Hương vườn chùa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1209 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1209 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Không ai đi xa mà không nhớ chùa làng với vài kỷ niệm. Ngôi chùa là một thiết chế tôn giáo, một công trình kiến trúc nhưng nó giống như một cây cổ thụ, tự nhiên, như nhiên, tất nhiên ở đó và ở trong lòng người dân làng. Không có câu hỏi tại sao...

Từ khi chính quyền trung ương Lê sơ chính thức dùng Khổng học, Phật giáo bỏ vai trò quốc giáo và hòa tan vào làng. Phật ở làng mạnh hơn bao giờ hết vào thời Trịnh - Nguyễn. Đạo Phật thấm đẫm vào nhân gian qua các chùa làng. Ngoài các chùa lớn, các kiệt tác kiến trúc và điêu khắc thường được tài trợ, hưng công bởi phái nữ của hoàng tộc, từ cung vua, phủ chúa thì hầu như bắt buộc mỗi làng đều phải có một ngôi chùa cô tịch, lẩn khuất dưới những lùm cây to nơi ven làng.

Giáo lý Khổng học là để tề gia, bàn việc đời của làng. Đình là đời, còn chùa là đạo. Đình là thế tục, chùa là tâm linh. Đình thì vui vẻ ồn ào, đền thì uy nghiêm, miếu thì kính sợ, còn chùa thì thân gần, tự tại. Trẻ vui đình, vui nhà, già vui chùa. Già đây chỉ là ước lệ, có tính tuổi tác nhưng chủ yếu là do thái độ sống của người đã ‘chán đời’, chán chốn ‘đỉnh chung’. Chùa đặc biệt mật thiết với người phụ nữ làng. Khi đã xế chiều, khi gia thất đã yên, chồng đã già, con đã lớn, các bà, các cụ thường lấy việc chùa làm vui trong khi các lão ông vẫn tiếp tục tất bật với việc làng, tổ tôm, cờ người, khao, vọng, vạ...

Làng tôi cũng có một ngôi chùa nhỏ dưới gốc một cây sấu và một cây muỗm cổ thụ sau một lũy tre dầy ở rìa làng. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử vì đã có công nuôi, giấu cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa. Chả cứ cán bộ bí mật cần nơi ẩn trốn khi bị truy lùng, lánh nạn khi giặc càn qua mà kẻ cô đơn, vô gia cư, cô gái nhà lành thất tình, kẻ gặp hoạn nạn, mất lòng tự tin, kẻ xin ăn, kẻ trót mắc tội làm ác ăn năn đều tìm tới chùa và tìm thấy ở đó một nơi của mình, tạm thời hay vĩnh viễn (nếu có căn tu).

Một số đàn ông có thể không tới chùa nhưng toàn bộ đàn bà con gái thì đều là Phật tử theo nghĩa nào đó. Không có gì ràng buộc họ, không có luật giới nào bắt buộc phải theo, không có ‘giáo đoàn’ được tổ chức... Họ tới chùa như tự nhiên phải thế. Họ có thể không biết gì về kinh điển, giáo lý thâm sâu của đạo Phật, cũng không phân biệt tông phái nào, ngay cả sự tích, cuộc đời của Đức Thích Ca họ cũng không tường.

Với họ, triết lý Phật dạy, ta nên theo là nên làm thiện, đừng làm ác, nên tha thứ, đừng thù hận, không nên ham hố, nên an tâm với cái vừa đủ... Có khá nhiều tượng đẹp (mới bị trùng tu quá lòe loẹt bằng sơn cửa) mà họ hàng ngày thắp hương, dâng hoa nhưng cũng chẳng biết vị nào vào vị nào, có bàn thờ bát nhang thì khấn vái, cầu xin thế thôi. Trừ những chùa lớn các pho tượng thường cũng được làm theo các công thức mà các phường thợ đã nhập tâm. Bên hưng công không có yêu cầu nghệ thuật đặc biệt nào.

Trước đây hơn chục năm tôi thường dẫn các bạn, nhất là các bạn nước ngoài nghiên cứu văn hóa nghệ thuật về làng và thăm chùa. Khi đó làng tôi còn nguyên như một “giáo cụ trực quan sinh động” về thế kỷ XVII-XVIII. Khổng giáo không phải một tôn giáo đã đành nhưng đạo Phật ở làng với cái chùa làng cũng là một tôn giáo đặc biệt, một cách thực hành tín ngưỡng đặc biệt.

Khác nhà thờ Ki-tô, Hồi giáo... đã đành mà cũng khác luôn các chùa cung đình hay phố thị. Một Ni già, hai Ni cô trẻ coi sóc ngôi chùa làng. Không thuyết giảng, không bắt buộc hành lễ, không bắt buộc đóng góp, không bắt buộc trai giới... Hoàn toàn không bắt buộc gì cả mà họ coi sóc cả phần hồn của làng thì thật lạ lùng! Ngôi chùa cách xa ngôi đình và hầu như chẳng liên hệ gì với các chuyện ở đình vậy mà không có chuyện gì ở làng không ít nhiều chịu ảnh hưởng của chùa. Cái cách ngôi chùa làng chi phối đời sống dân làng thật có một không hai.

Không ai đi xa mà không nhớ chùa làng với vài kỷ niệm. Ngôi chùa là một thiết chế tôn giáo, một công trình kiến trúc nhưng nó giống như một cây cổ thụ, tự nhiên, như nhiên, tất nhiên ở đó và ở trong lòng người dân làng. Không có câu hỏi tại sao. Đình có sân to và ao lớn, đền miếu có sân nhỏ và non bộ, còn chùa có giếng nước rất trong và vườn rộng.

Vườn chùa không quy hoạch, không xén tỉa kỳ khu, không kỳ hoa dị thảo... Nó khá gần với phong cách vườn tự nhiên (kiểu Anh!) mà không cần biết đó cũng là một phong cách. Nhưng cái mùi hương vườn chùa thì thật khó quên, chỉ tội khó nói ra rành mạch là hương gì, hoa gì. Hương vườn chùa giống như Phật ở làng vậy.

Tôi có là Phật tử không? (Tôi khó tin con số thống kê số Phật tử trong nước và thế giới). Tôi là đảng viên cộng sản nhưng với hương vườn chùa làng mình, tôi cũng là Phật tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày