Những pho tượng Phật Thích Ca được công nhận bảo vật quốc gia

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ năm 2012 đến nay, hàng năm Chính phủ ban hành quyết định công nhận bảo vật quốc gia, là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt.

Tính đến hết tháng 4-2023, Chính phủ đã 11 lần ban hành quyết định công nhận bảo vật quốc gia cho tổng số 265 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó có 67 hiện vật thuộc về Phật giáo.

Những bảo vật quốc gia thuộc về Phật giáo, phân loại theo chất liệu bao gồm: 32 hiện vật, nhóm hiện vật bằng đá; 8 hiện vật bằng đồng; 24 hiện vật, nhóm hiện vật bằng gỗ; 1 hiện vật bằng vàng, 1 hiện vật bằng gốm, và một đôi tượng nhục thân. Phân loại theo loại hình của bảo vật, gồm: 30 tượng, bộ tượng; 12 bia đá; 6 chuông đồng, còn lại là các hiện vật thuộc loại hình khác. Trong số 30 tượng, bộ tượng của Phật giáo đã được công nhận bảo vật quốc gia, có 8 tượng Phật Thích Ca.

Tượng Phật Lợi Mỹ

Tượng Phật Lợi Mỹ với kích thước lớn, hoàn chỉnh với chiều cao 200cm, rộng 50cm và đường kính bệ là 41cm. Pho tượng gỗ nặng 100kg này được các chuyên gia Trường Viễn Đông Bác Cổ thời bấy giờ đánh giá cao về mặt giá trị, cũng như tính thẩm mỹ trong nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân Óc Eo những ngày đầu Tây lịch, cần nhanh chóng đưa về Bảo tàng Blanchard de la Brosse (tức Bảo tàng Lịch sử TP.HCM hiện nay) để bảo quản.

Tượng Phật gỗ là sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long, vừa phản ánh tính chất tiếp thu các luồng ảnh hưởng nghệ thuật mới, vừa bộc lộ những nét bản địa chân chất, bền vững trong sự sáng tạo đa dạng.

Tượng Phật Lợi Mỹ hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chi Minh được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 1426/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 1-10-2012.

Tượng Phật Bình Hòa

Đây là pho tượng Phật được tìm thấy tại Bình Hòa - Long An. Tượng Phật được chế tác bằng gỗ bằng lăng, kích thước cao 134cm; đường kính bệ 38cm, khối lượng 73kg. Phật trong tư thế đứng trên bệ hoa sen. Trên đỉnh đầu của tượng có nhục kế usnisa, tóc xoắn ốc. Thân tượng khoác áo choàng phủ vai trái. Tay trái nắm một phần áo, tay phải trong thế thủ ấn. Tuy nhiên, hiện trạng tượng bị mất mũi, thủng ngực.

Đây là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng trong văn hóa Óc Eo thế kỷ III - IV, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của một bảo vật quốc gia. Tượng Phật Bình Hòa được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, với số đăng ký: BTLS. 1618.

Tượng Phật Bình Hòa được được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 30-12-2013, công nhận 37 bảo vật quốc gia trong Đợt 2.

Tượng Phật Nhơn Thành

Tượng Phật Nhơn Thành được tạo tác từ chất liệu gỗ, kích thước: cao 56cm, vai rộng 9cm, ngang đầu 5,5cm, đường kính bệ 16cm. Tượng được xác định niên đại thế kỷ IV đến VI sau Tây lịch. Tượng Phật được tạc từ một khối gỗ màu nâu đen, đỉnh đầu có dấu vết usnisa, tóc tạo tác nhiều xoắn ốc (kiểu bụt ốc); mặt tượng hình trái xoan, tay đã bị nứt vỡ song vẫn giữ được nét thanh tú; chóp mũi cao, cằm tròn; cổ thuôn cao và hơi to, không cân đối với đầu và mặt; tay trái gãy mất đến vai, tay phải còn lại đến khuỷu với tư thế co lại và nâng lên ngang hông.

Nét đặc biệt, tượng có dáng đứng lệch hông mạnh về bên phải (tribhanga), chân phải trụ, chân trái khuỵu xuống, lộ rõ đầu gối, hai chân dang rộng bằng hông, nhìn thấy rõ bàn chân; đứng trên tòa sen hai tầng với các cánh hoa tả thực; lưng khoác cà-sa dài đến tận cổ chân.

Tượng Phật Nhơn Thành hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Cần Thơ, được Chính phủ công nhận là “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 25-12-2018 công nhận 22 bảo vật quốc gia trong Đợt 7.

Từ trái sang: 1. Tượng Phật Khánh Bình, 2. Tượng Phật Giồng Xoài, 3. Tượng Phật Đồng Dương, 4. Tượng Phật Bình Hòa, 5. Tượng Phật Lợi Mỹ

Từ trái sang: 1. Tượng Phật Khánh Bình, 2. Tượng Phật Giồng Xoài, 3. Tượng Phật Đồng Dương, 4. Tượng Phật Bình Hòa, 5. Tượng Phật Lợi Mỹ

Tượng Phật Sa Đéc

Tượng được tìm thấy tại Sa Đéc, Đồng Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Kích thước của tượng có chiều cao 268cm. Tượng Phật được tạc bằng gỗ sao, trong tư thế đứng trên bệ hoa sen hai tầng. Trên đỉnh đầu có dấu vết nhục kế usnisa, tóc xoắn ốc. Tượng khoác áo cà-sa dài xuống chân. Tượng được tìm thấy tại Sa Đéc - Tháp Mười.

Là một hiện vật độc bản với kích thước cao lớn, tượng được thể hiện với nét mềm mại, thanh thoát. Tượng đặc trưng cho nghệ thuật tạo hình Phật giáo bằng gỗ trong văn hóa Óc Eo ở vùng Nam Bộ. Tượng Phật Sa Đéc là hiện vật gốc độc bản, có hình thức độc đáo, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng Phật bằng gỗ trong văn hóa Óc Eo ở vùng Nam Bộ thời cổ đại. Tượng đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, với số đăng ký: BTLS.1615.

Tượng Phật Sa Đéc văn hóa Óc Eo, hiện đang được bảo tồn tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 2599/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 30-12-2013, công nhận 37 bảo vật quốc gia trong Đợt 2.

Tượng Phật Giồng Xoài

Bảo tàng tỉnh An Giang hiện đang lưu giữ 5 Bảo vật quốc gia. Trong đó, nổi bật là bức tượng Phật gỗ, có niên đại từ thế kỷ IV - VI, được phát hiện năm 1983, tại khu vực di tích Giồng Xoài. Tượng Phật bằng gỗ cao 270cm, khối lượng 94kg; được tạc trong tư thế đứng trên bệ hình trụ tròn, không có trang trí. Tay phải gãy đến vai, tay trái gãy mất bàn tay.

Tượng Phật gỗ Giồng Xoài là sản phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình nói chung và điêu khắc Nam Bộ nói riêng; là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật chế tác thủ công được hình thành và phát triển trong văn hóa Óc Eo. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Phật Giồng Xoài được làm bằng gỗ sao, thớ mịn, chắc... được chế tác theo mẫu quy chuẩn của tượng Phật giáo Theravada (có nguồn gốc từ Ấn Độ). Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (số đăng ký: BTAG 5613/G) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang, được xác định thuộc nền văn hóa Óc Eo, thế kỷ IV-VI. Tượng Phật gỗ Giồng Xoài được Chính phủ công nhận là “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 88/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 15-1-2020 công nhận 27 bảo vật quốc gia trong Đợt 8.

Tượng Phật Đồng Dương

Vào năm 1902, một nhóm nhà khoa học người Pháp đã tìm thấy ở Đồng Dương (Quảng Nam) một pho tượng Phật bằng đồng cao 95cm. Nghệ thuật điêu khắc của pho tượng thuộc trường phái Tích Lan, miền Nam Ấn Độ xưa. Các nhà khoa học Pháp đã xác định được niên đại của pho tượng khoảng thế kỷ thứ VII và đây chính là pho tượng Phật bằng đồng cổ nhất Việt Nam.

Ngay sau khi phát hiện, bảo tượng này được đưa về lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Năm 1954, tượng Đồng Dương theo chân những người di cư vào Nam, được lưu giữ tại Bảo tàng Sài Gòn. Ngày nay pho tượng Phật Đồng Dương chính là bảo vật quốc gia quan trọng số một của Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Tượng Phật Đồng Dương có trọng lượng 120kg, là tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu cho kỹ thuật đúc đồng tinh xảo kết hợp với nghệ thuật tạo hình do nền văn hóa Chăm-pa để lại. Tượng cao 119cm, chỗ rộng nhất 38cm, chỗ dày nhất 38cm, đứng trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh.

Tượng Phật Đồng Dương bằng đồng hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ công nhận “bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 1426/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký ngày 1-10-2012, công nhận 30 bảo vật quốc gia trong Đợt 1.

Tượng Phật Sơn Thọ - Trà Vinh

Tượng Phật Sơn Thọ do cư dân Phù Nam chế tác khoảng thế kỷ thứ VI - VII, được tìm thấy tại ngôi chùa cùng tên ở Trà Vinh. Tượng được tạo tác từ chất liệu đá sa thạch, với khối lượng 80 kg, kích thước: cao 59cm; rộng 25cm; dày 24cm. Sự hòa trộn của nhiều phong cách lẫn kỹ thuật tạo hình từ nhiều trường phái thể hiện sự tiếp thu các xu hướng nghệ thuật du nhập liên tục của các nghệ nhân bản địa, cho thấy được sự “phóng khoáng” trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa mới tích cực của cư dân bản địa - một đặc điểm của những cư dân trên vùng đất thương mại phát triển.

Hiện tượng Phật Sơn Thọ - Trà Vinh, niên đại thế kỷ VI – VII, được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, với số đăng ký: BTLS.5517. Tượng Phật Sơn Thọ được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 1821/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 24-12-2018, công nhận 22 bảo vật quốc gia trong Đợt 7.

Tượng Phật Khánh Bình

Tượng Phật Khánh Bình được tạo tác từ chất liệu đá sa thạch, thuộc nền văn hóa Óc Eo, niên đại thế kỷ VI - VII. Tượng hiện được bảo tồn tại Bảo tàng tỉnh An Giang. Tượng Phật đá Khánh Bình có kích thước cao 71,2cm, dày nhất ở bụng 12,1cm, trọng lượng 33.000gram. Tượng tròn được chế tác hoàn thiện, tạc từ một khối sa thạch lớn, liền khối, thể hiện toàn bộ các chi tiết từ đỉnh đầu xuống đến phần bệ và chốt tượng.

Tượng Phật đá Khánh Bình là một tác phẩm nghệ thuật rất hiếm hoi trong số tượng Phật thời kỳ văn hóa Óc Eo còn nguyên vẹn, độ hoàn thiện rất cao, tiêu biểu cho nghệ thuật tạc tượng đá của những nghệ nhân văn hóa Óc Eo. Tượng Phật đá Khánh Bình hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang, được Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” tại Quyết định số 88/QĐ-TTg, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 15-1-2020, công nhận 27 bảo vật quốc gia trong Đợt 8.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày