Trống đồng và Mạn-đà-la Phật giáo
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong những trống đồng có kích thước lớn nhất, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 1 theo Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 01/10/2012. Trong số 137 chiếc trống đồng loại I Heger đã được tìm thấy tại nước ta, với niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm, trống đồng Ngọc Lũ có hoa văn vô cùng tinh xảo.
Trống đồng này có đường kính mặt 79,3cm; đường kính chân 80cm; cao 63cm. Trung tâm của mặt trống trang trí hình mặt trời 14 tia, giữa các tia trang trí hoa văn lông đuôi chim công. Tiếp đến là 16 vành hoa văn, phân cách giữa các vành là những đường gờ nổi. Tang trống có 10 vành hoa văn. Thân trống có 10 vành hoa văn. Phần chân trống trơn không trang trí hoa văn. Bốn quai trống dẹt, trang trí văn thừng tết.
Trống đồng Ngọc Lũ không chỉ thể hiện trình độ đúc đồng đỉnh cao mà còn là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho tài năng sáng tạo của người Việt cổ, là biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, cách trang trí trên mặt trống đồng Ngọc Lũ nói riêng, trống đồng Đông Sơn nói chung cho thấy sự ảnh hưởng của Phật giáo. Các vòng tròn đồng tâm thể hiện thế giới quan, vũ trụ quan của Phật giáo theo hình đồ Mạn-đà-la. Tại tâm điểm của mặt trống đồng là hình ảnh tương đồng với “bánh xe Chuyển pháp luân”, với một mặt trời tỏa các tia nắng hào quang ra xung quanh. Đây chính là biểu tượng của “Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyển”. Theo quan niệm của Phật giáo từ cách nay 2.500 năm, vũ trụ quay xung quanh mặt trời. Vì vậy, “Tâm” là mặt trời, cũng chính là trí tuệ Như Lai nên cũng đồng nghĩa với Phật.
Di sản Phật giáo Đại Việt
Tấm bia Xá-lợi tháp minh của chùa Thiền Chúng (Thuyền Chúng), huyện Long Biên, xứ Giao Châu xưa là tấm bia đá cổ nhất nước ta, niên đại 601, thời nhà Tùy. Nội dung cơ bản của văn bia được lược dịch như sau: “Trước ngày Ất Sửu (tức ngày 15), tháng Tân Hợi (tháng 10), năm Tân Dậu nước Đại Tùy niên hiệu Nhân Thọ năm thứ nhất (601). Hoàng đế cẩn trọng mở rộng dòng thuyết pháp, mở cõi u hiển đến mọi sinh linh ở chùa Thuyền Chúng (Thiền Chúng) thuộc huyện Long Biên đất Giao Châu để kính cẩn dựng ngôi tháp thiêng đặt yên xá-lợi theo ước nguyện của Thái tổ Vũ Nguyên hoàng đế, Nguyên Minh hoàng hậu.
Tất cả các bậc từ hoàng đế, hoàng hậu, hoàng thái tử, đến các con cháu trong hoàng tộc cùng các quan được sủng ái, thứ dân không kể lục đạo, tam đồ trên cõi đời đều thuận theo lời dạy của Đức Phật mãi thoát khỏi cõi khổ ải trầm luân, cùng hưởng quả phúc.
Sắc cho Đại đức Tuệ Nhã pháp sư, Lại bộ Vũ kỵ úy Khương Huy dựng ngôi tháp và an vị xá-lợi ở đó...”.
Thời kỳ Bắc thuộc có rất nhiều tư liệu ghi rõ về Phật giáo truyền vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện trưng bày phiên bản chuông Thanh Mai, là quả chuông cổ nhất hiện còn tại nước ta. Chuông được phát hiện tại chùa Thanh Mai, hiện vật gốc đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
Nội dung minh văn trên chuông ghi rõ chuông được đúc vào năm 798. Kích thước chuông có chiều cao 60cm, đường kính miệng 36,5cm, quai chuông cao 7cm, trọng lượng 35,5kg. Cùng với chuông Thanh Mai, phát hiện ở chùa Thanh Mai rất nhiều viên gạch trang trí tượng Phật ngồi trên đài sen - các hiện vật này được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - là minh chứng cho thấy thời kỳ này Phật giáo đã phát triển bén rễ sâu vào từng làng mạc.
Khi khai quật cố đô Hoa Lư, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều viên gạch trang trí hình tháp, mỗi tháp cao từ 11 đến 13 tầng, phát hiện nhiều đầu ngói trang trí hình tượng Phật ngồi trên đài hoa sen. Đặc biệt, phát hiện những cột đá kinh tràng tại Hoa Lư khắc các bài kinh, bài kệ.
Thời nhà Lý, Phật giáo phát triển rực rỡ. Với di sản để lại là những tảng đá kê chân cột ở của chùa Phật Tích vô cùng to lớn, hình vuông kích thước mỗi chiều 1m, vòng chân cột có đường kính 60cm. Tảng đá được tạo tác năm 1057, trên mặt trang trí rất cầu kỳ, với vòng cánh sen. Trong mỗi cánh sen có một đôi rồng uốn vào nhau tạo thành hình lá đề, Rồng trơn uốn thành hình sin – đây là dạng đặc trưng của rồng thời Lý. Đáng chú ý là trên 4 mặt xung quanh của tảng đá, có hình chạm khắc mô tả dàn nhạc công đang dâng hoa cúng Phật, tái hiện nghi lễ rất long trọng của Phật giáo.
Tọa lạc cạnh Phiên bản Phật A Di Đà chùa Phật Tích (tượng gốc hiện vẫn ở chùa Phật Tích đã được công nhận bảo vật quốc gia) là bia đá Linh Xứng, đây là bản bia gốc được phát hiện ở chùa Linh Xứng, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa và được đưa về Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày. Bia chùa Linh Xứng, có niên đại dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ 7 (1126), đây là tấm bia quý hiếm thời Lý còn lại nguyên vẹn đến ngày nay.
Nội dung văn bia nói về sự du nhập và phát triển của Phật giáo ở nước ta. Phần tiếp theo nội dung nói về quá trình xây chùa Linh Xứng, sự góp công của các tín đồ Phật giáo và nhân dân quanh vùng, đặc biệt là sự quan tâm, công lao của Lý Thường Kiệt trong việc tìm đất, công đức tiền của để xây dựng chùa Linh Xứng cũng như công lao của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành năm 1069 và chống quân Tống năm 1075 - 1077. Bia Linh Xứng không chỉ minh chứng cho sự phát triển hưng thịnh của Phật giáo dưới triều Lý mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về anh hùng kiệt xuất Lý Thường Kiệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tại khu vực trưng bày di sản thời Trần có các hiện vật Phật giáo: chuông chùa Vân Bản, bộ cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh - đều là những hiện vật gốc đã được công nhận bảo vật quốc gia. Hiện vật Phật giáo các thời Hậu Lê, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn được trưng bày tại bảo tàng chủ yếu là tượng Phật bằng gỗ và các ván in kinh sách bằng gỗ, trong đó có nhiều tượng Quan Âm Chuẩn Đề, Thiên thủ thiên nhãn, Phật nhập Niết-bàn vô cùng giá trị.
Di sản Phật giáo Chăm-pa và Phù Nam
Tại khu trưng bày di sản của văn hóa Chăm-pa có một số tượng Phật bằng đá được tìm thấy tại Phật viện Đồng Dương, Quảng Nam. Vương quốc Champa được hình thành trên cơ sở phát triển của văn hóa Sa Huỳnh cùng sự tiếp thu mạnh mẽ các văn hóa lớn (Ấn Độ, Trung Hoa, Đại Việt, Óc Eo - Phù Nam, vùng Đông Nam Á…). Vương quốc này tồn tại và phát triển liên tục từ năm 192 đến năm 1832 qua các tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành,… với cương vực kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay.
Phật viện Đồng Dương là di tích quan trọng vào bậc nhất của Chăm-pa, gồm có hệ thống các tháp nằm gần nhau, nằm ở làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Hệ thống tháp này khác biệt hẳn so với các tháp Chăm thường thấy, bởi kiến trúc có chức năng như một tu viện Phật giáo thực thụ. Đài thờ tại đây có tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, mặt trước của bệ tượng Phật được trang trí một nhân vật có bốn đầu và tám tay, ngự bên trên là tượng Phật ngồi hai chân thõng xuống và hai bàn tay để lên hai đầu gối, xung quanh tượng Phật có các tượng đá nhỏ thể hiện các tu sĩ đứng và quỳ cùng các vị La-hán.
Hệ thống tháp Đồng Dương được xây dựng vào thế kỷ XIX, đây cũng là thời kỳ Phật giáo ảnh hưởng mạnh đến Chăm-pa. Tháp được vua Indravarman II - một người đã theo Phật giáo xây dựng, khi lên ngôi vị vua sáng lập ra triều đại Indrapura này đã thúc đẩy cho Phật giáo phát triển mạnh gần như khắp vùng Bắc Chăm-pa.
Tại phòng trưng bày di sản Óc Eo - Phù Nam có 3 tượng Phật Thích Ca bằng gỗ vô cùng giá trị, có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Các tượng này đều đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Các di tích văn hóa Óc Eo được phân bố ở khu vực hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông (Nam Bộ và Đông Nam Campuchia ngày nay). Những pho tượng Ấn Độ giáo, Phật giáo độc đáo; những sưu tập đồ trang sức bằng vàng, đá quý phong phú, tinh xảo... đã được công chúng trên thế giới quan tâm, biết tới từ rất sớm và trở thành những di sản văn hóa quý hiếm trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Quá trình khảo cổ suốt hơn 1 thế kỷ qua, đã tìm thấy nhiều pho tượng Phật bằng gỗ cùng phong cách, được phát hiện tại các tỉnh Nam Bộ như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An… Các tượng Phật này được trưng bày và lưu giữ tại nhiều bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Cần Thơ, Bảo tàng An Giang, Bảo tàng Đồng Tháp. Tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 3 tượng Phật gỗ Óc Eo, đều là hiện vật gốc và cùng chung một phong cách.