏi. Tề Thiên lên núi tìm gặp được Bồ Đề Tổ sư, Tổ sư bảo Tề Thiên đem ghè ống nhổ đổ ở chỗ không có trời không có đất. Tề Thiên tự nghĩ làm gì có chỗ nào mà không có trời, không có đất, nên ông đổ vô miệng nuốt. Tác giả viết ý này rất sâu sắc, có thể hiểu tất cả những gì Phật nói, tức là Phật nhả ra thì người học đạo cần nuốt hết. Thầy nhận ra lý này, nên từ lúc đi tu, thầy đã học, đọc sách, đọc kinh không mệt mỏi. Tất cả kinh sách của Phật, của Tổ, ta phải nuốt vô để làm vốn tu của mình. Vì vậy, việc đầu tiên của chúng ta là học giáo pháp của Phật. Nhờ nuốt hết những thứ này vô bụng, vô tâm thì trở thành thất thập nhị huyền công là 72 phép thần biến, từ đó nói vui là thầy giảng theo kiểu Tề Thiên, nghĩa là thầy giảng theo lý tùy duyên, không có bài giảng sẵn. Gặp yêu tinh thì giảng theo kiểu mà yêu tinh hiểu được và lánh xa việc ác, gặp Phật thì nhận ra Phật, gặp Bồ-tát nhận ra Bồ-tát, với người có tâm đạo thì triển khai cho họ thăng hoa, với người tăm tối thì khai thị cho họ con đường sáng suốt, v.v… Tóm lại, không chấp pháp, nhưng chúng ta không nên bỏ pháp, vì bỏ pháp sẽ không có tri thức đúng đắn. Chấp pháp thì bị vướng mắc, không giải thoát và không tiến tu được. 72 phép ứng hóa phải nhận ra để chúng ta ứng dụng làm lợi lạc cho mình và cho người.

Thời kỳ Hòa thượng Minh Châu xin phép mở Học viện, nhưng thời của thầy mới xây dựng, vì khi thầy làm Viện trưởng, chính quyền thành phố mới cấp sổ đỏ, tức có chủ quyền mới làm được chứ. Thầy xây dựng trường và bên cạnh thầy có thầy Thanh Phong vận động tài chánh để hỗ trợ thầy trong việc xây dựng và cũng có chính quyền ủng hộ. Thầy Thanh Phong có công vận động tài chánh, nhưng thầy đã nói dễ thương là không có Hòa thượng thì con cũng không vận động được. Điều này lạ, không có thầy Thanh Phong, thầy không làm được và ngược lại, không có thầy thì thầy Thanh Phong cũng không vận động được. Thật vậy, khi tiếp xúc với người hằng tâm hằng sản, thầy Thanh Phong phải nói rõ là trường này do chính Hòa thượng Viện trưởng đứng ra xây dựng, nghe vậy người ta liền phát tâm. Có trí tuệ phải nhận ra lý này. Theo kinh nghiệm của thầy, người mà mình hợp tác, họ có uy tín thì người ta dễ chấp nhận. Có người làm sẽ tác động người hằng tâm hằng sản ủng hộ số tiền lớn, trong khi người bắt chước làm, chẳng được bao nhiêu. Thí dụ các Phật tử đạo tràng Pháp Hoa là quyến thuộc của thầy, nghe nói thầy xây dựng thì quý vị hết lòng đóng góp. Người có uy tín được nhiều người ủng hộ, ta hợp tác với họ sẽ được thành công, còn ta tự làm thì không được.

Có trí tuệ, nhận ra thực tế mới hướng đến tương lai, từng bước xây dựng được. Ít nhất phải mất một năm thì mấy tòa nhà này bắt đầu mọc lên. Phần cơ bản đã có rồi, tương lai ta cứ tiếp tục phát triển. Ở đây một tháng có hai lần tu  để chúng ta góp sức cầu nguyện, vì phải có nhiều người hợp tác, việc xây dựng mới thành tựu thể hiện tinh thần đức chúng như hải. Thực tế cho thấy số lượng người tu về đây đã tăng thêm thì việc cầu nguyện được nhiều hơn, sức sống của trường mạnh hơn. Có một số người thưa với thầy rằng trước kia lên đây cảm giác như bãi tha ma, buồn quá, muốn cúng dường nhưng không có người, làm sao cúng. Nay người ta thấy chúng ta đến đây tu, nghe pháp, tiến hành xây dựng thì họ sẽ tới, hay sẽ hướng tâm về. Cách mấy bữa, có người ở Mỹ gọi điện thoại về nói rằng con gọi được thầy, con mừng quá. Con coi trên mạng có tin thầy đang xây dựng trường Phật học. Trước mắt con cúng 5.000 đô.

Tóm lại, ta hướng về tương lai, nhưng dựa trên thực tế từng bước ta đi về tương lai tốt đẹp, nghĩa là từng bước ngôi trường Phật học này được phát triển, được hoàn thành. Về phần chúng ta tu hành cũng phát triển được đạo pháp, tăng tấn Bồ-đề, cho đến khi sạch dứt nghiệp và trí tuệ đầy đủ, chúng ta cũng thành tựu quả vị Phật giống như Phật đã làm. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày